Hầu tước La Fayette – Lưỡng quốc danh nhân

Thứ Tư, 04/08/2021, 21:25

Khó có thể so sánh với mối liên hệ mật thiết Anh - Mỹ, tuy nhiên, trong lịch sử, nước Pháp và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cũng từng có một mối bang giao vô cùng gắn bó. Biểu tượng của tình hữu nghị ấy, bên cạnh bức tượng Nữ thần Tự do nổi tiếng ở New York, còn là tên tuổi của một con người xuất chúng: Hầu tước La Fayette (tên đầy đủ là Marie-Joseph Paul Yves Roch Gilbert du Motier, 6/9/1757 - 20/5/1834).

Một nhân vật đầy tranh cãi

Xuất thân từ một gia thế đại công hầu, một dòng dõi quý tộc cổ xưa bậc nhất nước Pháp (có gốc gác từ thế kỷ XI, với rất nhiều công thần - danh tướng lừng lẫy với binh nghiệp), nhưng tên tuổi của Hầu tước La Fayette lại gắn liền với một cuộc "đại cách mạng" - Cách mạng Tư sản Pháp 1789. Và trước đó, là sự dấn thân sát cánh cùng quân đội 13 bang thuộc địa Mỹ chiến đấu giành độc lập từ đế quốc Anh, dưới sự chỉ huy của George Washington. Không chỉ vậy, là một quân nhân, nhưng La Fayette lại có khá nhiều ảnh hưởng và tác động đến các cấu trúc xã hội dân sự Pháp.

Có một câu chuyện mới xảy ra vào năm 2007, khi ở nước Pháp xảy ra cuộc tranh luận, về việc đưa tro di hài của La Fayette vào Điện Phantheon - nơi chôn cất và tôn vinh những danh nhân rạng rỡ nhất trong dòng lịch sử Pháp. Khi đó, Tổng thống Pháp đương chức - Nicolas Sarkozy -  tán thành, song nhà sử học Jean-Noel Jeanneney phản đối. Ông cho rằng: La Fayette là một nhân vật bảo hoàng, không mang những tư tưởng cộng hòa tiến bộ. Đáp lại, nhà văn Gonzague Saint-Bris - một trong không ít tác giả từng viết tiểu sử La Fayette, nhấn mạnh: "Những con người đặc biệt luôn phục vụ vì lợi ích của nước Pháp hơn là một thể chế, cho dù đó là nền Quân chủ hay nền Cộng hòa".

Vậy thì La Fayette là người theo phái Bảo hoàng, hay là một nhà cách mạng? Câu trả lời là cả hai. Và hơn thế nữa, ông còn là người tiên phong trong việc giải phóng các thuộc địa, cũng như là nhà quý tộc hiếm hoi nghĩ đến và thực hiện các bước sơ khởi của tiến trình xóa bỏ chế độ nô lệ. 

Hành trạng và sự nghiệp của ông có thể xem là sự tóm lược những nét chính đáng nhớ nhất trên hoàn cầu, trong suốt một thời động loạn. Ông là cái gạch nối trong mối liên hệ Pháp - Mỹ, cũng là chứng nhân của những xung đột Anh - Mỹ, Anh - Pháp, quân chủ - cộng hòa, cách mạng ôn hòa - cách mạng khủng bố kiểu phái Jacobin; Đế chế Bonaparte - Quân chủ lập hiến Bourbon và Orleans.

Hầu tước La Fayette – Lưỡng quốc danh nhân -0
Phụng sự cuộc chiến đấu giành độc lập của nước Mỹ. 

Tung hoành ở Bắc Mỹ

Nước Pháp đã chọn sát cánh với cuộc chiến tranh giành quyền độc lập của 13 thuộc địa Bắc Mỹ. Song, điều đó không có nghĩa là La Feyette có thể tham gia cuộc chiến đấu ấy một cách dễ dàng.

Một chi tiết khiến ông luôn được trân trọng và biết ơn tại Mỹ: Khi biết Quốc hội cách mạng Hoa Kỳ thuộc địa không thể đài thọ cho chi phí của mình, La Fayette đã tự bỏ tiền mua và trang bị cho con tàu mà ông đặt tên là La Victoire (Chiến thắng). Biết tin ấy, vua nước Pháp khi đó là Louis XVI ra lệnh cho ông phải trở về với đơn vị đang đóng ở Marseille. Trái lệnh vua, ông cùng 11 người nữa xuống tàu (ngày 20/4/1777), giong buồm thẳng qua Đại Tây Dương, và cập bến Tân lục địa ngày 13/6.

Ở đó, ngày 31/7, La Fayette được Quốc hội cách mạng Hoa Kỳ chấp nhận phục vụ trong quân đội Mỹ với quân hàm thiếu tướng, nhưng vẫn chưa được giao chỉ huy một đơn vị cụ thể nào. Phải có thư tiến cử trực tiếp đến George Washington, do đích thân Benjamin Franklin (nhà khoa học lừng danh, khai quốc công thần nước Mỹ đang hoạt động ngoại giao tại Pháp) gửi về từ Paris, La Fayette mới được tiếp cận vị chỉ huy tối cao trong vai trò một sĩ quan tham mưu.

Ngày 11/9/1777, La Fayette mới lâm trận thực chiến lần đầu, trong chiến bại Brandywine của quân đội Mỹ. Tuy thất trận nhưng ông được Washington đánh giá rất cao nhờ "lòng can trường và nhuệ khí chiến đấu". Và sau đó, La Fayette được giao chỉ huy một sư đoàn.

 Ngày 24/11/1777, chỉ với 300 quân, La Fayette phá quân Anh đông gấp bội tại Gloucester. Đầu năm 1778, ông góp công lớn trong việc thuyết phục bộ lạc da đỏ Oneida liên minh với quân đội Mỹ. Đó cũng là thời điểm nước Pháp chính thức công nhận nền độc lập của 13 bang thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ, và với vai trò biểu tượng của mối quan hệ Pháp - Mỹ, các đơn vị do La Fayette chỉ huy luôn bị quân Anh theo sát, hòng bao vây và bắt sống, nhưng ông đều thoát được.

Tháng 2/1779, La Fayette trở về Paris. Do kháng lệnh vua, ông bị giam lỏng hai tuần. Nhưng sau đó, La Fayette được Pháp hoàng Louis XVI triệu kiến, và khen thưởng, đồng thời cho phục chức ở lực lượng long kỵ binh. Ở vị trí này, ông tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào việc vận động thêm những sự hỗ trợ quý báu dành cho quân đội Mỹ, cả về người, vũ khí và tiền bạc. Vị thế của ông trở nên rất cao với sự trọng vọng của cả triều đình Pháp lẫn chính phủ cách mạng Mỹ.

Tháng 3/1780, La Fayette lại dẫn quân xuống tàu vượt đại dương, để hoàn tất cuộc phiêu lưu đầy cảm hứng của mình với cuộc chiến đấu giành độc lập trên lục địa mới. Trận Yorktown mang ý nghĩa quyết định thành bại, La Fayette chính là người chỉ huy một trong hai gọng kìm - bên cạnh đại quân do chính Washington chỉ huy - vây chặt lực lượng dưới quyền tướng Cornwallis của Anh, sau đó tiến công bằng những đợt xung sát mãnh liệt, ép Cornwallis đầu hàng và qua đó ép nước Anh ngồi vào bàn đàm phán, ký hòa ước công nhận Hoa Kỳ độc lập.

Với nước Mỹ, Hầu tước La Fayette đích thực là một bậc khai quốc công thần.

Hầu tước La Fayette – Lưỡng quốc danh nhân -0
Và thăng trầm cùng những biến động long trời lở đất ở nước Pháp quê hương.

Thăng trầm cùng nước Pháp

Trở về Pháp trong vầng hào quang của một danh tướng, có lẽ chính La Fayette cũng không thể ngờ được rằng ông sẽ phải dính líu nhiều đến những biến động chính trị Pháp quốc, qua các cuộc thay triều đổi đại đến vậy. Kể từ đây, các thế hệ sau sẽ nhớ đến ông với những dấu ấn trong vai trò của một chính khách. Một chính khách mang trong mình rất nhiều sự giằng xé, và phải trải qua không ít truân chuyên.

Năm 1788, đến dự Hội nghị quý tộc (lần đầu tiên được triệu tập kể từ năm 1626), La Fayette đưa ra đề xuất về Hội nghị các đẳng cấp (tăng lữ, quý tộc và bình dân). Một năm sau, ông - bậc đại công hầu - cùng Thomas Jeffeson (nhà cách mạng khai quốc và là tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ) thảo Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền.

Ngày 14/7/1789, Đại cách mạng Tư sản Pháp bùng nổ. Đứng giữa các phe phái, La Fayette nắm Vệ binh quốc gia, cố gắng dốc sức xây dựng Quốc hội lập hiến ba đẳng cấp, nỗ lực dung hòa mâu thuẫn giữa các tầng lớp, kìm nén mọi biểu hiện bạo lực quá khích.

Song, lực bất tòng tâm, ông bị các lãnh tụ cách mạng Pháp như Georges Danton hay Maximillien Roberspierre xem là một tên bảo hoàng. Ông phải chứng kiến hoàng gia Pháp, kể cả nhà vua, bị xử tử. Ông cũng phải chứng kiến những vụ thảm sát diễn ra trên cả các đường phố lẫn trong chính trường, đặc biệt là sau khi phái Jacobin của Roberspierre ngày càng trở nên cực đoan, tận diệt mọi đối thủ chính trị, trong đó có cả người đồng chí Danton. Nói cách khác, ông buộc phải nhìn Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền do mình soạn thảo nhuốm máu.

Trong những ngày động loạn đó, nhờ tuyên bố thẳng thừng của nước Mỹ rằng bất cứ điều gì làm tổn hại đến gia đình La Fayette cũng sẽ làm rạn nứt bang giao Pháp - Mỹ, vợ và các con ông mới được an toàn. Bản thân ông, cho dù vẫn nắm một lực lượng quân đội biên phòng trực tiếp ngăn quân Áo - Phổ, cũng bị tước binh quyền và phải tìm cách trốn sang Hà Lan, để rồi chịu tù đày ở Phổ.

Sau cao trào khủng bố 1793, phái Jacobin bị hạ bệ, nhưng La Fayette không muốn phục vụ Napoleon Bonaparte. Ông sống ẩn dật đến tận năm 1815. Trong thời gian đó, ông từ chối lời mời của nước Mỹ vào vị trí Thống đốc một bang, song vẫn trở lại quốc gia non trẻ ấy - nơi đã cống hiến tất cả thời thanh xuân để đi thăm lại từng chiến địa.

Chặng cuối đời, ông trở lại chính trường Pháp trong tột bậc danh vọng. Ông tái thành lập lực lượng Vệ binh quốc gia, đích thân chỉ huy, và góp phần đưa Công tước d'Orleans lên ngôi để trở thành Vua Louis Phillipe của nước Pháp quân chủ lập hiến.

Ngày 20/5/1834, La Fayette qua đời, sau một thời gian dài nằm liệt giường vì chứng viêm phổi. Tang lễ của ông được tổ chức khá long trọng ở Pháp. Nhưng bên kia đại dương, theo đề nghị từ chính Tổng thống Mỹ Andrew Jackson, nghi lễ dành cho ông là nghi lễ quốc tang, ngang hàng với các tổng thống khai quốc George Washington hay John Adams. Với 24 phát đại bác, với cờ rủ treo 35 ngày, và với băng tang trên cánh tay các binh sĩ Hoa Kỳ suốt nửa năm…

"Hầu tước La Fayette chính là công dân nước ngoài đầu tiên được Hợp chúng quốc Hoa Kỳ công nhận là công dân danh dự, trong số vỏn vẹn sáu người. Ông cũng là một trong ba người được công nhận điều đó ngay từ khi còn sống, và là người duy nhất được công nhận hai lần (1824, 2002). Trên khắp nước Mỹ, có một ngọn núi, bảy quận cùng rất nhiều địa danh mang tên ông, hoặc đặt theo tên ông.

"Từ khoảng năm 1783, La Fayette đã bắt đầu hình thành những ý tưởng về việc bãi bỏ chế độ nô lệ. Ông mua một vùng đất ở Guyane thuộc Pháp (đông bắc châu lục Nam Mỹ), thử nghiệm việc trả tự do cho nô lệ, biến họ thành những tá điền. Trở về Pháp sau thời gian ấy, ông tham gia Hội bạn hữu của những người da đen (Société des amis des Noirs).   

Thiên Thư
.
.
.