Đệ nhất khuyển vương đảo Phú Quốc

Thứ Năm, 22/02/2018, 16:20
Những tài liệu cổ và thư tịch xa xưa có đề cập đến một thương cảng sầm uất của vương quốc Phù Nam nằm tại cánh đồng rộng lớn giáp chân núi Ba Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang ngày nay, rồi bỗng dưng biến mất xuống lòng đất, bị xóa sổ một cách kỳ bí.

Các nhà khảo cổ học từ Viện Bác cổ Đông Dương của Pháp và Việt Nam từng tiến hành nhiều đợt khai quật dưới lòng đất từ năm 1930 đến nay, đã phát hiện rất nhiều di chỉ, hiện vật cổ xưa có niên đại hàng ngàn năm từ lòng đất dưới cánh đồng này. Có giả thuyết cho rằng do thiên tai (biến đổi khí hậu) gây ra.

Rất có thể một trận đại hồng thủy cách nay khoảng 8.000 năm, gây ra đợt xâm thực Đông Hải vô cùng lớn làm tách lìa một phần đất của lục địa Châu Úc tạo nên những hòn đảo trên Thái Bình Dương như Phú Quốc, Côn Đảo, Thổ Chu...

Giống chó xoáy lưng trên đảo có danh hiệu “Thần Khuyển”

Nếu ra đảo Phú Quốc từ TP Rạch Giá (Kiên Giang), du khách sẽ cảm nhận đảo Ngọc được hình thành bởi 99 ngọn núi trập trùng chồng lớp lên nhau với những cánh rừng nguyên sinh rất hùng vĩ, tạo thành hình cánh cung theo hướng Đông Nam - Tây Bắc.

Phú Quốc có 22 hòn đảo lớn nhỏ, với tổng diện tích tự nhiên khoảng gần 600 km2, xấp xỉ diện tích đảo quốc Sư tử Singapore thời kỳ chưa lấn biển. Hình thù đảo Phú Quốc khiến cho ta càng có cơ sở đáng tin hơn về giả thuyết kỷ băng hà làm tan rã Úc Châu mấy ngàn năm trước. Và rất có thể các loài động thực vật, tầng địa chất và cả giống chó hoang Úc Châu cũng đã có mặt trên đảo Phú Quốc từ thời kỳ ban sơ thiên tạo. 

Về nguồn gốc của loài chó xoáy lưng trên đảo Phú Quốc, hiện có rất nhiều nhà nghiên cứu tranh luận về xuất xứ, nguồn gốc từ giống chó xoáy Thái Lan. Ước có thời gian lịch sử khoảng 400 năm trước, do những ngư dân Thái Lan mang theo lên đảo và cho lai với giống chó hoang trên đảo. Cũng có thông tin, chó xoáy Phú Quốc được lai từ chó Pháp với chó bản địa vào khoảng năm 1770, khi nhà truyền giáo người Pháp Pierre Pigneu de Béhaine đặt chân lên đảo.

Từ thế kỷ V trước Công nguyên đã có người sinh sống trên đảo Phú Quốc. Đến thời cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích được chúa Nguyễn giao cai quản, khai khẩn vùng đất Hà Tiên đến Cà Mau ngày nay, đảo Phú Quốc đã là một địa hạt hành chính của Việt Nam. Do đó, nhiều sản vật, di tích, động thực vật đều mang dấu ấn riêng của Phú Quốc, Việt Nam mà không liên quan gì đến bất cứ quốc gia nào lân cận.

Riêng về giống chó mệnh danh là "Thần Khuyển, Khuyển Vương" có xoáy trên lưng ở Phú Quốc ngày nay, về hình thể, độ tinh khôn có thể  giống nhiều với giống chó Greyhoud - giống chó săn của Ailen được thuần chủng và huấn luyện làm chó đua tại trường đua Lam Sơn, TP Vũng Tàu hiện nay. Còn các giống chó xoáy lưng Thái Lan, Châu Phi hay Pháp đang gây nhiều tranh cãi, dường như không dính dáng gì đến chó Phú Quốc cả về cơ sở, nguồn gốc lịch sử.

Mặt khác cho thấy, hơn 400 năm trước, quân lính của vua Gia Long triều Nguyễn đồn trú trên đảo Phú Quốc đã huấn luyện và sử dụng chó Phú Quốc để canh gác, cảnh giới và phát hiện những kẻ tình nghi trong doanh trại và xâm nhập. Còn có cả một câu chuyện mang màu sắc thần bí về 4 con chó bảo vệ rất trung thành của Vua Gia Long cũng được lưu truyền trong dân gian đến ngày nay.

Giai thoại về 4 con chó bảo vệ đã cứu nguy cho vua Gia Long 2 lần thoát nạn tại tỉnh Phú Yên và Quảng Nam khi quân Tây Sơn truy đuổi được ghi trong sách Nguyễn Phúc tộc đế phả tường giải đồ do cháu cố vua Minh Mạng là ông Nguyễn Phúc Ưng Viên lưu giữ.

Sau khi lên ngôi, vua Gia Long còn có sắc phong cho 4 con chó bảo vệ vua danh hiệu: "Cứu khổn phò nguy Tá quốc huân thần Thần Khuyển Đại tướng quân" và lập miếu thờ rất tôn nghiêm. Trong khi cùng thời điểm lịch sử, quân đội nhà Tây Sơn sử dụng giống chó Ngao Tây Tạng làm khuyển quân, thì nhà Nguyễn lại chọn giống chó Phú Quốc để cảnh giới, bảo vệ. 

Dùng chó Phú Quốc làm khuyển quân có những ưu việt hơn hẳn các loài chó khác như: Bộc lộ khá rõ tính bá chủ toàn bộ lãnh địa đang có mặt, cùng với số đông hợp đồng tác chiến, canh giới rất cao, sẵn sàng chống trả, tấn công lại bất cứ vật thể lạ, con người lạ và con vật lạ xâm nhập.

Chó Phú Quốc cực khôn ngoan, có thể tự đi săn mồi rất quyết liệt, phối hợp rất ăn ý mà không cần sự có mặt hay điều khiển của chủ nhân. Thể hiện sự quyết liệt trong việc truy đuổi theo dấu vết con mồi tới cùng và tha mồi về tận nhà cho chủ. Không chỉ là loài chó khỏe mạnh, dẻo dai, dũng mãnh mà chó Phú Quốc còn tuân thủ những nguyên  tắc về khả năng tấn công, tự vệ cực tốt.

Chúng không bao giờ ăn thức ăn từ người khác đưa ngoài chủ nhân duy nhất, kể cả người nhà chủ đưa cũng không ăn nên rất khó đánh bả, đầu độc. Trong khu vực chúng ở, trừ chủ nhà và được chủ nhà cho phép thì người lạ mới xâm nhập, đến gần đặc biệt là hang đất khi đẻ chó con luôn được chó bố mẹ canh giữ rất nghiêm ngặt.

Trong sách “Nguyễn Phúc tộc dược minh y kính” và “Nguyễn Phúc tộc y gia truyền thế thường hành” cũng đã ghi lại nhiều tên thảo dược do chó Phú Quốc tự tìm về chữa bệnh cho chủ. Ngoài ra, chó Phú Quốc còn có khả năng đặc biệt "nhạy cảm" về phong thủy, địa y, phát hiện dịch bệnh và bất an khi lập doanh trại trú quân hoặc chọn địa điểm ẩn náu, đồn trú lâu dài.

Đặc điểm giống chó Thần Khuyển này đã làm nên sự khác biệt với các loài giống khác dù cũng có màu lông vàng, đen, luốc, nâu, đốm… bởi có dải lông trên lưng xoáy. Chân chó Phú Quốc còn có lớp màng như chân vịt nối các ngón nên chó Phú Quốc có khả năng bơi lội rất điêu luyện. Hầu hết giống cho Phú Quốc đều có xoáy lưng, lưỡi đốm đen, chân màng vịt, đuôi cong hình móc câu, có khả năng săn mồi rất tốt, khả năng bơi lội, khả năng leo trèo lên cao và vượt tường, đào hang sinh con và chỉ nghe lệnh, trung thành tuyệt đối với chủ nhân duy nhất.

 Ngoài tính năng của một thợ săn tuyệt vời, thân hình vạm vỡ như một đô vật, chó Phú Quốc còn là giống chó có đôi mắt rất tinh anh, nhìn thấy khiếp sợ như mắt cọp và khi đứng dụm hai chân thẳng, trụ thế cực vững như một võ sĩ đứng tấn như chân cọp trước khi vồ mồi. Nhiều người đam mê giống Thần Khuyển này không bắt đầu từ mục đích đi săn mồi mà vì dáng vẻ oai vệ, sự uy nghiêm dũng mãnh và sự trung thành, tình cảm rất đặc biệt của giống chó này. Một giống chó quý hiếm có một trong ba giống có xoáy lưng trên thế giới.

Thương hiệu Chó Phú Quốc vươn ra thế giới

Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 400 giống chó khác nhau ở các châu lục. Khoảng 90% số lượng chó trên thế giới đang hiện hữu chủ yếu từ 50 giống chó thuần chủng. Tuy nhiên, chỉ có 3 quần thể chó có đặc tính xoáy lưng, là chó Phú Quốc, chó xoáy lưng Thái Lan và chó xoáy lưng Châu Phi.

Ông Lý Nguyên Khôn động viên Chú Đốm tại hội thi quốc tế Paris 2011.

Trong đó, chó xoáy lưng Phú Quốc và Thái Lan có nhiều đặc điểm khá giống nhau, trọng lượng bình quân khoảng 18kg, còn chó xoáy lưng Châu Phi lớn hơn khoảng 30-39 kg, tai cụp khá lớn, rất hung dữ còn có biệt danh là chó săn Sư tử Châu Phi.

Hơn 117 năm trước, vào tháng 7/1894, Bá tước Henri de Bylandt, một nhà quý tộc Hà Lan, nhà khuyển học lừng danh thế giới đã mang hai con chó tên Xoài (Mango), Chuối (Banana) từ Việt Nam sang Vương quốc Bỉ để giới thiệu tại triển lãm hoàn vũ về chó quốc tế tổ chức tại vùng Anvers. Hai ứng viên bốn chân Xoài, Chuối đạt danh hiệu cao nhất hội thi với giải thưởng 25.000 quan Bỉ.

Trong sách viết về loài chó, ngài Bá tước đặc biệt dành những lời ngợi khen đặc biệt về giống chó Phú Quốc, Việt Nam là "có một không hai" quý hiếm, cực khôn, nhanh nhẹn nhất trong những giống chó săn toàn cầu. Chưa hết, người sáng lập ra hãng Bugatti, kiêm điêu khắc gia nổi tiếng Rembrant Bugatti còn tạc tượng chó Phú Quốc bằng đồng đặt tên là "Chien Annamite ou D'Annam" là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng có mặt tại bảo tàng Châu Âu từ đầu thế kỷ 20.

Vào năm 2008, Hiệp hội Chó giống quốc gia (VKC) đã đăng ký với Hiệp hội Chó giống quốc tế về thương hiệu Chó Phú Quốc đề nghị thế giới công nhận. Tiếp đến năm 2011, Hiệp hội Chó Việt Nam đã đưa chó Phú Quốc tham dự Cuộc thi Chó đẹp thế giới (World Dog show 2011) do Liên đoàn các Hiệp hội nuôi chó giống quốc tế (FCI) tổ chức tại Paris (Pháp).

Chó Đốm đã cùng chủ nhân Lý Nguyên Khôn (Quận 5, TP Hồ Chí Minh) và chuyên gia, bác sĩ thú y lên đường sang Pháp trên chuyến bay Vietnam AirLines mang số hiệu VN 0533 rời sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất sang sân bay Charles De Gaulle tại Paris. Cùng thời gian trên còn có chuyến bay khác chở theo chú Vện - chó Phú Quốc thứ hai cùng sang dự thi. Rất tiếc là do thời tiết, khí hậu thay đổi đột ngột nên chú Vện bị ốm, thi không đạt kết quả như mong muốn.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 7 đến 10/7/2011 nhân sự kiện kỷ niệm 100 năm thành lập FCI đã thu hút 38.000 ứng cử viên chó đến từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chú chó Phú Quốc tên Đốm là thành viên đầu tiên của Việt Nam tham dự cùng lúc hai giải thi cấp quốc tế. Trong nước, tại các cuộc thi diễn ra trong các năm 2009, 2010, 2011 Đốm từng giành các giải quán quân nhà nghề với danh hiệu vô địch Việt Nam. Nhiều chuyên gia về chó trên thế giới bày tỏ sự thích thú và ngạc nhiên vô cùng khi gặp Phu Quoc Dog.

Trong khi giống chó Phú Quốc tại Việt Nam được lai giống và bán tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội giá vài triệu đồng một con nhỏ, người Việt lại sẵn sàng bỏ hàng chục, hàng trăm triệu để mua chó ngoại giống Ngao Tây Tạng, Alaska, Corgi… mà không hề biết chó Phú Quốc đang có mặt tại Anh đang có giá trị 300 triệu đồng một con.

Vào thàng 10-2015, bà Catherine Lane, 42 tuổi Quốc tịch Anh đã lặn lội sang Việt Nam mua 2 vợ chồng chó Phú Quốc mang về nước Anh để nuôi. Sau một thời gian, chó cha mẹ đã sinh ra 3 con cái và 1 con đực, được những người mê nuôi chó tại đây đặt mua với giá 10.000 bảng Anh/ con, tương đương với khoảng 300 triệu đồng VN lúc bấy giờ.

Câu chuyện bắt đầu gây chú ý và lên cơn sốt trên mạng xã hội nhiều quốc gia. Mấy chữ “Phu Quoc Dog Vietnam” đã bắt đầu được nhiều người quan tâm đặc biệt khi sang Việt Nam du lịch, học tập và làm việc. Chó Phú Quốc đang được bảo tồn gen và thuần chủng là những tiêu chuẩn được Hiệp hội nuôi cho giống quốc tế công nhận vào thời điểm 2015, Việt Nam chỉ có 800 con được đăng ký thế giới, chủ yếu đang sống trên đảo Phú Quốc.

Để có một con chó Phú Quốc thuần chủng mang tất cả đặc điểm riêng biệt, quý hiếm chỉ có thể nuôi ngay trên đảo Phú Quốc. Theo nhiều lão làng nghề nuôi chó Phú Quốc: không có con chó Phú Quốc nào loại thuần chủng mà mang ra khỏi đảo, chỉ nuôi một thời gian là bệnh chết ngay vì "nhớ đảo", không hạp thủy thổ, không quen thời tiết, khí hậu, ánh sáng, âm thanh, không khí…

Nam Yên
.
.
.