ASEAN giữa vòng xoáy cạnh tranh thương mại Mỹ – Trung

Thứ Tư, 27/03/2019, 15:44
Đông Nam Á luôn là đấu trường cho các cuộc cạnh tranh của các nước lớn. Trong khoảng một thập kỷ qua, Mỹ và Trung Quốc đã và đang là trục cạnh tranh chính, và thách thức đối với ASEAN là khối này phải xác định lập trường như thế nào khi Mỹ và Trung Quốc dò tìm một tạm ước mới.

Theo các nhà phân tích, quan hệ Mỹ - Trung đã bước vào một giai đoạn mới của sự cạnh tranh cao độ trong dài hạn.

Sự cạnh tranh vẫn luôn là phần cố hữu trong quan hệ Mỹ - Trung. Mỹ và Trung Quốc không phải đối tác tự nhiên, cũng không phải là kẻ thù không thể tránh khỏi. Đặc trưng của quan hệ Mỹ - Trung giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh là giữa họ cùng lúc tồn tại cả sự mất lòng tin chiến lược sâu sắc lẫn sự phụ thuộc lẫn nhau theo kiểu mới, chưa từng có trong lịch sử.

Mỹ và Trung Quốc vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. Sự can dự và hợp tác sẽ không hoàn toàn chấm dứt trong tình hình mới. Nhưng nó sẽ có tính chọn lọc hơn nhiều, và giờ đây trọng tâm chung đã chuyển sang sự cạnh tranh.

Biểu hiện dễ thấy nhất của cách tiếp cận mới này là “cuộc chiến thương mại” của Washington. Ở một chừng mực nào đó có thể hiểu, thương mại chỉ là công cụ, còn mục tiêu là sự cạnh tranh chiến lược. Trung Quốc cáo buộc Mỹ sử dụng thương mại để cản trở và kìm hãm sự phát triển của mình, không sai, nhưng thực tế thì họ đang né tránh trách nhiệm của mình theo cách thuận tiện cho họ.

ASEAN luôn được đánh giá là khu vực kinh tế năng động.

Hầu hết sự chú ý đều tập trung vào việc áp thuế quan trả đũa. Các chuyên gia cho rằng, điều này sớm muộn gì rồi cũng phải chấm dứt, mặc dù hiện giờ khó dự đoán được là vào lúc nào, với phí tổn bao nhiêu, hay có tác động như thế nào đối với trật tự quốc tế. Đối với cuộc chiến tranh thương mại này, khó nói trước được có đi đến thỏa thuận hay không.

Trong bất kỳ trường hợp nào, một thỏa thuận nếu có sẽ là về thuế quan. Nhưng thực tế quan trọng hơn của cuộc chiến này là những điều luật mới của Mỹ nhằm hạn chế chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc.

Đó là Đạo luật về hiện đại hóa đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài (FIRRMA) và Đạo luật phê chuẩn ngân sách quốc phòng đã được thông qua ở Mỹ vào tháng 8-2018. FIRRMA và một số điều luật khác đang tiếp tục thảo luận. Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chính quyền ông Trump có khuynh hướng thay đổi cách tiếp cận, và các chính quyền kế nhiệm cũng sẽ không dễ dàng thay đổi các điều khoản luật mới này. Điều này càng khiến cho tương lai cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và tác động của nó đến kinh tế toàn cầu, trực tiếp là khu vực ASEAN, lại càng khó đoán định.

Tham vọng toàn cầu và thái độ quyết đoán của Trung Quốc đã thể hiện rõ. “Mâu thuẫn chính” đã được Trung Quốc định nghĩa lại, bao gồm mâu thuẫn giữa sự phát triển không cân bằng, không tương xứng và nhu cầu ngày càng tăng của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều này đặt ra một nghị trình vô cùng phức tạp để thực hiện. Nó bao gồm việc đưa ngành công nghiệp lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị, giảm tình trạng dư thừa năng lực sản xuất, thúc đẩy sự đổi mới, bảo vệ môi trường, đem lại sức sống mới cho khu vực nông thôn, xử lý nợ, thúc đẩy tăng trưởng cân bằng trong khu vực, giải quyết vấn đề dân số già hóa, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội, huy động nội lực xã hội, giáo dục, nhà ở, an ninh lương thực, xoa dịu căng thẳng xã hội, tiếp tục chống tham nhũng. Mỗi vấn đề bản thân nó đã là một thách thức lớn.

BRI (Vành đai và con đường) được cho là nỗ lực giải quyết thách thức then chốt trong nước cũng như là biểu hiện của tham vọng toàn cầu của Trung Quốc. BRI xử lý các thách thức này bằng cách đưa ra bên ngoài và xuất khẩu mô hình tăng trưởng dựa trên sự phụ thuộc vào hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng do các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước dẫn dắt.

Trung Quốc có thể tìm cách trở nên độc lập hơn trong các lĩnh vực then chốt của ngành công nghệ và có thể sẽ làm được điều này nếu có đủ thời gian. Tuy nhiên, sức ép đang hiện hữu ngay lúc này. Vì Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ ít hơn nhiều so với xuất khẩu hàng hóa ngược lại, nên phạm vi áp thuế để trả đũa bị hạn chế và thậm chí đến giờ phút này, khi cuộc chiến tranh thương mại đã kéo dài, có thể đã cạn kiệt. Và theo như phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Mỹ sẽ hành động chống lại Trung Quốc trên một mặt trận rộng lớn chứ không chỉ về thương mại.

Trung Quốc hoàn toàn có thể đáp trả tương tự, nhưng rõ ràng là cán cân không thăng bằng chút nào. Bất kỳ sự nhượng bộ nào mà Bắc Kinh đưa ra cũng không có khả năng làm giảm sức ép, nên sớm muộn chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ và các nước khác, trong đó có ASEAN, sẽ là cứng rắn.

Tóm lại, Mỹ và Trung Quốc sẽ không nhanh chóng hay dễ dàng để đạt được một tạm ước mới. Điều này cho thấy ASEAN sẽ phải tìm cách vượt qua một giai đoạn dài mà khi đó sự lộn xộn và không chắc chắn đều ở mức cao hơn bình thường. ASEAN phải có khả năng đối phó với những tình huống chưa đến mức chiến tranh nhưng cũng không hề dễ xử lý. Điều này đòi hỏi sự nhanh nhẹn, tính đoàn kết và quyết tâm cao hơn những gì ASEAN đã thể hiện trong những năm gần đây.

Một số nhà phân tích suy đoán rằng ASEAN có thể có những cơ hội ngắn hạn và trung hạn nếu các công ty nước ngoài dịch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Suy đoán này khả thi nhưng có phần thiển cận. Việc dịch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc nói thì dễ nhưng làm thì không đơn giản chỉ là thay đổi nơi hoạt động. Bởi vì với những phân tích ở trên, dù có chiến tranh thương mại hay không thì cũng sẽ chẳng có ai từ bỏ thị trường Trung Quốc, bất chấp việc các khoản đầu tư mới hoặc nâng cấp có thể bị trì hoãn.

Một cuộc chiến thương mại kéo dài có thể làm thay đổi cân bằng các chuỗi cung ứng. Những sự thay đổi trong các chuỗi cung ứng có thể chặn đứng hoặc làm phức tạp nghiêm trọng nỗ lực của các nước thành viên ASEAN trong việc di chuyển lên phía trên chuỗi giá trị. Trong mọi trường hợp, các nước thành viên ASEAN phải chống lại sự cám dỗ của việc trở thành cửa sau để các công ty Trung Quốc tiến vào Mỹ. Yếu tố then chốt chính là sự ổn định về chính trị của các nước thành viên ASEAN, tức là cái nằm trong tay mình chứ không phải phụ thuộc vào các chính sách nào đó của Trung Quốc hay Mỹ.

Ngọc Lan (tổng hợp)
.
.
.