Áp thuế trả đũa Trung-Mỹ có hiệu lực

Thứ Ba, 10/07/2018, 14:27
Ngày 6-7, các biện pháp áp thuế trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực. Nếu như không có bước đột phá nào, một cuộc chiến thương mại với nhiều rủi ro có thể nhanh chóng leo thang, đẩy thế giới vốn đang trong giai đoạn phục hồi chưa ổn định sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, rơi vào tình trạng khốn đốn trở lại.

Ăn miếng trả miếng

Tháng 6-2018, Nhà Trắng đã công bố kế hoạch đánh thuế 25% vào khoảng 1.100 sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc với trị giá 50 tỷ USD mỗi năm. Trên thực tế, kế hoạch này lần đầu tiên  được công bố vào tháng 4-2018 và bắt đầu với 1.333 sản phẩm của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận phản ứng từ dư luận, chính quyền đã giảm bớt 515 sản phẩm nhập khẩu khỏi danh sách đen và thêm vào 284 sản phẩm khác.

Ngày 6-7, chính quyền Mỹ chính thức hiện thực hóa tuyên bố trên bằng việc bắt đầu đánh thuế lên 818 mặt hàng của Trung Quốc trong bảng danh sách đầu tiên với giá trị 34 tỷ USD mỗi năm nhưng sẽ chưa đánh thuế đối với 284 sản phẩm được thêm vào sau đó với giá trị 16 tỷ USD để cân nhắc thêm các phản ứng của dự luận.

Trung Quốc đã cảnh báo không nhượng bộ trước áp lực của chính quyền Trump. Với tuyên bố không “khơi mào” chiến tranh trước, nhưng nếu Mỹ bắt đầu đánh thuế lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 6-7, Bắc Kinh cũng đồng thời áp thuế 25% đối với 545 mặt hàng của Mỹ trị giá 34 tỷ USD mỗi năm - từ đậu tương và tôm hùm cho đến các loại xe bốn bánh, trị giá 16 tỷ USD/năm.

Danh sách "đen" mà Bắc Kinh trừng phạt Mỹ giáng một đòn mạnh vào ngành nông nghiệp. Đây không phải là điều ngẫu nhiên. Bắc Kinh muốn gây thiệt hại nặng nề cho các nông dân Mỹ, những người đã ủng hộ ông Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 và các thành viên Quốc hội cũng như các nhà vận động hành lang đầy quyền lực là những người đại diện lợi ích của họ.

Về phần mình, Washington chưa dừng lại ở đó. Sau quyết định trên, ông chủ Nhà Trắng vẫn yêu cầu đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer xác nhận thêm một khoản thuế 10% vào các mặt hàng của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Theo ông Trump, hình phạt này sẽ có hiệu lực nếu Bắc Kinh không thay đổi các hoạt động thương mại của mình và đưa ra các các mức thuế trả đũa.

Tác động chưa lường hết

Loạt “đạn thuế” đầu tiên có thể sẽ gây ít tổn hại cho Mỹ, Trung Quốc hay nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên nếu leo thang, tác động sẽ không thể lường hết. Giới phân tích cảnh báo rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện, đặc biệt nếu kéo dài hơn một năm, có thể sẽ khiến nền kinh tế Mỹ trì trệ. Với việc phá hủy dây chuyền cung ứng, xói mòn niềm tin thương mại và gia tăng sự hoài nghi, một cuộc chiến thương mại có thể “đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái nghiêm trọng” và gây nguy hiểm cho sự phát triển kinh tế của Mỹ.

Thậm chí, giới phân tích cho rằng việc Mỹ áp đặt các biện pháp thuế quan sẽ không gây thiệt hại cho Trung Quốc lớn bằng những tổn thất phải gánh chịu. Thứ nhất, việc áp đặt thuế lên các mặt hàng nhập khẩu và dịch vụ từ Trung Quốc đồng nghĩa với việc đánh thuế cao vào người tiêu dùng Mỹ. Nếu thay đổi theo hướng giảm lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì chi phí hàng nhập khẩu nói chung của Mỹ chắc chắn sẽ tăng mạnh vì giá hàng hóa của các nước khác cao hơn.

Khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao kéo theo tác động lan truyền của nguy cơ lạm phát thì điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến tầng lớp trung lưu Mỹ, những người vốn đang phải đối mặt với mức lương trì trệ trong hơn 3 thập niên qua.

Thứ hai, các hành động thương mại chống Trung Quốc có thể làm cho tỉ lệ lãi suất tại Mỹ tăng cao. Nước ngoài hiện nắm giữ khoảng 30% trái phiếu kho bạc Mỹ, trong đó Trung Quốc nắm giữ một lượng trái phiếu trị giá khoảng 1,15 nghìn tỉ USD, cao hơn so với mức nắm giữ của Nhật Bản vào khoảng 1,09 nghìn tỉ USD.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bắt đầu?.

Sau khi Mỹ áp đặt các mức thuế mới đối với các mặt hàng từ Trung Quốc, Bắc Kinh có thể giảm mua trái phiếu Mỹ, thúc đẩy đa dạng hóa việc nắm giữ các loại tài sản khác ngoài đồng bạc xanh, vốn là chiến lược mà Bắc Kinh thực hiện trong vòng 3 năm qua.

Trong khi ngân sách Mỹ vẫn đang bị thâm hụt lớn, thậm chí có thể thâm hụt hơn nữa dưới thời chính quyền Trump do cắt giảm thuế và tăng chi tiêu công, việc Trung Quốc giảm mua loại trái phiếu này có thể gây áp lực lên các chi phí đi vay của Mỹ.

Không chỉ gây thiệt hại cho mình, một cuộc “đấu đá” với các đối tác thương mại khác chắc chắn cũng sẽ xảy ra. Bởi lẽ sau quyết định của Tổng thống Donald Trump áp thuế đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu, các đồng minh của Mỹ như Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU) đã không ngần ngại tuyên bố đáp trả các mức thuế tương tự.

Giới phân tích cho rằng việc gây hiềm khích với các nước thân hữu của Mỹ, ông Trump đang bỏ lỡ một cơ hội xây dựng một mặt trận liên minh chống Trung Quốc.

Mặc dù tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã tuyên bố chiến tranh thương mại “đang được kiểm soát”. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tạm ngưng áp thuế sau khi Bắc Kinh đồng ý tăng cường mua các sản phẩm của Mỹ nhằm giảm bớt thặng dư thương mại của họ với Mỹ. Tuy nhiên, sự “đình chiến” này diễn ra chưa được bao lâu chính quyền ông Donald Trump đã quyết định tiếp tục xúc tiến các loại thuế với lý do những lời cam kết của Trung Quốc mập mờ.

Tuy nhiên, lý giải về việc Mỹ “khơi mào” cho cuộc chiến thương mại, giới phân tích cho rằng điều này khó có thể xảy ra. Bởi lẽ Washington thừa sức nhận ra rằng một cuộc xung đột kinh tế nếu nổ ra với tầm vóc chiến tranh thương mại, hai bên không ngừng trả đũa nhau, điều này gây nhiều hệ quả tai hại cho nền kinh tế thế giới.

Hơn nữa, nếu cuộc chiến nổ ra gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Mỹ. Về phía Trung Quốc, họ hiển nhiên không muốn nổ ra cuộc chiến thương mại vì hiện nay Trung Quốc đang có lợi.

Bảo Trân (tổng hơp)
.
.
.