Chánh niệm và những bước nhảy chữa lành tâm hồn

Thứ Tư, 27/07/2022, 09:36

Vũ công Mikhail Baryshnikov từng nói, khi con người chuyển động cơ thể cũng là lúc họ biểu lộ mọi cảm xúc. Những bước nhảy đơn giản nhất, trong khoảnh khắc vài giây ngắn ngủi, cũng đủ để người đối diện nhận ra bản chất thật ẩn sau vẻ bề ngoài đầy chai sạn.

Những chuyển động nhịp nhàng

Những năm 1990 được coi là thập kỷ của não bộ, khi khoa học thần kinh chuyển hướng nghiên cứu chuyên sâu một trong những bộ phận bí ẩn nhất. Giáo sư Adrianna Mendrek bị mê hoặc bởi sự phức tạp của não, dành phần lớn thời gian cho các công trình sinh học thần kinh hành vi cùng tâm lý học. Nhưng bà lại hoàn toàn quên mất rằng não là một phần của toàn bộ cơ thể, kết nối mật thiết và tương tác qua lại với các bộ phận khác. Cho đến khi ngồi đối diện bệnh nhân X trầm cảm đang loay hoay giải phóng cảm xúc của riêng mình, Adrianna Mendrek mới nhận ra một điều gì đó mới mẻ.

Chánh niệm và những bước nhảy chữa lành tâm hồn -0

Thật thú vị khi chúng ta ít khi chú ý tới vai trò của chuyển động trong cuộc sống hàng ngày. Adrianna Mendrek đối phó với bất kỳ vấn đề sức khỏe tâm thần nào bà gặp phải bằng cách khiêu vũ, hay tập yoga. Ký ức của bà cũng giống nhiều người, chạy nhảy vui đùa, rồi múa theo điệu nhạc những động tác buồn cười nhất khi còn là một đứa trẻ vô lo vô nghĩ. Càng lớn, chúng ta bỏ quên những chuyển động nhịp nhàng, cuốn mình trong vòng xoáy mưu sinh, chẳng còn để ý đến cơ thể đang lão hóa theo thời gian. Dường như, kết nối não - cơ thể đang tạm gián đoạn.

Trong “Mặc khải khiêu vũ”, giáo sư Thomas DeFrantz nhắc đến chuyện người phụ nữ suy sụp cả tinh thần và sức khỏe, tưởng chừng như không trụ nổi trước một biến động lớn. Nhờ âm nhạc, cô gặp gỡ người lạ như một sự ngẫu nhiên, rồi say mê lúc nào chẳng rõ. Ở độ tuổi ngoài 60, dáng người thon thả, nụ cười sảng khoái, cô đam mê khiêu vũ như hơi thở, mọi vui buồn đều trôi đi khi đắm chìm trong từng điệu nhảy. Thomas DeFrantz kết lại bằng những câu chữ đầy cảm hứng: ngắm nhìn những bước đi nhịp nhàng, uyển chuyển, xoay theo tiếng nhạc du dương, mọi lo toan của cuộc sống không còn, mà chỉ tồn tại sự thanh bình, yên vui. 

Adrianna Mendrek cảm thấy ngạc nhiên bởi khiêu vũ gần như không được chú ý trong lĩnh vực khoa học thần kinh hiện đại. Trên thực tế, trị liệu bằng nhảy múa nổi lên vào những năm 1940, nhấn mạnh sự tương tác qua lại giữa cơ thể và trí óc, cùng khả năng điều hòa cảm xúc thông qua sự thay đổi về tư thế cũng như chuyển động cơ thể. Nhiều bệnh viện đã biến những bước nhảy thành ngôn ngữ để bệnh nhân chịu nhiều sang chấn tâm lý bắt đầu giao tiếp và biểu đạt ý niệm trong quá trình điều trị sức khỏe tâm thần.

Chánh niệm và những bước nhảy chữa lành tâm hồn -0
Mọi tín hiệu phi ngôn ngữ, từng cử chỉ hay chuyển động trở thành “đơn thuốc” cho những người gặp khó khăn trong việc diễn tả bằng lời những vấn đề họ đang gặp phải.

Suốt nhiều năm qua, Adrianna Mendrek quyết định tham gia các khóa đào tạo Chuyển động linh hoạt, triển khai nhiều chiến dịch Khiêu vũ vì sức khoẻ ở châu Âu, Canada và Mỹ, khuyến khích mọi người sử dụng chuyển động hỗ trợ chức năng trí não, cảm xúc và vận động của cơ thể. Mọi tín hiệu phi ngôn ngữ, từng cử chỉ, động tác hay chuyện trò trở thành “đơn thuốc” cho những người gặp khó khăn trong việc diễn tả bằng lời những vấn đề họ đang gặp phải. Vị giáo sư gọi khiêu vũ bằng cái tên DaMo - liệu pháp nghệ thuật sáng tạo dựa trên mối liên hệ giữa cử động cơ thể và cảm xúc cá nhân để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.

Triết học đồng quan điểm, khi coi DaMo sử dụng vận động để thúc đẩy sự hiểu biết, hòa nhập và hạnh phúc. Cơ thể chuyển động là trung tâm của trải nghiệm con người, tạo ra phương tiện khắc họa một hành trình khám phá những tổn thương trong quá khứ và những cảm xúc bị kìm nén. Mặc khác, DaMo cũng truyền tải thông điệp rằng cơ thể và tâm trí luôn tương tác qua lại, và như Adrianna Mendrek thừa nhận việc bỏ quên chuyển động cơ thể là một sai lầm của khoa học đương thời. Bởi lẽ, con người luôn muốn che đậy cảm xúc, khi tâm trí và khuôn miệng của chúng ta chưa thể kể chuyện thì cơ thể sẽ đảm nhận nhiệm vụ quan trọng này.

Tự ngẫm trong thực tại

Nghiên cứu về tác động của khiêu vũ với não bộ, giáo sư Adrianna Mendrek chú ý tới một cấu trúc thú vị. Giống như một chiếc băng đô dày mịn như nhung, vỏ não cảm giác thân thể sơ cấp, nằm ở thùy đỉnh trước, tích hợp các kích thích cảm giác thân thể để nhận biết và nhớ lại hình dạng, kết cấu và trọng lượng. Ban đầu, bà cho rằng vỏ não này chỉ tham gia vào việc xử lý các cảm giác cơ thể. Vậy nhưng, kết quả cộng hưởng từ não của bệnh nhân X buộc giáo sư phải lưu tâm tới những thay đổi về cấu trúc và chức năng trong vỏ não cảm giác, cùng với suy giảm khối lượng chất xám.

Vài năm trở lại đây, các dấu hiệu kiểu này trở nên phổ biến ở những người được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm, lo âu và rối loạn tâm thần. Linh tính khoa học của Adrianna Mendrek mách bảo vỏ não cảm giác nắm giữ chìa khóa xóa tan vấn đề sức khỏe tâm thần. Không chỉ đáp ứng tốt với liệu pháp chuyển động khiêu vũ, bà đề xuất ý tưởng Điều hòa thần kinh và Kích thích não sâu thông qua thực hành chánh niệm. Kết quả vượt ngoài mong đợi, khi vỏ não cảm giác dần lấy lại “phong độ”, điều chỉnh cảm xúc cân bằng, từ đó làm phong phú trải nghiệm thế giới và bản thân một cách trọn vẹn hơn.

Chánh niệm và những bước nhảy chữa lành tâm hồn -0
Thực hành chánh niệm đem lại cho tâm trí sự tập trung cao độ để não bộ tự nhận ra mối liên hệ giữa cảm xúc và thực tại.

Nhắc đến chánh niệm, là nghĩ về những giây phút chú tâm vào thực tại. Tác giả Matthew Sockolov viết nên Thực hành chánh niệm bằng niềm tin tỉnh dậy với bây giờ và ở chính nơi đây, ngưng tiếc nuối quá khứ, ngừng lo lắng tương lai. Không có chánh niệm, con người dễ lạc bước theo những quanh quẩn của tâm trí. Tiến sĩ Edward Johnson cho rằng, chánh niệm như một tấm gương soi, phản ánh những gì diễn ra trước mặt, theo thời gian “đánh thức” tính dẻo (khả năng tái cấu trúc và mở rộng khi luyện tập) đáng kinh ngạc của vỏ não cảm giác. Tính dẻo rất quan trọng bởi vì can thiệp vào cảm giác và chuyển động của cơ thể đồng nghĩa với khả năng thay đổi vỏ não cảm giác.

Thực hành chánh niệm với bệnh nhân X quả thực như một phép màu, đem lại cho tâm trí sự tập trung cao độ để não bộ tự nhận ra mối liên hệ giữa cảm xúc và thực tại. Hơi thở chậm rãi, cảm nhận sự thay đổi nhỏ nhất của từng giác quan trong sự tĩnh lặng của tâm trí, chú ý sự “thông suốt” từ đỉnh đầu tới gót chân. Chỉ trong một thoáng giây, X có thể trải qua rất nhiều cảm xúc. Một mùi hương, một bài hát hay một hình ảnh có thể đột nhiên mang đến một sự kiện bị chôn vùi, lãng quên sâu sắc trong tâm trí. Cả cơ thể tựa chiếc mỏ neo, im ắng, cố định, níu giữ cảm xúc trong không gian thiền định.

Giới khoa học hiện đại đã bắt đầu phác họa các mạng lưới thần kinh liên quan đến sự thay đổi trên vỏ não cảm giác, có khả năng ảnh hưởng đến các vùng não riêng biệt, tạo nên sự thống nhất chặt chẽ, khiến không một bộ phận nào của não bị cô lập. Giờ đây, chúng ta có thể rèn luyện chánh niệm về cảm xúc, những loại năng lượng cực mạnh, cuốn phăng cả thân tâm như những cơn sóng thần. Phản ứng tạo ra âm thầm nhưng mạnh mẽ, tựa nhận thức đối với một bài hát được tiếp nhận thông qua vỏ não thính giác, hay cảm nhận mùi hương truyền tới vỏ não khứu giác.

Adrianna Mendrek nhận định, cho dù con người hướng đến những chuyển động của cơ thể, hay tĩnh tâm bằng chánh niệm thì mục đích sau cùng đều là tạo ra mối liên kết giữa cơ thể, não bộ và con tim, tìm lại sự nhạy bén giác quan qua những cảm nhận quen thuộc nhất để một lần nữa chạm đến an yên, hạnh phúc. Như X từng nói, nhiều năm địa ngục đã tạm chấm dứt khi tìm tới những bước nhảy, từng khoảng không gian một mình nhìn sâu vào tâm trí, với khối óc cởi mở chấp nhận thực tại để kết nối với thế giới bên ngoài. Đây là tín hiệu phục hồi tích cực đối với nhiều bệnh nhân trầm cảm, mắc bệnh Parkinson hay Alzheimer.

Vẫn biết, chúng ta không thể tránh khỏi những lúc lạc lối trong chính vở bi hài kịch cuộc đời mình. Một vị thiền sư từng răn dạy: chúng ta chẳng nên phải đè nén hay gạt bỏ cái gì. Cởi mở với mọi cảm xúc, tự vấn liệu mình muốn đồng nhất với chúng, hay đầu óc đủ rộng để bao dung giận dữ, đau khổ, vui tươi, thương yêu mà không bị ngập tràn. Khi ấy, chánh niệm và khiêu vũ mở ra cơ hội để... lùi lại một bước, tự suy xét về năng lượng của cảm xúc. Cơ thể không bao giờ tách biệt với tâm trí, vậy nên quan sát cơ thể, cùng với tự ngẫm trong thực tại, là cách chúng ta đoán định suy nghĩ của chính mình, và thậm chí cả người đối diện..

Lê Nam
.
.
.