Việc nước - việc nhà

Thứ Bảy, 12/10/2024, 08:38

“Vì việc nước quên việc nhà” là câu nói vẫn dành để mô tả cách hành xử của các bậc chính nhân quân tử hết lòng vì đất nước. Nhưng, làm được như vậy khó lắm.

Làm được như vậy, phải như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, một tấm gương vĩ đại của việc đặt đất nước lên trên hết.

Hẳn ai cũng nhớ chuyện Hưng Đạo vương là con trai của An Sinh vương Trần Liễu, anh trai Vua Trần Thái Tông. Người em của Trần Liễu là Trần Cảnh lấy nữ hoàng nhà Lý là Lý Chiêu Hoàng, rồi được truyền ngôi, trở thành vua, thì chắc Phụng Càn vương (tước phong của nhà Lý cho Trần Liễu) không dám có ý gì. Nhưng, sau này Trần Thái Tông và Chiêu Thánh không có con, theo kế của Thái sư Trần Thủ Độ, cướp lấy vợ của Trần Liễu là Thuận Thiên công chúa đang có mang 3 tháng vào cung “để mạo nhận về sau” đã khiến Trần Liễu phẫn uất dấy binh làm loạn.

Dù sau đó cuộc nổi loạn bất thành, thuộc hạ của Trần Liễu bị giết cả, riêng ông được ban cho vùng An Sinh làm thực ấp, nhưng nỗi phẫn uất không bao giờ nguôi ngoai. Khi qua đời ở tuổi 40, An Sinh vương trăng trối cho con trai trưởng là Trần Quốc Tuấn rằng: “Mày mà không vì cha lấy được thiên hạ thì cha chết không nhắm mắt”.

Việc nước - việc nhà -0
Có khi vì việc trọng đại của đất nước, vua cũng phải gác lại chuyện của gia đình, như thờ cúng tổ tiên.

Chính sử nước ta, bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” chép lại câu chuyện vào giai đoạn “thế nước lung lay, quyền bính quân quốc ở tay mình”, nhưng Trần Quốc Tuấn vẫn không thực hiện di nguyện của cha. Sử chép chuyện ông lần lượt hỏi các “gia nô” nổi tiếng của mình là Yết Kiêu, Dã Tượng và các con của mình, rồi để lại lời nói nổi tiếng khi quát mắng Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng “Kẻ làm tôi phản loạn là do ở đứa con bất hiếu!”.

Đấy là chuyện của bậc đại vương, không phải là đế vương. Vậy, đế vương có còn phải lo “việc nhà” không? Có chứ. Đế vương cũng phải lo việc quán xuyến nội cung, nuôi dạy con cái nối nghiệp, thờ cúng tổ tiên. Như Vua Gia Long là ví dụ. Vị vua đầu triều Nguyễn này sau khi đánh thắng Vua Quang Toản nhà Tây Sơn, đã sai sứ sang nhà Thanh xin sắc phong. (Thời phong kiến, các vua nước ta trong nước tuy xưng đế nhưng vẫn nhún nhường gửi thư sang Trung Quốc xin cầu phong để giữ mối giao hảo, và hoàng đế Trung Hoa thường cử sứ thần sang sắc phong vua nước ta tước vương).

Khi nhà Thanh đồng ý, Vua Gia Long đã thân hành từ Phú Xuân ra Thăng Long để nhận lễ thụ phong của sứ Thanh và phải ở lại thành Thăng Long ăn Tết năm Gia Long thứ 3 (1804) để chờ thực hiện nghi lễ bang giao quan trọng này. Ở lại Bắc Thành, nhà vua không thực hiện được những nghi lễ quan trọng của bậc quân vương với tổ tiên vào ngày Tết, như làm lễ cúng tại các lăng mộ, miếu thờ tổ tiên (các chúa Nguyễn và thân phụ nhà vua) hay chúc thọ thân mẫu nhà vua.

Vì vậy, theo bộ sử triều Nguyễn “Đại Nam thực lục”, xa giá nhà vua khởi hành khỏi kinh sư từ tháng 8, chờ sứ đoàn nhà Thanh mãi đến hết năm đó. Vào tháng 1 năm Gia Long thứ 2 (1803), “Vua thấy năm gần hết, sai Tôn Thất Thăng về kinh làm lễ yết Thái miếu và Tôn lăng”. Sau đó, nhà vua lại sai đội Tiểu sai mang phương vật về kinh dâng tiến lên hoàng mẫu. Lễ tuyên phong năm đó được tiến hành ngay sau ngày Tết cổ truyền năm Giáp Tý, 1804, chắc nhà vua lòng cũng nhớ kinh thành nhiều lắm. Cho nên, việc bang giao xong, nhà vua lập tức sai chuẩn bị xa giá hồi loan.

Chuyện tương tự cũng diễn ra ở đời vua nối tiếp của nhà Nguyễn. Đó là khi Vua Gia Long vừa qua đời, Vua Minh Mạng lên nối ngôi, vào cuối năm Minh Mạng thứ 2 (1821), nhà vua cũng ra thành Thăng Long chờ sứ nhà Thanh sang làm lễ tuyên phong. Việc chờ đợi khá lâu, vì giao thông gián đoạn, trong nước không rõ sứ đoàn nước Thanh bao giờ mới tới. Vẫn theo “Đại Nam thực lục”, đến mùa đông năm đó, tháng 11, vua ở hành cung Bắc Thành, thấy sứ Thanh chậm đến nên gửi thư sang hỏi. Vua cũng sai người sang dò hỏi, nhưng không có tin báo về.

Nhà vua từng cùng bầy tôi bàn về việc ấy, bảo rằng: “Các triều Lý, Trần, Lê dựng đô ở đây (Thăng Long), sứ Bắc có tới chậm hay chóng, không đến nỗi mong mỏi. Nay ta đóng đô ở Phú Xuân, cách xa mấy nghìn dặm, nhờ uy ân của tiên đế để lại, được các nguyên lão đại thần một lòng giúp đỡ, xa giá có đi xa cũng không lo đến việc trong kinh. Nếu nghìn trăm năm sau, sự thế có khác đi thì làm thế nào? Bắc Thành không phải nơi hiểm đủ trông cậy được, quyết không thể dời đô đến được. Trẫm muốn dựng kế lâu dài cho con cháu, đêm ngày nghĩ ngợi, chưa từng chốc lát lãng quên”.

Vua Minh Mạng ra Bắc trong thời gian vẫn còn tang Vua Gia Long. Lúc đó, gần đến lễ Đại tường trừ phục vua cha (lễ cúng sau 2 năm 3 tháng, sau đó là hết tang) mà sứ Thanh chưa tới, nhà vua ra triều thường đăm đăm không vui, bảo bầy tôi rằng: “Lễ Đại tường là việc cuối cùng của người con hiếu. Nếu trẫm không tự mình làm lễ thì là một điều ân hận trọn đời”. Sau đó, Vua Minh Mạng lại hỏi quần thần: “Sứ Thanh đến chậm trễ như vậy, trẫm muốn trở về để kịp lễ Đại tường, các khanh thấy thế nào?”.

Tuy nhiên, viên Thự Tham tri Hình Bộ Nguyễn Hựu Nghi đáp rằng: “Thần trộm đoán sứ Thanh sắp đến, không xa. Xin hoàng thượng ở lại đợi cho xong lễ bang giao, còn lễ Đại tường trừ phục xin sai hoàng trưởng tử lưu kinh kính thay”. Hữu Tham tri Bộ Hộ Đoàn Viết Nguyên cũng nói rằng: “Lời Nghi tâu là phải. Nếu nay hoàng thượng hồi loan, không khỏi lại phải đi lần nữa, há chỉ quân sĩ mệt mỏi, mà thánh thượng cũng lại vất vả nữa”.

Nhà vua vẫn buồn bã nói: “Chỉ cần cho phải lẽ, sao lại bàn đến chuyện mệt hay không. Trước tiên đế lặn lội vất vả bao nhiêu, nay trẫm mỗi khi bước ra đã có xe ngựa, người theo hầu, còn khó nhọc gì”. Viên Hàn lâm chưởng viện học sĩ Hoàng Kim Hoán can gián nhà vua rằng: “Đại tường trừ phục thực là lễ lớn, nhưng việc bang giao là theo di huấn của tiên đế. Nối chí theo việc còn hiếu nào hơn”. Các viên Thượng thư Hộ Bộ Nguyễn Hữu Thận, Thự Tiền quân Trần Văn Năng, Đô thống chế Nguyễn Văn Vân, Phó tổng trấn Bắc Thành Lê Văn Phong, Hữu Tham tri Binh Bộ Trần Quang Tĩnh... đều nói vua ở lại là phải.

Tổng trấn Bắc Thành là Lê Chất cũng can rằng: “Xưa tiên đế (vua Gia Long) đi Bắc tuần, đến ngày kỵ Hiếu Khang hoàng đế (tức thân phụ Vua Gia Long là Nguyễn Phúc Luân) không thể tự mình làm lễ được, là ngài cho rằng lễ bang giao là phép lớn và muốn vì xã tắc mưu kế lâu dài. Tiên đế có di huấn rằng: “Xã tắc là trọng, thân trẫm là khinh”, lời nói còn ở bên tai. Nay hoàng thượng nối chí theo việc, nếu không thể tự mình làm lễ Đại tường trừ phục cũng không thất hiếu”.

Tuy nhiên, một thành viên quan trọng trong tôn thất, Kiến An công tên là Đài lại cùng quan điểm với nhà vua, ông bàn rằng: “Ngày kỵ hằng năm thường có, còn lễ Đại tường trừ phục chỉ có một lần mà thôi. Lời di huấn nói: “Xã tắc là trọng, thân trẫm là khinh” chỉ là nói việc lên ngôi ở trước linh cữu, sao lại viện dẫn lời ấy. Nếu hoàng thượng ở lại để đợi sứ Thanh mà không thể tự mình làm lễ Đại tường trừ phục thì lòng yên sao được? Trộm nghĩ nay hoàng thượng cứ về rồi đem cái nghĩa hiếu cảm mà gửi thư cho nhà Thanh, họ cũng không có lời trách được”.

Nghe vậy, viên Chưởng Tượng quân Nguyễn Đức Xuyên phản bác: “Bọn thần muốn lưu giá lại để xong lễ lớn, mà làm đau lòng thánh thượng không phải là không có điều sợ, chỉ vì sự thế không vậy không được thôi”. Nhà vua nghe hai luồng dư luận, phát khóc, nói: “Bọn khanh nói như thế, trẫm cũng không biết làm sao được”, rồi khóc to mãi. Các quan thấy vua khóc cũng đều khóc nức nở. Nguyễn Đức Xuyên đành phủ phục nói với vua: “Tội bất hiếu là tội ở bọn thần”, rồi cùng các quan xuống thềm lạy tạ và cùng nhau dâng biểu xin vua ở lại.

Vua Minh Mạng xem tờ biểu hồi lâu, ngự phê vào rằng: “Bọn khanh đã chẳng muốn rõ lòng thương nhớ đau đớn của trẫm, trẫm chỉ còn vỗ ngực thương xót, nuốt lệ trọn ngày. Kính xin hoàng khảo ta ở trên trời soi xét cho việc ngày hôm nay thôi”.

Đến Tiết Thánh thọ (sinh nhật của hoàng thái hậu), Vua Minh Mạng tự tay viết biểu sai hoàng trưởng tử dâng thay. Biểu văn viết rằng: “Ngày nọ thần được lời từ dụ trước mặt rằng việc mừng thọ năm nay đình lại. Nay, thần lại vì việc bang giao ở bên ngoài chưa được bưng chén ngọc vui mừng chúc thọ, trong lòng ngậm ngùi, thức ngủ chẳng yên. Vậy, kính sai hoàng tử lưu kinh là Dung kính mang hòm biểu cùng 3 dật (nén, 10 lạng) vàng tốt và 10 dật bạc, đến cung tiến lên để chút lòng thành được thấu đến cửa phượng nỗi mong nhớ được thỏa ở đất Long Biên. Cúi mong tuổi thọ như mặt trời mặt trăng mới mọc, hưởng phúc lớn không cùng, như sông núi lâu dài, khắp thần dân vui vẻ”.

Rất may là lần đó, sứ nhà Thanh sang làm lễ tuyên phong đúng trước lễ Đại tường Vua Gia Long, quan chức nghi lễ hai nước thống nhất lấy ngày 19 tháng Chạp năm Minh Mạng thứ 2 (1821) làm lễ tuyên phong, ngày 20 tháng Chạp sứ thần dụ tế Vua Gia Long. Điều đó khiến Vua Minh Mạng cảm thấy vui mừng, nói rằng: “Từ Đinh, Lý, Trần, Lê trước kia, người Bắc sang tế chưa có như thế bao giờ, há chẳng phải hoàng khảo ta ở trên trời thiêng liêng phù hộ mà được thế hay sao?”.

Việc bang giao xong xuôi, Vua Minh Mạng gấp rút lệnh cho xa giá hồi loan. Chuyến đi nhanh chóng, để đúng vào ngày mùng 1 Tết năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Minh Mạng thứ 3 (1822), ngự giá về tới kinh sư, nhà vua liền vào yết điện Hoàng Nhân (nơi thờ Vua Gia Long), rồi sang yết cung Từ Thọ mừng sức khỏe hoàng thái hậu. Ăn Tết xong, đến ngày mùng 7, vua cùng các quan đem việc lễ bang giao đã xong cáo các miếu và điện Hoàng Nhân.

Câu nói của Vua Gia Long “Xã tắc là trọng, thân trẫm là khinh” đã được các vua nước Việt áp dụng như vậy! 

Lê Tiên Long
.
.
.