Sức mạnh – vẻ đẹp của bốn pho tượng nữ thời Đông Sơn

Thứ Tư, 27/12/2023, 08:36

Thời Đông Sơn là thời của văn hóa Đông Sơn, gắn với thời Hùng Vương dựng nước, An Dương Vương mở nước và Hai Bà Trưng cứu nước (thế kỷ 7 TCN- thế kỷ 1).

Sức mạnh tâm linh, vẻ đẹp huyền bí của phụ nữ thời Đông Sơn đã được thể hiện qua bốn pho tượng nữ trên cán ba chiếc kiếm ngắn Đông Sơn: chiếc thứ nhất được tìm thấy ở Núi Nưa, Thanh Hóa; hai chiếc sau cũng có gốc vùng Thanh-Nghệ.

Cho đến nay, đó là những pho tượng nữ kỳ bí nhất của văn hóa Đông Sơn, thể hiện người phụ nữ thời đó với vẻ đẹp huyền ảo, phong thái cao sang cùng trang phục cầu kỳ và tinh tế.

Sức mạnh – vẻ đẹp của bốn pho tượng nữ thời Đông Sơn -0
Tượng nữ Núi Nưa; Tượng nữ cầm rìu; Tượng hai phụ nữ cưỡi voi. (Nguồn: Nguyễn Việt)

Có thể thấy bốn tượng nữ trên có những nét chung: đều đội một dạng mũ cao thân hình quả chùy nhiều khía giống tia mặt trời; đều có khuôn mặt hình trái tim với trán rộng, cằm nhọn và đôi mắt tròn to; đều có tai đeo vòng căng chấm vai và cổ mang vòng chuỗi…

Riêng hai pho tượng đầu là tượng toàn thân nên đều có dáng “thắt đáy lưng ong”; đều mặc áo cánh bên ngoài, yếm bên trong cùng váy dài nhiều hoa văn và thắt lưng buông dải cả trước và sau. Đặc biệt, cả hai đều có tư thế hai tay chống nạnh, tư thế thể hiện uy quyền của các tướng lĩnh thời xưa (nhưng cũng là một tư thế của các người đẹp trong các cuộc thi hoa hậu thời nay).

Điều lý thú là khuôn mặt của bốn tượng nữ trên, các học giả ta gọi là “hình trám bầu” hay “hình trái xoan”, nhưng các học giả phương Tây lại gọi là “hình trái tim”. Khuôn mặt đó lại có “hình lá trầu không” theo cách gọi của người Thái xưa, có “hình chữ V” theo cách gọi thời nay. Cách gọi khác nhau, nhưng đó vẫn là khuôn mặt được loài người từ Đông sang Tây, từ xưa đến nay coi là khuôn mặt nữ quyến rũ và kiêu sa nhất.

Tuy nhiên, khuôn mặt các tượng nữ Đông Sơn trông lại rất khác với khuôn mặt người thường bởi đó là khuôn mặt của những người đàn bà-chim, con cháu của Bà Tổ Chim. Rõ ràng, khuôn mặt hình trái tim ấy nhìn gần gũi với hình đầu và mỏ chim; đôi mắt tròn gần gũi với mắt của chim Lạc trên trống đồng, nhưng có độ lớn khác thường.

Bên cạnh những nét chung, bốn pho tượng nữ trên lại có những nét riêng rất đặc sắc.

Pho thứ nhất, do ở trên cán thanh kiếm tìm được ở vùng Núi Nưa, xưa là căn cứ cho cuộc khởi nghĩa chống nhà Ngô của Bà Triệu năm 248, nên được người dân ở đây tin rằng đó là tượng Bà Triệu và thanh kiếm ngắn là chiếc kiếm lệnh Bà dùng khi ra trận.

Tuy nhiên, kiếm ngắn cán hình người thời Đông Sơn không phải là một vũ khí dùng trong trận mạc mà chủ yếu là một biểu tượng cho quyền thế của các Lạc hầu, Lạc tướng. Tượng người trên cán không phải là tượng người chủ kiếm mà là tượng một anh hùng đã hóa thành tổ tiên - thần linh khiến kiếm trở thành một vật thiêng có thể đem lại sức mạnh và may mắn cho người chủ.

Mặt khác, cho đến nay, ít nhất đã có ba thanh kiếm tương tự với kiếm Núi Nưa được tìm thấy, trong đó có một chiếc nằm trong một ngôi mộ ở Vân Nam có niên đại thế kỷ 3 TCN-thế kỷ 1. Như vậy, dạng kiếm này đã xuất hiện trước thời Bà Triệu khởi nghĩa hàng trăm năm.

Pho thứ hai thể hiện một nữ quí tộc tay cầm một chiếc rìu lưỡi xéo cán dài, một dạng rìu đặc trưng của người Bách Việt thời Đông Sơn. Thường dạng rìu này có hoa văn và được dùng như một biểu tượng cho quyền lực, vinh quang và chiến thắng.

Vì thế, pho tượng thứ hai, với chiếc mũ đặc trưng của phụ nữ hoàng tộc Âu Lạc, rất có thể là tượng một nữ tướng thời Thục Phán lãnh đạo người Tây Âu-Lạc Việt đánh bại cuộc xâm lược của nhà Tần (214-208 TCN), một chiến thắng đã dẫn đến sự ra đời của nước Âu Lạc.

Riêng hai pho tượng thứ ba và thứ tư là đặc biệt nhất, bởi chúng thể hiện hai người phụ nữ dường như hai chị em sinh đôi cùng ngồi xổm trên lưng một con voi hai đầu được hai con cá sấu ngậm chân phía dưới.

Bàn về hai tượng nữ này, nhà khảo cổ Nguyễn Việt cho rằng chúng có thể là hình ảnh của Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận. Ông cũng cho biết ít nhất ba thanh kiếm tương tự đã được tìm thấy.

Quả thực, hai pho tượng trên làm chúng ta nghĩ tới hình ảnh Hai Bà cưỡi voi ra trận bao đời thấm sâu vào tâm thức Việt. Nghệ thuật dân gian Việt sau này cũng thường thể hiện Hai Bà khi xung trận ngồi ghế bành trên lưng voi, thậm chí đứng trên lưng voi.

Tuy nhiên, hai pho tượng này còn có ba điểm độc lạ khác: tư thế áp hai tay chéo trước ngực, tư thế ngồi xổm trên lưng voi, và voi lại được hai con cá sấu nâng đỡ chân phía dưới.

Văn hóa nhân loại luôn thống nhất và đa dạng với những điểm trùng hợp. Nhìn chung, trong nhiều nền văn hóa cổ trên thế giới, tư thế áp chéo hai tay trước ngực thể hiện sự thành tâm và tôn kính với bề trên.

Nhìn gần, tư thế áp hai tay chéo trước ngực còn thấy ở một pho tượng nam thể hiện hồn người chết ngồi trên thuyền hồn trên nắp chiếc mộ vò ở hang Marunggul, Phillipines có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm. Đó cũng là tư thế phổ biến của người chết nằm trong quan tài ở Philippines các thời sau này.

Người Philippines cổ là một nhóm Bách Việt vùng biển đảo. Thời xưa, tư thế đó  được dùng cho cả người sống và người chết, với quan niệm “trần sao âm vậy”.

Như nhiều tộc người khác trên thế giới từ xưa tới nay, người Đông Sơn coi cái chết là một sự trở về với tổ tiên. Vì thế, để người chết áp chéo tay trước ngực là một cách thể hiện sự tôn kính của người chết trước tổ tiên.

Nhìn xa hơn,  đó cũng là tư thế của các xác ướp vua Ai Cập cách đây 3.500 năm; là tư thế của hình và tượng Đức Bà Maria khi nhận được tin mình đã mang thai Chúa Jesus hay khi ngước lên trời cầu nguyện.

Sau này, tư thế khoanh tay trước bụng khi chào người lớn của trẻ em Việt (phổ biến ở miền Nam trước 1975) chính là một biến thể của tư thế áp chéo tay trước ngực thời Đông Sơn đó. Ngày nay, ở Mỹ, tư thế khoanh tay của trẻ em khi chào người trên, tư thế khoanh tay của người lớn khi đứng hay ngồi tham dự các nghi thức tôn giáo được coi là một bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt.

Khi đúc tượng Hai Bà với khuôn mặt mô phỏng mặt Bà Tổ Chim và với tư thế ngồi xổm trên lưng con voi được cá sấu ngậm nâng chân, người thợ đúc Đông Sơn muốn thể hiện Hai Bà là hai vị Vua - Thần đã lãnh đạo người Bách Việt cả ở vùng rừng núi lẫn vùng sông biển khắp cõi Lĩnh Nam (bao gồm cả Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay) nổi dậy dành độc lập.

Bao đời nay, người dân Mê Linh quê hương Hai Bà vẫn tin rằng “Hai Bà sống trên lưng voi, thác trên lưng voi” và sau khi mất, Hai Bà vẫn mãi ngự trên lưng voi như hai vị thần hộ quốc. Họ cũng tin khu đền thờ Hai Bà nằm trên mảnh đất có hình đầu con voi đang uống nước.

Điều lý thú là, quan niệm trên lại rất phù hợp với hình tượng của Hai Bà trên cán kiếm Đông Sơn bởi cá sấu xưa cũng được coi là biểu tượng của thần nước hay nước.

Như đã nêu, kiếm ngắn cán hình người thời Đông Sơn chủ yếu là một dạng lễ khí dành cho các Lạc hầu, Lạc tướng, được dùng như một biểu tượng cho quyền thế hay một dạng vật thiêng-bùa hộ mệnh cho người chủ kiếm.  Khi người chủ kiếm qua đời, kiếm được chôn theo chủ hoặc được chôn vào núi, thả xuống sông để cúng tổ tiên-thần linh.

Như vậy, rất có thể những chiếc kiếm có tượng Hai Bà cưỡi voi như trên đã được các tướng lĩnh hay con cháu của Hai Bà đúc để cúng hồn Hai Bà, sau đó được gìn giữ như một vật thiêng khi sống và được chôn vào mộ khi họ qua đời. Một số chiếc khác cũng đã được chôn vào núi hay thả xuống sông với tâm nguyện hồn Hai Bà sẽ về trọn vẹn với tổ tiên Ông Tổ Rồng-Bà Tổ Chim, cơ thể Hai Bà sẽ nằm trọn vẹn trong lòng người và lòng đất  nước Việt.

Dù thế nào, giờ đây với chúng ta, bốn pho tượng nữ trên ba thanh kiếm ngắn Đông Sơn chính là những biểu tượng cho sức mạnh và vẻ đẹp bất tử của các vị nữ anh hùng - con cháu của Hùng Vương và An Dương Vương.

Tạ Đức
.
.
.