Cuộc đối thoại với chiếc ghế không người

Thứ Năm, 28/04/2022, 09:59

Scott Kellogg ngồi trên chiếc ghế trống, ánh mắt chăm chú hướng về màn hình hiển thị dòng số 1234 đang nhấp nháy xanh đỏ. Một liệu pháp ẩn chứa sức mạnh thú vị, khiến vị bác sĩ như bước vào một thế giới hoàn toàn mới của tâm trí. Ở đâu đó trên não, anh không còn là Scott Kellogg, mà trở thành một phiên bản khác, tự đối thoại với chính mình.

Trò chuyện cùng sự tưởng tượng

Nicole, 11 tuổi, nổi bật với thành tích chơi bóng đá, một thành viên cốt cán của đội tuyển trường. Điều không may xảy đến khi cô bé rơi vào trạng thái mông lung vì chiến lược “ưu ái người nhà” của vị huấn luyện viên. Ngồi trên băng ghế dự bị, Nicole vô vọng nhìn những đường bóng trên sân cỏ, nghe tiếng hét chiến thắng của đồng đội trước khi bị loại khỏi tuyển với lý do... đã đủ thành viên.

Các vấn đề tâm lý của cô con gái khiến Scott Kellogg quyết định đưa Nicole vào trải nghiệm Gestalt cùng anh. Trong tiếng Đức, Gestalt mang nghĩa “cấu trúc, hình dạng”, cho rằng hành vi của con người bị ảnh hưởng bởi cách mà họ nhận thức trong thực tế. Khoa học thời nay bổ sung thêm khả năng nhận thức một vật thể của chúng ta không chỉ dựa vào cách võng mạc hội tụ một hình ảnh mà còn liên quan đến những hệ thống phức tạp giữa các neuron thần kinh.

Đầu thế kỷ 20, cha đẻ của liệu pháp Gestalt, bác sĩ tâm thần học người Đức Fritz Perls, đã giới thiệu Kỹ thuật ghế không người, trở thành một trong những công cụ làm việc được sử dụng nhiều nhất trong giới tâm lý học.Trước đây, hình tượng ghế trống cũng đã xuất hiện trong thế giới Tâm kịch do bác sĩ Jacob Moreno phát triển từ thế kỷ 19. Các thân chủ sử dụng các kịch bản tự biên, trò chơi nhập vai và tự diễn để khảo xét, thấu hiểu đời sống nội tâm của mình.

1.jpg -0
Dù chẳng nói được từ nào, nhưng cái ghế trống vẫn đang làm tốt nhiệm vụ được giao phó là giúp giải phóng chúng ta khỏi muộn phiền.

Với chúng ta, chiếc ghế tượng trưng cho sự ức chế, để tự ta “xả” ngôn từ vào nó, tuôn trào với một thứ vô tri giác những điều muốn nói trong lòng. Như cách Scott Kellogg đã làm, ngồi đối diện một chiếc ghế trống, rồi hét lên “tất cả đều không công bằng, các vị không hiểu tâm lý của một đứa trẻ đã bị tổn thương đến mức nào”. Trong tưởng tượng, anh đang chỉ trích vị huấn luyện viên đội bóng. Cảm giác “được bùng cháy” khiến người cha nhẹ nhõm. 10 phút đổi ghế, Scott Kellogg nhập vai con gái, cất từng tiếng chậm rãi chỉ với mong muốn tìm thấy sự thấu cảm với cô bé đang khao khát được ra sân với trái bóng tròn.

Cuộc đối thoại với tưởng tượng, mà Scott Kellogg là nhân vật chính, chỉ vỏn vẹn 20 phút nhưng khiến trí não vị bác sĩ như di chuyển giữa những thế giới khác biệt. Tất cả diễn ra với một bức tường trắng, cùng chiếc ghế trống phía trước. Giọng anh vang vào hư không, nhưng cảm xúc vô cùng chân thực. Anh không còn giận dữ và cảm thấy cần phải trả thù như trước, mà quyết định liên hệ gặp trực tiếp nhà trường cùng vị huấn luyện viên để... đàm phán.

Trải nghiệm độc đáo giúp Scott Kellogg bắt đầu dự án Ghế không người từ năm 2018, qua gần 4 năm thu hút sự chú ý của giới tâm lý và trị liệu thần kinh. Cuốn sách “Những cuộc đối thoại với chính tôi” mở ra nhiều ý niệm thú vị với chiếc ghế, là cơ hội cho bất cứ ai muốn hiểu về bản thân mình, tìm cách giãi bày tâm tư khi đã không thể kìm nén được nữa. Không chỉ một, Scott Kellogg nghĩ đến ba chiếc ghế trống trơn, tựa ba nhân cách khác nhau bên trong anh đang tìm cách đối thoại với chính mình ngồi im trên chiếc ghế thứ tư. Thông qua thiền định, anh tìm cách giảng hòa cho các nhân cách ấy, vốn dĩ luôn xung đột và tham vọng lấn át lẫn nhau.

Hiệu ứng thanh tẩy xuất hiện, mà theo mỹ học Hy Lạp cổ đại hàm ý lấy ảnh hưởng thẩm mỹ của nghệ thuật để thay đổi tâm hồn con người. Fritz Perls từng cho rằng, tựa thanh tẩy, những chiếc ghế trống “ám ảnh” thị giác chúng ta. Tận dụng trí tưởng tượng, ta gắn cái ghế với hình ảnh nào đó vốn không hề ở trước mắt, rồi trút mọi cảm xúc dồn nén vào nó, bất cứ điều gì ta thấy được cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Kết cục sau cuối là thứ chúng ta theo đuổi ở cuộc đời này: loại bỏ lo lắng, giảm bớt thất vọng, trở nên thấu cảm và hiểu bản thân mình hơn.

Bốn con số liên tiếp

Đối diện một cái ghế không người, đôi khi chúng ta phát hiện cá tính khác lạ lúc giãi bày tâm tư, khiến chột dạ mà thốt lên “mình là cái quái gì vậy?”. Kiểu như đa nhân cách, chúng ta cư xử linh hoạt theo tình huống cùng bối cảnh. Scott Kellogg coi khởi điểm của vòng xoáy cái ghế - thanh tẩy bắt đầu từ con số 1, nhận diện những bản thể khác nhau bên trong cùng một con người bằng Tự độc thoại. “Hãy chuyển sang ghế thứ nhất này, tĩnh tâm đôi chút và kể về những điều thầm kín nhất của con”, Scott Kellogg nói với Nicole.

Nhiều quan điểm coi Tự độc thoại là một phiên bản của liệu pháp nhận thức hành vi, được các chuyên gia tâm lý miêu tả sở hữu năng lực chữa lành thông qua sức mạnh của sự bày tỏ. Các chiếc ghế vô tình tạo khoảng trống giữa con người thật và tưởng tượng, giữa xúc cảm hiện tại và cảm xúc muốn được tỏ bày, trước khi buộc mỗi người đối diện với trải nghiệm thực tế phũ phàng. Đạo Phật từng dạy rằng bản ngã là gốc của đau khổ và bất công, hiểu được chính ta là nhận thức được thế giới cảm xúc phức tạp.

Scott Kellogg hé mở số 2, với những thử thách nhập vai xung quanh ghế trống. “Nicole, ngồi vào ghế thứ hai, nghĩ về một người trong đội bóng, và bắt đầu kể về ngày đầu tiên...”. Trong mỗi con người, đều ẩn giấu một câu chuyện dài kì nào đó mà không bom tấn Hollywood nào có thể kể trọn vẹn chỉ qua 120 phút. Nhập vai để ta tự nói với các nhân cách khác nhau, tự nhìn vào nỗi sợ thầm kín cố gắng che giấu bấy lâu. Giãi bày, đồng nghĩa với để thế giới nghe ta, thế nên diễn viên người Mỹ Glenn Close đã viết thế này trong “Trở về từ vực thẳm”: “Chuyện đời ta mang theo khao khát giải thoát, nói lên nỗi lòng là cứu được chính mình”.

3.jpg -0
Tự độc thoại được miêu tả sở hữu năng lực chữa lành thông qua sức mạnh của sự bày tỏ.

Trên chiếc ghế thứ ba, Nicole thuật lại cảm xúc về trái bóng, của mình và những người khác, vừa vui vừa giận đến phát khóc nức nở. Scott Kellogg tin rằng số 3 là thời điểm thích hợp để “tấn công” não bằng ký ức đau buồn nhất, ép buộc não thừa nhận sự thật để thấu hiểu. Khi ấy, ghế không người trở thành “bãi rác” đón nhận mọi chửi bới, trách móc, nước mắt, lắng nghe mọi suy nghĩ cho đến khi chúng ta không thể nói được nữa.

Thời hiện đại, chúng ta dễ rơi vào trạng thái lưỡng lự, tiến thoái lưỡng nan không thể đưa ra lựa chọn. Hệt mục sư Martin Luther King trăn trở giữa nhu cầu cần được thấu hiểu về nghĩa vụ làm cha, làm chồng và khát vọng tự do nhân quyền, mà không thể từ bỏ bất cứ cái nào. Fritz Perls tin vào sức mạnh vô hình của mấy chiếc ghế: nếu chúng ta di chuyển qua lại giữa chúng, mối liên hệ giữa các giá trị mà mỗi ghế đang sở hữu sẽ hình thành, từ đó ta hình dung cách để cân bằng cuộc sống thông qua dung hòa hoặc chấp nhận buông bỏ.

Điều quan trọng nhất Scott Kellogg nhận được, mà anh gọi là giai đoạn số IV định mệnh, chính là cái tôi được khẳng định, cùng bản lĩnh đối diện khó khăn, kiểm soát cảm xúc và lựa chọn giải pháp tối ưu nhất cho những vấn đề trong cuộc sống. Con số thú vị này đi theo đúng định hướng từ cách đây gần một thế kỷ của Fritz Perls: nhận ra thứ đang kìm hãm cuộc sống đi lên là nhiệm vụ của mỗi người.

“Điều cuối cùng con muốn nói với vị huấn luyện viên đã từ chối cho con được ra sân là gì?”. Câu hỏi thử thách lòng dũng cảm dám nói lên sự thật của cô bé, mà cũng là lúc Nicole bày tỏ nguyện vọng với tất cả sự tự tin khi trở lại chiếc ghế ban đầu.

Có lúc, Scott Kellogg nhận ra anh đang “hành hạ” bệnh nhân quá mức, khiến họ khóc lóc, cảm thấy tức giận hay kiệt sức về mặt thể chất. Tuy nhiên, anh vẫn động viên họ tiếp tục “xả” giận, mà anh ví tựa cách giật bồn cầu để mọi ưu phiền trôi hết theo dòng nước. Vài tuần trị liệu với ghế không người đã giúp ích rất nhiều cho những tâm trí trầm cảm và thiếu tự tin trong cuộc sống. Chiếc ghế, tưởng như vô dụng, lại trở thành “người bạn” sẵn lòng hoán đổi vai với ta, để lắng nghe ta nói bằng cảm xúc chân thực nhất.

Vẫn biết, quá khứ chỉ được nhìn thấy qua đôi mắt của chúng ta bị cô lập bởi hiện tại. Mỗi nỗi đau do sự cô độc tạo ra khiến ta khó lòng sẻ chia, cũng như đối diện. Ấy vậy mà Scott Kellogg tìm thấy cách nhìn vào bóng tối, vực dậy trái tim nhiều tổn thương, mở đường cho thay đổi tích cực xuất hiện. Một cuộc cách mạng chưa từng có trong lĩnh vực tâm lý học trị liệu, mà ở đó trái tim và tâm trí con người tự đối thoại, còn kẻ ngồi nghe chẳng nói được từ nào. Câm lặng, nhưng chúng ta luôn hiểu rằng cái ghế trống vẫn đang làm tốt nhiệm vụ được giao phó - một thế lực giải phóng chúng ta khỏi muộn phiền...

Lê Nam
.
.
.