Rượu, thuốc phiện và những viên nén: Muôn kiểu giảm đau

Thứ Bảy, 24/07/2021, 15:27
Cơn đau là một phần tất yếu của cuộc sống, thúc đẩy con người đi tìm loại thuốc để xoa dịu cho mình. Như Stewart Adams chẳng hạn, tự hào vì đã thay đổi thế giới nhờ ibuprofen, sau những nghiên cứu về cơn đau đầu của bản thân. Đó là chuyện thời nay, còn trong quá khứ thì để “hạ gục” cảm giác đau đớn, loài người khi ấy tìm đến những hợp chất vô cùng thú vị, mà cũng rất nguy hiểm.


Phương thuốc kỳ quặc

Một ngày mùa hè, khi đang phải vật lộn với những cơn đau đầu, nhà nghiên cứu Brandy Schillace mở lại khi tài liệu của mình về thuốc giảm đau. Hơn 10 năm theo đuổi lịch sử của những hoạt chất kì diệu, Brandy Schillace đã tiến hành nhiều thử nghiệm. 

Anh lo sợ lời dự đoán của nhà khoa học người Anh Stewart Adams lúc cuối đời được viết trong cuốn hồi ký sẽ thành hiện thực. Khi ấy, cơn đau sẽ ngày càng “biến dạng”, nhân loại sẽ “đau mạn tính” và đứng trước nhiều thảm họa khôn lường.

Brandy Schillace hoài nghi: liệu có thể mô phỏng trở lại cách loài người giảm đau khi chưa hề có thuốc? Ý tưởng nghe có vẻ điên rồ này không nhận được sự đồng tình từ giới nghiên cứu, cho dù lịch sử từng chứng minh rằng để giảm đau thì thuốc không hẳn là tất cả. 

Rượu chẳng hạn, được coi như yếu tố quyết định thành bại của phẫu thuật thời xưa. Không gây mê, tiểu thuyết gia Francis Burney đã trải qua một cuộc phẫu thuật cắt bỏ ngực sau chẩn đoán ung thư vú năm 1810 nhờ... rượu.

Thứ duy nhất người ta thấy bà được cho uống là chút rượu mùi Cordial chỉ để “mơ màng”, và vẫn còn đủ tỉnh táo để hét lên những âm thanh ngắt quãng từng hồi trong cuộc phẫu thuật dài gần 4 tiếng. Không ai, kể cả Brandy Schillace nghĩ bác sĩ phẫu thuật người Pháp Baron Dominique Jean Larrey lại sử dụng rượu như một thứ thuốc xoa dịu cơn đau. 

Lịch sử ghi nhận hơi rượu lần đầu tiên được sử dụng như chất gây mê từ năm 1513, dần trở thành trào lưu khi nhiều bác sĩ dùng rượu whiskey và rượu mạnh Brandy (với liều lượng nhất định) trong phẫu thuật, nhằm “đánh lừa” nỗi đau ở thế kỷ 18 và 19.

Morphine suýt nữa lấy đi sinh mạng của dược sĩ người Đức Freidrich Serturner trong quá trình thử nghiệm.

Nếu như nhìn vào dòng chảy lịch sử của thuốc giảm đau, hẳn bất cứ ai ở thế kỷ 21 cũng sẽ ngạc nhiên vì những loại “thuốc” không tưởng. Người Ai Cập cổ đại và dân châu Âu từng dùng đỉa để trị đau, trong khi người Anh những năm 1800 lại ưa chuộng... khói thuốc lá. 

Nhiều tài liệu thời Trung Cổ miêu tả các công thức kỳ quặc, phối trộn cải củ, mã đề, tỏi, ngải tây, hoa cúc và tỏi tây để tạo ra thứ dung dịch an thần. Y như một loại độc dược để tiêu diệt quỷ là những cơn đau, được lan truyền trong nhiều cuốn sách và tài liệu về phép thuật, mà vẫn dựa trên khoa học, vì tỏi hay ngải tây có khả năng chống ký sinh trùng.

Thuốc phiện và hoa anh túc được coi như “kho báu” thời Ai Cập cổ đại và Trung Cổ. Trong suốt hàng nghìn năm, chúng đã xoa dịu những cơn đau khủng khiếp của con người, rồi nhanh chóng đi vào đời sống châu Âu nhờ các thương nhân Trung - Ấn. 

Thuốc phiện hoà lẫn rượu tạo thành thứ cồn gây nghiện nếu dùng ở liều cao, dẫn đến tử vong khi quá liều, nhưng lại giảm đau tức thời và thậm chí “dỗ dành” người nhạy cảm cơn đau với lượng thích hợp. Mãi sau này, chúng ta mới hiểu hoạt tính giảm đau và an dịu của những chế phẩm thuốc phiện là do morphine.

Can thiệp vào nỗi đau

Não của chúng ta có thể diễn giải cảm giác đau nhưng không thể thực sự cảm nhận được nó. Đau đến từ cảm nhận, bắt đầu trên da, sau đó chuyển thành vô số những tín hiệu được các thụ thể tiếp nhận, rồi truyền qua sợi thần kinh dẫn truyền cảm giác đau hướng tâm (a-delta và c) đến cột sống. 

Cơn đau, theo khoa học lý giải, cảnh báo nguy hiểm để não bộ xem xét nên làm gì tiếp theo. Phản ứng của cơ thể, bao gồm sưng viêm, tim đập nhanh, hoặc thay đổi nồng độ hormone, chính là câu trả lời sau cùng.

Tất nhiên, mỗi người có cảm nhận khác nhau đối với cơn đau, và có rất nhiều yếu tố chi phối điều này như cấu trúc và sự thay đổi các chất hóa học trong não bộ, mức độ viêm trong cơ thể, và ấn tượng về cảm giác đau từ những lần trải nghiệm trước đây. 

Brandy Schillace từng viết rằng não người kì lạ đến mức có thể chặn đứng cơn đau hoặc khiến chúng tồi tệ hơn. Theo đó, sẽ luôn có cách “can thiệp” vào chuỗi truyền tín hiệu đau của não, nhưng đôi khi phải trả giá vì... chống lại tự nhiên.

Có ý kiến cho rằng, thời xưa khi chưa có thuốc giảm đau, lựa chọn duy nhất là chịu đựng cảm giác đau đớn.

Sự cố xoay quanh cái tên Freidrich Serturner - dược sĩ người Đức suýt mất mạng trước khi tìm thấy morphine. Căn phòng của Serturner trong hai năm 1804-1805 được truyền thông miêu tả bởi hai chữ “sợ hãi”. Bởi lẽ, các thử nghiệm tách chiết hợp chất thực vật nhằm tạo ra chất bột trắng alkaloid khiến Serturner cùng ba trợ lý bị ngộ độc, buộc họ phải uống thuốc nôn để trở về từ cõi chết. 

Serturner tiếp tục phân lập alkaloid để tạo ra thành phẩm morphine - đặt tên theo vị thần trong giấc mơ Hy Lạp (Morpheus) vì chất này có xu hướng gây ngủ. Cho đến thế kỷ 20, khoa học bước đầu chứng minh lý thuyết về giảm đau nội sinh, cùng với việc vận dụng kinh nghiệm thực tế để tìm thấy “chất làm mờ nỗi đau từ bên trong”. 

Hàng loạt những nghiên cứu ra đời, thất bại có, thành công cũng nhiều, khiến hành trình đi tìm thần dược giống như một cuộc đua không hồi kết. 

Việc Serturner tách morphine từ cây thuốc phiện, mở đường cho quá trình sản xuất thuốc giảm đau opioid (nhóm các chất tự nhiên và tổng hợp có nguồn gốc từ thuốc phiện như codeine), tác động lên các thụ thể opioid, chặn tín hiệu cơn đau truyền lên não.

Morphine đi vào lịch sử ngành dược, rồi sau đó đến thuốc giảm đau aspirin khi nhà nghiên cứu người Đức Felix Hoffmann tìm ra dẫn chất acid acetyl salicylic của salicine vào cuối thế kỷ 19. 

Hoffman thành công đến mức công ty bảo trợ cho nghiên cứu của ông là tập đoàn Bayer đã từ bỏ ngành dệt để chuyển hoàn toàn sang dược phẩm, đăng ký thuốc giảm đau nhãn hiệu Aspirin năm 1899. 

Thuốc được đưa ra bán và nhanh chóng chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng, khi mỗi năm có tới 50.000 tấn aspirin được sản xuất trên thế giới.

Qua hơn 100 năm lưu hành, aspirin vẫn là loại thuốc rất thông dụng do chế tạo đơn giản, giá thành thấp và nhiều tác dụng ngoài khả năng giảm đau. Nhà triết học Tây Ban Nha Gasset đã gọi thời đại này là “những năm tháng của aspirin”. 

Thực tế cho thấy, từ năm 1550 trước Công nguyên, các văn bản về y học của người Ai Cập hay thổ dân châu Mỹ đã nói đến việc chống lại cơn đau nhờ cây liễu trắng, vốn chứa salicine có thể phân lập thành acid acetyl salicylic trong thuốc aspirin ngày nay.

Những liệu pháp không thuốc như phản hồi sinh học giúp não bộ “học tập” để cải thiện tình trạng sức khỏe theo thời gian.

Tương lai... không thuốc

Trong một thế giới hiện đại, chúng ta được sinh ra và nuôi dưỡng với ý nghĩ luôn cần tìm cách xoa dịu cơn đau, chữa lành tổn thương và trở nên khoẻ mạnh. 

Còn cha ông chúng ta, những người ở thời xa xưa, lại vốn luôn cam chịu, như cái cách Frances Burney gợi lại ký ức về âm thanh cắt bỏ đầy ám ảnh của lưỡi dao trên cơ thể bà, trong cơn đau dai dẳng chỉ được làm nhẹ đi trong khoảnh khắc nhờ chút rượu. Ở thời điểm đó, khoa học chưa phát triển, thuốc giảm đau không hề tồn tại, lựa chọn duy nhất là chịu đựng.

Tuy nhiên, chính những trải nghiệm kiểu này tích luỹ theo thời gian, làm tiền đề cho các đột phá quan trọng của hành trình giảm đau. Chúng ta không còn phải dùng đến rượu hay thuốc phiện như thuốc giảm đau trong phẫu thuật, trong khi độ an toàn của hoạt chất gây mê như sevoflurane hay desflurane được đánh giá cao hơn rất nhiều. 

Giờ đây, ba cái tên Felix Hoffmann, Stewart Adams và Freidrich Serturner đại diện cho ba thế lực giảm đau thời hiện đại. Đó là aspirin - chặn đứng cơn đau từ nguồn, ibuprofen - chống viêm, tạm dừng phản ứng hoá học trong cơ thể, và morphine - xoa dịu nỗi đau ở não.

Tuy nhiên, dư âm tiếng hét ám ảnh của Francis Burney đặt ra vấn đề lớn liên quan đến giảm đau an toàn. Cùng với những hạn chế và nguy cơ “nhờn” thuốc, khoa học thế kỷ 21 đang tìm những lối đi mới cho cuộc chiến giảm đau. 

Brandy Schillace lạc quan về tiềm năng “phi hoá chất”, hướng đến tấn công trực tiếp vào các protein mang tín hiệu đau, hoặc ứng dụng công nghệ siêu nhỏ (nanotech) kết hợp liệu pháp gene nhằm can thiệp vào đường truyền thần kinh. 

Nhiều thử nghiệm gần đây liên quan đến kích thích cột sống tần số cao điều trị đau dây thần kinh ngoại biên, hay đốt sóng cao tần giảm đau do ung thư di căn cùng bệnh lý mạn tính cho hiệu quả khả quan.

Còn đau, là còn sống, là cơ thể còn biết phòng vệ. Suy nghĩ của Brandy Schillace như thế, thầm cảm ơn những viên thuốc aspirin đã giúp anh bớt đau đầu khi làm việc. 

“Nhưng tôi nghĩ mình sẽ thử tiến xa hơn nữa, thử giải phóng cơn đau bằng thiền định và phản hồi sinh học chẳng hạn”, Brandy Schillace nói với đồng nghiệp. 

Anh cũng nhấn mạnh liệu pháp không thuốc sẽ giúp theo dõi cách cơ thể phản ứng với kích thích bên ngoài, từ đó giúp não bộ “học tập” để cải thiện tình trạng sức khỏe theo thời gian...

Việt Dũng
.
.
.