Đại lý tự và Tam Pháp ty: Các cơ quan thẩm định hình án

Thứ Bảy, 16/09/2023, 11:28

Thời Nguyễn, từ năm Minh Mạng thứ 12 (1831), triều đình bắt đầu đặt cơ quan Đại lý tự với trách nhiệm là “xét lại những án nặng để giúp việc hình của nước”.

Thời phong kiến, Bộ Hình là cơ quan phụ trách việc hình án của cả nước. Việc xử án ở địa phương giao cho các quan phủ, huyện, lộ, trấn đảm trách.

Đại lý tự và Tam pháp ty: Các cơ quan thẩm định hình án -0
Người dân bị oan ức có thể đệ đơn lên Công chính đường để Tam Pháp ty xem xét.

Thời Lê sơ, có chức ngự sử các đạo phụ trách giám sát việc thực thi pháp luật tại từng đạo. Khởi đầu triều Lê, đời Vua Lê Thái Tông, năm Thiệu Bình thứ 4 (1437), “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết “nhà vua sai các đại thần duyệt xét các quan xử kiện xem ai làm tròn chức trách”. Nhiều vị quan lại vì tiến cử người không đúng, lại che giấu tội tham ô, đều đã bị biếm chức, bãi chức.

Đến thời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 23 (1492), vào tháng 4, nhà vua đã sai các quan trong Hàn lâm Lục khoa và Ngự sử đài chia nhau đi xét xử ngục tụng. Sử viết: “Lúc ấy, việc ngục tụng phần nhiều đình trệ, nhà vua hạ lệnh cho các quan trong Hàn lâm viện, Lục khoa và Ngự sử đài chia nhau đi 13 xứ thẩm xét phán đoán những hình ngục còn đọng lại”.

Vua Lê Hiến Tông cũng từng hạ sắc dụ cho các nha môn xét xử hình ngục, nhắc nhở rằng: “Việc hình ngục quan hệ đến tính mạng của dân, cho nên "việc hình ngục không được để chậm trễ, đã có lời răn ở Chu Dịch hỏi hết những lời cốt yếu để xét đoán kiện tụng" đã chép ở Thượng thư. Vậy từ nay, các việc ngục tụng nào tình lý còn nghi ngờ khó xét, đều phải y theo thời hạn xét xử cho xong. Nếu người nào còn dám để bê trễ thì cứ đến cuối năm, viên quan cai quản, viên quan đề hình ở Bộ Hình, quan giám sát ngự sử và Thanh hình hiến sát sứ ti phải kiểm tra hặc tâu để trị tội; nếu các quan viên nói trên không kiểm tra tâu hặc thì viên thượng ty trong Ngự sử đài và viên xá nhân được giữ công việc thể sát hặc tâu. Các nha môn nào không xét xử đúng lẽ thì người bị oan uổng được phép cứ sự thực tâu bày đầy đủ lên triều đình, viên quan ấy sẽ bị tội theo như luật định”.

Vua Lê Hiến Tông cũng cho đặt ty Đình úy, thuộc vệ Cẩm y. Quan chức ty này có chỉ huy sứ, chỉ huy đồng tri và chỉ huy thiêm sự, mỗi chức một người, đều dùng quan võ sung bổ. Trách nhiệm của ty này được “Toàn thư” giải thích như sau: “Phàm việc ngục tụng nào còn nghi ngờ mà tình trạng nặng thì các quan trong ty phụng mạng vua tra hỏi. Đến nay, đặt làm một ty riêng, về chức chỉ huy sứ, chỉ huy đồng tri và chỉ huy thiêm sự đều chọn người văn thân có chức vị trọng đại để quản lãnh”.

Đại lý tự và Tam pháp ty: Các cơ quan thẩm định hình án -0
Đại lý tự và Tam Pháp ty là hai cơ quan thẩm định hình án quan trọng của triều đình nhà Nguyễn, tồn tại đến đầu thế kỷ XX.

Theo mô hình tổ chức nhà nước thời Lê thì bên cạnh lục bộ, ngự sử đài, còn có lục khoa có trách nhiệm giám sát công việc của lục bộ, ngoài ra còn có hiến sát sứ giám sát công việc của các thừa tuyên sứ.

Sang đến triều Nguyễn, mô hình lục bộ vẫn được kế thừa, trong đó, trách nhiệm của Bộ Hình gồm có: Thảo luận nguyên lý và pháp luật, tấu đối và xét xử những tội nặng (tử tội), phúc thẩm các nghi án, xếp đặt các lao ngục, các phương pháp đối với tù phạm (như chu cấp cơm áo, thuốc men)...

Cơ quan Viện Đô sát của triều Nguyễn được đặt ra năm Gia Long thứ 3 (1804), với trách nhiệm được ghi trong “Đại Nam hội điển”: Những sự tâu dối điều hay hoặc can gián điều dở, đàn hặc (vạch tỏ) các tội lỗi của các quan, đều giao cho viện này. Các chức Cấp sự trung ở các khoa, chức Giám sát ngự sử các đạo, đều thuộc quyền Viện Đô sát. Các chức Tả hay Hữu Đô ngự sử là quan hàm kiêm chức của các quan Tổng đốc, chức tả hữu Phó Đô ngự sử (quan hàm kiêm chức của các quan tuần phủ)...

Sang đến đời Vua Minh Mạng, khi chưa thành lập cơ quan Đại lý tự, triều đình đã đặt các chức Đại lý tự khanh, đó là năm Minh Mạng thứ 3 (1822), khi triều đình lấy Đại lý Tự khanh Vũ Xuân Cẩn làm thự (tức là quyền) Tham tri Hình bộ; đã sung Tham quân Ngô Bá Nhân làm Đại lý Tự khanh, vẫn biện lý công việc Bộ Hình. Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), triều đình lại lấy Hiệp trấn Sơn Nam là Vũ Xuân Cẩn làm Đại lý Tự khanh biện lý công việc Hình Bộ, sai chế ấn quan phòng “Đại lý Tự khanh” bằng ngà cấp cho.

Và đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), vào mùa xuân, triều Nguyễn mới bắt đầu đặt nha Đại lý tự. Theo sử triều Nguyễn “Đại Nam thực lục” thì vua bảo Bộ Lại rằng: “Đại lý tự xét lại những án nặng để giúp việc hình của nước, chức vụ không phải là không quan trọng. Từ trước đến nay đặt chức tự khanh, chỉ lấy bản hàm mà suy làm công việc Hình Bộ mà thôi. Nay nên đặt riêng một nha để cho rõ chức vụ”. Bèn đặt 1 chức Tự khanh, 1 Thiếu khanh, 1 Viên ngoại lang, 2 Chủ sự, 2 Tư vụ, Bát, Cửu phẩm thư lại đều 4 người, Vị nhập lưu thư lại 10 người, mỗi năm cấp cho tiền công nhu (tức công quỹ để chi dụng) là 115 quan”.

Sau đó, Vua Minh Mạng lấy thự Hiệp trấn Nam Định là Đoàn Khiêm Quang làm Tả thị lang Hình Bộ kiêm Đại lý Tự khanh, thự Tham hiệp Phiên An là Nguyễn Thừa Giảng làm Đại lý tự Thiếu khanh. Theo quan chế đời Minh Mạng thì chức Đại lý tự khanh ở hàm chính tam phẩm, ngang với các chức Tả hữu Thị lang 6 bộ, Phủ doãn phủ Thừa Thiên, các trấn hiệp trấn. Chức Đại lý tự Thiếu khanh ở hàm Chánh tứ phẩm.

Phân định trách nhiệm giữa Bộ Hình và cơ quan Đại lý tự được nêu rõ trong lời Vua Minh Mạng dụ nội các rằng: “Bộ Hình đặt ra nhân viên hiện đã đầy đủ, gần đây lại mới đặt lại ra ngạch viên Đại lý để làm việc tưởng không phải là thiếu người, thế mà việc án còn chồng chất lại nhiều. Vậy truyền chỉ: Phải chia nhau mà xét xử ngay, dù án nặng, án nhẹ đều hạn trong một tháng phải làm xong xuôi. Trước hết phải biên kê rõ viên nào được chia cho cho xét những án nào rồi gửi vào nội các lưu chiểu sau này. Hễ để chậm trễ thì trách cứ vào người ấy”.

Sau đó, nhà vua lại sắc cho nhân viên Đại lý tự theo Bộ Hình làm việc; phàm có tấu sớ, án từ gì được chuyên làm đều phải liên danh ký tên.

Những tù bị trọng tội, những án có mối ngờ và khó xét, sẽ cùng Bộ Hình hội đồng mà xét xử. Những đơn khiếu dâng lên vua và những đơn khiếu đưa ở kinh thành (đương sự ở các tỉnh khác vào kinh thành đưa đơn) đều giao chp Đại lý tự xét trước.

Sang đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832), vào tháng 6, triều Nguyễn đặt ra Tam pháp ty, gồm Đại lý tự cùng với Bộ Hình và Viện Đô sát. Theo “Đại Nam thực lục” thì triều thần “xin phỏng theo điển lệ Bắc triều (tức nhà Thanh ở Trung Quốc), lấy 3 nha của Hình Bộ, Đô sát viện và Đại lý tự, gọi riêng là Tam pháp ty, rồi tìm đặt làm dinh thự ở góc Đông Nam trong kinh thành, có tấm biển đề là “Công chính đường”, đằng trước nhà này, về bên tả, treo 1 cái trống gọi là trống đăng văn (tiếng trống đánh lên để thấu đến vua nghe), đúc ấn bằng bạc (khắc 4 chữ triện “Tam pháp ty ấn”), dấu kiềm bằng ngà (khắc 3 chữ triện “Tam pháp ty”) ban cấp cho để dùng, giao Bộ Hình giữ, Đô sát viện và Đại lý tự thì cùng nhau niêm phong”.

Quy chế làm việc của Tam pháp ty được quy định: Mỗi tháng lấy những ngày mồng 6, 16 và 26 làm nhật kỳ nhận các đơn kêu, rồi các đường quan ở ty Tam pháp theo nhật kỳ đã định đem các thuộc viên lên ở Công chính đường ngồi theo hàng lối: Bộ Hình ở giữa, bên trái là Đô sát viện, bên phải là Đại lý tự. Phàm thần dân ở trong kinh và ngoài các tỉnh ai có oan khuất thì đưa đơn đến kêu (đơn kêu phải có 1 bản chính và 1 bản phụ, duy khi tố cáo bí mật về việc phản nghịch quan trọng và những việc có quan hệ đến lợi hại lớn thì mới cho làm 1 bản tấu phong kín lại), Hội đồng nhận đơn cứ chiếu lý bàn xử, rồi hội hàm làm thành tập tấu dâng lên. Sau khi được chỉ, việc nào quan hệ đến nha nào thì chép đưa cho nha ấy làm theo. Khi tiếp được tờ tâu phong kín thì lập tức dâng trình không được tự tiện phát đi. Còn những ngày khác, mỗi nơi cắt 1 thuộc viên đều thay phiên thường trực, nếu có người thần dân nào có tờ tấu phong kín tố việc bí mật hoặc sự việc thật cần kíp khẩn thiết không thể đợi đến nhật kỳ nhận đơn thì cho bất kỳ lúc nào cũng được đánh trống đăng văn, đưa đơn kêu.

Người thường trực nhận lấy đơn ấy, một mặt đem người kêu ấy giao cho lính thủ hộ coi giữ, một mặt trình lên Công chính đường. Còn tờ trạng phong kín ấy cùng lập tức được dâng trình. Các đơn khác thì trước hết tóm tắt lại, chép thành phiến để tâu biết, rồi phải theo lý bàn kỹ tâu lên ngay. Nếu tờ tâu phong kín dâng lên ấy xét ra là vu cáo càn bậy thì tới kỳ đợi chỉ sẽ xử trị nghiêm ngặt. Đến như không phải là sự việc khẩn thiết mà đánh trống đưa đơn kêu thì việc dẫu có thực, cũng phải đóng gông 10 ngày để ở ngoài sân nhà Công chính đường, khi mãn hạn lại đánh ngay 100 trượng; nếu có vu cáo tức thì chiếu theo tội kiện vu cáo mà bắt chịu tội.

Ngoài ra, phàm việc án nào nên do triều đình xét hỏi thì đình thần tới nhà Công chính đường ấy hội lại xét hỏi. Án nào bị xử phạt roi, phạt trượng ngay thì ty Tam pháp cũng thi hành ngay sự trừng phạt ở nhà Công chính đường ấy. Ngoài ra, những người ốm già đã về hưu trước đây phải đến kêu ở triều đình, nay xin đều do viên quan coi quản xét thực tâu thay. Duy những người không ở dưới một thống thuộc nào thì cho phép hàng văn do Bộ Lại, hàng võ do Bộ Binh trình đơn kêu để xét định, như thế thì then chốt được kín đáo, phép tắc được nghiêm minh mà triều đình được tôn trọng.

Vua chuẩn cho thi hành lời bàn ấy, sai dựng nhà Công chính đường ở trong Nam Xương đài, sai trích lấy ở đội Lục kiên, 1 đội trưởng, 10 người lính sung việc canh giữ, mỗi tháng thay phiên một lần, cấp cho dầu, chiếu và 34 quan tiền để hoạt động.

Theo "Đại Nam điển lệ toát yếu" thì đến năm Thành Thái thứ 12 (1901), tháng 11, cơ quan Đại lý tự bị đóng cửa, vì quyền xử các vụ án lớn đều đã thuộc về người Pháp.

Lê Tiên Long
.
.
.