Cậu bé mù và kỷ lục châu Á
Dẫu là con một, nhưng Bùi Ngọc Thịnh (12 tuổi, trú ở phường Ninh Hiệp, TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) không chỉ bị mù lòa từ lúc chào đời, mà nghiệt ngã hơn khi sinh trưởng trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt: cả cha lẫn mẹ đều là… người mù! Giữa bộn bề khó khăn chật vật, họ vẫn vượt lên số phận, lạc quan yêu đời và tự mình mưu sinh lương thiện. Nghị lực sống và tình yêu âm nhạc đã giúp cậu bé đó vượt qua bóng tối, tỏa sáng bằng niềm tin. Câu chuyện tưởng chừng như cổ tích, nhưng lại hiện hữu giữa đời thường, khiến nhiều người phải cảm phục.
Một chuyện tình đầy cảm động
Tôi tìm về phố thị Ninh Hòa giữa buổi sáng tháng năm đầy nắng gió. Đã hẹn trước qua điện thoại, gia đình "thần đồng" âm nhạc tiếp tôi trong căn phòng nhỏ ở trụ sở Hội Người mù Ninh Hòa. Đó cũng là cơ sở sản xuất chổi và tăm tre do anh Bùi Văn Lộc - cha của Bùi Ngọc Thịnh đảm trách điều hành 30 nhân công khiếm thị.
Ở tuổi 43, gương mặt trầm tư và đậm chất hiền lành, anh Lộc nhớ lại những chuỗi ngày còn nhìn thấy màu sắc cuộc sống: "Tôi sinh trưởng ở phường Ninh Giang, TX Ninh Hòa. Hồi đó quê tôi còn nghèo lắm, cuộc sống người dân chỉ trông chờ mùa vụ ruộng vườn. Mẹ mất sớm, ba tôi cật lực lo toan mọi chuyện, nhưng ông vẫn chắt chiu dành dụm cho tôi đi học. Tiếc rằng mơ ước vào ngành sư phạm không thành hiện thực, khi tôi vấp phải số phận nghiệt ngã".
Ngừng một lát như để nỗi đau quá khứ lắng xuống, anh Lộc kể tiếp: "Năm đó, tôi đang học lớp 11 Trường THPT Trần Quý Cáp, TX Ninh Hòa, bỗng dưng những cơn đau đầu dữ dội ập đến, thị lực giảm dần, buộc tôi bỏ dở nhiều buổi học. Ba tôi bán hết số thóc thu hoạch được trong vụ hè thu, lấy tiền đưa tôi vào Nha Trang với hy vọng tìm ra nguyên nhân và cứu giúp tôi thoát khỏi những cơn đau như búa bổ.
Năm lần, bảy lượt đi khám từ phòng mạch riêng đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, nhưng lần nào ba tôi cũng nhận được cái lắc đầu đầy trắc ẩn. Ông ôm mớ thuốc bác sĩ chỉ định đưa về nhà, thúc nhắc tôi uống từng viên. Chẳng có cha mẹ nào không lo toan cho con, nhưng bác sĩ chẩn đoán tôi mắc bệnh thiên đầu thống, ảnh hưởng nghiêm trọng thần kinh thị giác và phải mù lòa vì teo gai thị, ba tôi túng quẫn đến mức bày lễ vật cầu khẩn bề trên cứu nạn. Nhưng rồi điều gì đến ắt phải đến, chỉ 5 năm sau, tôi không còn nhìn thấy gì nữa".
Nhiều ngày đêm anh Lộc sống trong cảm giác hụt hẫng, chán chường vì bóng tối bao vây. Mọi sinh hoạt đều trông chờ sự hỗ trợ của người thân, nên nhiều lần anh Lộc toan tính tìm đến lối thoát tiêu cực để trút bỏ gánh nặng đối cho cha. Giữa lúc anh đang quẫn trí, thì một đêm cuối tháng 10/1993, người bạn học phổ thông gõ cửa báo tin Hội Người mù Ninh Hòa vừa mới hình thành.
Chưa hiểu gì về tổ chức xã hội này, nhưng anh Lộc vẫn nhờ người chở đến tìm hiểu để giải tỏa nỗi buồn đang đè nặng tâm trí. Nào ngờ từ bữa đó anh Lộc lãng quên dự tính tiêu cực để tìm đến môi trường mới ở Hội Người mù Ninh Hòa với những người cùng cảnh ngộ. Chữ viết và con số tiếp thu khi còn học phổ thông chỉ còn lại trong tâm trí của Lộc bằng sự hồi tưởng, nên anh phải đi học lại từ lớp vỡ lòng bằng chữ Brai dành cho người khiếm thị. Lớp học do Phòng Lao động - Thương binh xã hội và Hội Người mù Ninh Hòa tổ chức xuyên suốt ba tháng.
Ngoài việc học chữ, người khiếm thị còn học nghề bó chổi, chẻ tăm tre và được hỗ trợ tiền ăn mỗi ngày 4.000 đồng. Nhờ những kiến thức xã hội tiếp thu khi chưa bị mù và cung cách giao tiếp nhỏ nhẹ, lưu loát, cá tính hiền lành, Lộc được bầu làm Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội Người mù Ninh Hòa và đảm nhiệm điều hành cơ sở sản xuất chổi, tăm tre với gần 30 người khiếm thị. Dù thu nhập không nhiều, nhưng bù lại là họ có một khoảng "sân riêng" để giao lưu, tâm sự và tự tin khi biết vượt lên số phận nghiệt ngã để sống lạc quan yêu đời bằng công sức của chính mình.
Trong số những người đến với cơ sở này có chị Lê Thị Thủy, kém anh Lộc 5 tuổi và là con gái một gia đình nông dân ở xã Ninh Bình. Bị mù bẩm sinh, nên chị Thủy rất muốn nghe anh Lộc kể lại những hình ảnh anh đã nhìn thấy trong cuộc sống đời thường khi chưa lâm bệnh. Lúc đầu chỉ là tình anh em, nhưng những chuyện kể giàu sức truyền cảm về chính cuộc đời mình của chàng trai giỏi văn đã đánh thức trái tim cô gái cùng chung số phận, và một tình yêu chân thành chớm nở. Khi nghe anh Lộc, chị Thủy bày tỏ ý định kết hôn, gia đình hai bên đều can ngăn vì nghĩ rằng họ sẽ vấp phải nhiều khó khăn trong quãng đời còn lại.
Bùi Ngọc Thịnh biểu diễn đàn. Ảnh: Hữu Toàn. |
Số phận nghiệt ngã của một cậu bé
Vượt qua lực cản gia đình và những lời đàm tiếu của nhiều người, "đôi uyên ương" khiếm thị đã đến với nhau và chung sống trong một căn phòng ở cơ sở sản xuất chổi, tăm tre của Hội Người mù Ninh Hòa. Những đêm nằm bên nhau, vợ chồng anh Lộc mong ước sớm có con ngoan hiền với đôi mắt sáng, để khi lớn lên con sẽ kể cho họ nghe những nét đẹp đời thường. Rồi ước mong cũng thành khi chị Thủy biết mình đã mang thai. Đứa con trai chào đời vào giữa tháng 4/2000 như thắp sáng niềm vui trong căn phòng nhỏ của đôi vợ chồng mù.
Vất vả lo toan cho cậu bé Bùi Ngọc Thịnh từng giọt sữa mua thêm bằng những đồng tiền công bó chổi, chẻ tăm tre, nhưng chẳng bao lâu niềm vui của vợ chồng anh Lộc bỗng chốc hóa thành nỗi buồn. Nhiều khi anh Lộc ngồi lặng lẽ bên hiên nhà trắng đêm, oán trách số phận nghiệt ngã không buông tha cho đứa con mơ ước. Mười tháng sau ngày chào đời, nhiều người phát hiện đôi mắt Thịnh đờ đẫn lạ thường và dường như cậu bé không hề nhìn thấy mọi vật.
Lo sợ điều chẳng lành nên vợ chồng anh Lộc vội vã bồng con vào Nha Trang. Đất dưới chân anh Lộc như sụp đổ khi bác sĩ nhãn khoa tiết lộ thông tin đầy ắp nỗi đau: cậu bé này đang đối mặt nguy cơ mù lòa. Trong tâm trạng rối bời, vợ chồng anh Lộc bồng con đến Hộp thư nhân đạo Đài Phát tranh - Truyền hình (PT-TH) Khánh Hòa theo lời mách bảo của nhiều người. Chia sẻ hoàn cảnh đáng thương đó, nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ hơn 64 triệu đồng.
Cầm số tiền góp nhặt từ những tấm lòng nhân ái, vợ chồng anh Lộc cùng người thân tiếp tục hành trình đi tìm ánh sáng đôi mắt cho đứa con trai. Dường như định mệnh đã an bài, nên nhiều bác sĩ giỏi trong các bệnh viện ở TP HCM và Viện Mắt Trung ương tại Hà Nội đều… “chào thua” trường hợp của Bùi Ngọc Thịnh, vì cậu bé đã bị mù bẩm sinh. Ôm con trở về trong nỗi tuyệt vọng khi số tiền các nhà hảo tâm ủng hộ mới sử dụng hơn 20 triệu đồng, vợ chồng anh Lộc chỉ "xin" thêm 20 triệu đồng nữa để mở sổ tiết kiệm cho cháu Thịnh, phần còn lại họ đề nghị Hộp thư truyền hình nhân đạo chia sẻ cho trẻ em nghèo mắc bệnh tim. Đáp lại nghĩa cử cao đẹp đó, năm 2003 Quỹ từ thiện xã hội tỉnh Khánh Hòa xây tặng cho họ ngôi nhà nhỏ ở đường Trịnh Phong, phường Ninh Hiệp, TX Ninh Hòa.
Tổ ấm gia đình của nghệ sĩ mù Bùi Ngọc Thịnh Ảnh : Hữu Toàn. |
Tài năng tỏa sáng bằng nghị lực và niềm tin
Từ khi mới biết đi, biết nói, suốt ngày đêm cậu bé mù chỉ quanh quẩn bên cha mẹ, vì chẳng có đứa trẻ nào đến làm bạn. Khi Thịnh hơn 3 tuổi, được cha mẹ đưa đi nghe Chương trình văn nghệ do Hội Người mù Ninh Hòa biễu diễn. Ngồi ở một góc phòng, cậu bé cảm nhận từng tiết mục ca nhạc và dùng tay gõ lên bàn gỗ theo nhịp trống xập xình. Vài hôm sau, bỗng dưng Thịnh xuất chiêu độc diễn âm nhạc khi "đàn" bằng mồm, gõ "trống" bằng bát đũa theo tiếng hát của mẹ, rồi chuyển sang mày mò bộ trống lỗi thời của Hội Người mù Ninh Hòa để tìm lại những âm điệu đã nghe từ sân khấu ca nhạc và những chiếc đĩa CD.
Tình cờ một lần đến thăm, ông Lê Hồng Thiên - một tay đờn ca tài tử ở xã Ninh Phụng có nghệ danh Xuân Hoài đã phát hiện năng khiếu âm nhạc của cậu bé Thịnh, nên gợi ý vợ chồng anh Lộc cho cháu đến với bộ môn nghệ thuật này. Thương con, anh Lộc cất công dò hỏi nhiều nơi, nhưng tới đâu cũng từ chối vì học viên là cậu bé mù. Đáp lại sự kiên trì của anh Lộc, một nghệ sĩ ở phường Ninh Hiệp đã nhận dạy trống cho Thịnh. Và điều bất ngờ chỉ trong một ngày Thịnh đã biểu diễn thành thạo ba điệu trống, khiến thầy Tâm cũng phải thốt lên: "Không ngờ cậu bé này nhanh nhạy, thông minh đến lạ thường". Khi thầy Tâm hết giáo án, Thịnh tiếp tục bám xe ôm đến xã Ninh Phú, Ninh Đông lần lượt học những điệu trống khác ở nhà thầy Vân, thầy Quang, và bao giờ cậu bé cũng rút ngắn thời gian bằng trí thông minh, sáng tạo.
Cùng thời điểm này, chuyên mục đờn ca tài tử của Đài PT-TH Khánh Hòa đã cuốn hút cậu bé mù nghĩ tới chuyện khám phá các loại nhạc cụ khác trong thế giới âm nhạc. Mỗi ngày, Thịnh bám xe ôm người hàng xóm đến nhà ông Lê Hồng Thiên để học ghi ta cổ. Anh Lộc nhớ lại: "Mặc dù có tố chất thông minh, tiếp thu tốt các tiết tấu, thanh âm, nhưng do bị mù, Thịnh phải mò mẫm từng dây đàn nên những ngày đầu mới đi học, các ngón tay tứa máu, nhưng cháu bảo rằng, phải vượt qua khó nhọc mới đến cái đích của đam mê".
Nếu như năm 2005, Bùi Ngọc Thịnh chỉ đoạt giải thưởng giọng hát hay của Đài PT-TH Khánh Hòa, thì tại Liên hoan Tiếng hát từ trái tim của Hội Người mù Việt Nam 2006, cậu bé đã đoạt 2 huy chương Vàng và Bạc. Năm 2011, Bùi Ngọc Thịnh được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập và trao bằng kỷ lục Việt Nam. Năm nay, Bùi Ngọc Thịnh đã được tổ chức kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục và sẽ trao bằng chứng nhận vào ngày 26/5/2012 tại khách sạn Rex, TP HCM. |
Thế rồi, Thịnh như con ong cần mẫn đi tìm mật ngọt cho đời, ngoài thời gian ở lớp học, đêm nào về nhà Thịnh cũng ôm đàn tập. Những nốt nhạc du dương trầm bổng, khiến người nghe phải cảm nhận khát vọng sâu xa của cậu bé mù muốn vượt qua bóng tối bằng niềm đam mê, nghị lực và niềm tin. Sau một thời gian ngắn, Thịnh không chỉ chơi đàn ghi ta cổ sành điệu, mà còn thuyết phục nhiều người bằng kỹ năng âm nhạc thiên phú với đàn sến, đàn cò, đàn tranh, đàn kìm, organ. Đến nay, Thịnh có đủ khả năng trình diễn các điệu trống và đàn.
Thật bất ngờ khi Thịnh bày tỏ với tôi bằng cảm nhận của một người lớn: "Ngoài những gì đã học được, cháu không biết trong thế giới âm nhạc còn có những điệu trống, điệu đàn nào khác để cháu có thể tìm tòi, khám phá và sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn của mình với mọi người". Ý thức đó đã giúp cậu bé mù trở thành "thần đồng" âm nhạc. Bùi Ngọc Thịnh không chỉ biễu diễn thành thạo 7 loại nhạc cụ: đàn ghi ta cổ, đàn sến, đàn cò, đàn organ, đàn tranh, đàn kìm và trống, mà cậu bé mù đã sáng tác 3 nhạc phẩm. Trong đó "Cho ta" được coi là bài hát đậm chất nhân văn với những ca từ “Cha mẹ sinh ra ta, cho ta cả cuộc đời/ Bầu trời xanh bao la, không phủ kín tình cha/ Biển rộng xanh mênh mông, không đong đầy tình mẹ… Công ơn cha với mẹ, suốt đời ta không quên”.
Chợt nhớ, nhà văn Đan Mạch - Chiristan Andersen từng nói: "Mỗi đời người là một câu chuyện thần tiên được viết nên bởi bàn tay của tạo hóa". Tạo hóa không mang lại ánh sáng đôi mắt Bùi Ngọc Thịnh, nhưng đã giúp cho cậu bé mù viết nên một câu chuyện thần tiên về chính cuộc đời mình bằng những kỳ tích độc đáo.