Thời xưa chống buôn lậu

Thứ Tư, 27/09/2023, 08:51

Ở nước ta thời phong kiến, để đảm bảo an ninh và chống thất thu thuế, triều đình thường có chính sách quản lý chặt chẽ hoạt động ngoại thương. Các hành vi buôn lậu bị trừng phạt rất nặng.

Nguyên nhân cũng bởi vì theo quan niệm Nho giáo, trong “tứ dân” (sĩ, nông, công, thương), thì thương nhân bị xếp cuối cùng, nhà nước không ưu tiên. Mặc dù vậy, triều đại nào cũng cần có quan hệ giao thương với nước ngoài để mua bán những món hàng cần thiết.

Do đó, từ thời Trần, sử sách đã ghi chép việc triều đình cho phép lái buôn nước ngoài được đến trang Vân Đồn (Quảng Ninh) để buôn bán, triều đình lập ra các cơ quan quản lý chặt chẽ và thu thuế đầy đủ.

Theo ghi chép trong sử sách thời Lê sơ và bộ “Quốc triều hình luật” (còn gọi là Luật Hồng Đức), thì tại các cửa biển, triều đình đặt quan Sát hải sứ để kiểm soát tàu bè, cùng các ty An phủ và Đề bạc để kiểm soát buôn bán và đi lại của các thuyền buôn, thương nhân. Theo luật thời Lê, người dân và quan lại vùng duyên hải tự ý mua hàng hóa của người nước ngoài hoặc đón tiếp các thuyền buôn thì sẽ bị nghiêm trị, phạt tiền rất nặng, từ 50 quan đến 200 quan.

Chương Tạp luật, bộ Luật Hồng Đức, Điều 612 quy định: Các quan ty vô cớ mà đi riêng ra những trang ngoài Vân Đồn, các trấn cửa quan ải thì xử tội đồ hay lưu; thưởng cho người tố cáo được một tư (thời xưa quan lại chia thành 9 bậc phẩm hàm, mỗi bậc lại chia thành 4-5 “tư”, ai được thưởng, phạt thì lấy “tư” để ghi lý lịch; thường dân cũng được thưởng “tư”).

Thời xưa chống buôn lậu -0
Tranh mô tả cảnh buôn bán ở thương cảng Vân Đồn thời xưa.

Điều 613 bộ luật này quy định rõ hơn: Những quân lính các trấn ven biên giới, cùng các trang vùng duyên hải mà giấu giếm chở người nước ngoài vào kinh thành, thì xử biếm 5 tư; không có quan chức thì xử tội đồ làm chủng điền binh (lao dịch tại đồn điền của nhà nước) và phạt tiền 100 quan; thưởng cho người tố giác một phần ba. Quan trông coi và chủ trang vô tình không biết thì xử biếm 1 tư.

Việc cấm dỡ lậu hàng buôn ngoại quốc được Điều 614 định rõ: Những trang trại ở ven bờ bể, mà đón tiếp thuyền buôn, ngầm dỡ hộ hàng hóa lên bờ, thì xử biếm 3 tư, phải phạt gấp ba tang vật để sung công, lấy một phần thưởng cho người tố giác. Người chủ trang trại ấy mất chức giám trang. Về việc đưa hàng hóa nước ngoài lên kinh thành buôn bán được quy định tại Điều 615 của Luật Hồng Đức: Người ở trang Vân Đồn mà chở hàng hóa Trung Quốc lên kinh thành mà không có giấy của An phủ ty cấp cho, khi đến bến Triều Đông lại không đến cho Đề bạc ty kiểm soát, đã đem đi bán lén lút, cùng là khi về không có giấy của Đề bạc ty cấp cho; đến chỗ Thông mậu trường lại không đến cho An phủ ty kiểm soát, mà đã về thẳng trang, thì đều phải biếm 1 tư và phạt tiền 100 quan; thưởng người tố cáo một phần ba. Nếu đem hàng hóa tới các nơi bán giấu thì xử biếm 3 tư, phạt tiền 200 quan. An phủ ty, Đề bạc ty vô tình không biết đều phải biếm 1 tư, cố ý dung túng thì biếm 1 tư và bãi chức.

Về việc kiểm soát thuyền buôn, Điều 616 quy định: Thuyền bè ngoại quốc đến trang Vân Đồn buôn bán, mà quan Sát hải sứ (quan khám xét các thuyền bè) đi riêng ra ngoài cửa bể soát trước, thì xử biếm 1 tư. Thuyền buôn ấy muốn đậu lại lâu thì trang chủ phải làm giấy trình An phủ ty làm bằng mới được ở lại; nếu trang chủ không trình mà tự ý cho ở lại thì xử biếm 2 tư và phạt tiền 200 quan; thưởng cho người tố cáo một phần ba.

Luật Hồng Đức phải sau năm 1470 (khi vua Lê Thánh Tông đổi niên hiệu thành Hồng Đức) mới được ban hành. Nhưng, trước đó, các lệnh cấm buôn bán vụng trộm với nước ngoài đã được áp dụng từ đầu thời Lê sơ. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, khi Vua Lê Thái Tông mới lên ngôi, năm 1435, triều đình đã xử phạt Tổng quản lộ An Bang là Nguyễn Tông Từ và Đồng tổng quản Lê Dao đều phải biếm 3 tư, bãi chức vì vi phạm lệnh cấm này. “Bấy giờ, có thuyền buôn Trảo Oa (tức Indonesia ngày nay) đến trấn Vân Đồn, bọn Tông Từ giữ việc xét ghi số hàng hóa trong thuyền, trước đã báo nguyên số rồi, sau lại gian lận đổi làm bản khác, mà bán trộm đi hơn 900 quan tiền, cùng với Lê Dao, mỗi người chiếm hơn 100 quan”, “Toàn thư” chép. Việc bị phát giác, nên cả hai đều bị trị tội.

Các sứ bộ sang Trung Quốc cũng bị cấm việc mua bán riêng. Điều 221 “Quốc triều hình luật” quy định: Quan triều đình đi sứ nước ngoài mà chỉ lo buôn bán sẽ phải chịu tội biếm (giáng chức) hay đồ (đày khổ sai). Nếu vật quý, lạ là sách vở và thuốc men cho phép được mua, song khi về đến quan ải phải khai rõ từng thứ. Ai giấu giếm đều phải xử tội biếm hay bãi chức. Tài sản bị tịch thu sung công.

Thời Lê Thái Tông, có việc Chánh sứ Lê Vĩ và Nguyễn Truyền sang nhà Minh khi về đã mua tới 30 gánh hàng phương Bắc. Triều đình ghét họ làm thói buôn bán, định làm cho họ phải hổ thẹn trong lòng, mới sai người thu lấy hết đem phơi bày ở sân điện, rồi sau mới trả lại. Việc này rồi thành lệ thường.

Sau đó, Nguyễn Tông Trụ khi đi sứ cũng đem nhiều tiền lụa sang mua hàng phương Bắc, vua ghét Trụ vi phạm lệnh cấm mà làm tiền nên cũng sai lấy hết hành trang ông này mua về, đem chia cho các quan.

Viên Tổng quản tiền quân là Lê Thự cũng từng bị Ngôn quan Phan Thiên Tước dâng sớ hặc tội là sai người nhà xuất cảnh mua bán vụng trộm với người nước ngoài. Vua Lê Thái Tông tuy tha các tội khác cho Lê Thụ nhưng sai tịch thu 15 lạng vàng, 100 lạng bạc mua bán vụng trộm của ông này.

Vua Lê Thái Tông đến khi đủ tuổi trưởng thành tự quản việc triều chính, đã ban dụ răn dạy các quan nơi phiên trấn, quan ải là khi có người lạ qua lại, không được sơ hở để họ trốn thoát.

Thời Nguyễn, các hoạt động buôn bán chính với nước ngoài như vũ khí, thuốc súng, vàng ngọc, thiết bị đóng tàu... đều do nhà nước độc quyền.

Tuy nhiên, thương nhân vẫn tìm cách buôn trộm thóc gạo ra nước ngoài. Như vào thời Vua Minh Mạng, nhiều gian thương chở trộm thóc gạo đem bán ở Hạ Châu (tức Singapore ngày nay) hoặc bán cho lái buôn người nước Thanh, nên năm Minh Mạng thứ 5 (1824), triều đình bắt đầu định điều cấm bán trộm thóc gạo. Triều thần bàn rằng, phàm các địa phương ở ven biển, quan sở tại phải nghiêm sức canh giữ, để tâm tuần xét, nếu bắt được kẻ buôn lậu thì của cải thóc gạo trong các thuyền bắt được, đều thưởng cho cả, mà chủ thuyền buôn bán thì xử theo luật. Nếu không xét biết, để người địa phương bắt được thì cũng thưởng cho hết những tang vật bắt được, mà quan địa phương thì giáng 1 cấp lưu, người thủ ngự thì giáng 4 cấp đổi đi. Người hạt khác bắt được thì cũng thưởng như thế, quan sở tại giáng 2 cấp lưu, người thủ ngự cách chức. Ăn tiền cố ý tha thì tính tang vật theo luật nhận hối lộ mà xử. Tuy nhiên, đến năm Minh Mạng thứ 9 (1828), vẫn có thuyền buôn ở Gia Định chở trộm nhiều gạo đem bán ở Hạ Châu, nên nhà vua sai định lại luật lệ để ngăn chặn việc buôn lậu. Đình thần đều bàn rằng: “Việc bán gạo lại có nghiêm cấm, mà bọn buôn gian cứ thấy lợi thì làm, không sợ pháp luật. Nếu cứ để cho đi buôn mà đặt điều cấm thì pháp chế có rõ cũng không hơn được trước, sợ cũng chưa khỏi được sự gian lậu ở ngoài pháp luật. Muốn trừ tệ ấy chẳng gì bằng lấp cái nguồn đi là hơn. Xin từ nay về sau cấm hết thuyền buôn nước ta không được đến Hạ Châu buôn bán, làm trái thì chiếu luật buôn lậu mà trị tội”. Vua Minh Mạng y theo lời bàn này.

Trước đó, năm 1826, Vua Minh Mạng đã ban hành lệnh cấm mua bán chì. Phàm các chợ phố và người buôn ngoại quốc không được mua bán riêng với nhau, dân gian có ai muốn mua chì để làm sinh kế thì cho mỗi người được mua 100 cân, nếu mua quá thì ghép vào tội vi chế.

Luật hình triều Nguyễn, bộ “Hoàng Việt luật lệ”, cũng quy định xử nghiêm quan viên, binh lính nhận hối lộ để "làm ngơ" cho hành vi buôn lậu. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), có viên Thự Hiệp trấn Hà Tiên là Nguyễn Hựu Dự khi xử lý thuyền người Thanh đến buôn bán, buôn lậu thuốc phiện đã tịch thu tài sản với giá trị 2 vạn quan tiền nhưng nộp vào ngân sách chỉ có 3 nghìn quan. Việc bị phát giác, Nguyễn Hựu Dự bị cách chức, giao xét xử.

Thời Vua Thiệu Trị, năm 1845, quan tỉnh Quảng Yên tâu rằng châu Vạn Ninh và châu Vân Đồn ở hải đảo xa, không có ruộng để cày cấy được, nên thiếu gạo ăn, xin được đem thuyền đi mua gạo. Nhà vua y cho, nhưng răn rằng nếu chở trộm gạo để bán thì chiểu lệ buôn lậu, phạt tội trượng, phát đi đày; thuyền, hàng hóa và gia sản đều bị tịch thu. Người coi giữ đồn ở cửa biển nếu nhận của lót mà buông tha sẽ bị trị tội nặng hơn.

Năm Tự Đức thứ 9 (1856), Lý Văn Thiện người tỉnh Gia Định buôn lậu thóc gạo, Bộ Hình dâng án lên, nhà vua phán rằng: Lý Văn Thiện đã 2 lần cố ý phạm pháp, lũ chân sào người cầm lái biết mà không tố giác, bản án đưa lên là phạt nhẹ thì lấy gì ngăn cấm kẻ gian. Do đó vua xử Văn Thiện án giảo giam hậu; bọn chân sào cầm lái phạt 100 trượng đem lưu.

Năm sau, các viên quan Vũ Phác, Trương Hữu Đạo vì nhận hối lộ rồi mặc cho thuyền buôn chở lậu gạo cũng đã bị cách chức, đánh 60 gậy, bắt đi đày 1 năm.

Năm 1868, Vua Tự Đức cho định lại lệ cấm tiền, bạc xuất khẩu. Theo đó, những thuyền buôn xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc đi Hạ Châu, mang theo tiền kẽm từ 10 quan, bạc từ 10 lạng trở lên; thuyền buôn của dân đem theo tiền kẽm đến buôn ở 6 tỉnh Nam Kỳ từ 30 quan trở lên, bạc từ 20 lạng trở lên, đều nghiêm cấm, trái phép thì nếu bắt được ở hòn đảo đầm sâu, đáng được thưởng phạt sẽ chiểu theo nghị định năm Tự Đức thứ 3 về lệ buôn lậu muối gạo mà thi hành; nếu bắt được ở cảng khẩu thì chiểu theo lệ trong nghị định năm Tự Đức thứ 19, tịch thu cả hàng hóa trong thuyền và gia tài, một nửa sung công, một nửa thưởng cho người cáo giác. Quan binh phát giác nếu cố ý tha, ăn tiền hay canh phòng sơ suất không xét thì chiểu theo nghị định năm Tự Đức thứ 3 xử tội; cố ý tha ra, cùng tội với kẻ phạm pháp, ăn tiền làm trái pháp luật, tấn thủ giáng 4 cấp đổi đi nơi khác; quan địa phương, giáng 2 cấp lưu dụng.

Lê Tiên Long
.
.
.