Những cơn điên thiên tài

Thứ Hai, 25/05/2020, 08:31
Aristotle, một trong những triết gia vĩ đại nhất thế giới từng nói cả ngàn năm trước rằng “Không một tâm trí vĩ đại nào tồn tại mà không có chút điên loạn ở đó.”

Nói cách khác, nạn nhân của bệnh tâm lý có thể cũng đồng thời là thiên tài sáng tạo, nếu họ có khả năng thấy được những điều người khác không thể thấy (Andreasen, 2014). Đúng là khi nhìn lại tiến trình lịch sử nghệ thuật, có rất nhiều nghệ sĩ trực tiếp và gián tiếp thừa nhận mình đã phải trải qua căn bệnh tâm lý ở những hình thái đa dạng.

Trong số những danh họa, nhà văn, diễn viên, nhà thơ thừa nhận đã trải qua tình trạng trầm uất, một số đã vượt qua như Newton, Lev Tolstoy hay J.K. Rowling; số khác kết thúc sự sống của chính mình như hệ quả của quá trình sống chung với bệnh tâm lý quá lâu. Những tên tuổi vĩ đại nhất đáng buồn thay, nằm nhiều trong số này. Từ tác giả Virginia Woolf cho đến Ernest Hemingway, từ danh họa Vincent van Gogh cho đến John Berryman, rồi Hart Crane, Mark Rothko, Diane Arbus và Anne Sexton...

Trầm cảm trong thế giới nghệ thuật

Đây không chỉ đơn thuần là sự trùng hợp trong thế giới nghệ thuật; trên thực tế, tâm lý học chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa những trải nghiệm cá nhân với những yếu tố di truyền trong gia đình.

Khi Nancy C Andereasen tìm hiểu về gia đình nhà văn Do thái vĩ đại của nước Mỹ Kurt Vonnegut, bà phát hiện rằng hầu hết các thành viên trong gia đình Vonnegut đều có biểu hiện trầm cảm.

Mẹ của ông tự tử sau thời gian dài sống cùng căn bệnh, những thành viên khác trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật này – đồng thời cũng chọn những hướng đi khác nhau trên con đường nghệ thuật như viết lách, nhảy, nghệ thuật thị giác, kiến trúc… đều ít nhiều từng trải nghiệm rối loạn tâm trạng, bản thân Kurt Vonnegut và con trai mình cũng không phải ngoại lệ.

Tolstoy cũng là nạn nhân của bệnh trầm cảm kinh niên.

Trong khi biểu hiện nổi bật nhất của trầm cảm có thể kể đến như cảm giác cô đơn và vô vọng thường trực kéo dài, J.K Rowling - một trong những nhà văn ăn khách nhất thế kỉ 21 với thế giới phép thuật Harry Potter khẳng định cơ chế tâm lý này từ chính trải nghiệm cá nhân “Trầm cảm là một trong những giai đoạn tồi tệ nhất trong đời… bạn cảm thấy như thể bạn sẽ không bao giờ có thể vui được và cũng chẳng còn có cảm giác hi vọng với bất cứ điều gì. Nó rất khác với nỗi buồn, vì buồn bã là cảm giác lành mạnh và cần thiết”.

Tuy nhiên, từ khung nền tâm trạng tưởng chạm đáy đó, J.K. Rowling nhận ra mình không còn sợ hãi điều gì, “mọi chuyện sẽ không thể tệ hơn được”, đó cũng là lúc bà ngồi lại và bắt đầu viết chương đầu tiên cuốn sách Harry Potter và hòn đá phù thủy.

Người yêu thích thế giới phép thuật có lẽ khó để quên cách Rowling phóng dụ cảm giác không hạnh phúc, không sự sống trong cơ thể vẫn vận hành bằng hình ảnh nụ hôn của những tên cai ngục Azkaban trong tập sách thứ ba. Nó không giết chết người được hôn, nhưng chiếm đoạt cảm giác hi vọng và rút dần rút mòn phần nhân bản của kẻ được hôn – “những tù nhân” tinh thần.

Với Rowling, trầm cảm được phản ánh rõ rệt trong chính sản phẩm sáng tạo của mình, nhưng với nhiều người làm nghệ thuật, trầm cảm dường như can thiệp cả vào quá trình sáng tạo. Thậm chí, Tchaikovsky đã viết trong nhật kí rằng khi một ý tưởng đến với mình, ông thường có xu hướng đánh mất mình vào quá trình ấy, và “hành xử như một kẻ điên”.

Đọc lại những bức thư Tchaikovsky gửi đến người thân và bạn bè, Tchaikovsky bộc bạch chi tiết cảm giác trầm uất kinh niên, tuy nhiên, nếu coi đó là “gai nhọn, những đóa hồng vẫn luôn ở đó.” Bản giao hưởng số 6 “Pathetique” - hồi cuối được coi là bức tâm thư của tâm hồn chất chứa những buồn bã lảng vảng và mất mát vô hình như bóng ma đè nặng xuyên suốt cuộc đời Tchaikovsky. Giai điệu đẹp ấy chỉ là ví dụ của hàng chục bản nhạc vẫn được trình diễn ở khắp nơi trên thế giới.

Tương tác cộng sinh

Liệu trầm cảm có thực sự hàm chứa sức mạnh để người nghệ sĩ kiến tạo những tác phẩm có giá trị vượt thời gian? Ít nhất với trường hợp của Edvard Munch, điều này hoàn toàn có cơ sở. Hoài niệm về khoảnh khắc thôi thúc ông vẽ bức tranh “Scream”, Munch miêu tả cảm giác âu lo kì quái đến mức độ biến thể thành những tiếng gào thét hữu hình giằng xé nhân diện người nghệ sĩ.

Cảm giác âu lo kì quái thúc đẩy Edvard Munch vẽ bức họa nổi tiếng “The Scream”.

Edvard Munch không cô độc với cảm xúc ấy. Tương tác cộng sinh của hai quá trình này: trầm cảm và sáng tạo, không bao giờ chỉ đơn thuần khiến nghệ thuật thăng hoa, nhiều cuộc tranh cãi trong thế giới tâm lý học đã nổ ra, mối quan hệ phức tạp giữa căn bệnh tâm lý và quá trình sáng tạo vẫn là câu hỏi để ngỏ. Ta tạm tìm kiếm lời giải đáp từ trải nghiệm cá nhân của chính những người trong cuộc.

Tolstoy, bất chấp dấn thân vào con đường văn chương, tác giả của một trong những tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại như Anna Karenina hay Chiến tranh và hòa bình, dường như đôi lúc cũng bất lực và kiệt quệ tinh thần. Nếu không, ông đã chẳng phải một lúc nào đó bật lên tiếng than, rằng nghệ thuật không khiến người ta dễ chịu, hay giải trí, thậm chí còn mang lại đớn đau.

Đớn đau tinh thần có thể biến thể sang một kiểu đớn đau thể chất không? Xin thưa là có. Ngẫm về cái tai bị cắt của ông sau một trận cãi cọ với bạn mình mà xem. Trong số những nghệ sĩ vật lộn cả đời với căn bệnh rối loạn tâm lý lưỡng cực, Van Gogh là điển hình của trải nghiệm liên đới đỉnh điểm giữa hai thái cực: tạo ra nghệ thuật và sống cùng với chứng trầm cảm.

Ông thường xuyên kể cho em trai mình trong những bức thư trạng thái tâm lý kéo dài của cảm giác “tuyệt vọng, âu lo, trống rỗng và u sầu” nhưng chẳng vì một nguyên do cụ thể nào. Đớn đau tinh thần và thể chất được đẩy đến đỉnh điểm khi Van Gogh chọn cách ra đi. Buồn thay ông không phải nghệ sĩ duy nhất không thể tìm kiếm triệt để thứ ánh sáng cuối đường hầm hi vọng, Ernest Hemingway và Virginia Woolf cũng đã tìm đến cái chết sau khoảng thời gian dài sống cùng trầm cảm.

Để giải thích hiện tượng nghiệt ngã này, Giáo sư tâm thần học Đại học Johns Hopkins, tác giả cuốn sách "Touched with Fire: Manic- Depressive Illness and the Artistic Temperament" (Chạm vào Lửa: Bệnh tâm thần và Tính nghệ sĩ) cho rằng bệnh tâm lý có khả năng sai lệch trong việc thúc đẩy sáng tạo bằng cách biến những bộ óc vĩ đại trở nên điên rồ không theo kiểu này thì cũng kiểu khác.

Sự “điên rồ” được đề cập đến này bao hàm những hành động đơn lẻ: sụt giảm cảm xúc, tự làm đau bản thân, tâm trạng biến đổi liên tục và không thể kiểm soát, tình trạng mất ngủ trong khoảng thời gian dài. Một số “lấp đầy cảm giác trống rỗng kinh niên” bằng rượu, thuốc lá hay ăn uống vô độ. Tuy nhiên, hầu hết những nạn nhân của bệnh trầm cảm nói chung đều có thể gặp những triệu chứng này, mối liên hệ giữa trầm cảm và sự sáng tạo vì thế cần một bằng chứng vững chãi hơn.

Yếu tố lãng mạn hóa hay đòn bẩy sáng tạo?

Dù trầm cảm chỉ đơn giản đang được lãng mạn hóa để trở thành yếu tố chính kiến tạo nghệ thuật  hay thực sự có khả năng thúc đẩy sáng tạo ở một mức độ nào đó? Trong cuốn  “The Creative Brain” (Bộ não sáng tạo), tác giả từng được nhận huy chương Khoa học Quốc gia Nancy Andreasen chỉ ra sự khác biệt trong cách những người sáng tạo và kém sáng tạo hơn thích ứng với môi trường và tình huống khi cùng phải đối mặt với chứng trầm cảm.

Virginia Woolf và những cơn trầm cảm đầy chất thơ.

Andreasen cho rằng thế giới nội tại của những người có xu hướng sáng tạo có sự phức tạp đa chiều hơn, họ thường cố gắng lý giải mọi thứ trước khi phản hồi thông điệp được tiếp nhận từ thế giới bên ngoài. Hoạt động cao độ này là đòn bẩy của cảm giác không an yên và những biến chuyển tâm trạng chóng vánh, đồng thời tự nó thúc đẩy những ý tưởng nguyên bản.

Cùng với đó, nhu cầu giao tiếp xã hội được thay thế bằng khao khát tự cách ly, sự đơn độc “đáng sợ” với nhiều người lại là yếu tố thúc đẩy khả năng của người nghệ sĩ để quan sát thế giới xung quanh theo cách nguyên bản khi miễn nhiễm với những yếu tố xao nhãng và tác động từ bên ngoài. Vượt trên những giới hạn và chuẩn mực thông thường, khả năng tưởng tượng và khám phá bản chất của sự vật hiện tượng là yếu tố cần và tiên quyết cho sự ra đời của rất nhiều những tác phẩm sáng tạo để đời.

Như vậy, khác biệt duy nhất giữa người nghệ sĩ và những người không hoạt động sáng tạo, là sự nhạy cảm bản năng và cách thức phản hồi. Khi tương tác với những biến đổi xã hội hay thậm chí biến đổi nội tại, người nghệ sĩ - vốn mang trong mình sự nhạy cảm và hướng nội sâu sắc kiến tạo cái nhu cầu phản hồi tự nhiên của người nghệ sĩ.

Một kiểu đáp trả âm thanh vang vọng đâu đó trong tâm trí, một sự phản kháng bản năng thông qua những hình thái nghệ thuật nhất định, một tiếng gào thét hay cũng có khi là thì thầm nhằm thể hiện những cảm xúc quy chiếu từ chính thế giới nơi họ đang sống.

Tolstoy đơn giản hóa cơn hỗn độn ấy: “khao khát được có những khao khát”. Mất hi vọng đồng nghĩa với ngày mai sẽ không còn quan trọng, vô vọng là kẻ thù của sự sống, nó không lấy cắp sự tồn tại, nhưng cũng chẳng soi sáng đường hầm tăm tối nhiều nạn nhân trầm cảm bị đẩy vào. Nghệ thuật có thể là thứ ánh sáng như vậy chăng?

Nếu có thể dùng nghệ thuật để giải tỏa nỗi thống khổ của căn bệnh tâm lý, nhưng với một số, nghệ thuật cuối cùng cũng không thể là mỏ neo cho ham muốn sống. Hemingway tự tử vào năm 1961 sau 7 năm nhận được giải Nobel Văn học danh giá; Virginia Woof ra đi vào năm 1941 khi ở đỉnh cao sự nghiệp văn chương, chỉ bởi sự giày vò bởi cảm giác “phát điên” mà bà miêu tả trong lá thư tuyệt mệnh.

Mối quan hệ giữa trầm cảm nói riêng và bệnh tâm lý nói chung với nghệ thuật, có lẽ chỉ có thể được miêu tả như quá trình vận động đầy rủi ro, và tổng thể lịch sử nghệ thuật chứng minh điều này bằng vô số kiệt tác được ra đời và đóng góp từ chính giai đoạn người nghệ sĩ vật lộn với biến thể tiêu cực nội tại.

Nghệ thuật không nhất thiết luôn gắn bó với trầm cảm, nhưng hiểu về những “cơn điên loạn” bột phát trong quá trình sáng tạo giúp ta hiểu và trân trọng hơn những mảng màu đa dạng của thế giới nghệ thuật.

Vân Anh
.
.
.