Trên con đường đại đế đã đi qua

Thứ Tư, 16/01/2019, 16:05
Mùa thu năm 2018, tôi thực hiện hành trình đi qua nhiều quốc gia vùng Trung Đông và Trung Á bằng đường bộ kéo dài hơn hai tháng. Đây là vùng đất của giao thoa văn hoá Đông- Tây, cũng là nơi những triều đại đạt tới đỉnh cao huy hoàng rồi tàn lụi.


Ở vùng đất trung tâm của xứ Ba Tư, miền trung nước cộng hoà Hồi giáo Iran ngày nay, nơi tưởng như chỉ có sa mạc khô cằn, có một địa danh lịch sử mang tên Pasargadae, nơi còn lưu giữ những tàn tích của một đế chế huy hoàng nhất. Đó là đế chế từng thống trị các quốc gia hùng mạnh, xác lập chính quyền quân chủ trên một dải đất rộng lớn.  

Thành quách, lâu đài ở Pasargadae gần như đã bị vùi lấp hoặc xoá sổ, chỉ còn một ngôi mộ của một con người vĩ đại sừng sững trải qua 2.500 năm mặc cho thiêu đốt của nắng gió, bão táp của thời gian và sự huỷ diệt của con người. Đó là nơi yên nghỉ của Cyrus Đại đế. 

Tôi đến Pasargadae vào dịp cuối thu ở Iran và dù trời đã về chiều nhưng cái nắng vẫn bỏng rát và thiêu đốt. Không hiểu bằng cách nào mà mộ phần của vị hoàng đế này vẫn đi xuyên qua thời gian để tồn tại uy nghi không hề suy chuyển đến tận hôm nay.

Ông Nabi, người tài xế taxi đưa tôi đến đây tuy chỉ làm nghề lái xe nhưng lại rất am hiểu lịch sử của đế chế Ba Tư cổ. Ông kể cho tôi nghe vô số câu chuyện về Cyrus Đại đế, về các vị shah (vua Ba Tư). 

Ông giải thích: “Lăng mộ Cyrus Đại đế có thể giữ gìn được là vì những triều đại sau này tôn kính đức vua với những công lao thống nhất lãnh thổ, mang lại hoà bình cho các quốc gia. Ngay cả những đoàn quân xâm lăng tới đây họ cũng kính cẩn, nghiêng mình trước Ngài, họ cố giữ gìn chứ không phá huỷ lăng mộ của Ngài”.

Khi Cyrus Đại đế băng hà tại chính địa danh này, ông cho ghi trên lăng mộ của mình dòng chữ: “Trẫm- vua Cyrus nằm ở đây. Trẫm là vua của các vị vua hùng mạnh”. 

Herodotos, nhà sử học Hy Lạp cổ đại chép rằng: “Tất cả các dân tộc đều thần phục Cyrus Đại đế mà không có ngoại lệ”. Vùng đất Trung cận Đông, dải đất Trung Á, tất cả các vùng đất ven biển Địa Trung Hải 2.500 năm trước đều thuộc đế chế Achaemenes của Cyrus Đại đế. 

Lãnh thổ siêu cường mà ông lập thời đó rộng lớn tới mức sử sách Hy Lạp, La Mã gọi ông là “Hoàng đế của bốn phương Trái đất”, thần dân thì xưng tụng ông là “vị vua Mặt Trời”. Cyrus là Đại đế nhưng lại không phải là một bạo chúa, đó có lẽ là chìa khoá khiến bao thế hệ sử gia lẫn nhân dân luôn tôn vinh ông.

“Trụ của Cyrus” được coi như một hiến chương đầu tiên về nhân quyền đã được vị minh quân này ban bố từ 2.500 năm trước. Mãi đến cuối thế kỉ 19 người ta mới tìm thấy các sắc lệnh khắc trên đá ở vùng đất Babylon cổ xưa (Iraq ngày nay) - nơi ông đã đến và giải phóng con người khỏi chế độ nô lệ.

Từ lăng mộ của nhà vua ở Pasargadae đi đến kinh thành Persepolis không xa. Hai địa danh này ngày nay trở thành những điểm tham quan nổi tiếng ở Iran. 

Ông Nabi kể rằng: “Khi Iran còn là một quốc gia quân chủ, các vị vua Iran vẫn thường tổ chức các nghi lễ quan trọng ở đây và có những bài phát biểu trước đông đảo thần dân...”.

Sau khi Cyrus Đại đế băng hà, đế quốc Ba Tư cũng dần suy yếu nhưng giấc mơ “thống nhất thiên hạ” của Cyrus vẫn được viết tiếp bởi một vị vua khác: Alexander Đại đế. Vị vua dù không sinh ra ở Ba Tư nhưng vẫn tự cho mình mang sứ mệnh kế vị Cyrus Đại đế. 

Vua Alexander đã đi tiếp con đường thống nhất thế giới của người tiền sinh. Alexander sinh vào khoảng tháng 7 năm 356 trước công nguyên, sau khi Cyrus Đại đế băng hà gần 150 năm. 

Lăng mộ Cyrus Đại đế ở Pasargadae thuộc tỉnh Fars, miền trung Iran ngày nay.

Từ khi còn là một cậu bé, qua những trang sử, Alexander Đại đế đã thầm ngưỡng mộ những chiến công hiển hách, tư tưởng thống nhất thế giới và giải phóng con người vĩ đại của Cyrus. 

Tài năng quân sự thiên bẩm của Alexander Đại đế đã khiến cho Macedonia, một dân tộc nhỏ vào thế kỉ thứ ba trước công nguyên thống trị cả thế giới. Lãnh thổ của một đế chế hùng mạnh do Alexander Đại đế lập ra kéo dài từ Hy Lạp tới Ai Cập, Ba Tư, Trung Á và sang tới tận  Ấn Độ.  

Alexander Đại đế khi đánh phá đất Ba Tư của vị Đại đế mà ông từng ngưỡng mộ từ lâu đã hạ lệnh không ai được phép phá huỷ lăng mộ của Cyrus Đại đế dù ngay cả thành Persepolis cũng bị đội quân của ông tàn phá nặng nề. Ông còn cho tu bổ lăng Cyrus để bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình. 

Sau này chính Alexander Đại đế cũng được dân Ba Tư tôn vinh là “vua của các vị vua” nhưng bờ cõi mà ông gây dựng cũng nhanh chóng sụp đổ khi ông qua đời ở tuổi 32, sau 12 năm chinh chiến. 

Giống nhau ở giấc mơ thống lĩnh thế giới nhưng trong khi Cyrus mang giấc mơ đem lại hoà bình, xoá bỏ chế độ nô lệ, giải phóng con người thì Alexander sử dụng sức mạnh quân sự để buộc những nơi mà ông và đoàn quân của mình in dấu ngựa phải quy phục.

Tôi đi qua các quốc gia hiện đại xây trên nền gạch các đế chế Ottoman ở Thổ Nhĩ Kỳ, đế chế Trung và Tây Á của Thiếp Mộc Nhi (Amir Timur), Hy Lạp - La Mã của Contantinus hay đế quốc Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn. 

Có một điểm chung, tất cả đều xây dựng quốc gia trên tư tưởng bành trướng và huỷ diệt đối thủ. Không ai còn kế tục được Cyrus Đại đế ở góc độ xây dựng một nhà nước nhân văn. Vì thế, những công trình, cung điện hay kinh thành mà họ tạo ra có thể rất huy hoàng, tráng lệ nhưng không một ai có được vinh dự như Cyrus Đại đế - được chính những dân tộc mà ông đã đem quân đến xác lập quyền thống trị tôn sùng.

Khoảng thời gian hơn một tháng ở Iran, tôi đã đi hầu khắp đất nước này. Tôi cố lý giải những gì người Iran suy nghĩ về quá khứ huy hoàng mà dân tộc Ba Tư từng có.

Ali Jalili, một người trẻ Iran nói rằng: “Mỗi lần đến Persepolis tôi luôn cảm thấy nặng trĩu, vì so với tổ tiên mình, Iran bây giờ chẳng là gì so với 2.500 năm trước. Thành tựu của Cyrus Đại đế chỉ còn là những niềm tự hào đã mất”. 

Kinh đô Persepolis của đế chế Ba Tư do Cyrus Đại đế lập ra giờ đây chỉ còn là một bảo tàng ngoài trời nơi người Iran tiếc nuối và hoài niệm.

Đế chế Ba Tư không còn tồn tại ngay sau khi Cyrus Đại đế mất đi, và sau cuộc chính biến năm 1979, Iran đã trở thành một nước cộng hoà, chấm dứt chế độ quân chủ tồn tại lâu nhất trên thế giới.

Vào năm 1971, Mohammad Rezâ Shâh Pahlavi - vị vua cuối cùng của nước Ba Tư khi đó còn tại vị đã tổ chức lễ kỉ niệm 2.500 năm nền quân chủ Iran. 

Trong buổi lễ, vua Mohammad Reza Pahlavi phát biểu trước Lăng mộ của Cyrus Đại Đế: Thưa Đức vua Cyrus, ngày hôm nay chúng con quây quần bên lăng tẩm của Người để thông báo với người: xin Người hãy yên nghỉ bình an vì chúng con đã thức tỉnh và chúng con sẽ mãi mãi nhận thức và phát huy di sản đáng tự hào mà Người để lại”.

Và theo lời kể cùng ánh mắt trầm buồn của Ali Jalili thì vị vua cuối cùng của Iran tại vị thêm 8 năm nữa cho tới khi cuộc cách mạng Hồi giáo lật đổ ông.

Cả Thiên Chúa giáo lẫn Do Thái giáo đều ngợi ca

Cyrus Đại đế được cả Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo ca tụng cũng chính là bởi sự khoan hoà, đối xử nhân đạo với con người của ông. 

Sau khi nhà vua giải phóng Babylon và xoá bỏ chế độ nô lệ ở đây, những người Do Thái được ông cho phép trở về quê hương của mình để phục quốc. Trong những sử sách của người Do Thái, Vua Cyrus được coi là một sứ giả cho một kế hoạch thần thánh bởi Đức Sáng thế. 

Sau thắng lợi ở Tân Babylon, vua Cyrus ban sắc lệnh cho phép 40.000 người Do Thái bị lưu đày 70 năm tại Babylon quay trở về Vùng đất Israel. Những người lưu đày sau đó được thầy tu Joshua và quan Tổng đốc Zerubabbel dẫn dắt đưa về cố hương Jerusalem. Cyrus Đại đế cũng cho phép người Do Thái được phục hồi những ngôi đền Do Thái giáo ở Jerusalem. 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng nói: “Tôi muốn nói với mọi người rằng, người Do Thái có trí nhớ lâu dài, vì vậy chúng tôi nhớ tới lời tuyên bố của vị vua vĩ đại, Cyrus Đại Đế, Đức vua Ba Tư cách đây 2.500 năm. Ngài đã tuyên bố rằng những người Do Thái lưu vong tại Babylon có thể quay về và tái thiết lại Đền thờ tại Jerusalem”.

Cyrus mang giấc mơ dang dở của cả nhân loại về một thế giới đại đồng, không còn phân biệt lãnh thổ, nơi các dân tộc bình đẳng và mỗi con người đều có quyền tự do vĩnh viễn. Danh hiệu “The Great” đặt sau tên của Cyrus và Alexander khi được dịch ra tiếng Việt mang nghĩa “Đại đế” nhưng nghĩa đầy đủ của nó còn bao hàm cả sự vĩ đại không chỉ của một vị quân vương mà còn của một con người.

Mạnh Duy
.
.
.