BRICS tăng cường vai trò và tầm ảnh hưởng

Thứ Năm, 07/09/2017, 11:19
Với chủ đề “Tăng cường đối tác vì một tương lai tươi sáng”, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) diễn ra từ ngày 3 đến 5-9 tại thành phố Hạ Môn, Trung Quốc năm nay ngoài 5 nước thành viên, nước chủ nhà đưa ra cơ chế đối thoại với các nước đang phát triển khi mời thêm 5 đại diện là các nước Ai Cập, Mexico, Guinea, Tajikistan và Thái Lan.

Với Bắc Kinh, cơ chế BRICS + sẽ thúc đẩy hợp tác giữa BRICS với các nước đang phát triển, xem đây như một bước chuẩn bị cho việc mở rộng nhóm trong tương lai gần nhằm tăng cường vai trò và tầm ảnh hưởng của BRICS trên trường quốc tế, trong đó Trung Quốc sẽ đóng vai trò chủ đạo.

10 năm phát triển cơ chế BRICS

Từ khi cơ chế BRICS được thiết lập năm 2006, dưới sự nỗ lực chung của 5 nước thành viên, thành quả hợp tác đạt được to lớn, hiện nay đã vượt qua phạm trù kinh tế thương mại, trở thành một diễn đàn quan trọng trong quản trị toàn cầu.

Cơ chế hợp tác BRICS đã trải qua giai đoạn từ không đến có, từ ảo đến thực, tầm ảnh hưởng của nó đã vượt qua dự liệu của mọi người. Nhưng cùng với việc cơ chế hợp tác BRICS không ngừng hoàn thiện là trình độ phát triển kinh tế của các nước BRICS không ngừng nâng lên. BRICS là một cơ chế hợp tác sáng tạo không kết đồng minh, đã thích ứng với thời cơ phát triển của lịch sử, phù hợp với nhu cầu khách quan của các nước BRICS.

Trên cơ sở hợp tác kinh tế thương mại, 5 nước thông qua cơ chế đối thoại hợp tác toàn diện, cùng lên tiếng về các vấn đề lớn ở khu vực và quốc tế, trở thành diễn đàn quan trọng để các nền kinh tế mới nổi tham gia quản trị toàn cầu.

Ngày 18-4-2017, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Lưu Kết Nhất thay mặt các nước BRICS đưa ra phát ngôn chung tại “Hội nghị thảo luận cấp cao về vấn đề huy động vốn vì mục tiêu phát triển bền vững” ở Đại Hội đồng LHQ, đánh dấu việc các nước BRICS lần đầu tiên có phát ngôn chung ở LHQ về các vấn đề quốc tế lớn.

Các nhà lãnh đạo chủ chốt của BRICS.

Hiện nay, cơ chế hợp tác BRICS đã nâng lên từ hợp tác thương mại thực tế giữa các nước đến hợp tác vốn tài chính cấp cao hơn. Năm 2011, các nước BRICS đã thành lập Liên minh hợp tác Sở giao dịch chứng khoán các nước BRICS tại Nam Phi. Năm 2012 các nước BRICS ký kết thỏa thuận thanh toán bằng đồng nội tệ. Năm 2014 Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của BRICS chính thức được thành lập ở Thượng Hải.

Năm 2015 “Hiệp định sắp xếp Quỹ dự phòng khẩn cấp các nước BRICS” chính thức có hiệu lực. Năm 2016 NDB của BRICS lần đầu tiên phê chuẩn phát hành trái phiếu xanh bằng đồng nhân dân tệ trên thị trường trái phiếu liên ngân hàng của Trung Quốc.

Năm 2017 Trung tâm khu vực châu Phi của NDB được thành lập ở Nam Phi. Tuy giữa các nước khác nhau tồn tại một số bất đồng, nhưng lợi ích cơ bản của các nước BRICS là giống nhau.

Ảnh hưởng của BRICS trong tương lai

Năm 2017, Trung Quốc đưa ra khái niệm “BRICS+”, tuân thủ nguyên tắc toàn cầu hóa, kết nạp thêm nhiều hơn các nước đang phát triển quan trọng và có tiềm lực kinh tế. Hiện nay, sự đóng góp của các nước BRICS đối với kinh tế toàn cầu tuy đã vượt trên 50%, nhưng quyền phát ngôn trên toàn cầu lại rất hạn chế, chỉ được hưởng 13% quyền bỏ phiếu ở Ngân hàng Thế giới (WB) và 15% quyền bỏ phiếu ở Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trong tương lai, cùng với việc các nước đang phát triển trỗi dậy mang tính tập thể hơn nữa, sự mất cân bằng này sẽ ngày càng nổi bật. Muốn phá vỡ cục diện bế tắc này, các nước đang phát triển cần phải đoàn kết hơn nữa. Đặc biệt là trong tình hình kinh tế toàn cầu phức tạp hiện nay, các nước đang phát triển muốn tiếp tục phát triển không thể lại trông đợi duy nhất vào sự đóng góp của các nước phát triển, mà cần phải hình thành một cơ chế hỗ trợ hợp tác hoàn thiện trong nội bộ của chính họ. Đúng trong bối cảnh này, khái niệm “BRICS+” nhận được sự hoan nghênh và mong đợi của nhiều nước đang phát triển.

Về hình thức cụ thể, cơ chế hợp tác BRICS cũng sẽ được chuẩn mực hóa và nâng cấp hơn. Hội nghị Bộ trưởng kinh tế thương mại của các nước BRICS lần thứ VII diễn ra trong 2 ngày 1 và 2/8 đã phê chuẩn “Cương lĩnh hợp tác thuận lợi hóa đầu tư của các nước BRICS”, tiến hành quy phạm và phối hợp hoạt động đầu tư giữa các nước BRICS, nâng cơ chế hợp tác của BRICS lên mức độ hoàn toàn mới chưa từng có.

Việc Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo Trung Quốc sẽ dành 500 triệu nhân dân tệ (76 triệu USD) cho hợp tác kinh tế và công nghệ, cũng như các trao đổi giữa các nước thành viên BRICS tại hội nghị lần này là minh chứng cụ thể.

Sự đóng góp của Trung Quốc

Ngày nay, các nước BRICS đã từ khái niệm đầu tư đơn thuần trở thành cơ chế hợp tác quan trọng của các nước đang phát triển, ngoài ra, cũng là lực lượng kinh tế và lực lượng chính trị quan trọng trên vũ đài quốc tế. Còn Trung Quốc chắc chắn là nước đứng đầu trong các nước BRICS.

Năm nay, với tư cách là nước chủ tịch luân phiên của BRICS, Trung Quốc đã nỗ lực đề xướng triển khai giao lưu nhân dân, thúc đẩy cơ chế hợp tác các nước BRICS bước lên tầm cao mới trong sự “thúc đẩy 3 vòng” an ninh chính trị, hợp tác kinh tế, giao lưu nhân dân. Đặc biệt là mô hình “BRICS+” do Trung Quốc đề xướng chắc chắn sẽ thúc đẩy hơn nữa việc cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu, nâng cao toàn diện tính đại diện và tầm ảnh hưởng của cơ chế BRICS.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.
.