Voi trong Triều Lý: Đưa vào niên hiệu, giúp lấy đất mỏ vàng

Thứ Bảy, 14/08/2021, 21:50

Năm Giáp Tý (1084), thời Vua Lý Nhân Tông, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh được cử đến trại Vĩnh Bình (thuộc Cao Bằng ngày nay) để bàn nghị về việc cương giới với Chánh sứ nhà Tống là Thành Trạc. Sau khi đã "phân giải mọi lẽ", nhà Tống chấp thuận trả lại cho Đại Việt 6 huyện 3 động thuộc châu Quảng Nguyên (nay là phần đất ở phía Tây Bắc tỉnh Cao Bằng) mà họ đã chiếm trước đây và cho thông sứ như cũ.

Tiếc đất, vì biết rằng nơi ấy có vàng, người Tống đặt thơ chữ Hán rằng: "Nhân tham Giao Chỉ tượng/ Khướt thất Quảng Nguyên kim", Nghĩa là "vì tham voi Giao Chỉ/ Bỏ mất vàng Quảng Nguyên". Từ các thời nước ta bắt đầu nền tự chủ, từ Ngô Vương, các nhà Đinh, Tiền Lê, sử sách hầu như không nói về voi. Thế mà từ khi nhà Lý nổi lên, voi xuất hiện trong sử sách dày đặc, đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử triều đại này.

Voi trong bang giao và niên hiệu

Sử nhà Lý cũng nhiều lần ghi chép việc các vua đi săn, bắt voi. Đời Lý Thái Tông, niên hiệu Thiên Thành năm thứ 5 (1032), mùa thu, tháng 9, "Toàn thư" chép việc vua đi châu Lạng xem bắt voi, rồi từ châu Lạng trở về. Đến năm 1041, mùa thu, tháng 9, vua cũng ngự đến Kha Lai để bắt voi. Các nhà sử học ở Viện Khoa học xã hội Việt Nam (Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải) khi phiên dịch và chú giải "Toàn thư", chú thích rằng địa danh được ghi âm Hán là Kha Lai, âm Việt là Kẻ Lại nhưng không rõ ở đâu.

Ngay sau sự kiện đó, sử chép "vua ngự đến Kha Lãm, rồi về Kinh sư" thì các dịch giả chú thích rằng, Kha Lãm hay Cổ Lãm, Phủ Lãm, âm Việt là Kẻ Xốm, trước thuộc huyện Thanh Oai, nay thuộc về thị xã Hà Đông, Hà Nội. Như vậy, chuyến đi bắt voi này của vua Lý cũng không quá xa kinh đô.

Voi trong Triều Lý: Đưa vào niên hiệu, giúp lấy đất mỏ vàng -0
Vua Lý Thánh Tông đổi niên hiệu là Huống Bảo Tượng năm 1068, sau khi được dâng 2 con voi trắng. 

Trong chiến dịch đánh Chiêm Thành năm 1044 đại thắng, quân Đại Việt bắt được hơn 30 con voi nhà của Chiêm Thành. Đến năm sau, sử chép Vua Lý Thái Tông sai đặt cũi lớn ở Dâm Đàm (Hồ Tây ngày nay) lấy con voi nhà của Chiêm Thành làm mồi nhử voi rừng vào trong ấy, vua thân đến bắt.

Ngoài voi, nhà Lý cũng đem biếu nhà Tống nhiều loại thú lạ. Thời Lý Thái Tông, năm 1034, châu Hoan dâng con thú một sừng, không rõ là con gì, nhà vua sai Viên ngoại lang Trần Ứng Cơ và Vương Văn Khánh đem biếu nhà Tống. Đến thời Lý Thánh Tông, năm 1057, lại sai sứ sang biếu nhà Tống con thú, gọi là con lân. Tuy nhiên, quan nhà Tống là Tư Mã Quang nói: "Nếu là con lân thực mà đến không phải thời, cũng chẳng lấy gì làm điềm tốt; nếu không phải là con lân thực, thì làm cho người phương xa chê cười. Xin hậu thưởng cho sứ giả, rồi bảo đem về". Lời nói của Tư Mã Quang, nhà sử học xuất sắc, tác giả bộ sử nổi tiếng "Tư trị thông giám" rất chí lý, nên chắc chắn Vua Tống Nhân Tông nghe theo. Tư Mã Quang từng giữ chức Ngự sử trung thừa, có trách nhiệm can gián nhà vua.

Đặc biệt, năm 1068, khi châu Chân Đằng dâng 2 con voi trắng, Vua Lý Thánh Tông đã đổi niên hiệu là Thiên Huống Bảo Tượng, tức là trời ban cho voi quý. Như vậy, ngoài chữ "Long" là rồng, chỉ có chữ "Tượng" là voi xuất hiện trong các niên hiệu của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Năm 1079, châu Lạng lại dâng voi trắng. Năm 1119, Vua Lý Nhân Tông ngự ở Khoái Trường để bắt voi trắng. Năm 1123, vua Nhân Tông cũng ngự đến Long Thủ hải để bắt voi, tức Thác Bờ ở Hòa Bình ngày nay. Đây có lẽ là nơi nhiều voi nên năm 1152, Vua Lý Anh Tông cũng ngự đến bắt voi trắng, khi bắt được, các quan đều dâng biểu mừng.

Biếu voi lấy được đất

Năm 1076, Quách Quỳ đem quân xâm lược nước ta nhưng bị danh tướng Lý Thường Kiệt đánh tan trên phòng tuyến sông Như Nguyệt. Quách Quỳ lui về vùng biên giới và chiến giữ châu Quảng Nguyên của ta. Năm 1078, Vua Lý Nhân Tông sai Đào Tông Nguyên đem biếu nhà Tống 5 con voi và xin trả lại các châu Quảng Nguyên, cũng như những người ở các châu ấy bị bắt đi trước đó. Từ các cuộc thương lượng này, nhà Tống trả châu Quảng Nguyên cho ta, mà trước đó họ đã đổi tên thành Thuận Châu.

Voi trong Triều Lý: Đưa vào niên hiệu, giúp lấy đất mỏ vàng -0

Voi có vai trò quan trọng trong lịch sử triều Lý. 

Về chuyện này, sách "An Nam chí" của Cao Hùng Trưng chép rằng: "Ban đầu Giao Chỉ (chỉ nước ta) sang cống, xin trả lại các châu Quảng Nguyên, nhà Tống hẹn nếu trả hết dân Tống bị ta bắt trước đó sẽ như lời. Năm sau trả người về 3 châu, bèn trả lại Thuận Châu". "Tống sử" cũng chép rằng nước ta trả cho họ 215 người, sau đó nhà Tống trả lại cho ta 4 châu và 1 huyện bị Quách Quỳ chiếm, tức Quảng Nguyên, Tư Lang, Môn, Tô Mậu, Quảng Lang.

Đến năm 1084, Thị lang Bộ Binh Lê Văn Thịnh lại lên trại Vĩnh Bình bàn định với người Tống về chuyện biên giới của hai động Vật Dương, Vật Ác. Hai bên thống nhất việc nhà Tống trả tiếp cho ta 6 huyện, 3 động. Người Tống tiếc đất mới đặt ra hai câu thơ "Nhân tham Giao Chỉ tượng, khước thất Quảng Nguyên kim". Về chuyện này, "Tống sử" viết là: "Bèn lấy đất ngoài 8 ải là 6 huyện Bảo Lạc và 2 động Túc Tang cho Càn Đức (tức Vua Lý Thánh Tông)". Vua Tống Thần Tông đã gửi sắc cho vua Lý, có đoạn nói: "Về hai động Vật Dương, Vật Ác, trẫm đã giáng chỉ lấy 8 ải sau này làm giới hạn: Canh Liệm, Khẩu Cự, Khiếu Nhạc, Thông Khoáng, Canh Nham, Đốn Lị, Đa Nhâm, Câu Nan. Đất ngoài các ải ấy có 6 huyện Bảo Lạc, Luyện, Miêu, Đính, Phóng, Cấn và 2 động là Túc, Tang, các đất ấy đều cho khanh thủ lĩnh".

Có khi, cùng với voi, nhà Lý biếu thêm nhà Tống cả tê giác, như năm 1118, Viên ngoại lang là Nguyễn Bá Độ và Lý Bảo Thần đem sang biếu nhà Tống 2 con tê giác trắng và đen cùng 3 con voi nhà. Năm 1122 Viên ngoại lang là Đinh Khánh An và Viên Sĩ Minh lại đem voi nhà biếu nhà Tống. Không phải lúc nào việc đem voi sang biếu nhà Tống cũng suôn sẻ. Như vào tháng 11 nhuận năm 1126, khi Nội thư gia là Nghiêm Thường, Ngự khố thư gia là Từ Diên đem 10 con voi nhà và vàng bạc, sừng tê sang biếu nhà Tống để tạ ơn việc bắt Mạc Hiền, tiểu thủ lĩnh châu Quảng Nguyên trốn sang Ung Châu trước đó. Thường và Diên đến Quế phủ (Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây) vào ra mắt ty Kinh lược, viên Kinh lược bảo rằng: "Năm nay ở Đông Kinh và các xứ Hồ Nam, Đình Châu, Lê Châu đều đã đem binh mã đi đánh nước Kim, chưa biết lúc nào về. Trong lúc này thì ngựa phu trạm dọc đường chỗ nào cũng ít, xin sứ giả đem lễ vật về". Thường và Diên phải quay về.

Được thú lạ có phải điềm lành?

Sử quan Lê Văn Hưu đời Trần rất phê phán việc các vua Lý ưa chuộng các vật lạ, thú lạ, khi sử cũ để lại liên tục ghi việc quân, dân dâng lên vua đủ các loại món lạ. Điều đặc biệt, đa số con thú dâng lên vua đều có màu trắng, từ voi trắng đến hươu trắng, chim sẻ trắng... Như năm 1112, Chiêm Thành dâng voi trắng. Năm 1117, Phò mã lang là Dương Cảnh Thông dâng hươu trắng, Hỏa đầu, lê binh và tào nhi ở Sầm Tác dâng hươu trắng, người giáp Trực Tà dâng hoẵng trắng. Tháng 4-1119, có đô tào là Phan Điền dâng hươu trắng. Năm 1121 người phiên Tử Thảo là Hà Ngọ dâng hoẵng trắng. Năm sau thì người quân giáp Giao Giáp là Phạm Ba Tư dâng hươu trắng. Năm 1124, Diêu Sách dâng chim sẻ trắng. Năm 1127 nhà sư Cao Đình dâng chim trĩ trắng...

Vua Lý Thần Tông cũng bị tác giả "Toàn thư" phê bình là "Quá ưa thích điềm lành vật lạ". Năm 1132, Hỏa đầu binh Tả vũ lâm là Đỗ Quảng dâng cá xương công. Năm 1134, Lệnh thư gia Nguyễn Mĩ dâng ngựa hoa đào đầu đen 4 chân mọc 6 cựa (2 chân trước đều 1 cựa, 2 chân sau đều 2 cựa). Năm đó Vương Cửu dâng rùa mắt có 6 con ngươi, trên ức có nét chữ triện, các học sĩ luận ra thành tám chữ "Thiên thư hạ thị thánh nhân vạn tuế". Chuyện dâng rùa thời Lý rất nhiều, mỗi lần đều suy luận ra những câu rất hay như "Vương công dĩ pháp", "Vương dĩ bát phương"... khiến sử thần Ngô Sĩ Liên thời Lê phải hạ bút viết rằng: "Đời nào cũng có rùa, không như giống rồng, phượng và kì lân ít thấy. Thế mà đương thời cho là điềm lành mà đem dâng nhiều thế là làm sao? Còn như trên ức có nét chữ, chỉ là những nét đen trắng đan xen nhau mà thôi, bầy tôi nhận ra thành chữ, đó là chiều ý vua mà nói nịnh thôi, có phải thực chữ đâu. Cho nên người làm vua phải cẩn thận sự ưa chuộng!".

Năm 1129, lại có việc Thái úy Dương Anh Nhĩ dâng hươu trắng. Tháng 2, thân vương ban là Lý Lộc tâu trên núi Tản Viên có hươu trắng, vua sai Thái úy Dương Anh Nhĩ đến bắt được, nên ban cho Lộc tước Đại liệu ban. Tháng 3, Lý Tử Khắc dâng tấu nói rằng rừng ở sông Tiểu Đáy (nhánh sông Lô ở Tuyên Quang) có hươu trắng, vua lại sai Thái úy Lưu Khánh Đàm đến bắt được, cũng thăng Tử Khắc làm khu mật sứ, theo trật Minh tự, được đội mũ 7 cầu.

Về những chuyện này, sử thần Lê Văn Hưu bàn rằng: Người xưa chỉ cho điềm lành là được mùa và dùng được người hiền thôi, còn ngoài ra không có cái gì gọi là điềm lành cả. Huống chi chim quý thú lạ không nuôi trong nước, đó cũng là lời khuyên của tiên vương để lại. Lê Văn Hưu chê việc Lý Thần Tông ban thưởng cho Lý Lộc, Lý Tử Khắc, cho rằng cả người thưởng và người nhận đều không đúng. Ông giải thích: "Thần Tông vì dâng thú mà cho quan tước, thế là thưởng lạm. Lộc và Khắc không có công mà nhận thưởng, thế là dối vua".

Qua đến Ngô Sĩ Liên, bình lại ý kiến của Lê Văn Hưu, ông có ý kiến khác: "Việc được dâng hươu mà lạm cho tước trật, đều là do tính trẻ thơ mà không ai can giúp (vì lúc đó, Thần Tông mới chưa đến 20 tuổi). Nếu có người lấy chí thành mà cảm, lời khéo mà khuyên, thì vua tư chất thông minh, tất thế nào cũng nghe theo".

Lê Tiên Long
.
.
.