Có một dòng chảy dân ca trên cao nguyên đá
- Già làng trên hành trình cùng những nẻo dân ca
- Nghệ nhân giữ “lửa” dân ca Sán Chí
- Người nhạc sĩ đau đáu khúc dân ca
Bám rễ vào dân ca
Tôi nhớ nhạc sĩ Dân Huyền (nguyên Trưởng Phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam) từng chia sẻ: Dân ca của các cụ để lại là rất đẹp, rất quý, thế nhưng cuộc sống có những thay đổi, có những nhân tố mới cần phải tuyên truyền, ngợi ca thì không thể mãi dùng lời ca ấy được, đó là chưa kể đến việc nhiều lời ca đã không còn phù hợp với cuộc sống đương đại. Chính bởi suy nghĩ “tiến bộ” của người từng “cầm trịch” đơn vị phát sóng dân ca lớn nhất cả nước, mà sau đó đã có nhiều bài dân ca được đặt lời mới và các ca khúc mới ra đời mang đậm âm hưởng dân ca được giới thiệu trên làn sóng phát thanh.
Dân ca Nùng ở Hà Giang có nhiều nét khác biệt so với Lạng Sơn, Cao Bằng. |
Là nhạc sĩ thuộc thế hệ 7X, Đoàn Thu Trà đã kiên trì bám đuổi con đường ấy và lần này chị đã vận dụng thành công dân ca Mông vào ca khúc mới nhất của mình qua những giai điệu đẹp, dễ thuộc, dễ nhớ mang sắc thái, cá tính riêng. “Từ bé tôi đã biết đến dân ca Mông và sau này tôi may mắn được làm về các chương trình dân ca nhạc cổ, vì vậy mà tôi đã được thẩm thấu dân ca và vận dụng chất liệu dân ca các dân tộc nói chung và dân ca Mông nói riêng vào các sáng tác của mình. Tôi nghĩ đó cũng là cách để dân ca sống mãi trong đời sống đương đại” - nhạc sĩ Đoàn Thu Trà nhấn mạnh.
Sẽ là thiếu sót nếu nhắc đến những ca khúc về Hà Giang mà lại không nhắc đến cố nhạc sĩ Thanh Phúc với hai ca khúc tiêu biểu là “Người Mèo ơn Đảng” và “Hà Giang quê hương tôi”. Hai ca khúc của ông đã nói về sự đổi mới của Hà Giang khi đất nước bước vào giai đoạn khôi phục và xây dựng sau chiến tranh, vươn lên cùng sự phát triển chung của cả nước, qua đó động viên tinh thần cách mạng và tinh thần đổi mới, vươn lên của biết bao lớp người Hà Giang.
Còn nhớ trong lần đến tư gia thăm ông, nhạc sĩ Thanh Phúc đã khẳng định: “Một ca khúc muốn có sức sống lâu bền cùng thời gian thì nhất quyết phải bám rễ vào dân ca”. Có lẽ vì thế mà hai ca khúc nói trên ra đời đã mấy chục năm qua nhưng vẫn được người dân tộc Mông nói riêng và người Hà Giang nói chung yêu thích.
Ở ca khúc “Hà Giang quê mình” của nhạc sĩ Đoàn Thu Trà, phổ thơ Lại Quốc Tĩnh lại là sự khái quát về quá khứ, hiện tại và tương lai của Hà Giang, đó là ca ngợi quá khứ hào hùng của ông cha, là thể hiện được vẻ đẹp của Hà Giang hôm nay cùng niềm tự hào của những người con Hà Giang luôn hướng tới tương lai tươi sáng và truyền lại cho các thế hệ mai sau. Tất cả những hy sinh, những công lao của cha anh trong quá khứ được truyền đến hôm nay để có một Hà Giang khởi sắc từng ngày và phát triển rực rỡ về kinh tế, văn hóa, xã hội. Những điều tốt đẹp đó sẽ mãi được các thế hệ hôm nay, mai sau tiếp bước và giữ gìn.
Làm mới dân ca
Là người nhiều năm nghiên cứu dân ca, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, cũng giống như các tỉnh phía Bắc, Hà Giang là nơi tập trung nhiều dân tộc, mỗi dân tộc lại có một nền văn hóa khác nhau (được gọi là biểu trưng) thể hiện rõ nét qua âm nhạc. Ông cho biết, trong dân ca Mông có bài tiêu biểu “Lỡ duyên tình đầu”, đó là một khúc hát được hát, được kể chuyện trong trường ca “Khúc hát làm dâu”.
Khúc hát nói lên nỗi lòng của người con gái đi lấy chồng, không có tiết tấu sôi động, âm nhạc dàn trải trên lời thơ vì thế khiến người nghe có cảm giác là lối nói thơ, hát thơ, có thể nghe suốt ngày. Dân tộc Nùng có nhiều sắc tộc và mỗi sắc tộc lại có đặc điểm âm nhạc khác nhau nhưng tựu trung là hát Lượn và hát Sli, đó là hình thức hát giao duyên của người Nùng. Khác với Lượn của người Nùng Lạng Sơn, Cao Bằng, Lượn của người Nùng Hà Giang dễ nghe, có cảm giác như vào cõi mộng mị, huyền bí của tình yêu. Dân ca Mông thì tiết tấu không rõ rệt, có cái gì đó lạ lùng, giai điệu có nhiều bước nhảy quãng 8 .
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan. |
“Dân ca từ xưa bám vào cuộc đời, cuộc đời phát triển đến đâu thì dân ca phát triển đến đấy để đáp ứng nhu cầu của con người, người hát hôm nay khó có thể hát được lời hát cách đây 100 năm.
Ví dụ như hát Páo Dung (hát kể chuyện, hát trao duyên, hát trữ tình) của người Dao hay hát cày nương của dân tộc Lô Lô. Bây giờ, người Dao đã hát lời ca theo lối mới, giai điệu, lời hát phù hợp với cuộc sống hôm nay, dân ca Lô Lô cũng vậy, họ hát để mừng cuộc sống mới giàu đẹp, no ấm hơn: “Bò ơi gắng lên cày tiếp/ Ngô lúa sẽ gieo thêm nhiều/ Ngày mai lúa ngô đẹp lắm/ Cuộc sống ấm no yên lành/ Cuộc sống ấm no hạnh phúc”. Theo tôi, bên cạnh việc hát lối cổ thì hát lời mới cũng là một cách giữ gìn, bảo tồn dân ca mà chúng ta phải hướng đến”, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan nhấn mạnh.
Lan tỏa dân ca
Nhận thấy sự mai một của dân ca trong đời sống hôm nay, số người cao tuổi biết các làn điệu dân ca của dân tộc mình ngày càng ít, nhiều làn điệu bị thất truyền, chưa được ghi chép và phục dựng, Hà Giang đã có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong công tác truyền dạy dân ca cho lớp trẻ.
Theo ông Hùng Đại Kỳ, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Giang thì thời gian qua, bên cạnh việc mở những lớp đào tạo dân ca, cách chế tạo nhạc cụ cho các học viên; mở các câu lạc bộ dân ca của các dân tộc, Hà Giang đã thực hiện chương trình đưa nội dung giáo dục địa phương vào trường học thông qua đề tài “Nghiên cứu, biên soạn và tích hợp nội dung giáo dục địa phương cho học sinh các trường tiểu học và THCS tỉnh Hà Giang”. Cụ thể, các thầy, cô giáo Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang phối hợp với một số trường học để đưa dân ca vào giờ học văn học địa phương.
Dân ca Mông vẫn được người dân Hà Giang gìn giữ, tiếp nối. |
“Trong dân ca Lô Lô, giáo viên đã dạy các trích đoạn “Lễ tế trời đất”, trong đó các em được tìm hiểu nội dung trích đoạn với 3 phần: Lý giải truyền thuyết về nguồn gốc người Lô Lô từ bố trời, mẹ đất; sự sáng tạo trong lao động, sản xuất; trân trọng giá trị gia đình. Sau tìm hiểu nội dung là hoạt động thực hành trải nghiệm: Tìm hiểu về văn hóa Lô Lô, hát dân ca với thể thơ 5 chữ thấm đẫm giá trị nhân văn sâu sắc. Với chủ đề dân ca Mông, các giáo viên đã dạy trích đoạn “Ngọn nguồn”.
Sau phần tìm hiểu kiến thức, các em thực hiện hoạt động trải nghiệm với trò chơi đóng các con vật đi gọi mặt trời, mặt trăng; tìm hiểu văn hóa Mông qua trang phục, ẩm thực và hát dân ca. Sau mỗi tiết học, những lời dân ca thấm đẫm giá trị tinh thần không thể tách rời của mỗi thực thể văn hóa đã mang đến cho cô và trò những xúc cảm và tình yêu đối với mảnh đất, con người Hà Giang giản dị, chân thực, hồn nhiên, gần gũi”, ông Hùng Đại Kỳ nhấn mạnh.
Trực tiếp tham gia giảng dạy dân ca cho các em học sinh một số trường ở Đồng Văn, cô giáo Nguyễn Minh Nguyệt (Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang) chia sẻ: “Mối quan hệ giữa dân ca đối với thơ văn từ xưa đến nay là mối quan hệ biện chứng, bổ sung, tác động lẫn nhau cùng phát triển. Việc đưa phần lời của dân ca vào dạy trong các giờ văn học địa phương trên địa bàn huyện Đồng Văn đã mang lại những hiệu quả nhất định, góp phần tạo sự thay đổi nhận thức của những người làm công tác giáo dục về việc bảo tồn những giá trị truyền thống dân ca trong nhà trường hiện nay. Thông qua các giờ học và trải nghiệm, dân ca chính là chất liệu, phương tiện để hình thành tình yêu và ý thức trách nhiệm bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa của học sinh dân tộc Mông, Lô Lô và nhiều dân tộc khác”.
Là người nhiều năm nghiên cứu lễ hội cấp sắc của dân tộc Dao, nghệ nhân Lý Đại Thông cho biết, việc đưa dân ca dân tộc vào dạy trong nhà trường là hướng tiếp cận rất tốt để bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc Hà Giang. Dân ca là nền tảng để văn học viết tiếp thu và ngược lại, văn học viết làm cho những câu hát dân ca trở nên phong phú, đa dạng.
“Tất nhiên, chúng tôi hiểu rằng, để thế hệ trẻ hiểu và yêu thích dân ca của dân tộc mình là công việc lâu dài, cần làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ, kiên trì. Hy vọng đề tài này sẽ đến với các trường trên địa bàn tỉnh Hà Giang, để 19 dân tộc thiểu số sinh sống tại đây níu giữ được câu dân ca của dân tộc mình”, nghệ nhân Lý Đại Thông khẳng định.
“Cú hích” phát triển du lịch
Trên chặng đường rong ruổi tìm hiểu dân ca nơi đây, chúng tôi đã được nghe những tâm tư của các nghệ nhân hát then dân tộc Tày Nguyễn Thị Nhiệu, Nguyễn Đình Thoát, Nguyễn Thị Kỵ; nghệ nhân dân tộc Mông Thào Thị Máy, hay cô giáo mầm non dân tộc Lô Lô ở cao nguyên Sảng Pả A (huyện Mèo Vạc) Cam Thị Vân, một trong số không nhiều người ở thế hệ 9X có thể hát được dân ca của dân tộc mình. Họ đều lo ngại rồi đây dân ca dân tộc mình sẽ mai một, mất đi và khi đã “tuyệt chủng” thì thật khó lấy lại được.
Nhạc sĩ Đoàn Thu Trà trong chuyến sưu tầm, quảng bá dân ca Lô Lô. |
Ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc, dân ca được sử dụng trong những dịp lễ hội với hình thức hát xướng, hát giao duyên... có nhiều làn điệu, thể loại dân ca đặc sắc của các dân tộc, vừa có tính nghệ thuật vừa mang tính tín ngưỡng. Dân ca gắn liền với đời sống lao động, phong tục tập quán và nhất là gắn liền với đời sống tín ngưỡng của người dân.
Hà Giang với cột cờ Lũng Cú, với dinh thự Nhà Vương, với đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế và đặc biệt, gần đây là Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, đã mở ra tiềm năng du lịch rất lớn cho mảnh đất này. Bởi thế, việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển dân ca của các dân tộc thiểu số nơi đây sẽ là “cú hích” góp phần quan trọng trong việc thu hút khách du lịch đến với miền đất còn ẩn chứa nhiều thú vị này.