Koliivshchyna – Nỗi đau Ukraine

Thứ Ba, 12/04/2022, 17:22

Nếu như Hiệp ước Pereiaslav năm 1654 thường vẫn được xem như cột mốc đánh dấu việc Ukraine “quy phục” và sáp nhập vào đế chế Nga Sa hoàng – thể chế chính thức kế thừa “dòng đại thống” của triều đình Kievan Rus cổ, thì cuộc nổi dậy Koliivshchyna (cũng hay được gọi là Cuộc nổi dậy Haidamaka/ Haidamachchyna) năm 1768 lại là một mảnh ghép phủ bụi nữa trong dòng chảy lịch sử, để trả lời câu hỏi: Vì sao đến tận năm 1917, cố đô Kiyv mới lại trở thành thủ đô của một quốc gia thực sự độc lập - Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xôviết Ukraina?

Bên kia sông Dnepr

Thực tế, sau Peireiaslav 1654, mới chỉ có các lãnh thổ ở tả ngạn sông Dnepr (nghĩa là miền đông Ukraine hiện đại) đặt mình vào dưới sự cai trị cũng như bàn tay che chở của Sa hoàng.

Trong khi đó, bên hữu ngạn sông Dnepr, Lviv hay Kiyv vẫn là lãnh thổ thuộc Khối thịnh vượng chung (liên bang) Ba Lan – Lithuania (Litva). Ở đó, phía Tây Ukraine, cũng có những nhóm người Cossack ngang tàng, yêu tự do và sùng đạo. Sùng đạo, nên họ căm phẫn trước việc triều đình Warsaw muốn ép họ cải đạo, từ Chính thống giáo Đông phương (Orthodox) sang Thiên Chúa giáo La Mã (Roman Catholic). Yêu tự do nên họ không cam chịu việc trở thành tầng lớp nông nô. Và ngang tàng, nên họ sẵn sàng phản kháng.

Những chiến binh Cossack miền tây Ukraine ấy tự gọi mình là “haidamaka (haydamaks)”. Theo Bách khoa thư trực tuyến Ukraine (www.encyclopediaofukraine.com), những nhóm haidamaka ấy đoàn ngũ hóa, di chuyển linh hoạt từ vùng này sang vùng khác, tấn công những khu vực không phòng thủ, rồi nhanh chóng biến mất vào thảo nguyên mênh mông – kiểu chiến tranh quen thuộc của những sắc dân du mục.

Koliivshchyna – Nỗi đau Ukraine -0
Cuộc nổi dậy long trời lở đất, nhưng lại kết thúc vô nghĩa khi thiếu những yếu tố quyết định để mang lại nền độc lập cho phần lãnh thổ phía Tây Ukraine.

Theo đà cai trị khắc nghiệt cũng như sự lạm dụng quyền lực của các cấp chính quyền Liên bang Ba Lan – Litva, những nhóm haidamaka càng lúc càng trở nên đông đảo. Gia nhập cùng họ có cả nông nô, thợ thuyền, chiến binh nghèo… và thậm chí cả các đại diện của giai tầng lưu manh - cường đạo. Hơn thế, các haidamaka còn được tiếp sức bởi những lực lượng Cossack Zaporozhia từ phía Đông – những người được hưởng quyền tự chủ tương đối rộng rãi từ triều đình Nga Sa hoàng (vốn cũng rất muốn làm xói mòn quyền lực đã suy thoái của Ba Lan – Litva).

Với thanh thế ấy, những chiến binh haidamaka mỗi lúc một táo tợn. Họ sẵn sàng tấn công các thành lũy, đốt phá các lâu đài của giới quý tộc, tàn sát các chức sắc Thiên Chúa giáo La Mã.

Tất nhiên, triều đình Ba Lan không thể chấp nhận sự thách thức đó. Họ ra sức trấn áp, và trấn áp theo những phương thức cũng hết sức tàn bạo. Song, điều không thể phủ nhận là những đội quân nhỏ ở các địa phương hầu như không đủ năng lực chống cự lại các cuộc tập kích của người Cossack. Và những cuộc đột kích, mỗi lúc một dày đặc, cũng tập hợp đủ năng lượng để trở thành những lần nổi dậy lớn.

Giữa hai gọng kìm

Cuộc nổi dậy đáng chú ý đầu tiên nổ ra vào năm 1734, trong cuộc chiến tranh giành ngai vàng Ba Lan sau cái chết của Vua Frederick Augustus II. Quân đội Sa hoàng đã được cử đến để hạ bệ vua mới Stanislaws I, và điều này được các haidamaka lạc quan coi là tín hiệu “bật đèn xanh” cho mình giải phóng khỏi sự áp bức của Ba Lan. Do đó, đông đảo quần chúng ở quanh vùng Kyiv đã đứng lên. Cuộc nổi dậy nhanh chóng lan đến Podilia cũng như một phần của Volhynia, nơi nó trở nên vô cùng đẫm máu.

 Vào mùa hè năm 1734, các haidamaka đã chiếm được một số thị trấn, bao gồm Vinnytsia, Zhvanets, Kremenets, Brody và Zbarazh, tiến sát Lviv. Song, thật đáng buồn, cuối cùng cuộc nổi dậy đã bị dập tắt, với một nguyên nhân quan trọng là bởi sự can thiệp của quân đội Nga, sau khi Augustus III lên ngôi Ba Lan. Cũng phải nói đến việc có một số thủ lĩnh haidamaka đã đầu hàng, hoặc phản bội các chiến hữu, thí dụ như cái tên Sava Chaly. Sau đó, các cuộc nổi loạn haidamaka nhỏ hơn tiếp tục diễn ra trong một thời gian.

Koliivshchyna – Nỗi đau Ukraine -0
Tượng đài hai thủ lĩnh Gonta và Zalizniak của khởi nghĩa Koliivishchnya ở Uman, Ukraine.

Cuộc nổi dậy lớn thứ hai nổ ra vào năm 1750, mà không có yếu tố tác động nào từ bên ngoài. Đó chỉ đơn giản là kết quả của sự ủng hộ ngày càng tăng từ phong trào quần chúng, tiếp sức không ngừng nghỉ cho cuộc chiến đấu của các chiến binh haidamaka. Sau khi tập hợp trên lãnh thổ của những người Cossack anh em Zaporozhia bên kia sông Dnepr, những đoàn quân haidamaka tiến đánh phần phía nam Kiyv. Được lãnh đạo bởi M. Sukhy, P. Taran, Oleksii Pysmenny, I. Pokoliaka, M. Teslia, Mochula, và những người khác, họ đã lôi kéo gần như toàn bộ dân chúng ở hữu ngạn sông Dnepr nổi dậy. Họ chiếm lĩnh Uman, Vinytsia, Chyhyryn, Fastiv, Letychiv, Korson, Trakhtemyriv… và nhiều thị trấn khác.

Tuy nhiên, lần này, cuộc nổi dậy cũng vẫn bị đàn áp, khi các lực lượng quý tộc Ba Lan kết hợp với vương công Kiyv, Podillia và Volhynia. Theo giới nghiên cứu lịch sử Ukraine hiện đại, thất bại của cuộc nổi dậy này cũng có nguyên nhân là do thiếu sự phối hợp giữa các nhóm haidamaka khác nhau, để tạo nên một kế hoạch hành động chung và của một nhà lãnh đạo chung.

Cuối cùng, cuộc nổi dậy haidamaka lớn nhất và đẫm máu nhất, được gọi là cuộc nổi dậy Koliivshchyna, nổ ra vào năm 1768. Xuất phát từ Kyiv và vùng Bratslav, nó nhanh chóng lan đến Podillia, Volhynia và thậm chí cả vùng Hạ Carpathe, Galicia.

Các vùng đất Trung và Tây của Ba Lan - Litva lần lượt bị tràn ngập. Đi kèm với đó, các hành động tàn bạo của quân khởi nghĩa cũng xuất hiện. Quân khởi nghĩa thường xuyên hành quyết ghê rợn người Ba Lan, người Do Thái hay các linh mục Thiên Chúa giáo... Cao trào của các hành động này là vào ngày 10/6/1768, ở thành phố Uman (nay thuộc miền Trung Ukraine), gần 20.000 người Ba Lan và Do Thái đã bị sát hại không thương tiếc. Điều này làm hằn rõ thêm tính chất tôn giáo và sắc tộc của những mối hiềm thù.

Một lần nữa, quân đội Nga Sa hoàng lại xuất hiện ở hữu ngạn sông Dnepr. Khi đó, quy mô của cuộc khởi nghĩa đã dần được khu biệt. Những chiến binh Cossack haidamaka cố gắng củng cố nền tự trị trên các lãnh thổ mà họ đã giành được, và mong rằng cũng như những người anh em Zaporozhia, họ sẽ được Sa hoàng bảo trợ.

Song, một lần nữa họ lại tính nhầm. Do lo sợ cuộc nổi dậy sẽ dẫn đến những hệ quả khôn lường đối với xã hội nông nô ở chính nước Nga, đồng thời do đang vướng vào các sự vụ ngoại giao phức tạp (mà trong đó, đế quốc Ottoman viện cớ các haidamaka gây rối ở biên cương để gây chiến với Nga), triều đình Nga Sa hoàng lệnh cho tướng Pyotr Krechetnikov bất ngờ tập kích, tiếp tay cho Warsaw trấn áp khởi nghĩa Koliivishchnya.

Không hề phòng bị (mà có phòng bị có lẽ cũng không đương cự nổi), quân đội haidamaka nhanh chóng tan vỡ. Nhiều thủ lĩnh của họ rơi vào tay quân đội Sa hoàng, bị trao trả cho phía Ba Lan và bị hành quyết. Trong nước Nga, những người Cossack Zaporozhia, những nông dân Nga và binh lính Nga bị tình nghi giúp đỡ người Haidamaka nổi loạn cũng bị trừng phạt tàn khốc.

Koliivishchnya thất bại, và giấc mơ về một nhà nước độc lập ở hữu ngạn sông Dnepr cho những người Cossack (mà sau này sẽ trở thành người Ukraine) cũng tan thành mây khói. Năm 1772, Khối thịnh vượng chung Ba Lan - Lithuania cuối cùng cũng bị giải thể và phân chia, nhưng các vùng đất hữu ngạn ấy vẫn bị chia cắt giữa Nga và đế quốc Áo – Hung, tới tận thời điểm Thế chiến thứ Nhất kết thúc mới được tái nhập trong thời gian ngắn ngủi, trước khi Ukraine trở thành một trong bốn thành viên sáng lập Liên bang Xôviết.

Phải thừa nhận rằng, vào thời điểm thế kỷ 18 ấy, độc lập là một giấc mơ quá xa vời với người Cossack. Họ vừa bị kẹp giữa toan tính của quá nhiều thế lực, vừa thiếu hẳn sự khéo léo ngoại giao…

* Sau năm 1768, các cuộc nổi dậy của haidamaka ở miền tây Ukraine suy giảm. Tuy nhiên, Koliivishchnya và các cuộc nổi dậy khác vẫn được lưu giữ dưới dạng truyền thuyết cũng như các bài hát dân gian. Chúng cũng được thể hiện với màu sắc anh hùng ca trong các tác phẩm của cả những danh nhân văn học Ukraine như Taras Shevchenko, hay các nhà văn Liên Xô sau này.

* …"Taras cùng đoàn quân của mình vùng vẫy khắp đất Ba Lan, đốt cháy mười tám thị trấn, gần bốn mươi nhà thờ Thiên Chúa giáo và đã tiến đến sát Krakow. "Đừng tha gì hết" - Taras nhắc đi nhắc lại. Và quân Cossack phá sạch, giết sạch, không nể cả những quý bà lông mày đen nhánh và những thiếu nữ ngực trắng nõn, tươi sáng như thiên thần. Họ có chạy vào thánh đường cũng không thoát chết: Taras đốt họ cháy trụi cùng với các thánh đường. Từ trong ngọn lửa ngùn ngụt bốc lên bầu trời, biết bao bàn tay nõn nà chới với, những tiếng gào thét thảm thiết làm mọi nhánh cây ngọn cỏ thảo nguyên của đất mẹ cũng phải động lòng. Nhưng trái tim sắt đá của người Cossack chẳng hề lay chuyển”… - một đoạn trích đầy màu sắc chân thực lịch sử về mối thù hận Cossack - Ba Lan, trong tác phẩm “Taras Bulba” của Nikolai Gogol, văn hào Nga nhưng lại là hậu duệ của một gia đình chiến binh Cossack Ukraine.

Thiên Thư
.
.
.