Giải mã bà Bành

Thứ Bảy, 16/12/2023, 07:53

Nhiều người trong chúng ta biết câu thành ngữ  "Vắng như chùa Bà Đanh". Người nói ngôi chùa đó nằm tại thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Người lại nói ngôi chùa đó nằm ở Thụy Khê, ven hồ Tây, Hà Nội.

Về tên gọi, dân gian kể, và một số người cũng viết rằng tên chùa Bà Đanh ở Hà Nam bắt nguồn từ tên thôn Đanh/Đinh Xá nơi có chùa, còn tên chùa Bà Đanh ở Hà Nội có gốc hoặc từ tên người đàn bà có công xây dựng chùa, hoặc từ tên người đàn bà trông coi chùa…

Về câu thành ngữ liên quan đến chùa, người nói do chùa Bà Đanh ở Hà Nam nằm nơi xa vắng dân, đường vào không thuận tiện và xưa lắm thú dữ nên vắng người tới. Người lại bảo, do chùa xưa  rất linh thiêng, người đến chùa nếu cười nói bất kính sẽ bị trừng phạt nặng nên ít người dám đến.

trong-dong-sao-vang.jpg -0
Trống Sao Vàng với tượng ếch ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

Thực ra, câu thành ngữ trên bắt nguồn từ câu chuyện về chùa Bà Banh, nói chệch thành chùa Bà Đanh, một ngôi chùa ở ven hồ Tây, thuộc kinh thành Thăng Long xưa. Vua Lê Thánh Tông (1442-1497), trong tập thơ “Hồng Đức quốc âm thi tập”, có bài thơ “Tượng Bà Banh” vịnh pho tượng ở chùa này như sau:

Chốn long cung cảnh giới này,

Uẩy, ai đứng đấy lõa lồ thay!

Miệng cười hơn hớn hoa in nhụy.

Má đỏ hồng hồng tóc vén mây.

Ấy rắp phất cờ trêu ghẹo tiểu,

Hay toan bốc gạo thử thung  thầy.

Chẳng lên bảo điện ngồi thong thả,

Khéo đứng ru mà đứng mãi đây?

Trong các giai thoại về Trạng Quỳnh tức Nguyễn Quỳnh (1677-1748), người từng dạy học tại phủ Phụng Thiên ở thành Thăng Long thời Lê, cũng có một giai thoại gắn với pho tượng đó: Quỳnh nghe nói ở gần nơi Quỳnh dạy học có một pho tượng đá rất thiêng, hỏi học trò thì biết đó là tượng một người đàn bà trần truồng, hai tay trỏ xuống chỗ ấy, bên cạnh có chiếc chày đá, gọi là tượng Bà Banh. Ai đi qua trông thấy, muốn yên lành không được cười nhạo mà phải lặng lẽ kính cẩn cầm chiếc chày đâm vào chỗ ấy một cái, nếu không về nhà không méo mồm cũng vẹo cổ. Một hôm, Quỳnh đến nơi đó quẳng chày đá đi, cầm bút viết 8 câu thơ vào bụng tượng:

Giải mã bà Bành -0

Khen ai đẽo đá tạc nên thầy!

Khéo đứng ru mà đứng mãi đây?

Trên cổ đếm đeo dăm chuỗi hạt.

Dưới chân đứng chéo một đôi giày,

Ấy đã phất cờ trêu ghẹo tiểu,

Hay là bốc gạo thử thanh thầy?

Có ngứa gần đây nhiều gốc dứa,

Phô phang chi ở đám quân này.

Thơ viết chưa ráo mực, tượng đá bỗng vã mồ hôi, từ đó mất thiêng.

Có thể hiểu rằng tượng Bà Banh sau không còn nên chùa Bà Banh mất thiêng và vắng người đến cầu cúng. Nhưng chắc chắn cả pho tượng mất đi và ngôi chùa cũng mất thiêng không phải do thơ Trạng Quỳnh mà do thời thế. Thời Trạng Quỳnh là thời Nho giáo và Phật giáo ngày càng phổ biến và mạnh mẽ, khiến một vị thần của tín ngưỡng phồn thực dân gian với cả dáng điệu và tên gọi đầy trần tục như Bà Banh tiếp tục được thờ phụng như xưa. Đền Bà Banh ở Thăng Long dần chuyển đổi thành chùa Châu Lâm. Đền Bà Banh ở Hà Nam cũng chuyển hóa thành chùa  Bảo Sơn thờ Tứ Pháp tức bốn vị thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (Thần Mây, Thần Mưa, Thần Sấm, Thần Sét). Tuy nhiên, dân gian vẫn coi vị thần chính của chùa là Bà Đanh, và truyền thuyết về Bà được mô phỏng truyền thuyết về Man Nương, tức Bà Pháp Vũ, Thần Mưa ở chùa Dâu, Bắc Ninh.

Có người cho rằng, gốc của Bà Banh là thần Po Yan Dari của người Chăm, có tên tiếng Việt là Đĩ Dàng, Lỗ Lường. Vị thần này ban phúc cho ai khi người đó cầm gậy thọc vào hạ bộ của thần. Tên Bà Banh chỉ dáng "phô phang" của Bà. Tuy nhiên, đó là một sự ngộ nhận. Thực ra, thần Po Yan Dari của người Chăm là nữ thần bệnh tật và chết chóc và chẳng có liên quan gì đến Bà Banh của người Việt. Ngược lại, cả Đĩ Dàng, Lỗ Lường của người Chăm và Bà Banh của người Việt đều có gốc từ Nữ Thần Ếch -  Thần Lúa - Thần Sinh Nở, vợ của Thần Ếch - Thần Sấm - Thần Mưa thời Đông Sơn.

Giải mã bà Bành -0
Ếch đứng trên đồ minh khí Châu Can.

Tên gọi Đĩ Dàng có thể hiểu là Bà Thần, còn tên gọi Lỗ Lường là biến thể của nõ nường, tên gọi hai vật mô phỏng âm dương vật trong hội Trám vùng Đất Tổ với nghi lễ trai gái dùng nõ "tình phộc" với nường. Động tác dùng gậy hay chày cho chỗ ấy của Bà Banh có ý nghĩa tương tự. Còn tư thế của Bà Banh gắn với tên gọi của Bà là một tư thế của ếch, cũng là một tư thế  thụ trứng và sinh nở của người đàn bà.

Trên đồ đồng Đông Sơn, chúng ta dễ thấy hình tượng của cả hai vị thần ếch này. Cụ thể, tượng bốn ếch nổi bật trên mặt trống Đông Sơn muộn và mặt các trống  đồng ở các thời sau này. Trên một số trống có tượng ếch đực cưỡi ếch cái với ý nghĩa tương đương tượng trai gái giao hợp trên nắp thạp Đào Thịnh. Tượng ếch trên trống đồng có ý nghĩa ma thuật trong lễ cầu mưa. Tiếng trống đồng vang rền nghe tựa tiếng sấm. Một số tộc người coi ếch là thần sấm-thần mưa hay thần trống đồng.

Trên đồ minh khí ở di chỉ Châu Can, Phú Xuyên, Hà Nội  là hình người-ếch ở tư thế đứng, tư thế của các pháp sư trong lễ cầu mưa. Còn trên cán qua Sơn Tây là hình người-ếch ở tư thế ngồi - tư thế sinh nở của phụ nữ.

Vậy vì sao ếch đực và ếch cái lại trở thành thần mưa và thần lúa? Ở mọi thời, nước luôn là nguồn sống quan trọng nhất của cả người và lúa. Và ruộng lúa nước là nơi sống tốt nhất của loài ếch. Giữa mùa xuân, tháng 3 sấm động, khi ếch đực cất tiếng gọi ve vãn ếch cái cũng là lúc mùa mưa tới (người Việt có câu "Ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước"). Điều đó có nghĩa tiếng ếch đực gọi kêu tiếng sấm và báo trời mưa. Mưa  trút xuống, ruộng có nước để người gieo hạt, cấy lúa, để ếch cái đẻ trứng và nòng nọc sinh sôi. Thức ăn ngon nhất của ếch chính là các loài sâu bọ hại lúa. Từ đó, người trồng lúa xưa coi ếch là "bạn tình tốt nhất" của cây lúa. Họ lắng nghe tiếng ếch kêu để đoán mưa nắng, mùa màng và chọn thời điểm tốt nhất cho việc gieo hạt… Họ cũng cầu mong cả người và lúa đẻ nhiều và khỏe như ếch…

Từ đó, trong văn hóa cổ của nhiều tộc người ở châu Á-Thái Bình Dương có một loạt mô típ với nhiều tên gọi như "hình ếch", "hình người ngồi xổm", "hình người đàn bà đẻ", "người đàn bà trơ trẽn" v. v... Chúng được xăm trên mình, khắc trên gỗ, đúc trên đồng, dệt trên vải để trở thành biểu tượng cho "Ông/Bà Tổ", "Thần Bảo hộ" hay "Thần Lúa".

Quan niệm ếch là thần nước- biểu tượng của sự sống và sự sinh sôi nảy nở của vạn vật, là Bà Tổ cũng thấy ở người Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ cổ và một số nhóm thổ dân vùng bờ biển Tây Bắc nước Mỹ. Trong văn hóa Trung Quốc cổ, biểu tượng cho Bà Tổ Ếch chính là Nữ Oa, nữ thần sáng tạo, thần sinh sản và thần hôn nhân của người Hoa. Không ngẫu nhiên, có sự đồng dạng giữa chữ Oa chỉ Nữ Oa với các chữ Oa chỉ ếch và trong một truyền thuyết, Nữ Oa một ngày đẻ 70 con, nhiều như ếch mẹ đẻ trứng.

Những điều nêu trên cho thấy tục thờ Ông Bà Tổ Ếch - Thần Mưa là một truyền thống Bách Việt đã phổ biến từ thời Đông Sơn (từ thế kỷ 7 trước Công nguyên đến thế kỷ 1). Từ đó, các đền thờ Bà Tổ Ếch hay Bà Banh đã từng tồn tại ở nhiều làng Việt. Tên Bà Đanh là một biến thể của Bà Banh. Ngoài hai chùa ở Hà Nội, Hà Nam, còn có chùa Bà Banh nữa ở xã Trà Phương, Kiến An, Hải Phòng với tên đổi mới sau này là Thiên Phúc. Nhiều khả năng, các đền, chùa mang tên Bà Ả, Nhà Nàng, Bà Chúa Ngựa ở Hải Dương xưa cũng thờ Bà Tổ Ếch-Bà Banh.

 Không ngạc nhiên, nhiều ngôi đình (là trung tâm tín ngưỡng làng Việt) cũng có điêu khắc hình Bà Banh, ví dụ đình Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội có khắc hình người đàn bà ngồi xổm, giang rộng chân, hai tay nắm lấy cổ và đuôi rắn; đình Phù Lão, ở Bắc Giang có khắc hình người đàn bà khỏa  thân, ngồi xổm để lộ âm vật, rắn quấn ngang lưng v.v... Trong các điêu khắc trên, rắn là một biểu tượng của dương vật, tương đương với chày và gậy.

Tóm lại, Bà Banh hay Bà Đanh về nguồn gốc và bản chất  là Bà Tổ  Ếch, gắn với với tín ngưỡng vật tổ ếch và  truyền thống trồng lúa nước của người Việt. Câu "Vắng như chùa Bà Đanh" phản ánh sự mai một và chuyển hóa của tín ngưỡng này ở người Việt vào cuối thời Lê…

Tạ Đức
.
.
.