Ai đã sửa nhật ký Anne Frank?
Được ghi nhận là cuốn sách nhiều người đọc nhất chỉ sau Kinh Thánh, “Nhật ký Anne Frank” mang đến người đọc câu chuyện hồn nhiên, ngây thơ của một cô bé trước ngày bị phát xít Đức bắt vào trại tập trung Do Thái.
74 năm đã trôi qua kể từ ngày Anne qua đời, những câu chuyện bên lề cuốn nhật ký mới dần được hé lộ. Cuốn “Nhật ký Anne Frank’ đã trải qua nhiều lần chỉnh sửa, biên tập trước khi xuất bản. Vậy ai đã làm điều đó, và người ấy có mục đích gì?
Bí ẩn của người cha
Năm 1945, phát xít Đức đầu hàng quân Đồng minh. Otto Frank được giải cứu khỏi trại tập trung khét tiếng Auschwitz, và một trong những việc đầu tiên ông làm khi trở thành người tự do là đi tìm vợ con mình. Họ đã thất lạc nhau lúc phát xít Đức quyết định chia tách mỗi người một nơi. Bà vợ Edith cùng Margot và Anne trở thành những người thân hiếm hoi mà ông nuôi hy vọng tìm kiếm.
Niềm mong mỏi sớm trở thành nỗi thất vọng. Edith qua đời ở trại Auschwitz hồi tháng 1-1945, nhưng ở khác khu tập trung nên Otto hồi đó chưa biết tin. 2 cô con gái của ông cũng không còn sống nữa. Họ bị đưa vào trại tập trung Bergen-Belsen, nơi xảy ra đại dịch sốt phát ban hồi đầu năm 1945. Cả 2 mắc bệnh và không qua khỏi vào tháng 2 năm ấy.
Nỗi đau mất đi những người thân yêu khiến Otto cố gắng tìm lại di vật của họ. Một trong những món đồ giá trị nhất ông nhận lại là cuốn nhật ký của cô con gái út Anne. Lật mở mỗi trang, Otto không khỏi ngạc nhiên về những gì cô bé từng viết khi mới 13-14 tuổi, và ông nhận ra mình chưa bao giờ biết đến con người thật của Anne.
"Tôi biết Anne là người đã viết cuốn nhật ký đó", Otto chia sẻ trong một bài phỏng vấn hồi thập niên 50. "Nhưng tôi thực sự kinh ngạc trước những suy tư của Anne, người mà tôi vẫn luôn nghĩ chỉ là một cô bé con. Càng đọc nhật ký của Anne, tôi càng cảm thấy hóa ra các bậc cha mẹ không thực sự biết rõ con cái mình".
Kể từ ngày phát hiện cuốn sổ tay của con gái, cuộc đời Otto cũng gắn liền với “Nhật ký Anne Frank” cho đến này ông qua đời. Người tiếp theo được đọc “Nhật ký Anne Frank” là bà nội cô bé, và họ bắt đầu truyền miệng về cuốn sách này đến mọi người xung quanh. Một nhà sử học sau đó đã tới gặp Otto, thuyết phục ông xuất bản cuốn nhật ký dưới dạng sách. Đó chính là “Nhật ký Anne Frank” nguyên bản.
Otto dùng hết sức mình để công chúng biết đến những dòng chia sẻ về con gái ông, nhưng cũng có một mục đích khác. Những cộng sự với Otto sau này tiết lộ ông không chỉ là người biên tập cuốn sách, mà còn được ghi nhận dưới tư cách đồng tác giả. Ngay từ khi ấn bản đầu tiên của “Nhật ký Anne Frank” được phát hành tại Hà Lan, Otto đã chỉnh sửa và không đưa toàn bộ nội dung vào bản thảo in sách.
Một trong những chi tiết Otto cắt đi nhiều nhất là nhận xét của Anne về những thứ xung quanh cuộc sống thường ngày. Dường như mỗi khi có xích mích với bạn cùng lớp, thay vì phản kháng trực tiếp, Anne sẽ nín nhịn và giãi bày vào cuốn nhật ký. Cô bé vốn sống nội tâm nên không thích những câu chuyện dài dòng, nhàm chán thường nghe mỗi ngày. Mọi thứ chỉ được phát hiện khi các nhà nghiên cứu xem bản gốc nhật ký.
Tác giả cũng chỉnh sửa
Không chỉ Otto mà chính Anne Frank cũng chỉnh sửa, tẩy xóa nhiều đoạn trong nhật ký. Điều này được những người lưu giữ bản gốc cuốn sách thừa nhận. Những hình chụp từ nhật ký cho thấy Anne đã gạch, bôi đen nhiều đoạn văn trong đó. Có vẻ khi làm điều ấy, cô bé mới 13-14 tuổi nhận thức rõ những gì mình viết có thể trở thành di sản cho thế hệ sau.
Cho đến trước khi bị mật thám Đức bắt giữ hồi giữa năm 1944 tại Hà Lan, gia đình Anne Frank đã ẩn náu ở Amsterdam trong suốt 2 năm. Họ được một vài người tốt bụng cưu mang, che giấu. Đó cũng là khoảng thời gian Anne bắt đầu viết nhật ký, vừa viết vừa nghe loa phóng thanh Amsterdam phát đi thông điệp: "Hãy tìm cách giữ lại nhật ký và những tài liệu của các bạn. Đó có thể là thông tin quý cho hậu thế".
Một trong những nội dung gây tranh cãi trong “Nhật ký Anne Frank” là 2 năm họ ẩn náu ở Amsterdam. Họ đã làm thế nào để vừa kinh doanh vừa giữ bí mật gia đình suốt 2 năm giữa một rừng mật thám Đức? Giọng văn trưởng thành và già dặn trong cuốn nhật ký là một nguyên nhân khác khiến nhiều độc giả nghi ngờ Anne không phải tác giả. Cuốn sách đó giống như được một người trưởng thành viết hơn.
Otto không nói nhiều với những kẻ nghi ngờ tính xác thực của “Nhật ký Anne Frank”. Ông chọn cách giữ im lặng, và bảo vệ hình ảnh trong sáng của con gái cho đến năm 1980, thời điểm ông qua đời. Vài năm sau khi Otto mất, Viện Tư pháp Hà Lan chính thức thực hiện một nghiên cứu về tính chân thực của “Nhật ký Anne Frank”. Những phân tích sau đó cho thấy cuốn nhật ký là có thật, và bút tích trùng với nét chữ của Anne.
Công bố của Viện Tư pháp Hà Lan hé lộ một chi tiết thú vị khác. Trong bản gốc cuốn nhật ký do Anne viết có thiếu một vài trang. Dường như ai đó đã xé đi để che giấu nội dung bên trong. Lần theo tung tích của những người từng làm việc cùng Otto, họ phát hiện ông đã giấu 5 trang nhật ký và gửi riêng cho một nhân viên có tên Cor Suijk. Người này sau đó gửi chúng cho Melissa Mueller, người viết tiểu sử Anne Frank.
Ý nghĩa còn mãi
Ngày Mueller tiết lộ nội dung trong 5 trang sách được Otto giấu đi, mọi người mới hiểu vì sao ông quyết tâm giữ kín những chuyện đó cho đến ngày ông qua đời. Một trang nói lên cảm nhận của Anne về cuộc sống gia đình "nhàm chán". Trong những trang còn lại là miêu tả ngây ngô của Anne về suy nghĩ của một cô gái tuổi mới lớn.
Khi biết tin “Nhật ký Anne Frank” dự định bổ sung nội dung đó vào trong bản in mới, các bậc phụ huynh Mỹ đã đồng thanh lên tiếng phản đối. Họ thậm chí còn muốn “Nhật ký Anne Frank” bị loại khỏi chương trình giáo dục bậc phổ thông. Đó dường như là điều Otto đã biết trước. Ông cất giữ nội dung đó lại cho riêng mình, và nhắn gửi người khác tiết lộ vào một thời điểm thích hợp.
Nhưng những câu chuyện tế nhị, hay việc xuất hiện nhiều người nghi ngờ tính xác thực của “Nhật ký Anne Frank” không làm mất đi ý nghĩa nhân bản vốn có mà cuốn sách mang lại. Một trong những câu nói trong “Nhật ký Anne Frank’ được mọi người nhắc lại, chia sẻ nhiều nhất đến tận ngày nay là "Bất chấp mọi thứ xảy ra, tôi vẫn tin ai cũng mang một trái tim nhân hậu".
Bên cạnh đó, nếu đọc “Nhật ký Anne Frank” từ đầu đến cuối, chúng ta có thể thấy hình ảnh về cuộc sống ngây thơ, êm đềm của cô bé ngày một u ám theo thời gian. Anne từng viết rất nhiều về gia đình, bạn bè, trường lớp, về chàng trai cô bé thầm thương nhớ; nhưng điều đó không còn xuất hiện ở nửa cuối cuốn sách nữa. Mọi người đều kiệt sức trước cảnh sống trốn chui trốn nhủi.
Đến những trang cuối, Anne dường như đã tiên đoán việc gia đình có thể bị mật thám đến bắt giữ. Cô viết: "Tôi không thể vun đắp cuộc sống giữa một đống hỗn độn đầy sự chết chóc và hỗn loạn. Thế giới đang dần chuyển thành vùng đất hoang. Sẽ có một tiếng nổ xảy ra tiêu diệt chúng tôi và hàng triệu người khác". 20 ngày sau dòng tiên đoán ấy, Anne và cả nhà bị bắt.
Anne Frank là nạn nhân được biết đến nhiều nhất trong cuộc thảm sát người Do Thái của phát xít Đức, nhưng cô không phải người duy nhất. Ước tính có 6 triệu người Do Thái đã chết trong các trại tập trung, bao gồm 1,5 triệu cô cậu bé như Anne. Họ qua đời vì lao động khổ sai, vì bị đem ra làm thí nghiệm, vì bệnh dịch lây lan ngay trong chốn địa ngục trần gian thời hiện đại.
Cuốn “Nhật ký Anne Frank” để lại, vì thế, không đơn thuần là những chia sẻ của một bé gái về cuộc sống xung quanh. Đó còn là thông điệp tái hiện lại một thời lịch sử, nơi người Do Thái phải tìm cách lẩn trốn giữa châu Âu để tránh khỏi trại tập trung; cũng là ước vọng của mọi người về một thế giới không có chiến tranh. Đó cũng là lý do câu chuyện chỉnh sửa nội dung cuốn nhật ký của Anne và Otto sớm chìm vào quên lãng. Thay vì tranh cãi về những nội dung bên lề, mọi người muốn nhắc đến ý nghĩa, đến cái đẹp của cuốn nhật ký.