Chữ Việt cổ và sự kiến tạo truyền thống

Thứ Bảy, 11/06/2022, 13:01

Ba tiếng “chữ Việt cổ”, với nhiều người, là một tiếng gọi thiêng liêng, có sức ám ảnh rất lớn, nó vừa như là một nhiệm vụ khoa học, lại vừa như là một bài toán thách đố. Vì thế, trong gần trăm năm qua, có rất nhiều người đã đi theo tiếng gọi từ nơi viễn cổ xa xăm này, để nhặt nhạnh những vết tích đã phai mòn theo thời gian, để phục dựng lại những con chữ của “người Việt cổ” từ vài ngàn năm trước.

Nếu tìm trên Google, bạn đọc sẽ thấy khá nhiều thông tin về “chữ Việt cổ”, “chữ khoa đẩu”, “chữ viết thời Hùng Vương”, với sự tham gia của cả giới học thuật lẫn bình dân. Những từ khóa ấy vẫy gọi sự tự hào dân tộc và một hình dung về truyền thống văn hóa cổ xưa đã tan biến qua bao thăng trầm của chiến tranh và lịch sử con người.

Chữ Việt cổ là gì?

Cha đẻ của bộ sưu tập “chữ Việt cổ” là nhà giáo Đỗ Văn Xuyền. Ông đã nghiên cứu các cứ liệu khảo cổ, thư tịch cổ, kết hợp với điền dã để chứng minh rằng: Chữ Việt cổ là một thành tựu rực rỡ của văn minh thời Hùng Vương, thứ chữ ấy đã bị người Hán tiêu diệt và phải “sống lén lút”, hay phải ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau và loại chữ viết này có tên là “chữ khoa đẩu” (xem “Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ”, NXB Hồng Đức, 2013). Chứng cứ văn tự còn chép được là trong sách “Lĩnh Nam chích quái”: “Thời Lạc Long Quân có người hái củi, bắt được con rùa, lưng rộng khoảng ba thước, trên mai có khắc chữ như con nòng nọc, gọi là chữ khoa đẩu. Hùng Quốc vương đã cử phái đoàn đem rùa thần đó cống cho vua Nghiêu”.

Chữ Việt cổ và sự kiến tạo truyền thống -0
“Hịch khởi nghĩa” được ông Đỗ Văn Xuyền viết theo chữ Việt cổ.

Dựa vào tài liệu “Chữ Thái tổ tự” của Phạm Thận Duật (Tri châu Điện Biên năm 1855) và các chữ viết trong “Thanh Hóa quan phong” của Vương Duy Trinh (1903), cũng như so sánh với chữ viết trên bãi đá cổ Sapa và các minh văn trên trống đồng, ông đã xác lập được bảng chữ cái chữ Việt cổ dùng để ghi tiếng Việt của người Việt cổ. Bảng chữ cái này có đầy đủ số lượng phụ âm và nguyên âm cơ bản như chữ quốc ngữ nhưng không có dấu thanh.

Việc bộ chữ không có dấu thanh được giải thích rằng nó phù hợp với kết luận của học giả người Pháp Haudricourt: “Trước Công nguyên, người Việt nói không dấu”. Nhìn vào hệ thống tư liệu, cách làm việc, thời gian nghiên cứu, cũng như nhiệt huyết của tác giả Đỗ Văn Xuyền, người bình thường cho rằng đây là một nghiên cứu công phu và có tính liên ngành, đặc biệt ông vừa sử dụng tư liệu khảo cổ kết hợp với văn tự cổ và thư tịch cổ. Nhưng, tôi cho rằng, đây đơn thuần là bộ chữ do tác giả tạo ra trong thế kỷ XXI và ông tin rằng đó chính là chữ Việt cổ đã tồn tại cách nay hơn 2 ngàn năm. Vậy cứ liệu nào để nói như vậy?

Chữ khoa đẩu

là gì?

Như trên đã trình bày, tác giả Đỗ Văn Xuyền dựa vào ghi chép của “Lĩnh Nam chích quái” và một số tư liệu khác cho rằng chữ Việt cổ (tương đương với thời vua Nghiêu) được gọi là chữ khoa đẩu, hay chữ nòng nọc. Nhưng, bất kỳ ai biết chữ Hán đều biết rằng “khoa đẩu” là một kiểu chữ của thư pháp chữ Hán. “Hán ngữ đại từ điển” (quyển 8, trang 931 ghi): Khoa đẩu được ghi bằng các chữ Hán là viết tắt từ các tên khoa đẩu thư, khoa đẩu văn, khoa đẩu văn tự, khoa đẩu triện văn, khoa triện, khoa đẩu điểu tích. Kiểu chữ này là một kiểu triện thư thuộc văn tự cổ của chữ Hán. Tô Thức thời Tống trong bài “Thạch cổ ca” có ghi: “nhớ Chu Tuyên hát bài Hồng Nhạn, khi ấy sử chữ triện đổi sang chữ khoa đẩu”. Củng Tự Trân trong tác phẩm “Cổ sử câu trầm luận” ghi: “Vách họ Khổng sáng ngời [khi phát hiện ra sách cổ giấu ở trong], chữ khoa đẩu rực rỡ”. Sách “Tự thể toàn thư” (Thư viện Quốc gia Việt Nam) có viết chữ “khoa” dưới dạng khoa đẩu và chú rằng loại chữ này do vua Chuyên Húc tạo ra. Sách này còn ghi nhiều thể chữ khác như long thư (chữ viết theo hình rồng) do Phục Hy sáng tạo, phượng thư (chữ hình chim phượng) do Thiếu Hạo chế tác, vân khánh (chữ theo hình mây lành) do Hoàng Đế làm ra, điểu tích (chữ theo vết chân chim) cho Thương Hiệt sáng tạo, tước thư (chữ hình chim sẻ)... Bản thân các kiểu chữ này vốn chỉ là các kiểu chữ trang trí dành riêng cho triện thư nhưng sau còn được áp dụng sang cho cả khải thư. Và, các nhà Nho đời sau, dưới ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, cũng đã sáng tạo truyền thống bằng cách nghĩ ra các tác giả của các kiểu chữ này. Việc gán các thể chữ đó cho các vị vua là để nhấn mạnh công đức sáng tạo văn hiến của các vị đế vương huyền thoại. Với những hiểu biết như trên về chữ “khoa đẩu”, ta thấy rằng ghi chép của “Lĩnh Nam chích quái” về một kiểu chữ “khoa đẩu” cổ thời Việt Thường cũng là một kiểu sáng tạo truyền thống của các nhà Nho Đại Việt thế kỷ XIV nhằm hình dung về lịch sử cách thời điểm biên soạn sách đến vài ngàn năm.

Chữ Thái và thao tác sắp chữ cái

Đến đây, ta đi đến chứng cứ văn tự mà tác giả Đỗ Văn Xuyền dựa vào để xây dựng nên bảng chữ Việt cổ. Tôi cho rằng, ông đã sử dụng một bộ chữ Thái được chép trong “Thanh Hóa quan phong” và “Chữ Thái tổ tự” của Phạm Thận Duật và xắp xếp các chữ này theo ngữ âm tiếng Việt hiện đại. Nguyên ủy, Vương Duy Trinh sau khi liệt kê các mẫu tự ở phía Tây Thanh Hóa (đầu thế kỷ XX) đã nhận định rằng lối chữ này là “lối chữ nước ta” (Vương Duy Trinh, “Thanh Hóa quan phong”, Liễu Văn đường khắc in, năm 1904, tờ 69b). Dựa vào nhận định này mà tác giả Đỗ Văn Xuyền đã phát triển thành “chữ Việt cổ”. Bản thân Vương Duy Trinh chỉ liệt kê các chữ cái, mà không chép lại một văn bản trọn nghĩa đầy đủ, nên ông Đỗ đã dùng bộ chữ cái đó để chép một số văn bản tiếng Việt, ví dụ như câu: “Nghêu ngao vui thú yên hà, mai là bạn cũ hạc là người quen”, tiêu biểu hơn, ông đã dùng bộ chữ này để chép lại toàn bộ “Hịch khởi nghĩa” của Hai Bà Trưng (ảnh dưới).

Bộ chữ mà Vương Duy Trinh nêu ra là loại chữ Thái Đen ở phía Tây Thanh Hóa (xem Phan Anh Dũng, “Về chữ Thái Việt Nam trong tác phẩm Thanh Hóa quan phong”, Tạp chí Hán Nôm, số 2(99) 2010, tr. 24-30). Đây là một trong 8 bộ chữ Thái được sử dụng dùng để ghi tiếng Thái ở Việt Nam. Theo nhà dân tộc học nổi tiếng - Cầm Trọng (2005) cả 8 loại hình kí tự ấy đều có nguồn gốc từ chữ Sanskrit (Ấn Độ) thông qua mẫu tự Khmer. “Chúng hoàn toàn giống nhau về nguyên tắc dùng phụ âm, nguyên âm để ghép vần ghi được âm tiết Thái”. Như vậy, thao tác của ông Đỗ Văn Xuyền có thể trình bày như sau: Chữ khoa đẩu = chữ Việt cổ = chữ Thái của Vương Duy Trinh. Sau khi đánh được 2 dấu bằng giữa 3 thứ chữ khác nhau dùng để ghi 3 ngôn ngữ khác nhau ở 3 thời điểm khác nhau, ông đã sắp lại các chữ cái của Thái Đen thành một bảng chữ ghi âm tiếng Việt hiện đại theo đúng cách mà sách giáo khoa tiếng Việt vẫn dùng để dạy chữ cho học sinh tiểu học. Bước thứ ba, ông chép lại một văn bản được cho là có từ thời Hai Bà Trưng để thấy được hình dáng ban đầu của thứ chữ này. Nhưng, bài “Hịch khởi nghĩa” được chép trong sách của Phạm Quý Truật này cơ bản cũng là một tài liệu không rõ nguồn gốc. Đọc lời văn thì là tiếng Việt hiện đại chứ không phải tiếng Việt thế kỷ 17-18. Dù bản gốc là Nôm hay Hán thì tác giả đã “chuyển tự” từ bản dịch tiếng Việt hiện đại sang bộ chữ mà chính ông đã sáng tạo ra. Đến đây, chắc không ít bạn đọc đã nhớ ra truyện thám tử Connan cũng từng phá án bằng cách giải mã các “bộ chữ” tự đặt theo các nguyên tắc này. 

Tiếng Việt cổ và lịch sử tiếng Việt

Bây giờ ta sẽ đi đến vấn đề cuối cùng là tìm hiểu xem tiếng Việt cổ là gì. Về nguyên tắc, “chữ Việt cổ” sẽ ghi lại tiếng Việt cổ. Theo nghiên cứu của GS Nguyễn Tài Cẩn và nhiều nhà ngữ học quốc tế khác như Mark Alves (Mỹ), thì tiếng Việt mới chỉ có lịch sử 12 thế kỷ (từ thế kỷ 8-9 về sau), trước đó là các tiền thân của tiếng Việt như tiếng Việt Mường chung, hay Vietic. Trong 12 thế kỷ này, ngữ âm và ngữ pháp tiếng Việt biến đổi không ngừng, đến mức người ngày nay không thể đọc hiểu được một văn bản tiếng Việt thời Lý như bản dịch Nôm sách “Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh”. Trong 12 thế kỷ này, thì khái niệm “tiếng Việt cổ” là chỉ cho giai đoạn thế kỷ 13-15, tương đương với các bài phú Nôm của đời Trần và “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi. Vậy tại sao ông Đỗ Văn Xuyền bỏ qua các tri thức nền tảng chung của ngôn ngữ học để đi tìm chữ Việt cổ? Bởi vì, về tri thức luận, ông nghĩ rằng, người Việt cổ đã tồn tại cả ngàn năm bất biến từ xưa cho đến nay, nên ông suy ra rằng tiếng Việt cũng bất biến như người Việt trong suốt đôi ba thiên niên kỷ.

Ông dùng tri thức của người thế kỷ XX - XXI để phóng chiếu về quá khứ, cho rằng quá khứ là thống nhất, xuyên suốt, thường hằng, qua thời gian. Tình yêu và những nỗ lực ông dành cho văn hóa, cho lịch sử là không thể phủ nhận, nhưng tình cảm không thay thế được cho khoa học. Có những khoa học hòa chung với tình yêu đất nước, nhưng không phải tình yêu đất nước nào cũng trùng với kết quả khoa học.

Trần Trọng Dương
.
.
.