Học thuyết Monroe: Từ tinh thần phản kháng đến chủ nghĩa bá quyền

Thứ Hai, 02/05/2022, 12:51

Ngày 8/4/1758, một cậu bé ra đời tại Westmoreland County (bang Virginia, Mỹ). James Monroe, tên cậu bé ấy, sau này gắn liền với một học thuyết chiến lược, mà đến tận bây giờ vẫn được xem là xương sống của chính sách đối ngoại Mỹ - Học thuyết Monroe (Monroe Doctrine).

Học thuyết Monroe là gì?

Ngày 2/12/1823, trong thông điệp thường niên gửi tới Quốc hội, James Monroe – khi ấy đã là vị tổng thống thứ 5 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ - nêu rõ: “Các quốc gia tại lục địa châu Mỹ, với địa vị tự do và độc lập đã được thừa nhận và duy trì, từ nay về sau không còn bị xem là đối tượng của thực dân hóa trong tương lai do bất cứ một cường quốc Châu Âu nào tiến hành”.

Tiếp đó, trong một bài phát biểu khác gửi đến Liên minh Thần thánh (Nga – Áo – Phổ) vốn đang có ý định trả lại các thuộc địa đã mất cho dòng họ hoàng gia Habsburg, ông diễn giải chi tiết hơn để nhấn mạnh: “Chúng tôi coi tất cả nỗ lực nhằm mở rộng hệ thống của các cường quốc Châu Âu tại bất kỳ phần nào của Tây bán cầu đều là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của chúng tôi. Với sự tồn tại của các thuộc địa hoặc các xứ phụ thuộc của bất cứ cường quốc Châu Âu nào, chúng tôi đã và sẽ không can thiệp. Nhưng, với những chính phủ đã tuyên bố nền độc lập của mình và bảo vệ nền độc lập ấy, và được chúng tôi thừa nhận, thì chúng tôi sẽ coi bất kỳ một sự can thiệp nào nhằm mục đích đàn áp, hoặc kiểm soát vận mệnh của họ bằng bất kỳ phương thức nào do bất cứ cường quốc châu Âu nào thực hiện, đều thể hiện khuynh hướng thù nghịch đối với nước Mỹ”.

Những lời khẳng định này, về sau, được xem là nội hàm căn bản của Học thuyết Monroe (chính thức được sử dụng năm 1853). Vào thời điểm ấy, thế kỷ XIX, những tuyên bố này được hiểu như như sự cách ly khỏi Châu Âu - một tuyên bố đơn phương nhằm thúc đẩy mở rộng chủ nghĩa biệt lập trong khu vực Tây bán cầu và từ chối tham gia những liên minh bắt buộc.

Đây đã là thời điểm tròn 40 năm cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Bắc Mỹ trước đế quốc Anh đã khép lại thắng lợi, và nước Mỹ bắt đầu hướng đến những tham vọng xa hơn. Song, trên thực tế, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ vẫn chưa hội tụ đủ những điều kiện để cụ thể hóa các tham vọng ấy. Nói theo một cách khác, về cơ bản, những tuyên bố của James Monroe là sự “khoanh vùng ảnh hưởng” trên lý thuyết, nhằm dọn đường cho những gì có thể xảy đến trong tương lai.

Học thuyết Monroe: Từ tinh thần phản kháng đến chủ nghĩa bá quyền -0
James Monroe - người khai sinh “chủ nghĩa biệt lập Mỹ”.

Ở thời điểm cụ thể năm 1823 ấy, dưới sự lãnh đạo của hai thủ lĩnh cách mạng Bolivar và San Martin, nhiều nước Mỹ Latin đã giành được độc lập từ tay thực dân Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha. Sa hoàng Nga cũng đã tuyên bố chủ quyền đối với một khu vực trải dài khoảng từ Alaska đến Oregon ngày nay, và cấm tàu buôn nước ngoài hoạt động ở đó. Anh, nước có mạng lưới giao thương rộng khắp ở Mỹ Latin và muốn cản bước các đối thủ cạnh tranh ở châu Âu, cũng đã đề xuất một tuyên bố chung với Mỹ để chống lại sự can thiệp của các quốc gia châu Âu khác.

Cờ đến tay thì phải phất. Với sự cổ vũ của Ngoại trưởng John Quincy Adams – tổng thống tương lai, người sau này sẽ tiến hành thúc đẩy và khuếch trương Học thuyết Monroe mạnh mẽ hơn, cũng là người được xem là cha đẻ đích thực của học thuyết ấy, James Monroe đã lựa chọn “dựng một tấm biển Cấm xâm nhập đối với các cường quốc châu Âu, ở cả Bắc Mỹ lẫn Nam Mỹ” (nhận xét của nhóm tác giả cuốn Văn minh phương Tây).

Khởi thủy, Học thuyết Monroe chính là sự khai sinh của “chủ nghĩa biệt lập Mỹ”, trong những năm mà “người Mỹ có thể hãnh diện nói rằng họ không dính dáng đến chính trị quốc tế, cũng như tách biệt khỏi các tranh chấp ở cựu lục địa (vốn đã trở nên hỗn loạn và thậm chí suy đồi)”.

Nền móng của bá quyền

Có không chỉ một lý do để từ những tuyên bố mơ hồ, Học thuyết Monroe trở thành nền tảng của chính sách đối ngoại Mỹ, đến tận thế kỷ XXI này. Nói một cách ngắn gọn, những sự diễn giải và thực hành học thuyết ấy, đến tận lúc này, vẫn thấm đẫm tinh thần thực dụng “Nước Mỹ trên hết!”.

James Monroe đề nghị “châu Âu đừng can thiệp vào châu Mỹ”, và ngược lại, cũng công khai bắn tín hiệu rằng “Mỹ sẽ không dính vào chuyện của châu Âu”. Thực ra, trong một khoảng thời gian dài, Học thuyết Monroe mang tính lý tưởng hơn là thực tế khả thi, bởi Mỹ thiếu sức mạnh hải quân để thực thi nó. Mỹ không (và có muốn cũng không thể) làm gì khi Anh chiếm Quần đảo Falkland vào năm 1833, hoặc khi Anh và Pháp áp đặt một cuộc phong tỏa hải quân chống lại Argentina vào năm 1845. Nhưng khi Mỹ mạnh lên, câu chuyện này nhanh chóng thay đổi.

Đơn cử, ta có thể nhắc đến việc sau Nội chiến Mỹ, vương triều của Maximillien mà Hoàng đế Pháp Napoleon III dựng lên ở Mexico không được Mỹ thừa nhận. Mỹ gây sức ép khiến Napoleon III phải rút lính viễn chinh Pháp, để rồi Maximillien nhanh chóng bị lật đổ (năm 1867).

Hay, một thí dụ khác, chính nước Mỹ đích thân can thiệp vào những cuộc tranh chấp trong nội bộ Mexico, để “nuốt chửng” cả một dải lãnh thổ rộng lớn – các bang phía Nam Hoa Kỳ hiện tại, từ Texas, New Mexico, Arizona đến California.

Trên lý thuyết, nội dung của Học thuyết Monroe thể hiện mong muốn đưa Mỹ trở thành người bảo trợ cho an ninh và sự ổn định của khu vực Tây bán cầu, và không một lực lượng nào khác có quyền can thiệp vào công việc này của Mỹ. Nhưng trong thực tế, học thuyết cũng đã bộc lộ tính vị kỷ mà các cường quốc luôn sở hữu. Với slogan “châu Mỹ là của người Mỹ”, Châu Mỹ từ chỗ vốn là thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Châu Âu đã dần trở thành khu vực ảnh hưởng độc quyền của một nước Mỹ ngày càng lớn mạnh.

Vào năm 1904, Tổng thống Theodore Roosevelt đã mở rộng phạm vi học thuyết với một tuyên bố bổ sung rằng Mỹ có thể thực thi “quyền cảnh sát quốc tế” ở bán cầu Tây. Đến thập niên 1930, Mỹ đã sáp nhập Puerto Rico, chiếm Cuba và khuyến khích một cuộc nổi dậy ở Panama, sau khi nhà cầm quyền của Colombia từ chối lời đề nghị xây dựng một kênh đào nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

Học thuyết Monroe: Từ tinh thần phản kháng đến chủ nghĩa bá quyền -0
Tranh cổ động Học thuyết Monroe.

Trong Chiến tranh Lạnh, Học thuyết Monroe đã được sử dụng như một sự biện minh chung cho việc bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ tại khu vực sân sau của mình. Năm 1962, Tổng thống John F. Kennedy đã đề cập đến học thuyết này nhằm biện minh cho lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba. Với lý do tương tự, Mỹ đã ủng hộ 18 nỗ lực thay đổi chế độ ở Mỹ Latin kể từ năm 1945, 10 trong số đó đã thành công, và cung cấp vũ khí và hỗ trợ kỹ thuật cho các nhóm quân sự trong các cuộc nội chiến ở Guatemala, Honduras, El Salvador và Nicaragua.

Noam Chomsky, nhà phản biện chính trị Mỹ nổi tiếng, nhận xét: “Nếu trở lại thời các chính quyền Kennedy và Johnson, ta thấy đó là một giai đoạn thực sự điên cuồng về việc thay đổi chế độ ở Cuba. Trong nội bộ, tình báo Mỹ đưa ra lý do: Sự tồn tại của chế độ Fidel Castro đại diện cho một thách thức thành công chống lại Hoa Kỳ, một sự phủ nhận các chính sách của chúng ta đối với bán cầu này trong gần một thế kỷ rưỡi vừa qua – nghĩa là Học thuyết Monroe”.

Và như vậy, ở điểm khởi đầu, Học thuyết Monroe được xem là là một biểu hiện cho tinh thần phản kháng chống lại chủ nghĩa thực dân châu Âu. Nhưng rồi, nó lại trở thành cơ sở cho sự can thiệp của Mỹ vào Mỹ Latin, để luôn bảo đảm rằng khu vực này sẽ là “sân sau” của Mỹ, nhằm phục vụ an ninh – quốc phòng cũng như các vấn đề lợi ích cốt lõi.

Với không ít nhân vật quan trọng trong ngành ngoại giao Mỹ, “Học thuyết này vẫn còn phù hợp cho đến tận ngày hôm nay, như khi nó mới được công bố” – Rex Tillerson, cựu Ngoại trưởng Mỹ. Mà thực tế, ở Tây bán cầu, có thể tin rằng Mỹ vẫn sẽ không chấp nhận sự hiện diện của bất cứ một liên minh quân sự, hay một căn cứ quân sự của bất cứ cường quốc “ngoại lai” nào.

Đứng xa ra một chút, để thấy được rộng hơn, chúng ta có thể đặt học thuyết này vào cạnh không gian hậu Xôviết.

*John Quincy Adamsphản đối mạnh mẽ việc hợp tác với Vương quốc Anh. Ông cho rằng điều này có thể giới hạn sự mở rộng của Hoa Kỳ trong tương lai. Adams cũng chỉ ra rằng người Anh không thực sự thừa nhận nền cộng hòa của các nước Mỹ Latin, và chắc chắn nước Anh có động cơ đế quốc nào đó phía sau ý định như vậy.

* Vào năm 1800, dân số nước Mỹ là khoảng 5,3 triệu dân – tương đương một cường quốc hạng trung trên trường quốc tế. Nhưng đến năm 1870, con số này đã tăng lên 38,5 triệu, bằng với một đại cường châu Âu.

Đông Thiên
.
.
.