Cuộc tranh luận về thời gian giữa Einstein và Bergson: Einstein có nhầm không?

Chủ Nhật, 15/05/2022, 12:31

Trong phòng của tôi có một chiếc đồng hồ. Vào mỗi buổi đêm, khi những đội quân ý nghĩ bao vây tứ phía bộ não của mình, tôi thường cố gắng nằm thật yên, lắng nghe tiếng chiếc kim đồng hồ trôi tích tắc, cố gắng ẩn nấp sau tòa thành thời gian vững chãi những mong đám suy tư kia chán nản mà rút lui. Rồi một hôm, chiếc đồng hồ chết.

Emily Dickinson từng viết một bài thơ thật hay về chiếc đồng hồ chết:

“Một chiếc đồng hồ ngưng bặt
Chẳng phải chỉ là chiếc đồng hồ để bàn
Tay nghề cao nhất của xứ Geneva
Cũng chẳng thể khiến con rối kia cúi đầu
Dù nó vẫn còn treo lửng lơ ở đó”

Con rối ở đây chính là con chim cúc cu báo giờ. Và, nhiều người nói rằng, chiếc đồng hồ của Emily Dickinson không hẳn chỉ kể về chiếc đồng hồ, mà chính xác hơn, nó là bài thơ về cái chết. Bởi, chẳng cần ai phải dạy, ta cũng biết rằng cảm nhận về thời gian gắn chặt với cảm giác về sự tồn tại. Khi ai đó không còn tồn tại nữa, ta có thể nói: thời gian của người ấy đã hết.

Nhưng, có một người tin rằng thời gian không chỉ là thứ ta nhìn thấy trên mặt đồng hồ, người đó tin có một thứ thời gian không thể đo lường, không thể chia nhỏ, thay vì thế, nó tồn tại liên tục như một bản nhạc - nghe một nốt nhạc riêng rẽ là vô nghĩa, bởi một nốt nhạc luôn nằm trong bản tổng phổ lớn hơn, nối liền với những nốt trước và sau nó. Người ấy là Henri Bergson, triết gia lỗi lạc của thế kỷ 20, nhà trí thức đã có cuộc tranh luận nổi tiếng với Albert Einstein về thời gian.

Cuộc tranh luận về thời gian giữa Einstein và Bergson: Einstein có nhầm không? -0
Einstein nhận giải Nobel cho khám phá về hiệu ứng quang điện. Nhiều học giả cho rằng thuyết tương đối không được trao giải Nobel một phần vì nó bị Henri Bergson, nhà trí thức nổi tiếng thời ấy phản biện.

Ngày nay, điều gì có thể là tương đối chứ thuyết tương đối thì ta tin... tuyệt đối. Nhưng, 100 năm trước thì không hẳn. Ngày 6-4-1922, Albert Einstein tới Paris tham gia một buổi gặp gỡ cùng Hiệp hội Triết học Pháp và sau khi Einstein lên trình bày về lý thuyết của mình, Henri Bergson đã đưa ra những lập luận phản biện. Bergson khẳng định không hề nghi ngờ bất cứ điều gì thuộc phạm vi khoa học mà Einstein đề ra nhưng “tất cả chưa kết thúc” với thuyết tương đối và lý thuyết này chỉ có thẩm quyền trong việc đo đạc thời gian chứ không phải bản chất thời gian. Trong tác phẩm “Durée et Simultanéité” (tạm dịch: Tính kéo dài và tính đồng thời) có nhắc trực tiếp tới thuyết tương đối, Bergson viết hoa chữ Thời Gian.

Để hiểu Thời Gian viết hoa theo nghĩa lớn lao mà Bergson ám chỉ, có lẽ bạn có thể đọc bộ tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất” của tiểu thuyết gia vĩ đại Marcel Proust, em họ người vợ của Bergson, trong đó nhân vật kể chuyện kể lại những ký ức đời mình bằng cách kéo dãn mọi chi tiết, mọi xúc cảm, mọi mùi hương, khiến thời gian dãn nở ra đến vô tận, nằm ngoài mọi sự đo lường. Thứ thời gian ấy dính chặt với cuộc sống, không thể tách rời khỏi trải nghiệm của ta, nó sẽ chẳng là gì cả nếu như không có sự va đập với những giác quan của con người.

Bergson vì vậy đặc biệt phản đối nghịch lý sinh đôi, một hệ quả từ thuyết tương đối của Einstein, đại để là nếu có hai anh em sinh đôi, người anh ở trên Trái đất và người em bay vào vũ trụ với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng, thì thời gian trên đồng hồ của người em sẽ trôi chậm hơn và đến một lúc, người em sẽ trẻ hơn anh mình, bất chấp cảm giác của anh ta về thời gian cũng không qua nhanh hơn. Theo Bergson, không thể nói về thời gian mà không nói đến ý thức và cảm nhận của con người. Einstein thì cho rằng mặc dù có thời gian tâm lý nhưng không có thời gian của các nhà triết học, thời gian tóm lại là thứ đồng hồ có thể đo đạc. Vậy là, Bergson lại đặt câu hỏi, thế vì sao đồng hồ lại được tạo ra.

Cuộc tranh luận của hai bậc trí thức lớn kết thúc khi Bergson nói: “Thôi muộn rồi...”, như nhắc khéo Einstein rằng thời gian chẳng phải tài sản của riêng của các nhà vật lý đâu.

Theo thời gian, ai thắng ai thua trong cuộc tranh luận trên gần như đã ngã ngũ. Chỉ cần hỏi bao nhiêu người biết đến Einstein và bao nhiêu người biết đến Bergson, bao nhiêu người biết đến thuyết tương đối (dù cũng chẳng hiểu hết nó) và bao nhiêu người biết đến khái niệm durée (tính kéo dài) là chúng ta đã có câu trả lời. Nếu như Einstein vẫn luôn được nhớ đến như một thiên tài thì chẳng mấy ai, trừ phi là những con nghiện văn chương, triết học - từng nghe tới Bergson. Vậy mà từng có thời, người ta nói rằng nếu phải chọn ra 4 triết gia vĩ đại thì đó sẽ là Socrates và Plato - coi hai người ấy là một, Descartes, Kant và Bergson, còn cuốn “Vật chất và ký ức” của ông được so sánh với cuộc cách mạng của Copernicus hay những phê phán của Immanuel Kant. Bộ não của Einstein được ngâm formaldehyde để lưu trữ ư? Thế thì một nắm tóc của Bergson cũng từng được một người thợ làm đầu giữ lại như thánh tích.

Nhưng, cuộc tranh luận không khoan nhượng với Einstein đã đánh dấu sự sa sút trong danh tiếng của Bergson và không chỉ là sự sa sút của riêng ông, mà là sự sa sút của triết học siêu hình.

Sai lầm của Bergson có lẽ nằm ở chỗ, ông cho rằng lý thuyết của Einstein được nghiên cứu với mục đích hồi đáp cho câu hỏi “thời gian là gì” vốn được đặt ra bởi một triết gia, trong khi “vật lý không có trách nhiệm trả lời câu hỏi ấy”. Nhà toán học kiêm triết gia Bertrand Russell gán cho Bergson là kẻ theo chủ nghĩa phản trí thức và hẳn phải có một căn bệnh nào đó đã lây lan cho cả “lũ kiến, lũ ong và Bergson”, khiến cho với những sinh thể này, trực giác đã vượt qua lý trí.

Khoa học vào thời điểm ấy như một thanh niên trẻ đầy năng lượng và nhiệt huyết, còn triết học siêu hình giống như một người đã về chiều. Cậu thanh niên nay đã đủ trưởng thành, tự lập và muốn “thoát ly”, thậm chí cho người già cỗi kia về hưu để mình lên làm chủ soái. Trong lịch sử, đến tận thế kỷ 17, tác giả của “Bách khoa toàn thư” là Denis Diderot vẫn cho rằng “khoa học” và “triết học” là từ đồng nghĩa. Từ “scientist” (nhà khoa học) chỉ bắt đầu được dùng thông dụng vào thế kỷ 19, để thay thế cho cụm từ “triết gia tự nhiên”. Đến khi cuộc tranh luận của Einstein và Bergson diễn ra, khoa học và triết học - người con và người cha, đã đi tới mâu thuẫn đỉnh điểm.

Trong suốt một thời gian dài, tranh luận giữa Einstein và Bergson đã gợi cảm hứng cho rất nhiều trí thức lớn. Một trong số đó phải kể tới Martin Heidegger, người đã thừa nhận rằng niềm hứng thú với thời gian của công chúng đã được đánh thức nhờ khám phá mới của Einstein nhưng cũng cảnh báo rằng, “một khi thời gian đã bị định nghĩa như thời gian trên đồng hồ thì sẽ không còn hy vọng gì để nó trở lại với nghĩa ban đầu”. Mặt khác, ông cũng nhận định rằng quan niệm của Bergson không có gì đột phá. Thay vì cố đi trả lời câu hỏi “thời gian là gì, là thời gian ta sống hay là thời gian trên đồng hồ?” như hai vị tiền bối, Heidegger thay luôn câu hỏi thành: cái gì làm nên thời gian. Và, câu trả lời của ông: đời người không diễn ra trong thời gian mà đúng hơn nó chính là thời gian.

Cuộc tranh luận về thời gian giữa Einstein và Bergson: Einstein có nhầm không? -0
Henri Bergson từng được trao giải Nobel Văn học “để ghi nhận những ý tưởng phong phú và đầy sức sống cùng những kỹ năng tuyệt vời mà nhờ đó chúng được trình bày”.

Câu trả lời hay tuyệt vời nhưng một lần nữa, có bao nhiêu người thực sự quan tâm đến Heidegger, nếu như họ không phải là nhà nghiên cứu triết học?

Có lẽ, bạn cũng đồng ý với tôi, rằng đối với phần lớn người hiện đại, khoa học tìm kiếm sự nhất quán giản dị, cố gắng giải thích thế giới bằng những định luật bất biến. Triết học thì luôn phức tạp hóa vấn đề. Khoa học có thể ngay lập tức được áp dụng thành công nghệ tân tiến. Triết học thì toàn bàn chuyện xa vời tận đẩu tận đâu. Vũ trụ qua lăng kính khoa học thật gọn ghẽ, hài hòa. Vũ trụ qua lăng kính triết học thì hỗn độn và không có quy luật. Những suy nghĩ như vậy thật ra đều phản ánh cách công chúng xưa kia nhìn nhận về Einstein - đại diện của khoa học và Bergson - đại diện của triết học.

Einstein một mực cho rằng Bergson hiểu sai lý thuyết của ông. Nhưng, có khi nào chính Einstein cũng hiểu nhầm Bergson chăng? Rằng cái mà Bergson phản đối không phải là thuyết tương đối, ông chỉ phản đối việc người ta loại bỏ triết học để dựng lên một vũ trụ khô khan, lý tính và cứng nhắc, nơi không có chỗ cho những tai nạn, những sự bất nhất, những lượn sóng, những gì uyển chuyển và những gì vô phép tắc. Chúng ta sống trong một thế giới đã có quá nhiều những vấn đề, chúng ta đâu cần thêm những lắt léo, thất thường của vũ trụ nữa, có lẽ bởi thế mà ta cho rằng quan điểm của Bergson có thể đem tới những mối nguy hiểm, thậm chí là những nguy hiểm không cần thiết. Cái ta cần là sự tiện nghi, mà cái này thì triết học chẳng thể đem lại cho ta chút miligram nào.

Song, sau rốt, có cách nào để ta vứt bỏ hoàn toàn thời gian của những triết gia? Nhất là vào thời điểm thời gian vật lý lạnh lẽo không đủ sức bắt nhịp những cảm giác nóng bỏng của con người và ta bất thần thấy mình thấy mình ở trong một thế giới không tài nào hiểu được. Như trong tiểu thuyết “Kafka bên bờ biển” của Haruki Murakami, ở một cảnh làm tình thật khêu gợi, một cô gái điếm “siêu hình” vừa âu yếm vị khách hàng của mình, vừa nói: “Hiện tại thuần túy là một bước tiến không thể nắm bắt của quá khứ gặm nhấm tương lai. Thực ra, mọi cảm giác đã là ký ức”. Cô đang trích dẫn Bergson, làm sao khác được, làm sao không phức tạp hóa thời gian lên bằng chính những ký ức của con người, làm sao ta có thể tránh được suy nghĩ rằng việc ta đang sống sau rốt cũng để lại một vết lún lên thế giới, cho dù điều đó chỉ là ảo ảnh.

Và, lần tới khi nhìn thấy một chiếc đồng hồ, bạn hãy nghe, hãy nghe tiếng nó đang tích tắc, có lẽ nó không chỉ đang tich tắc để đo đạc một sự thật quy luật khách quan nào đó, có lẽ nó đang nói gì với riêng bạn mà thôi. Nó đang nói gì vậy?

Hiền Trang
.
.
.