Thế giới đã thay đổi như thế nào cùng Cái Chết Đen?
Bệnh dịch, thật đáng buồn, lại là một phần tất yếu không thể tách rời trong lịch sử phát triển loài người. Thậm chí, không ít lần, những tác động của bệnh dịch đã tác động đủ mạnh mẽ đến mức thay đổi không ít đường nét trên diện mạo các xã hội đương thời, và từ đó tham gia sâu sắc vào tiến trình phát triển chung của văn minh nhân loại, như một thứ động lực kỳ dị. Trong những bài học xương máu đó, đại dịch hạch Cái Chết Đen vẫn thường được giới nghiên cứu lịch sử quốc tế nhắc tới đầu tiên.
Đại dịch
Đã từng tàn phá cả vùng Địa Trung Hải và Tây Âu năm 542, nhưng bệnh dịch hạch chỉ thực sự được mệnh danh là "Cái Chết Đen" khi nó tạo nên những cảnh tượng khủng khiếp gấp bội vào thế kỷ XIV. Lúc đó, nhờ sự phát triển của ngành Sử học, những ghi chép về căn bệnh ghê gớm này đã tỉ mỉ và được lưu giữ trọn vẹn hơn, cẩn thận hơn trong các thư tịch, và rồi đóng vai trò quan trọng để nhân loại tham chiếu.
Đây là ghi chép của một tu sĩ vô danh có mặt tại thành phố Avignon (Pháp) năm 1348, giữa đỉnh điểm của Cái Chết Đen, được nhóm tác giả cuốn Lịch sử Văn minh phương Tây (The Occidental Civilization) dẫn lại: "Để tóm tắt vấn đề, một nửa hay hơn một nửa dân chúng ở Avignon đã chết. Bên trong những bức tường thành lúc này có hơn 7.000 ngôi nhà đóng kín. Không ai sống trong những ngôi nhà đó, tất cả đều đã bỏ đi. Sự sợ hãi cái chết lớn đến nỗi có khi người ta không dám nói chuyện với bất cứ ai có thân nhân đã qua đời, bởi thường thì nếu trong gia đình có người chết, gần như tất cả mọi người thân cũng đều sẽ chết theo".
Avignon chỉ là một thí dụ, trong vô vàn đô thị lớn bị Cái Chết Đen hủy hoại. Một trong những hệ quả của nó, rất đáng lưu ý, là chỉ cần 10 năm không có dịch bệnh, một thành phố ở châu Âu thời đó đã có thể được giới nghiên cứu xem là cực kỳ may mắn. Đi kèm nó, nếu đầu những năm 1300, tuổi thọ trung bình của giới trung - thượng lưu là khoảng 40 tuổi, thì vào thời điểm dịch hạch hoành hành, con số này tụt xuống chỉ còn 18 tuổi.
Do thiếu kiến thức khoa học, có rất nhiều quan niệm sai lầm về bệnh dịch hạch đã ngự trị và ám ảnh trên toàn cõi châu Âu thế kỷ XIV. |
Nguyên nhân đầu tiên để Cái Chết Đen bùng phát dữ dội đến như vậy từ các vật chủ phát sinh, không gì khác, là một nền tảng tri thức yếu kém về y học cũng như vệ sinh (cả vệ sinh cá nhân lẫn vệ sinh môi trường), trong bối cảnh giao thương bắt đầu nở rộ.
Không phải ngẫu nhiên mà Tây Âu chịu những tổn thất nặng nề gấp đôi ba lần so với các vùng lãnh thổ phía Đông Địa Trung Hải nằm dưới sự quản lý của Byzance hay các đế chế Hồi giáo - những người vẫn còn lưu giữ các kiến thức khoa học Hy Lạp - La Mã (thay vì hủy hoại chúng để củng cố thần quyền Thiên Chúa giáo).
Tắm rửa, đối với người Tây Âu ở thời điểm đó, thường chỉ mang ý nghĩa của một nghi lễ tôn giáo, nghĩa là rất hãn hữu. Người ta không tắm rửa và thay y phục hằng ngày, kể cả trong giới quý tộc. Hơn thế, ở các đô thị lớn, không ai quan tâm đến việc xử lý chất thải.
Tại Luân Đôn, chất thải cá nhân thường nhật bị đổ thẳng ra các đường phố, và đến khi không còn ai chịu nổi, chính quyền mới thuê những người dọn dẹp với thù lao rất cao, để quét tất cả xuống sông Thames.
Tại Paris, cho đến khi viết danh tác Những người khốn khổ, Victor Hugo vĩ đại vẫn còn có thể mô tả cặn kẽ về sự bẩn thỉu tại các khu phố trước lúc xây dựng hệ thống cống ngầm, cũng như "sự hoang phí phân bón" khi so sánh thị dân Paris với một người nông dân Trung Quốc.
Cùng đó, trong sự tuyệt vọng, chủ nghĩa bài Do Thái cũng khởi phát. Không có cách nào để giải thích về nguồn gốc của tai họa, cả thế quyền lẫn thần quyền sẵn lòng vin vào các tín điều để đổ lỗi, tấn công và tàn sát người Do Thái, qua đó tiện tay tước đoạt những khối tài sản khổng lồ từ họ.
Và nhu cầu thay đổi
Hệ lụy đầu tiên của bệnh dịch (ở châu Âu cũng như bất cứ nơi nào khác trên thế giới, khi lực lượng sản xuất suy giảm nặng nề) là nạn đói. Và sau khi chôn cất người chết (thường là trong những hố chôn hoặc nấm mồ tập thể), những người còn sống sót sẽ lưu tâm hơn đến sự an toàn cá nhân của mình. Phải mất rất nhiều thời gian để những người nông dân châu Âu thế kỷ XIV, sau những trận dịch, trở lại với ruộng đồng hay cửa tiệm. Họ đánh mất niềm tin, và họ cho rằng chẳng cần thiết phải làm việc gì nữa, trước một tương lai bất định.
Tuy nhiên, đến lúc không thể ở nhà "đóng cửa tử thủ" nữa, những người sống sót lại tập trung nhiều hơn và hiệu quả hơn đến công việc. Ở cả đồng áng lẫn trong các lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các biện pháp cải tiến lao động nhằm tăng năng suất luôn được ưu tiên, và nhờ đó, thúc đẩy sự phát triển.
Hơn cả, con người thực sự trở thành một nguồn tài nguyên quý báu. Các nhà nghiên cứu đánh giá rằng trong thế kỷ XIII khủng khiếp đó, nông dân Anh cũng như các vùng khác của châu Âu "được hưởng một thời kỳ tương đối tự do".
Năm 1351, Nghị viện Anh thông qua một bộ luật Lao động, ấn định giá cả và lương bổng theo mức năm 1347 (năm trước khi xảy ra trận dịch gần nhất) nhằm hạn chế các đòi hỏi xâm phạm quá nhiều tới quyền lợi của giới điền chủ. Điều tương tự cũng xảy ra đối với các chủ xưởng ở Pháp, Aragon, Castille… và nhiều khu vực khác.
Thảm trạng "Cái Chết Đen" trong một bức tranh cổ. |
Trong bối cảnh đó, chính sách bảo hộ thương mại sơ khai thoát thai. Các phường hội nghề nghiệp hình thành, nhằm khống chế thị trường và bảo vệ tính độc quyền của các mặt hàng, tiêu biểu như tổ chức Hansa ở Bắc Đức và vùng biển Baltic. Những phường hội ấy có thể xem là mô hình khởi thủy của các đại tập đoàn kinh tế hiện đại.
Cùng lúc, chủ nghĩa biệt lập được đặt các nền móng vững chắc, dựa trên sự thù địch của các vương triều. Trong Chiến tranh trăm năm Anh - Pháp (bùng nổ ngay trong thời kỳ đại dịch), người Anh không thể mua được hạt giống từ Pháp, còn các tàu bè trên Đại Tây Dương lúc nào cũng đối mặt với nguy cơ bị cướp. Mọi biên giới, mọi cửa khẩu đều bị đóng chặt. Chiến tranh, khi được tiến hành với nguồn binh sĩ hạn chế, cũng thay đổi với nhiều vũ khí sát thương kinh khủng hơn - như sự du nhập và sử dụng thuốc súng từ Trung Hoa.
Tuy nhiên, cuối cùng, với những ký ức ghê rợn về Cái Chết Đen, dù sao điều kiện sinh hoạt của một bộ phận lớn người dân châu Âu cũng đã được cải thiện, vì mục đích sinh tồn. Những ngôi nhà lụp xụp, ẩm thấp được thay thế bằng các ngôi nhà khang trang hơn, thoáng đãng hơn, nhiều tiện nghi và bảo đảm sức khỏe hơn.
Giới quý tộc châu Âu cũng bắt đầu đi đầu trong một lĩnh vực tưởng như phù phiếm, song lại cũng có những hiệu quả nhất định về y học: Thời trang. Sự đề cao vẻ diêm dúa và diễm lệ của y phục ở châu Âu đưa đến nhu cầu thay đổi mỗi ngày, để những mầm bệnh lưu cữu có thể được triệt tiêu thông qua công việc đơn giản: Giặt giũ.
Đến lúc đó, châu Âu đã dần bước qua hết quãng thời gian được gọi là "Đêm trường Trung Cổ", và chuẩn bị tiến vào kỷ nguyên Phục Hưng. Những tri thức quý báu của Hy - La cổ đại dần dần tái sinh, những Archimede hay Aristotle được phục hồi, những Galileo Galilei hay Newton xuất hiện…
Những ánh bình minh le lói của khoa học dần xua tan nỗi ám ảnh về dịch bệnh. Cho dù, dịch bệnh vẫn không bao giờ thôi ám ảnh loài người, cho đến tận hôm nay.
* Trong thế kỷ XIV, theo các kết quả nghiên cứu mới nhất, ước tính có từ 75 triệu tới 200 triệu người trở thành nạn nhân của Cái Chết Đen. Khoảng 45-50% dân số châu Âu bỏ mạng trong vòng chỉ vài năm. Ở các quốc gia Tây Nam Âu mạnh về giao thương giáp Địa Trung Hải, tỷ lệ dân số tử vong có lẽ lên tới hơn 70%. Trung Đông và Ai Cập cũng mất khoảng từ 30-40% dân số. * Tại những đô thị lớn, tỷ lệ thiệt hại vượt quá 50% dân số. Vào năm 1338, Paris mất khoảng 100.000 dân. Số dân ở Firenze giảm từ 120.000 xuống 50.000 người. Các trọng trấn trong nội địa Âu lục như Hamburg hay Bremen, số người chết còn lớn hơn nữa. Các tu viện và giới tăng lữ - những người trực tiếp chịu trách nhiệm chăm sóc bệnh nhân ở châu Âu - chịu tổn thất nặng nề nhất. |