Cái chết của người gỗ Pinocchio
"Ôi ở đây chán quá, tôi chẳng thích chết đâu", thằng người gỗ Pinocchio nói khi thấy mình tỉnh giấc giữa một chốn tối tăm với bốn con thỏ đang đánh bài. Nó vừa mới chết. Và trước khi chết, nó bị bác thợ Geppetto và tay chủ rạp xiếc Volpe giằng co một hồi và bay ngay xuống gầm một chiếc xe hơi. "Nhưng mày đã chết rồi", mấy con thỏ đáp lời, rồi chỉ cho Pinocchio tới gặp vị thần cai quản cõi bên kia, người nói với Pinocchio rằng tuy nó đã chết, nhưng nó sẽ không bao giờ thực sự chết, bởi nó không phải một con người đích thực, mà chỉ là một khúc gỗ mượn linh hồn, về bản chất, không hơn cái bàn hay cái ghế.
Với những ai đã quen thuộc với phiên bản “Pinocchio” kinh điển của Disney năm 1940, tình tiết trong phiên bản chuyển thể của đạo diễn Guillermo del Toro thật quái đản. Pinocchio của họ chỉ chết một lần duy nhất, đó là khi nó cứu bác Geppetto khỏi con nhám xà khổng lồ trên biển, và sau đó, nó hóa thành một cậu bé có thực, vì đã chứng minh được lòng dũng cảm, chân thành và vị tha của mình - những đức tính của một con người đích thực.
Ngay cả khi so cùng nguyên tác của nhà văn người Ý Carlo Collodi, tình tiết ấy cũng quái đản. Đành rằng trong nguyên tác cũng có cảnh bốn chú thỏ khiêng quan tài đến định mang xác Pinocchio hấp hối đem đi, đành rằng Pinocchio cũng suýt chết một lần, nhưng nó đã tiếp tục sống vì nó sợ chết. "Tôi không muốn chết, tôi không muốn chết...", nó nói với Tiên nương xanh và van nàng đưa cho nó ly thuốc mà ban nãy nó còn chối đây đẩy.
Pinocchio của Guillermo del Toro, khi chết đi sống lại lần đầu tiên, không có ý niệm thực sự về việc nó thích chết hay thích sống. Khi nó nói mình chẳng thích chết vì ở đây buồn chán quá, nó chưa có khái niệm chết nghĩa là gì. Nó sống không phải vì nó muốn sống, nó sống chỉ vì số phận của nó là không bao giờ chết. Chỉ con người đích thực mới chết mà thôi. Trong giây phút ấy, ta bỗng thấy trong Pinocchio này phảng phất một chút bi kịch Sisyphus, một chút bi kịch Prometheus - những nhân vật phải lăn đá hay bị ăn gan đến muôn đời. Câu chuyện Pinocchio bỗng không còn chỉ là bài học ngụ ngôn cho những đứa trẻ không vâng lời nữa, nó là ngụ ngôn cho tất cả những ai đi trái mệnh tự nhiên - ai bảo nó là một khúc gỗ lại muốn làm người?
Năm 2022 là năm của Pinocchio, cùng một năm có tới 3 bộ phim về chú bé người gỗ ra đời. Một bộ phim hoạt hình CGI của Nga, một bộ phim liveaction kinh phí lớn của Disney với Tom Hanks vào vai bác thợ Geppetto, một bộ phim stopmotion đậm tính tác giả của nhà làm phim người Mexico, Guillermo del Toro, thực hiện cho Netflix. Nhưng chỉ bộ phim của del Toro vượt thoát khỏi bầu không khí hài hước nhẹ nhàng quen thuộc của một tác phẩm thiếu nhi.
Cũng chẳng phải đợi tới khi Pinocchio trải nghiệm cái chết lần đầu tiên mà bộ phim mới rẽ ngang vào một ngách tăm tối hơn. Pinocchio ở đây không sinh ra từ mong mỏi của bác Geppetto tốt bụng, nó sinh ra từ sự vô trách nhiệm của một bác Geppetto chán đời, u uất và chấn động tinh thần khi đứa con trai chết sau một vụ ném bom nhà thờ nơi bác đang tạc tượng Đức Jesus. Pinocchio của del Toro được đặt trong một bối cảnh lịch sử chứ không phải kiểu chuyện cổ "ngày xửa ngày xưa", mà cụ thể, Pinocchio sinh ra trong thời kỳ gã độc tài Benito Mussolini cai trị nước Ý bằng bàn tay phát xít. Thay vì đẽo gọt Pinocchio trong một ngôi nhà ấm cúng đẹp xinh, bác Geppetto chặt đi cây thông nơi hai cha con từng chơi đùa trong lòng căm giận và mong muốn trả thù đời, và Pinocchio là một đứa con bất đắc dĩ, một đứa trẻ ngoài ý muốn.
Bất trị, hư đốn và nổi loạn, Pinocchio trong nguyên tác liên tục gây họa bởi nó là đứa chưa được dạy dỗ. Nó gây khó chịu cho mọi người vì nó là ngỗ ngược và nghịch dại. Nhưng del Toro có một diễn giải hoàn toàn khác về những tính cách của Pinocchio. Với ông, đó không phải phần xấu cần phải loại trừ của con người. Thằng bé Pinocchio của del Toro cũng bất trị và nổi loạn, nhưng người ta ghét bỏ và xa lánh nó không hẳn vì nó là một đứa trẻ hư, mà vì nó là một kẻ tự do. Nó bất tuân những đạo luật sắt, nó khiến cho cả tay quan chức phát xít cũng phải e dè, và trường học thay vì là hình ảnh của một nơi tốt đẹp, lại chỉ đại diện cho một nơi giam lỏng và tạo nên những trẻ nô dịch cho quân đội. Khi nhận ra Pinocchio bất tử, thằng người gỗ liền bị ném vào trại tập trung, nơi bọn trẻ con không học chữ nghĩa mà được tôi luyện chiến đấu để trở thành những kẻ tử vì đạo. Trong truyện, đôi chân của Pinocchio bị cháy là do sự bất cẩn của chính nó, nhưng trong phim, nó mất đi đôi chân là bởi đứa con trai nhỏ của gã phát xít bày mưu hãm hại. Sự ngỗ ngược không ai bảo ban của Pinocchio chẳng là gì khi so cùng sự tàn nhẫn của một đứa trẻ được giáo dục để trở nên độc ác.
Nếu không phải vì bản tính bất phục ấy, Pinocchio sẽ không bao giờ bước lên sân khấu một màn xướng ca chế giễu Mussolini ngay trước mặt Mussolini. Phải là một kẻ không thể đưa vào khuôn phép như thằng bé người gỗ mới có đủ can trường thách thức những quyền lực tưởng không thể nào xô đổ. Guillermo del Toro còn đẩy tới tận cùng khi để chính những lời nói dối của Pinocchio cứu thoát bác Geppetto, chú Dế và chính nó ra khỏi bụng của con cá voi khổng lồ. Trong tác phẩm gốc của Collodi lẫn bản chuyển thể của Hãng Disney, Pinocchio đơn giản là tìm cách giúp mọi người thoát thân; còn ở đây, chính những lời nói dối, thứ khiến cái mũi của nó dài ra, thứ khiến Pinocchio luôn bị chê cười, thứ khiến ta đôi khi không ưa nó, thứ khiến nó trở thành đứa trẻ lang thang dạt lề ngoài xã hội, lại là thứ có tính cứu rỗi. Không phải sự vâng lời, mà chính sự không vâng lời đã mang thằng người gỗ Pinocchio ngây thơ sống sót qua thời kỳ đen tối ấy trong lịch sử nước Ý và lịch sử nhân loại. Nếu không gọi nó là Prometheus trẻ thơ, thì còn gọi nó là gì được nữa?
Không có một rào cản nào mà Pinocchio không dám phá đổ. Ngay kể cả đức tin vào ngẫu tượng. Có một đoạn, Pinocchio hỏi bác Geppetto rằng tại sao ai cũng yêu thích tượng Jesus, nhưng không ai yêu thích nó, trong khi cả hai đều được làm từ gỗ. Thằng bé ấy đã nhận ra một điều mà tất cả chúng ta đều không nhận ra: dù là Thượng Đế vượt lên con người hay một thằng đồ chơi chưa đủ tư cách làm người cũng chia sẻ chung một chất liệu mà thôi. Hiểu biết ấy sẽ được lặp lại một lần nữa khi nó và thằng bé đã hãm hại nó nằm trên hai chiếc giường cạnh nhau, nhận ra cả hai đứa giống nhau nhiều hơn là khác. Pinocchio ở đây đã phá vỡ những hệ thống phân cấp quyền lực, dù là hệ thống giữa thần với người hay giữa người với người, và tất cả đều đến từ sự bướng bỉnh vô kỷ luật của nó.
Ngay cả việc Pinocchio đòi hỏi được chết cũng là biểu hiện của sự phản kháng những quyền lực bên trên. Cảnh nó đánh vỡ chiếc đồng hồ cát của người trông coi cõi bên kia hòng được chết thực thụ là một hành động mang tính phá hủy, theo cả nghĩa bề mặt và nghĩa hàm ẩn. Và trước câu hỏi triết học trung tâm của Pinocchio, từ nguyên tác đến các bản chuyển thể, rằng khi nào thì một con người thoát khỏi tình trạng tiền nhân tính để trở thành một con người thực thụ?, Pinocchio của Guillermo del Toro cũng đưa ra đáp án chẳng giống ai.
Nguyên tác của Collodi, Pinocchio trở thành người sau khi chăm chỉ làm việc để chăm sóc già Gepetto khi ông đau yếu và làm phước cho Tiên nương xanh - trong khi trước đó, nó khăn gói tới Đảo Sung Sướng, nơi không cảnh sát, không trường học, không luật lệ và bọn trẻ con muốn làm gì thì làm. Với Collodi, con người trở thành con người khi họ đóng một vai trò có ích cho xã hội. Trong phiên bản của Disney càng rõ ràng hơn, Pinocchio trở thành người sau khi chứng minh được rằng nó là đứa trẻ can đảm, chân thành và vị tha, nghĩa là với Disney, con người trở thành con người khi họ mang một trái tim tử tế.
Nhưng với Guillermo del Toro, Pinocchio đã chỉ trở thành người khi nó đã sẵn sàng để chết một lần và mãi mãi, khi nó vứt bỏ sự bất tử để đổi lấy thêm một vài năm sống nữa cho bác Geppetto, dù nó biết rồi đây bác cũng sẽ chết. Với del Toro, chấp nhận sự khả tử và nhận thức về sự ngắn ngủi vô thường của cuộc đời mới khiến một con người sống cho ra người hoàn chỉnh. Pinocchio đã trả cái giá đắt nhất, nhưng là cái giá không thể mặc cả nếu muốn sống cho ra sống, hay nói như nhà nghiên cứu triết học Costica Bradatan: "Chết là trao cho đời sống chúng ta một cảm giác về bố cục. Cái chết chính là biên tập viên lão luyện có thể ráp đời sống chúng ta lại, khiến nó hiện ra như một cái gì đó khả thụ. Đời người, nếu là cái gì đó vô hạn, sẽ giống như sự tồn tại của khoáng sản vậy - lạnh lùng, đổ đống, vô ngôn, chết lặng như sỏi đá". Điều khiến Pinocchio không còn giống cái bàn cái ghế, đó là cuối cùng nó cũng được cảm nghiệm cái chết.