OPEC+ đang đi về đâu?

Thứ Hai, 28/10/2024, 10:22

OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác lớn như Nga) từ lâu được coi là lực lượng hàng đầu trong điều chỉnh giá dầu. Trong nhiều thập kỷ, các quyết định cắt giảm hoặc tăng sản lượng của OPEC+ có thể tạo ra những làn sóng lớn trên thị trường năng lượng. Tuy nhiên, gần đây, tổ chức này đang phải đối mặt với những thách thức lớn làm suy yếu khả năng kiểm soát giá dầu, thậm chí là sự tồn tại của chính mình.

Sự chia rẽ trong OPEC+

OPEC+ là một tổ chức không chính thức được lập vào năm 2016 khi OPEC liên minh với 10 nước xuất khẩu dầu mỏ lớn, báo gồm Nga để hướng tới việc điều tiết việc cung cấp dầu cho thị trường toàn cầu. Thực tế, sự phối hợp giữa OPEC và các quốc gia trên đã kéo dài từ những năm 2000 nhằm hướng tới việc đảm bảo lợi ích chung. Với việc chiếm từ 34-50% sản lượng dầu mỏ trên toàn cầu trong từng giai đoạn khác nhau, OPEC+ thực sự có tiếng nói quyết định trong việc định giá dầu và ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế thế giới.

Trong một giai đoạn dài, OPEC và rồi OPEC+ giữ vị trí đặc biệt trong các quyết định địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, các thành viên OPEC+ cũng đều có nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu dầu mỏ. Do đó, sự không đồng nhất trong nhu cầu sản lượng dầu và các mục tiêu kinh tế, chính trị đã tạo ra những cách nhìn nhận khác biệt trong các quyết định của từng thành viên.

OPEC+ đang đi về đâu? -0
Mối quan hệ giữa Nga và Saudi Arabia quyết định sự tồn tại của OPEC+.

Thời gian gần đây, có nhiều tín hiệu cho thấy OPEC+ đang dần đánh mất khả năng kiểm soát giá dầu. Bởi, trong khi các nước như Saudi Arabia và UAE mong muốn giữ sản lượng thấp để đẩy giá dầu lên cao và giữ ảnh hưởng của mình trên thị trường thì các quốc gia như Nga hay Venezuela lại có nhu cầu tăng sản lượng để duy trì nguồn thu từ dầu mỏ. Một số thành viên đã bị tố là bí mật tăng sản lượng vượt hạn ngạch đặt ra mà không thông báo với Ban thư ký OPEC+. Thậm chí, một số nước còn công khai phản đối chính sách cắt giảm sản lượng này.

Trong cuộc họp tháng 7/2023, ông Novak Alexander, Phó Thủ tướng Nga phụ trách về kinh tế đã nhấn mạnh rằng: "Việc duy trì sản lượng thấp không phù hợp với chiến lược kinh tế dài hạn của Nga, nhất là khi giá năng lượng toàn cầu đang bị áp lực từ sự phục hồi sau đại dịch". Cách nhìn trái ngược này của các thành viên đã khiến cho OPEC+ trở nên khó đưa ra những quyết sách chung và tạo được sức mạnh tập thể từ những đợt điều chỉnh sản lượng của mình.

Việc Nga công khai đi ngược lại với các chính sách của OPEC+ đã làm suy yếu tinh thần hợp tác của tổ chức. Không những thế, từ năm 2022, Nga đang hướng dòng dầu của mình tới châu Á, nơi có các nhà tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ để bù đắp cho thị phần bị mất tại châu Âu bằng các gói bán hàng có chiết khấu cực lớn. Các thị trường này trước đây vốn là đối tác chính của Saudi Arabia và các thành viên OPEC cũ tại khu vực Trung Đông. Điều này đã vô tình tạo nên một cuộc cạnh tranh giữa chính các thành viên của OPEC+ để tranh giành thị trường.

Cùng với Saudi Arabia, Nga là hai thành viên chủ chốt đồng thời cũng nắm giữ sản lượng lớn nhất của OPEC+. Mặc dù vẫn duy trì sự phối hợp, nhưng hai cường quốc này đang có quan điểm khác biệt về cách xử lý thị trường dầu mỏ, dẫn đến những rạn nứt trong tổ chức từ thượng tầng. Ông Javier Blas, chuyên gia phân tích thị trường năng lượng của hãng tin Bloomberg cho rằng: “OPEC+ phải chịu trách nhiệm về những rắc rối và tình hình hiện tại. Vấn đề không nằm ở chỗ cần tăng cường hay cắt giảm, mà cần phải tuân thủ hạn ngạch đã được thông qua” bởi nếu không “thị trường dầu mỏ sẽ coi đây là thông lệ tiêu chuẩn và toàn bộ cơ cấu quản lý sẽ thành gánh nặng”.

Thực tế khi OPEC+ không thể duy trì sự đoàn kết và phối hợp hiệu quả, điều này đã gây ra sự bất ổn trên thị trường dầu mỏ. Giá dầu biến động mạnh hơn, còn OPEC+ dần mất đi khả năng định hình giá như trước đây. Trong năm 2023, giá dầu thế giới đã có những biến động lớn, từ mức cao hơn 100 USD/ thùng xuống dưới 70 USD/ thùng chỉ trong vài tháng. Sự không ổn định này phần lớn do sự không đồng nhất trong quyết định của OPEC+. Morgan Stanley, một trong những ngân hàng lớn theo dõi thị trường dầu mỏ, đã chỉ ra rằng: "Những biến động giá này cho thấy sự yếu kém trong khả năng kiểm soát của OPEC+ đối với thị trường, một phần do sự chia rẽ trong nội bộ tổ chức".

OPEC+ đang đi về đâu? -0
OPEC được mở rộng nhằm mục đích kiểm soát giá dầu.

Những “người chơi” mới

Không chỉ OPEC+ mất kiểm soát trong nội bộ của mình, những tác động bên ngoài cũng đang làm giảm dần sức ảnh hưởng của tổ chức. Trong một thập kỷ qua, sự phát triển mạnh mẽ của những công nghệ mới như dầu đá phiến đã khiến cho Mỹ và một số quốc gia vươn lên vị trí những nhà sản xuất hàng đầu thế giới.

Theo thống kê của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã đạt mức kỷ lục 13 triệu thùng/ ngày vào giữa năm 2024 giúp nước này giữ vững vị trí là cường quốc đứng đầu về sản lượng dầu mỏ toàn cầu năm thứ 5 liên tiếp. Tính theo tỷ trọng toàn cầu thì năng lực sản xuất của OPEC+ cũng đang giảm dần trong một thập kỷ qua. OPEC+ đã duy trì tỷ trọng khá ổn định trong khoảng 42-49% trong những năm đầu, nhưng từ năm 2018 trở đi, tỷ trọng của OPEC+ giảm dần, với tỷ trọng giảm xuống khoảng 34% vào năm 2023.

Không những thế, việc các thị trường tiêu thụ dầu lớn khác như Trung Quốc, Ấn Độ, EU tìm cách tự chủ hơn về năng lượng đã làm giảm vai trò của OPEC+ trong việc kiểm soát nguồn cung dầu toàn cầu. Sự phát triển nhanh chóng của các nguồn năng lượng tái tạo trong khoảng vài năm qua đã trở thành một yếu tố làm giảm tầm quan trọng của dầu mỏ trong đời sống kinh tế thế giới cũng như thách thức ảnh hưởng của OPEC+ trên quy mô toàn cầu.

Những con số thống kê không biết nói dối. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năng lượng tái tạo chiếm khoảng 13-14% trong tổng nguồn năng lượng tiêu thụ toàn cầu vào năm 2023, tăng từ mức khoảng 9% vào năm 2013. Với tỷ lệ tăng trung bình từ 7% đến 10% mỗi năm trong thập kỷ qua, nhờ sự đầu tư lớn vào năng lượng mặt trời, gió, thủy điện và sinh khối, những nguồn năng lượng mới này có thể chiếm 30% nhu cầu toàn cầu vào năm 2030. Ở chiều ngược lại, nhu cầu dầu mỏ đã tăng chậm lại trong 10 năm qua, với tốc độ tăng trung bình dưới 1% mỗi năm. Mặc dù dầu mỏ vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu năng lượng toàn cầu (khoảng 30-33%), nhưng thị phần này đã giảm từ khoảng 35% vào năm 2013.

Theo dự báo của IEA, đến năm 2040, tỷ trọng dầu mỏ trong tổng tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ giảm xuống còn 26%. Ông Edward Morse, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Citigroup, đánh giá: "OPEC+ đang mất khả năng kiểm soát thị trường dầu khi các yếu tố bên ngoài như các lệnh trừng phạt, sự phát triển của các nguồn năng lượng thay thế và biến động địa chính trị ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn đến giá cả".

Tương lai của OPEC+?

Cho đến lúc này, tương lai của OPEC+ đang là một dấu hỏi lớn. Trong khi một số chuyên gia tin rằng tổ chức này sẽ tìm cách tái định hình vai trò của mình trong bối cảnh thị trường thay đổi vì lợi ích của chính các thành viên thì nhiều ý kiến cho rằng OPEC+ có thể sẽ tiếp tục suy yếu. Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA, đã đưa ra nhận định rằng: "Nếu OPEC+ không tìm cách giải quyết những mâu thuẫn nội bộ và điều chỉnh chiến lược để thích nghi với thị trường năng lượng mới, tổ chức này có thể sẽ mất đi tầm ảnh hưởng vốn có".

Theo một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs tháng 9/2024, giá dầu sẽ còn tiếp tục biến động với xu hướng giảm và có thể dao động quanh mức 60-80 USD/thùng trong thập kỷ tới. Đó chắc chắn không phải tin tốt cho các thành viên của OPEC+. Để duy trì tầm ảnh hưởng của mình, OPEC+ sẽ cần phải tìm cách giải quyết các mâu thuẫn nội bộ và tìm ra chiến lược phù hợp hơn với thị trường dầu mỏ toàn cầu đang thay đổi. Nếu không, tổ chức này có thể sẽ dần mất đi vị thế và ảnh hưởng vốn có của mình.

Tuy nhiên, khi chưa có tín hiệu nào cho thấy các thành viên sẽ ngồi lại tìm cách giải quyết khúc mắc thì hôm 1/10 vừa qua, chính quyền Saudi Arabia đã đưa ra thông báo “đang xem xét sửa đổi chính sách giá dầu”. Theo đó, nước có sản lượng dầu lớn nhất OPEC+ này có thể từ bỏ mục tiêu không chính thức là duy trì mức giá trên 100 USD/thùng như một phần nỗ lực ổn định thị trường dầu mỏ trước đây.

Theo các nguồn tin, Saudi Arabia đang chuẩn bị tăng sản lượng để giảm giá dầu. Dường như đây là động thái của Saudi Arabia nhằm tìm cách lấy lại thị phần của mình tại các thị trường trọng điểm châu Á. Nếu thực sự chính quyền Saudi Arabia quyết định làm điều này thì cũng có nghĩa là thời điểm khép lại của OPEC+ đã điểm.

Tiểu Phong
.
.
.