Làn sóng sách kinh điển về nữ quyền đến Việt Nam: Nữ quyền cho ai?
Hãy tưởng tượng bạn là một người dân Âu châu thế kỷ 16 và được cho ngắm nhìn bức tranh như thế này: một người phụ nữ phô bày một bầu vú của mình, không phải để cho đứa trẻ trên lòng nàng bú, vì đứa bé đang nhìn về một nơi nào khác xa xăm, cả nàng cũng vậy, thứ duy nhất đang chằm chằm “nhìn” vào độc giả là bầu vú của nàng.
Bạn sẽ cảm thấy sốc dù cho trong nhiều thế kỷ trước không thiếu những bức tranh hay tượng điêu khắc các nữ thần khỏa thân, song không một tác phẩm nào trước đó đem lại cảm giác lõa lồ theo cách này.
Đúng vậy, bức tranh “Madonna and the child” của Jean Fouquet ra đời năm 1542 có lẽ là một trong những khoảnh khắc đầu tiên trong nghệ thuật khi cặp vú của phụ nữ được gán với cảm giác khêu gợi. Điều thường được cho là đương nhiên ấy hóa ra không đương nhiên một chút nào, bởi trong những tác phẩm thời cổ đại, vú mang một hàm nghĩa thiêng liêng, chẳng hạn như một bức tượng về nàng Artemis ở thành phố cổ Ephesus với khoảng 20 bầu vú trên thân mình gợi nên cảm giác thần thánh hơn là gợi tình. Tương truyền, nguyên mẫu của Đức Mẹ trong bức tranh của Fouquet là Agnès Sorel, tình nhân của Vua Charles VII, cũng là người tình hợp thức đầu tiên được Hoàng gia Pháp công nhận. Nhờ thân phận đó, nàng có một đời sống xa hoa và đoàn tùy tùng của nàng còn đông hơn của Vương hậu. Chỉ một câu chuyện rất nhỏ như thế thôi, nhưng nó khiến ta băn khoăn: dường như, biểu tượng của vú không phải có sẵn, mà do ai đó đã làm nên? Vậy ai đó là những ai? Trong cuốn sách “A history of Breast” (Lịch sử vú), Marilyn Yalom lần đầu tiên tìm về những câu trả lời cho câu hỏi đó. Hóa ra, vú là của phụ nữ, mà cũng không phải của họ.
Vú là của phụ nữ, tất nhiên rồi. Nhưng vú cũng là của những nhà cải cách xã hội, những nhà Khai sáng, những nhà Cách mạng xây dựng nền Cộng hòa thế kỷ 18 của nước Pháp, khi họ sử dụng hình ảnh dòng sữa tinh khiết từ ngực mẹ so sánh với dòng sữa ô uế của những vú em đã nuôi lớn những nhà quý tộc. Vú lại là của chế độ thực dân khi đưa hình ảnh người phụ nữ bản địa ngực trần ở Châu Phi hay Thái Bình Dương lên đồng tiền như lời nhắc nhở về trạng thái bán khai cần được soi sáng của vùng đất thuộc địa. Vú cũng là của những nhà tư bản, với “thần chú” là “Bạn có thể bán bất cứ cái gì khi có thêm cặp vú”. Vú được những nhà truyền đạo ca ngợi và nguyền rủa. Vú bị chiếm dụng khắp nơi, như một mỏ vàng vô tận được đem ra khai thác, khi là sự sống, khi là cái chết, khi là lạc thú, khi là tội lỗi. Vú là của phụ nữ nhưng mọi lựa chọn của phụ nữ dành cho nó – thu nhỏ vú hay bơm độn vú, áo corset hay áo bra hiện đại, cho con bú hay không cho con bú – tất cả đều bị phán xét bởi chế độ phụ quyền.
Phát hành từ năm 1998, “Lịch sử vú” của Marilyn Yalom có lẽ là một trong những cuốn sách nữ quyền nhìn từ góc độ thú vị nhất – cơ thể phụ nữ. Và phải gần 25 năm sau, nó mới được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Có lẽ khó nơi nào đón ngày 8/3 rầm rộ hơn chúng ta song đồng thời lại mù mờ về nữ quyền hơn chúng ta. Lướt qua tin tức mỗi ngày, ta có thể đọc vô số bài viết miệt thị cơ thể của một diễn viên vì cô quá béo hoặc quá gầy. Hoặc bằng cách phóng đại vai trò của một vài người phụ nữ nhất định – như hoa hậu được coi là đại diện cho vẻ đẹp phụ nữ của cả quốc gia, ta làm nhòa đi sự thật rằng mỗi người phụ nữ là một cá thể riêng biệt với những lựa chọn khác nhau, và nữ quyền nếu chỉ áp dụng với một vài đối tượng thì sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Vì thế, việc những cuốn sách nền tảng về nữ quyền trên thế giới được đồng loạt chuyển ngữ và ấn hành, hứa hẹn lấp đầy những khoảng trống hoặc sửa chữa những lầm lạc trong cách ta nhìn nhận về nữ quyền.
Vì đây đều là những cuốn sách có tuổi đời ít nhất 20 năm, thậm chí có cuốn lên tới hơn 70 năm, không thể tránh khỏi có những điều không còn là mới. Chẳng hạn, với “Bí ẩn nữ tính” của Betty Friedan, một trong những tác phẩm thổi bùng lên làn sóng nữ quyền thứ hai ở Mỹ, cái “vấn đề không tên” mà những bà nội trợ Mỹ thập niên 60 thời ấy đối mặt giờ đã có tên, họ không còn lăn tăn vì sao họ có một cuộc sống gia đình hoàn hảo mà họ vẫn thấy không hoàn chỉnh, nhưng tác phẩm vẫn còn đó những phê phán đầy tính khai minh đối với các học thuyết về phụ nữ, mà một trong số đó là phân tâm học của Freud. Khi bàn về sự phát triển tâm lý nữ giới, Freud đã đề ra một giai đoạn mang tên Penisneid – sự đố kỵ vì thiếu vắng bộ phận sinh dục như nam giới, và nỗ lực của những người đàn bà để đạt tới thành công trong xã hội ngang hàng với một người đàn ông chỉ phản ánh lòng ganh ghét sâu đậm của họ, đến mức họ muốn trở thành một người đàn ông.
Ngày nay, ta khó tin vào một học thuyết thiếu căn cứ như thế. Nhưng cách mà Freud “thêu dệt” về nữ tính chỉ dựa trên trải nghiệm tuổi thơ và bối cảnh sống chật hẹp của mình vẫn còn để lại di sản là những mặc định tự nhiên nam giới áp đặt lên nữ giới. Tôi từng tham gia một lễ trao giải khoa học trong nước và khi một nhà khoa học nữ lên nhận giải, người dẫn chương trình liền khen cô hôm nay rất xinh đẹp. Lời khen của anh hoàn toàn thiện ý, nhưng chính sự thiện ý ấy biểu hiện một tiềm thức nơi anh, và nơi rất nhiều người đàn ông, rằng vai trò trước nhất của phụ nữ, dù trong hoàn cảnh nào, cũng là đẹp.
Sự chiếm dụng của nam giới với biểu tượng vú hay những học thuyết ngầm coi phụ nữ là “xương sườn” của đàn ông không chỉ có hại với những phụ nữ chấp nhận bị thống trị mà cả với những phụ nữ không chấp nhận bị thống trị. Trong tập sách tuyệt vời “Nữ quyền cho tất cả mọi người” của mình, tác giả Bell Hooks chỉ ra hiểu lầm lớn nhất về nữ quyền là cho rằng, nữ quyền nghĩa là chống lại nam giới, và đấu tranh vì nữ quyền đồng nghĩa với đấu tranh đòi bình đẳng giới – phụ nữ ngang với đàn ông. Thế nhưng, cách hiểu ấy đã bỏ qua một thực tế lịch sử rằng, phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng của những phụ nữ da trắng đã nổi lên vào cùng thời điểm phong trào đòi quyền bình đẳng của người da màu, và đàn ông da trắng thà chấp nhận quyền bình đẳng với phụ nữ cùng màu da và lôi kéo họ đứng cùng phe lợi ích với mình còn hơn phải thấy bản thân ngang hàng với người da đen. Nói cách khác, nữ quyền theo nghĩa này đã bỏ qua những khía cạnh về giai tầng hay màu da trong xã hội, và bằng cách trao quyền cho một nhóm phụ nữ nhất định, những ngăn cách khác lại càng trở nên sâu sắc.
“Nói một cách đơn giản, nữ quyền là một phong trào nhằm chấm dứt phân biệt giới tính, sự bóc lột và áp bức có tính phân biệt giới”, Bell Hooks viết một cách súc tích ngay ở phần mở đầu cuốn sách. Với bà, nữ quyền triệt để là chấm dứt chế độ phụ hệ, mà biểu hiện của nó không chỉ là sự thống trị của nam giới, mà còn là sự tồn tại của bất cứ dạng thức thống trị nói chung nào, dù là sự thống trị của một người phụ nữ giàu có với một phụ nữ yếu thế, hay sự thống trị của những bà mẹ với đứa con của mình, hay sự thống trị của một phụ nữ da trắng với một người đàn ông da màu. Với Hooks, chỉ khi quan hệ giữa các cá nhân được điều chỉnh bằng tình yêu thay vì quyền lực, ta mới có được ý thức chính trị nữ quyền đích thực.
Đây là một khẳng định có tính cách mạng. Tôi còn nhớ khi đọc “Lịch sử vú”, một trong những chi tiết tôi nhớ nhất là bức tranh của danh họa Tintoretto cuối thế kỷ 16 kể lại sự tích dải Ngân hà trong thần thoại Hy Lạp, rằng thần Zeus vì muốn Hercules, con trai của ngài với một người phàm có được sự bất tử, đã lén để đứa bé dưới bầu ngực Hera, và vì đứa bé bú quá hăng hái khiến Hera tỉnh dậy, bà đã tức giận giật bầu vú ra khỏi Hercules, sữa văng ra biến thành dải Ngân hà, mà trong tiếng Anh là Milky Way – Con đường Sữa. Khi đọc tới đó, tôi đã nghĩ hành động chiếm đoạt bầu vú Hera của Zeus là biểu hiện của phản nữ quyền, nhưng nếu từ điểm nhìn của Hooks, mọi thứ không đơn giản là vậy. Sự áp chế của Zeus dành cho Hera là rõ ràng, nhưng sự áp chế của một vị thần dành cho một á thần – hay nói cách khác, giữa những kẻ không cùng giai cấp, thì sao? Hercules phải chăng cũng là một nạn nhân của hành động phản nữ quyền? Nữ quyền đâu chỉ là thứ Zeus phải học, mà có lẽ chính Hera cũng phải học.
Và nữ quyền dành cho ai ư? Như Bell Hooks đã nói, nữ quyền là cho tất cả mọi người.