Kiệt tác của Napoleon và lời nguyền của Đế chế Pháp

Thứ Bảy, 18/12/2021, 12:47

Không thừa, không thiếu. Không nhanh, không chậm. Và “chỉ một cú đánh chí mạng, trận chiến kết thúc”. Austerlitz (nay thuộc lãnh thổ Cộng hòa Czech) đi vào quân sử thế giới như một bài học kinh điển, còn “mặt trời Austerlitz” trở thành đỉnh cao chói lọi nhất trong sự nghiệp cầm quân của Napoleon Bonaparte Đại đế, với những nét khắc họa thiên tài trong văn chương của cả Victor Hugo lẫn Lev Tolstoy.

Song, ở một khía cạnh nào đó, Austerlitz – với tất cả những dáng vẻ hoàn hảo của mình – dường như cũng chính là một cột mốc mà sau đó, Đế chế Pháp của “Hoàng đế” bắt đầu trượt xuống phía bên kia sườn dốc.

Kiệt tác

Trước Austerlitz, có lẽ lịch sử quân sự phương Tây chưa từng chứng kiến một trận dụ địch trận địa chiến phức tạp nhưng chính xác đến hoàn hảo như vậy. Đến mức độ, Nga hoàng Alexander I phải thốt lên cay đắng nhưng tâm phục, sau chiến bại: “Chúng ta chỉ là những em bé trong bàn tay của một tên khổng lồ”.

Trên bề mặt, diễn biến và kết quả của trận đánh có thể tóm tắt tương đối ngắn gọn: Sau đại thắng chiến dịch Ulm (16-19/10-1805), Đại quân (La Grand Armee) của Đệ nhất Đế chế Pháp tiến vào Vienne. Tuy nhiên, Napoleon Bonaparte thấy quân Áo và quân Nga địch thủ hợp binh ở phía Bắc đế quốc Áo – Hung. Ông, không thể lựa chọn khác, sẵn sàng cho một chiến thắng kiểu “đánh rắn dập đầu”, hoặc nói cách khác là “được ăn cả, ngã về không”.

Bởi vậy, ở Austerlitz (khai chiến ngày 2/12/1805), việc đầu tiên mà Napoleon thực hiện là cố ý bộc lộ sơ hở. Ông chủ tâm dàn trải mỏng lực lượng cánh phải của Đại quân, thậm chí còn ra lệnh rút quân khỏi Pratzen – một cao điểm có vị trí chiến lược. Chính bởi vậy, sáng 2/12/1805, liên quân Nga – Áo từ đó dồn lực đánh vào làng Telnitz và làng Sokolnitz, ở cánh phải quân Pháp.

Kiệt tác của Napoleon và lời nguyền của Đế chế Pháp -0
Napoleon trên chiến trường Austerlitz.

Tại đó, những toán quân Pháp cảm tử đã tử thủ oanh liệt, đủ để khiến liên quân Áo – Nga phải điều bớt quân từ vị trí Pratzen tiếp sức. Và chính khi ấy, quân tiếp viện Pháp do Thống chế Davout chỉ huy đi gấp từ Vienne đến kịp trận địa, tiếp tục kìm hãm và phân tán lực lượng liên quân. Để rồi, nhân cơ hội đó, Thống chế Soult xua quân tràn lên Pratzen, chiếm lại cao điểm – một ngón đòn “phản khách vi chủ” độc địa.

Song, lần này, theo bước quân Pháp còn cả những họng pháo do ngựa kéo. Từ cao điểm, pháo binh Pháp nã không thương tiếc vào các hàng ngũ quân địch – vốn đang bị chia cắt bởi những mũi hợp vây sung sức. Thất bại của liên quân Nga – Áo là không thể tránh khỏi. Họ đã rơi vào một cái bẫy quá hiểm hóc, đúng như cách Napoleon động viên binh sĩ Pháp: "Xem chúng tiến công kìa! Một khi chúng tự coi mình là những kẻ tiến công, chúng sẽ phải ngước lên mà thấy chúng đã phần nào bại trận!", và “Hỡi ba quân! Kẻ thù không cẩn trọng đã tạo cho các ngươi giáng những đòn quyết định! Một đòn chí mạng, và trận chiến chấm dứt!”.

Nói, thì đơn giản biết mấy. Song, để cánh quân của Davout có mặt tại chiến trường đúng vào lúc thế trận của liên quân Nga – Áo đã rục rịch biến chuyển (sau khi đã liên tục hành quân 110 km trong 48 giờ), hay để đoàn kỵ binh của Thống chế Soult giữ được bí mật đến tận cùng (nhờ một làn sương mù dày đặc bao phủ trận địa) nhằm tung ra một đòn phản kích tất sát, làm thay đổi toàn bộ cục diện trận đánh, đó là điều gần như không ai hình dung nổi vào thời điểm đó.

Thiên tài quân sự của Napoleon chắc chắn không phải là một hư danh. Chưa bàn đến chuyện ứng biến trên trận tiền, hay chưa đề cập đến vấn đề “căn bản binh gia” là hậu cần, chỉ riêng cách ông tổ chức “Đại quân” của mình đã đủ khiến mọi đối thủ tại cựu lục địa choáng ngợp. Nó gợi nhớ lại vó ngựa trường chinh của những đoàn quân Mông Cổ tỏa đi mọi hướng thời Thành Cát Tư Hãn.

Dưới trướng Napoleon, La Grand Armee là cả hàng chục vạn quân. Đại quân được cấu thành từ nhiều quân đoàn riêng biệt, mỗi quân đoàn do một Thống chế Đế chế chỉ huy. Những quân đoàn ấy di chuyển tương đối tự do, ngay trên đất địch, song vẫn luôn giữ được liên lạc chặt chẽ cần thiết, khi không mấy khi di chuyển cách xa nhau quá một hai ngày đường.

Và, một cách ngắn gọn, việc quân Pháp lật ngược thế cờ được xem là đỉnh cao của nghệ thuật tập trung lực lượng. Nhưng bên cạnh đó, cánh viện binh sinh lực của Davout còn là đỉnh cao của khả năng định liệu và nắm bắt thời cơ.

Và suy vong

Nhưng, từ ánh mặt trời Austerlitz đến hoàng hôn Waterloo, cũng vẫn con người ấy, cũng vẫn thiên tài quân sự ấy, cũng vẫn cách bài binh bố trận ấy, kết cục dành cho Napoleon Bonaparte lại hoàn toàn trái ngược.

Trong hàng chồng giấy mực đã bị tiêu tốn để phân tích thất bại của Napoleon ở Waterloo, có một điểm luôn được đặt lên hàng đầu: Quân Anh đã khôi phục được hoàn toàn tinh thần chiến đấu, khi viện binh của Thống chế Phổ - Blucher – đến được chiến trường trước, trong khi viện binh Pháp do Grouchy dẫn đầu đã bỏ lỡ cơ hội tái hiện kỳ tích của Davout ở Austerlitz. Và như thế, có nghĩa là sau 10 năm, Đại quân cũng như chính Hoàng đế Đệ nhất Đế chế Pháp đã không còn duy trì được sự sắc sảo cũng như tính chính xác đến từng giờ từng phút, như dưới ánh mặt trời Austerlitz nữa.

Thậm chí, trong 10 năm đó, những diễn tiến sau chiến thắng đỉnh cao còn mỗi lúc một tệ hơn. Napoleon xem thường năng lực chiến đấu của quân đội Nga hoàng (và có lẽ không chỉ quân Nga), nên đương nhiên các thuộc tướng của ông cũng vậy. Song, có lẽ ông không đánh giá được năng lực của một vị tướng huyền thoại bên kia chiến tuyến: Nguyên soái M.I.Kutuzov.

Ở Austerlitz, chính Kutuzov trấn giữ Pratzen, và theo nhiều tài liệu, ông hiểu rõ tầm quan trọng của cao điểm ấy. Nếu không bị áp lực dội xuống từ chính Sa hoàng Alexander I, Kutuzov sẽ không điều quân đánh Telnitz, để buông lỏng Pratzen. Nói cách khác, Kutuzov đã phải nhận một thất bại mà nếu được giao đại quyền, ông có thể tránh được.

Song, ngày ấy cũng đến. Sau trận Borodino đẫm máu mà Napoleon bị Quận công Wellington của Anh quốc chê là chỉ biết hô quân xung phong, đến chiến dịch Moskva, nơi Kutuzov biến mỗi bước tiến của quân viễn chinh Pháp thành một chặng đường gần hơn đến thảm bại. Ông xác định, một cách nhất quán về mặt chiến lược: Cần phải kéo giãn khoảng cách giữa Đại quân của Napoleon với hậu cần và quân dự bị Pháp càng xa càng tốt. Cuối cùng, Kutuzov đã đúng. 

Hơn thế, hơn tất cả mọi khía cạnh quân sự thuần túy, chiến thắng Austerlitz và niềm vinh quang của nó cũng như sự kiêu hãnh lấp lánh tỏa ra từ nó, lại khiến Hoàng đế Đệ nhất Đế chế Pháp càng lúc càng trở nên kiêu ngạo hơn, hãnh tiến hơn, thiếu sáng suốt hơn về mặt chính trị - ngoại giao.

Sau Austerlitz, nước Pháp thành lập Liên bang sông Rhine gồm các thuộc quốc chư hầu, và xem như thống trị châu Âu suốt bảy năm liền. Napoleon đưa một người anh của mình vào cuộc tranh chấp ngai vàng Tây Ban Nha, và đưa em rể - Thống chế Murat – lên ngôi vua Naples. Tất nhiên, ông còn tuyên chiến với nước Phổ đang trỗi dậy, và đưa Đại quân đến tận kinh thành Moskva của nước Nga. Tất cả những điều đó khiến Napoleon bị bao vây bởi kẻ thù ở tất cả các mặt. Ông không có đồng minh đúng nghĩa, và cũng xem như đã tự chặt đứt mọi đường lui dành cho chính mình.

Bách Nhật (thời kỳ 100 ngày Napoleon nỗ lực giành lại quyền lực, cho đến trận Waterloo) là một minh chứng cho sự “cô đơn” ấy, sự cô đơn mà chính hào quang Austerlitz đã tạo nên. Napoleon, cũng như toàn Đại quân, tin rằng sức mạnh quân sự của họ đủ để áp chế mọi sự kháng cự. Song, chính trị và địa chính trị không bao giờ đơn giản như thế. Nếu đơn độc giao chiến, có lẽ cả quân Anh của Wellington, quân Phổ của Blucher hay quân Nga của Kutuzov không thể là đối thủ của quân Pháp. Vấn đề là, họ sát cánh với nhau.

Sự rạn nứt trong quan hệ giữa Napoleon với Charles Maurice de Talleyrand-Périgord – trọng thần thời kỳ đầu, Quốc vụ khanh (Bộ trưởng Ngoại giao) Pháp quốc là một điều rất đáng chú ý, trong quãng thời gian 10 năm đó. Talleyrand thấy từ rất sớm, rằng Napoleon đã tạo nên quá nhiều kẻ thù, và rằng có nhiều công cụ ngoại giao để dàn xếp xung đột, thay vì cách duy nhất là gây chiến. Song, sau Austerlitz, Napoleon không còn muốn nghe những lời khuyên can của Talleyrand nữa.

Và đến bây giờ, trong thế giới hiện đại, vinh quang chiến trận lại càng không phải lời giải cần thiết, cho bất cứ siêu cường nào.

* Một đoạn trong tuyên cáo của Napoleon sau chiến thắng Austerlitz: “Hỡi binh sĩ! Trẫm hài lòng với các ngươi. Trong trận Austerlitz, các ngươi đã hoàn thành mọi thứ đúng như tiên liệu của Trẫm về lòng dũng cảm của các ngươi; các ngươi đã trang hoàng những huy hiệu của các ngươi bằng tiếng thơm bất hủ. Bốn mươi hiệu kỳ, biểu ngữ của quân Nga, 120 khẩu thần công, 20 đại tướng cùng hơn ba vạn tù binh là kết quả của ngày quang vinh này. Một đội quân gồm 10 vạn tên lính, do các Hoàng đế nước Áo và Nga chỉ huy, đã bị đại bại hoặc là tan rã…”.

* Cánh quân của Davout, đến được Telnitz, đã phải hứng chịu những đợt tấn công suốt 6 tiếng đồng hồ liên tục, bởi quân Nga - Áo đông hơn gấp ba lần. Nếu mất Telnitz, quân Pháp sẽ bị cắt đứt đường rút lui, và chính điểm này khiến liên quân Nga – Áo mắc bẫy. Để rồi, sau khi Thống chế Soult xua quân chiếm được Pratzen ở trung tâm trận địa, từ đó quay lại đánh tỏa xuống các vị trí giao tranh, chính quân Nga – Áo lại bị vu hồi, bọc hậu, bị bao vây, chia cắt và trở nên hỗn loạn.

Thiên Thư
.
.
.