Những kỷ vật của Vua Hàm Nghi hồi hương tại Huế

Thứ Hai, 25/11/2024, 11:53

Những năm qua, nhờ sự nỗ lực của Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) cố đô Huế và chính quyền địa phương, đã có nhiều tư liệu, hình ảnh và kỷ vật quý giá của các vị vua triều Nguyễn lưu giữ ở nước ngoài được hồi hương trở về Việt Nam.

Đặc biệt trong đó, một số tư liệu, kỷ vật quý của Vua Hàm Nghi được hậu duệ nhà vua trao tặng cho tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị, góp phần quảng bá, nâng cao giá trị di sản văn hóa Việt Nam nói chung và di sản cố đô Huế nói riêng.

Cuốn sách chứa nhiều tư liệu quý về Vua Hàm Nghi

Một ngày đầu tháng 11/2024, dù thời tiết ở TP Huế se lạnh và trời mưa khá lớn nhưng vẫn có rất đông các đại biểu, nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa Huế, các du khách đến Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội Huế) để tham dự buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”. Cuốn sách đặc biệt này do TS Amandine Dabat, là hậu duệ đời thứ 5 của Vua Hàm Nghi, chắt gái của công chúa Như Lý (con gái của Vua Hàm Nghi) biên soạn.

Bà Amandine Dabat là Tiến sĩ Lịch sử nghệ thuật (Đại học Sorbonne), Thạc sĩ Việt Nam học (Đại học Paris 7-Diderot). Năm 2015, bà bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Viện Lịch sử Nghệ thuật Pháp (Paris) với đề tài về Vua Hàm Nghi: “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”.

Những kỷ vật của Vua Hàm Nghi hồi hương tại Huế -0
Hậu duệ Vua Hàm Nghi tặng bộ sách chữ Hán của nhà vua cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.

Tiến sĩ Amandine Dabat cho biết, cuốn sách “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger” là một công trình nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Vua Hàm Nghi, trong vai trò một vị vua yêu nước và là một họa sĩ tài hoa trong thời gian ông lưu vong tại Pháp và Alger. Cuốn sách gồm 71 trang tác phẩm mỹ thuật, 12 trang tác phẩm điêu khắc, 68 trang ảnh tư liệu, thư từ được dịch từ bản gốc tiếng Pháp “Hàm Nghi – Empereur en exil, artiste à Alger” do Nhà xuất bản Sorbonne ấn hành năm 2019. Qua đó sẽ giúp công chúng, bạn đọc khám phá khía cạnh nghệ thuật ít được biết đến của Vua Hàm Nghi, một trong những nghệ sĩ để lại dấu ấn đặc biệt trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Để thực hiện công trình nghiên cứu này, bà Amandine Dabat đã dựa vào hai bộ sưu tập quan trọng. Trong đó có bộ sưu tập về Vua Hàm Nghi do hậu duệ nhà vua lưu giữ gồm 2.500 tài liệu, thư nhà vua nhận và các bản thảo viết trong thời gian lưu đày. Bộ sưu tập thứ hai là tài liệu của chính quyền Algérie chứa đựng những văn bản hành chính và các dự án chính trị của chính phủ Pháp liên quan đến Vua Hàm Nghi.

Theo TS Amandine Dabat, Vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp lưu đày sang Algérie lúc mới 18 tuổi. Dù mang thân phận tù nhân chính trị nhưng nhà vua vẫn dành cả cuộc đời cho nghệ thuật. Nhờ các mối quan hệ với những nhân vật nổi tiếng như nhà điêu khắc Auguste Rodin và nhà văn Judith Gautier, ông dần tiếp cận và hòa mình vào giới nghệ thuật và trí thức đương thời. Dù bị chính quyền Pháp giám sát nghiêm ngặt nhưng Vua Hàm Nghi vẫn giữ được liên lạc với gia đình và quê hương thông qua mạng lưới bạn bè quý tộc giữa Algérie, Đông Dương và Pháp. Bằng việc miệt mài sáng tạo trong hội họa và điêu khắc, Vua Hàm Nghi đã sáng tác nên những bức tranh sơn dầu và tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao.

Từ năm 1899 đến 1903, phong cách của các bức tranh dầu trên vải của Vua Hàm Nghi thuộc dòng chảy của các họa sĩ theo trường phái ấn tượng, vẽ tranh từ thực tế, sự quan sát thiên nhiên, trong đó có tác phẩm “Lac des Alpes” (tạm dịch Hồ trên dãy núi Alpes). Tác phẩm này được Vua Hàm Nghi vẽ vào khoảng năm 1900-1903 với chất liệu sơn dầu trên vải, kích thước 27,5cm x 40,5cm và đã được hậu duệ của Vua Hàm Nghi tặng lại cho Trung tâm BTDT Cố đô Huế vào đầu năm 2023. Hiện tác phẩm này đang được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Tại Paris, Vua Hàm Nghi đã tổ chức 3 cuộc triển lãm khá thành công và thu hút được sự quan tâm của công chúng lẫn báo chí. Trong đó có cuộc triển lãm vào tháng 6/1904, ông đã trưng bày một loạt tranh màu phấn khô tại Bảo tàng Guimet. Đến năm 1926, Vua Hàm Nghi tiếp tục trưng bày 58 tác phẩm trong một cuộc triển lãm hồi tưởng diễn ra tại phòng trưng bày Mantelet – Colette Weil.

“Trong các bức tranh của Vua Hàm Nghi vẽ, có thể thấy nhà vua đã truyền tải sự cô đơn khi phải rời xa quê nhà của mình. Qua mỗi bức tranh có thể thấy ông muốn gửi gắm nỗi đau nhớ quê hương và đó là cách ông chọn để vượt qua khó khăn, đau khổ để bước tiếp thông qua nghệ thuật. Đáng tiếc là vào năm 1962, cuộc chiến ở Algérie khiến ngôi nhà của Vua Hàm Nghi bị cháy rụi nên nhiều tác phẩm không còn”, bà Amandine Dabat chia sẻ.

Nhiều kỷ vật của Vua Hàm Nghi hồi hương về Việt Nam

Trước khi qua đời, Vua Hàm Nghi đã để lại một gia tài đồ sộ về nghệ thuật gồm hơn 90 bức tranh và các tác phẩm điêu khắc. Năm 2022, trong quá trình sưu tầm tư liệu lịch sử phục vụ công tác nghiên cứu và trùng tu di tích Huế, đặc biệt là tư liệu về Vua Hàm Nghi, lãnh đạo Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã gặp gỡ, hợp tác và làm việc với nhà nghiên cứu, TS Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của Vua Hàm Nghi.

à Amandine Dabat đã rất tâm huyết và tích cực hỗ trợ Trung tâm BTDT Cố đô Huế thu thập các tư liệu ảnh, tranh vẽ của Vua Hàm Nghi. TS Amandine Dabat và các hậu duệ của Vua Hàm Nghi còn hiến tặng nhiều tác phẩm nghệ thuật, vật ngự dụng của nhà vua. Nhờ vậy, nhiều kỷ vật quý giá của Vua Hàm Nghi đã được hồi hương trở về Việt Nam.

Những kỷ vật của Vua Hàm Nghi hồi hương tại Huế -0
Chiếc khay gỗ khảm xà cừ của Vua Hàm Nghi được hồi hương về cố đô.

Tháng 1/2023, sau khi vừa trở về Việt Nam và có buổi giới thiệu về cuộc đời, nghệ thuật của Vua Hàm Nghi tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại nội Huế), TS Amandine Dabat đã hiến tặng chiếc ống điếu hút thuốc của Vua Hàm Nghi cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thuộc Trung tâm BTDT Cố đô Huế. Ống điếu được làm từ gỗ khảm xà cừ, có chiều dài hơn 20cm, đường kính gần 9cm, được chế tác tại Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ 19. Chiếc ống điếu này từng được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á ở thành phố Nice thuộc miền Nam nước Pháp.

Ngày 5/11/2024, tại buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger” được tổ chức tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, bà Amandine Dabat và các hậu duệ Vua Hàm Nghi tiếp tục tặng cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thêm nhiều kỷ vật quý giá khác của Vua Hàm Nghi. Các kỷ vật gồm chiếc khay gỗ khảm xà cừ dài 31,4cm; rộng 18,4cm; cao 10cm; Bộ sách chữ Hán gồm 3 cuốn “Ngự chế canh chức đồ” (2 quyển); “Đan đồ huyện chí” (26 quyển); “Tăng đính thi kinh thể chí diễn nghĩa” (5 quyển); Đôi đũa cung đình bằng ngà hải mã và đôi tiềm bằng sứ. Trong đó, chiếc khay gỗ được xem như một vật báu được Vua Hàm Nghi mang theo từ Việt Nam và luôn giữ bên mình như một kỷ vật gợi nhớ về quê hương.

Bộ sách chữ Hán nằm trong số ít những cuốn sách còn lưu giữ mà Vua Hàm Nghi đã từng đọc khi xa xứ. Những kỷ vật quý giá này được công chúa Nguyễn Phúc Như Mai, con gái trưởng của Vua Hàm Nghi lưu giữ cẩn thận để tưởng nhớ vua cha. Còn đôi đũa cung đình bằng ngà hải mã được Thái hậu Từ Dũ giao cho bà Phan Thị Hòa sử dụng trong bữa ăn của Vua Hàm Nghi (giai đoạn Cần Vương 1885-1889) và đôi tiềm bằng sứ là vật dụng của gia đình Vua Hàm Nghi.

Ngoài những hợp tác, đóng góp và hiến tặng kỷ vật của vua Hàm Nghi cho tỉnh Thừa Thiên Huế, TS Amandine Dabat và gia đình còn hiến tặng kỷ vật ống điếu của vua Hàm Nghi cho UBND huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) và 1 bức tranh sơn dầu của vua Hàm Nghi cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. “Là một hậu duệ của nhà vua, tôi cảm thấy sứ mệnh của mình sẽ hoàn thành khi mang được nhiều nhất có thể các tác phẩm nghệ thuật, các kỷ vật của nhà vua về Việt Nam”, bà Amandine Dabat bày tỏ.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị, đã có nhiều tổ chức, cá nhân trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Trong đó có 19 cổ vật hồi hương từ các quốc gia như Pháp, Đức, Tây Ban Nha thông qua các hình thức như tỉnh tham gia đấu giá, doanh nghiệp tổ chức đấu giá thành công và tặng cho Bảo tàng hoặc kiều bào Việt Nam ở nước ngoài trao tặng cho Bảo tàng.

Đặc biệt, gia đình TS Amandine Dabat và các hậu duệ vua Hàm Nghi đã tặng cho Bảo tàng nhiều kỷ vật của nhà vua, thể hiện lòng tri ân của hậu duệ nhà vua. Các kỷ vật này đã cung cấp thêm nhiều thông tin quý báu về cuộc đời vua Hàm Nghi, góp phần giới thiệu, quảng bá, nâng cao hình ảnh các giá trị di sản văn hóa Huế - Việt Nam, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế.

“Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm BTDT Cố đô Huế và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nội dung hợp tác, giao lưu văn hóa có ý nghĩa với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm thu thập thêm nhiều tư liệu, hiện vật quan trọng, làm phong phú và sâu sắc thêm câu chuyện lịch sử Cố đô Huế”, ông Hoàng Việt Trung khẳng định.

Vua Hàm Nghi sinh năm 1871, tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là vị hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn. Năm 1884, Hàm Nghi được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi. Năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra khỏi kinh thành và phát chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp. Phong trào Cần Vương kéo dài đến năm 1888 thì Vua Hàm Nghi bị bắt. Sau đó ông bị Pháp đưa đi lưu đày ở Alger (thủ đô Algérie, một quốc gia ở Bắc Phi) và qua đời tại đây năm 1944.

Trong thời gian bị lưu đày, Vua Hàm Nghi đã học vẽ và điêu khắc. Vua Hàm Nghi để lại nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị lớn, trong đó có một số bức tranh nổi tiếng của nhà vua đã được tổ chức đấu giá thành công.

Anh Khoa
.
.
.