Bí kíp võ công hay giấc mộng giang hồ của nhà văn Kim Dung

Thứ Bảy, 11/05/2019, 08:50
Những ai yêu mến tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung đều không thể quên cách ông miêu tả những bí kíp võ công như "võ lâm chí bảo", miếng mồi vô cùng hấp dẫn, là mục tiêu tranh đoạt của giới võ lâm để thỏa mãn giấc mơ "bá chủ thiên hạ".

Nổi bật trong số bí kíp ấy là "Vũ Mục di thư" giấu trong Đồ Long đao và "Cửu âm chân kinh" giấu trong Ỷ Thiên kiếm. Thực hư những bí kíp ấy như thế nào?

"Vũ Mục di thư" hay “Nhạc gia quyền phố”?

Theo Kim Dung, trong các tác phẩm Xạ điêu anh hùng truyện, Tiếu ngạo giang hồ…, "Vũ Mục di thư" là bộ binh pháp kỳ thư của danh tướng Nhạc Phi đời Tống. Bí kíp này dạy đủ các phương pháp định mưu, xét việc, tấn công, phòng thủ, luyện quân, khiển tướng, lập trận, thế động-tĩnh-an-nguy, thuật dùng chính xuất kỳ…

Tượng Nhạc Phi - thủy tổ Nhạc gia quyền.

Sau khi Nhạc Phi bị hãm hại, "Vũ Mục di thư" được giấu dưới thạch động Thủy Liêm ở phía đông Thúy Hàn Đường của kinh đô Lâm An. Kim chúa là Hoàn Nhan Hồng Liệt muốn đoạt sách này để tiêu diệt cả quân Tống và Mông Cổ nên nhờ cha con Âu Dương Phong cùng các cao thủ Bành Liên Hổ, Sa Thông Thiên đến thạch động nhưng không ngờ sách đã bị bang chủ Thiết Chưởng bang là Thượng Quan Kiếm Nam trộm về giấu trong thánh địa ở đỉnh Thiết Chưởng.

Tại đây, Quách Tĩnh cũng vì bảo vệ cuốn binh thư mà giao đấu với Âu Dương Phong và bị trọng thương. Về sau, Quách Tĩnh và Hoàng Dung tại Ngưu Gia Thôn tình cờ phát hiện họa đồ nơi giấu binh thư bèn lên đỉnh Thiết Chưởng lấy về được.

Nhờ bộ binh thư này mà Quách Tĩnh khi theo Thành Cát Tư Hãn tây chinh đã luyện quân theo bát trận trong sách là Thiên phúc, Địa tải, Phong dương, Vân thùy, Long phi, Hổ dực, Phụng tường và Xà bàn, tiêu diệt nước Hoa Thích Tử Mộ lập đại công. Về sau Quách Tĩnh bỏ Mông Cổ về với nhà Tống.

Khi thành Tương Dương bị phá, vợ chồng Quách Tĩnh quyết tử bèn giấu "Vũ Mục di thư" trong Đồ Long đao còn "Cửu âm chân kinh" và "Hàng long thập bát chưởng chưởng pháp tinh nghĩa" giấu trong Ỷ Thiên kiếm.

Sau Chu Chỉ Nhược tại đảo Linh Xà lấy được đao và kiếm chém vào nhau mà lấy được "Vũ Mục di thư", rồi Triệu Mẫn lại lấy được sách này truyền cho giáo chủ Minh giáo Trương Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ không màng thế sự nên giao "Vũ Mục di thư" cho Từ Đạt là bộ tướng của Chu Nguyên Chương. Nhờ đó mà góp phần gom thiên hạ về một mối, lập nên triều Minh.

Nhưng trong các sách sử từ đời Tống về sau cũng như binh thư các đời đều không có ghi chép gì về "Vũ Mục di thư" cả, nên người ta có lý do để nói rằng bộ binh thư trên là thuần túy hư cấu của Kim Dung.

Theo chính sử, Nhạc Phi (1103-1142), tự là Bằng Cử, người ở Tương Châu, Hà Bắc, tinh thông binh pháp, giỏi võ nghệ. Ông là người trung can tiết liệt, dũng cảm chiến đấu chống quân Kim của tộc Nữ Chân, chỉ huy đánh 126 trận đều thắng cả, được xưng là "Thường Thắng tướng quân".

Kiếm pháp Nhạc gia.

Nhưng về sau vì gian thần Tần Cối hãm hại, lại thêm vua Tống Cao Tông Triệu Cấu ươn hèn, đem lòng nghi kỵ, trong một ngày phát liên tiếp 12 đạo kim bài buộc Nhạc Phi phải rút quân, sau đó khép ông vào tội "Mạc tu hữu" (không cần chứng minh có tội), sát hại ông cùng với con trưởng Nhạc Vân. Đến năm Thuần Hy thứ 6 đời Tống Hiếu Tông (1169), án Nhạc Phi được rửa, năm Gia Định thứ 4 đời Tống Ninh Tông (1211), Nhạc Phi được truy phong là Ngạc Vương. Vì thế hậu nhân gọi ông là "Nhạc Vũ Mục" hay "Nhạc Vương".

Nhạc Phi tài kiêm văn võ, để lại "Vũ Mục di văn" hay "Nhạc Trung Vũ Vương văn tập" với những áng thơ, từ, được coi là "thiên cổ tuyệt xướng". Ông được thờ là thủy tổ của "Nhạc gia quyền", nhưng việc ông có viết một bộ binh thư nào không là vấn đề vẫn còn chưa ngã ngũ.

Theo "Nhạc thị tông phổ" và những nghiên cứu của nhà văn, nhà "Nhạc Phi học" nổi tiếng Châu Cù Nhai thì "Vũ Mục di thư" mà Kim Dung nói đến chính là bộ quyền phổ "Nhạc gia quyền phổ" dạy môn võ công do Nhạc Phi truyền lại đã 800 năm qua được lưu giữ ở Hoàng Mai, tỉnh Hồ Bắc.

Nhạc gia quyền là môn quyền pháp do Nhạc Phi sáng chế và truyền dạy trong đội xung kích chủ lực của quân Tống gọi là "Nhạc gia binh". Do xuất phát từ thực tế chiến trận đương thời, loại quyền này có đặc điểm là đòn đánh ngắn, hiểm, tính xung sát mạnh, hiệu quả chiến đấu rất cao.

Sau khi giết Nhạc Phi, Tần Cối ngầm ra lệnh truy sát con cháu nhà họ Nhạc, hai người con thứ tư, thứ năm là Nhạc Chấn và Nhạc Đình đổi thành họ Ngạc trốn về Nhiếp Gia Loan ở huyện Hoàng Mai, ngày đêm khổ luyện Nhạc gia quyền chờ ngày báo thù.

Hậu duệ của Trương Bảo - bộ tướng của Nhạc Phi cũng chạy về vùng Vũ Huyệt thề nguyền đời đời tập luyện Nhạc gia quyền. Đến năm Thiệu Hưng thứ 32 (1162), Tống Hiếu Tông xóa oan án của Nhạc Phi, cho con cháu họ Nhạc đời đời được hưởng ân sủng triều đình.

Vùng Hoàng Mai trở thành miền đất võ Nhạc gia quyền của Trung Quốc. Theo khảo sát trong "Hoàng Mai huyện chí" thì từ đời Tống đến năm Quang Tự đời Thanh, trong hơn 600 năm, tại Hoàng Mai có đến hơn 300 tiến sĩ võ, cử nhân võ. Các tiến sĩ võ nổi tiếng đời Minh, Thanh như Lý Cam Lai, Nhiêu Vũ Trung, Trương Tuấn Căn… đều thành danh từ Nhạc gia quyền. Hiện nay ở đây cũng có hơn 200 vị võ sư Nhạc gia quyền.

Quyền pháp Nhạc gia.

Hậu duệ của Nhạc Phi hiện đã truyền đến đời thứ 31, phân bố tại nhiều tỉnh thành. Truyền nhân Nhạc gia quyền nổi tiếng nhất hiện nay ở Hoàng Mai là võ sư Nhạc Tiến, hậu duệ đời thứ 27 của Nhạc Phi.

Ông từ nhỏ đã được chân truyền võ công, năm 1986 tại Đại hội võ thuật dân gian toàn Trung Quốc, Nhạc Tiến sử dụng Nhạc gia quyền trấn áp quần hùng, vinh dự đoạt huy chương vàng. Năm 1987, Nhạc Tiến đã hiến tặng bản thảo cổ "Nhạc gia quyền phổ" từ năm Hàm Phong, đời Thanh cho Nhà nước Trung Quốc và được tặng thưởng 300 nhân dân tệ.

"Nhạc gia quyền phổ" dạy về quyền và binh khí. Ngoài 10 bài quyền chính và thương, đao, kiếm, côn, còn có các phần quyền luận, thuật vận khí, thuật điểm huyệt, giải huyệt, cứu thương, trật đả… nội dung rất phong phú, tính thực dụng cao.

Ai viết “Cửu âm chân kinh”?

Trong "Xạ điêu anh hùng truyện" (bản mới sửa), Kim Dung mượn lời Châu Bá Thông nói rằng bí kíp Cửu âm chân kinh là do cao nhân Hoàng Thường viết, biến võ học Phật gia thành võ học Đạo gia. Theo đó, hoàng đế Tống Huy Tông hạ chiếu tập hợp tất cả di thư của Đạo gia trong thiên hạ để khắc in thành bộ "Vạn Thọ Đạo Tạng", tổng cộng có 5481 quyển.

Hoàng Thường là văn quan phụ trách trông coi việc khắc in, vì sợ khắc lầm chữ sẽ bị tội khi quân nên ông dồn hết tâm lực để đối chiếu cẩn thận từng câu từng chữ. Không ngờ, dần dần  Hoàng Thường trở nên tinh thông Đạo học, ngộ ra được tầng sâu của võ công. Ông theo đó tu luyện cả nội công, ngoại công, trở thành cao thủ.

Về sau Huy Tông phái Hoàng Thường đem binh đi tiêu diệt Ma giáo (Minh giáo), Hoàng Thường đánh chết mấy vị pháp vương, sứ giả nhưng thân mang trọng thương phải trốn về vùng Bất Mao, cha mẹ vợ con đều bị giết sạch.

Ở nơi hoang sơn, Hoàng Thường nhớ lại những chiêu thức võ công của các địch thủ để tìm cách phá giải. Khi đã triệt ngộ muốn hạ sơn báo thù thì đã hơn 40 năm, kẻ thù xưa đã qua đời hết. Hoàng Thường bèn đem những công phu thượng thừa viết thành bộ "Cửu âm chân kinh". Tại "Hoa Sơn luận kiếm", trong "võ lâm ngũ bá", "Trung thần thông" Vương Trùng Dương chiến thắng, được giữ bí kíp này, trước khi chết trao cho Châu Bá Thông.

Đệ tử của Hoàng Dược Sư là Mai Siêu Phong và Trần Huyền Phong học được phần sau của "Cửu âm chân kinh", do không hiểu Đạo học nên luyện thành các độc môn "Cửu âm Bạch cốt trảo" và "Thôi tâm chưởng" gây sóng gió trên giang hồ.

Về sau Châu Bá Thông truyền "Cửu âm chân kinh" cho Quách Tĩnh. Hoàng Dung khi biết thành Tương Dương không thể giữ nổi với quân Mông, bèn đem "Võ Mục di thư" được giấu trong Đồ Long đao, còn "Cửu âm chân kinh" và "Hàng long thập bát chưởng chưởng pháp tinh nghĩa" giấu trong Ỷ Thiên kiếm.

Ỷ Thiên kiếm được truyền cho chưởng môn Nga My là Quách Tương, rồi Diệt Tuyệt sư thái và cuối cùng vào tay Chu Chỉ Nhược. Sau Chu Chỉ Nhược bị Huyền Minh nhị lão đả thương, Triệu Mẫn lấy được binh thư và bí kíp võ công trong đao và kiếm. Cuối cùng, Cửu âm chân kinh về tay Giáo chủ Minh giáo Trương Vô Kỵ…

Hoàng Thường trong lịch sử

Theo "Tống sử", Hoàng Thường (khoảng 1043-1130) tự là Miễn Trọng, tên khác là Đạo Phu, hiệu Diễn Sơn, người Diên Bình (nay là Nam Bình, Phúc Kiến). Đậu tiến sĩ đệ nhất năm Nguyên Phong thứ 5 đời Tống Thần Tông (1072), làm quan đến chức Đoan Minh điện Đại học sĩ, Lễ bộ Thượng thư.

Hoàng Thường - tác giả của "Cửu âm chân kinh".

Ông ham thích đạo thuật, tự hiệu là "Tử Huyền Ông", được vua Tống Huy Tông ủy thác phụ trách việc khắc in bộ "Chính Hòa Vạn Thọ Đạo Tạng" - bộ đại thành của Đạo giáo Trung Hoa.

Việc khắc in này kéo dài trong 8 năm (1111-1118). Hoàng Thường sau khi qua đời được truy tặng hàm Thái phó. Hoàng Thường giỏi về thi, từ, "thơ văn tiêu sái, ngôn từ diễm lệ, như xuân thủy bích ngọc, khiến người ta mê say, thưởng thức không biết chán". Các trước tác nổi tiếng có Diễn Sơn từ, Diễn Sơn tiên sinh văn tập; tác phẩm tiêu biểu có Vĩnh ngộ lạc, Mãi hoa thanh…

Như vậy, từ “Tống sử" nếu tính theo Kim Dung thì Hoàng Thường khi được vua ủy thác trông coi khắc in "Vạn Thọ Đạo Tạng" cũng đã khoảng 70 tuổi, ngộ võ công là khoảng 80 tuổi, lại thêm hơn 40 năm nữa nghiên cứu võ học để viết thành "Cửu âm chân kinh"? Nhưng tiểu thuyết là tiểu thuyết, còn lịch sử là lịch sử.

Ngày 20-4-2010, tại núi Oa Hình, thôn Hoàng Phường, xã Hứa Phường, huyện Sùng Nhân, tỉnh Giang Tây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một ngôi cổ mộ. Căn cứ vào việc phục dựng bia mộ đã hư hoại cùng các cổ vật thu nhặt, chủ nhân ngôi mộ được xác định chính là Hoàng Thường - nhà chính trị, triết học, văn học nổi tiếng đời Tống.

Ông Dương Dược Hùng, chủ nhiệm Văn phòng điều tra - tìm kiếm văn vật lần thứ 3 huyện Sùng Nhân, tỉnh Giang Tây, người trực tiếp khảo sát khu mộ Hoàng Thường, cho rằng: Căn cứ vào những tư liệu, sử liệu, ông khẳng định bộ "Cửu âm chân kinh" là có thật và tác giả chính là Hoàng Thường.

Hoàng Thường ở đời Bắc Tống, trong giai đoạn chống quân Kim, Liêu, vì thế việc luyện tập võ nghệ là rất phổ biến. Hoàng Thường là quan chức cao cấp trong triều, từng phụ trách khắc in bộ "Đạo Tạng, lại có cơ hội tiếp xúc nhiều với các tướng lĩnh, nhân sĩ có võ công cao cường. Như vậy, việc tập hợp các chiêu thức võ công tâm đắc biên soạn thành bí kíp là điều dễ hiểu.

Hàn Phong
.
.
.