Nhà hát lớn Hà Nội – thánh đường của những giấc mơ

Thứ Năm, 28/07/2016, 15:54
Mỗi lần đi qua, bước vào khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội, khi thưởng thức hòa nhạc, ballet ở đây, tôi thường ngước mắt nhìn lên vòm Nhà hát, để sự thanh cao, bay bổng nâng mình lên. Và đôi khi nhắm mắt để cái đẹp nao lòng của nghệ thuật lưu nhớ tâm hồn.


Đây không chỉ là nơi góp phần bổ sung gia tài tinh thần, gợi cảm hứng sáng tạo cho tôi mà còn là một chốn thiêng liêng để có và muốn sẽ tiếp tục kỉ niệm cuộc đời, một khát vọng chân chính của mọi nghệ sĩ.

Như duyên, khi tôi chuẩn bị viết bài này, thực ra là viết về một kí ức văn hóa được tích hợp và nhân đà, qua sự kiện hội thảo về vị giám đốc đầu tiên của nhà hát này cách đây hơn 100 năm, thì bản tin 22h30 tối 22/7/2016 lại nói về hoạt động của Nhà hát lớn (NHL) Hà Nội bây giờ.

Phóng sự này có lời bình và chính kiến tỏ ra không hài lòng, tiếc nuối khi nhà hát sang trọng bậc nhất của Thủ đô và quốc gia không phát huy được hết vai trò;  lắm nghệ sĩ mơ cả đời đến lúc không còn sức cũng chưa được diễn một lần trong NHL mà công năng NHL lại được phát huy cho các sự kiện hội thảo, lễ trao giải, kỉ niệm...

Phóng viên VTV làm về Nhà hát Bolsoi của Moskva, tấm danh thiếp văn hóa của Nga, hoạt động hơn 2 thế kỉ, nơi gần 140 năm trước vở ballet Hồ thiên nga đã diễn ra tại đây và vở này vẫn được duy trì trong lịch diễn đương đại.

Ở Moskva có 170 nhà hát, phòng hòa nhạc, Bolsoi là nhà hát danh tiếng nhất, nơi quan trọng nhất để định giá nghệ sĩ và tác phẩm mà để mua vé vào đây, người ta phải xếp hàng khó khăn.

Còn Nhà hát Opéra Paris hơn 300 năm tuổi, mỗi năm dành gần 100 buổi diễn tài trợ cho nghệ sĩ trẻ có cơ hội thể hiện tài năng, khẳng định mình, cũng là cách truyền cảm hứng tiếp nối của sáng tạo và biểu diễn ở các thế hệ. Sở dĩ, các nhà hát danh tiếng này làm được như vậy, bởi chính sách của bộ văn hóa và nhà nước.

Còn NHL Hà Nội hiện phải tự lo thu chi nên buộc phải đa dạng công năng. Tiền thuê nhà hát này đắt bậc nhất VN và cũng may, tuy có những hoạt động, sự kiện không xứng tầm diễn ra tại đây, song với giới trí thức và nghệ sĩ nước ta, NHL vẫn là nơi biểu diễn lí tưởng bởi kết cấu âm thanh vòm, độ sang trọng của kiến trúc và khán phòng, mức lí tưởng (tương đối) của đối tượng biểu diễn và thường thức, đòi hỏi chất lượng giữa nghệ sĩ và tác giả.

Nhà hát Lớn Hà Nội trước đây và ngày nay. Ảnh: Corinne Flicker.

Hào quang đó là do lịch sử của nhà hát này gắn với lịch sử nghệ thuật và cách mạng VN thế kỉ XX, mà ví dụ tiêu biểu là những vở kịch Vũ Đình Long mở đầu cho kịch nói VN và quảng trường Nhà hát là nơi kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp để rồi sau này mang tên Quảng trường 19 tháng 8.

Hoạt động hơn 20 năm, Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) là viện nghiên cứu triển khai nhiều đề tài, dự án trong và ngoài nước, phát huy ưu việt của tin học trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, nổi bật là dự án với đối tác Pháp ngữ - dự án số hóa mà việc nhằm bảo tổn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặt lên hàng đầu.

Buổi thuyết trình khoa học NHL Hà Nội trong tiến trình hiện đại hóa sân khấu kịch VN đầu thế kỉ XX là sự kiện mở đầu dự án Số hóa di sản văn hóa (bắt đầu từ tháng 4/2016) do Viện Quốc tế Pháp ngữ, hiện do TS. Ngô Tự Lập là Phó Viện trưởng điều hành, thực hiện. 

Trên sân khấu hội trường mang tên nhà giáo, nhà thơ Vũ Đình Liên, chiều 29/6/2016, người đàn bà Pháp tóc vàng Corinne Flicker tỏa ra sự trí tuệ và nhiệt huyết từ giọng nói.

Bà là PGS. TS Văn học Pháp, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Văn học liên ngành Aix - Marseille. Bản thuyết trình đầy giá trị và khoa học lịch sử của bà tập trung nói về Claude Bourrin, diễn viên, đạo diễn, giám đốc nhà hát này, giai đoạn 1904 - 1930 khi ông làm việc tại Bắc Kỳ (Tonkin). Bản dịch tóm lược nội dung thuyết trình được thực hiện bởi TS. Vật lý Chu Thùy Anh, cô gái thế hệ 8X đã du học ở Paris, hiện làm việc tại Viện Vật lý và là thành viên Diderot Lab.

Theo đuổi khoa học tự nhiên, Thùy Anh lại có bản dịch về nghệ thuật văn hóa và biểu cảm, chỉ có thể lý giải bằng tình yêu văn hóa Pháp qua dấu ấn NHL Hà Nội - nguồn cảm hứng cho cô. Và cũng là cảm hứng của tôi khi được tiếp cận với một nhân vật tầm vóc mà nhờ Corinne Flicker, ông đã hiện ra.

Claude Bourrin đã hiện ra từ tàng thư được lưu giữ tại Hiệp hội Lịch sử Nhà hát (SHT, Thư viện Quốc gia Pháp) gồm 6 hộp lưu trữ do Bourrin sưu tập, tặng lại cho Léon Chancerel, Chủ tịch SHT 1960 - 1961.

Corinne Flicker là người đầu tiên kiểm kê các tài liệu chưa từng được biết đến này. Tàng thư về Đông Dương của Viện Lưu trữ Quốc gia hải ngoại (Aix - en - Provence) và của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia VN (số 1, Hà Nội), bổ sung cho tàng thư của SHT. 

Flicker, bằng tri thức của chuyên gia sân khấu kịch Pháp hiện đại và đương đại minh chứng bằng luận án tiến sĩ, đã viết các chuyên khảo về Sân khấu kịch Pháp tại Đông Dương, các vở diễn, thẩm mỹ và kiểm duyệt (1884 - 1945), bà nghiên cứu tập trung vào những biến đổi thẩm mỹ sân khấu từ 1960 đến đương đại, chủ biên sách Sân khấu Việt Nam, một thế kỉ giao lưu, tiếp nhận, cải biên, giao thoa (1900 - 2008).

Với hiểu biết đồ sộ này, TS Flicker đã cho người đọc, chúng ta biết về lịch sử NHL Hà Nội nói riêng cũng như lịch sử sân khấu Việt Nam nói chung. 79 tài liệu trong tàng thư được bà khai phá cho phép hình dung lại sự nghiệp sân khấu giữa năm 1904 - 1913 của Bourrin. 

Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ, ông đã đóng vai trong rất nhiều buổi diễn do đoàn nghệ sĩ và các nghệ sĩ hài nghiệp dư của Hội Nhạc Hà Nội tổ chức, những người rất tích cực thúc đẩy hoạt động sân khấu ở xứ thuộc địa trước khi xây dựng Nhà hát thành phố.

Đây là một nhà hát văn học, không chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu, những Pháp là quan chức, trí thức làm việc tại Việt Nam thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật mà còn mở màn cho hiểu biết của công chúng VN tiếp cận kịch cổ điển Pháp, qua việc dịch và dàn dựng các vở, đặc biệt của Molière (1645 - 1673).

Khi nói về NHL, TS Flicker dùng thuật ngữ Nhà hát thành phố, tên được dùng thời Pháp thuộc. Tên gọi này hiện chỉ dùng cho Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh, nhà hát đầu tiên mà người Pháp xây dựng tại VN, đất nước duy nhất ở Đông Dương được Pháp xây NHL tại 3 thành phố: Sài Gòn (1900), Hà Nội (1911), Hải Phòng (1912). Claude Bourrin đặc biệt quan tâm tới nghệ thuật sân khấu truyền thống VN, đã viết chuyên khảo về chủ đề này.

Trong cuốn Xứ Bắc Kỳ xưa - sân khấu, thể thao, cuộc sống nhân gian (1884 -1889) xuất bản tại Sài Gòn năm 1935, ông viết: “Tới một miền đất mới, người Tây Ban Nha dựng nhà nguyện, người Ý dựng nhà thờ, người Anh dựng nhà băng và người Pháp dựng nhà hát”. 

Người truyền bá văn hóa này ảnh hưởng tới sự ra đời của nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại. Flicker công bố các tài liệu lưu trữ trên tạp chí Lịch sử sân khấu Pháp năm 2014.

Định mệnh lịch sử chứ không phải đơn thuần sự phân công của nhà cầm quyền đã trao cơ hội vào tay người đàn ông từ Breton, gốc vùng Lorient, bởi say mê nghệ thuật đã khiến Bourrin phát huy niềm đam mê kịch nghệ và kiến thức sâu rộng về xứ thuộc địa.

Bourrin từng diễn kịch tại Nhà hát Vieux - Colombier năm 1913, gia nhập đoàn của đạo diễn Jacques Copeau và diễn cùng ông này. Ông đã học nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp tại trường Copeau, nhưng lại làm công chức từ năm 1898 ở Sở Hải quan Hải Phòng (HP). Ở thành phố cảng, Bourrin gây tiếng vang với loạt bài báo chuyên đề đầu tiên là trên Báo Thư Hải Phòng, sau đó là trên phần lớn các báo ở Hà Nội.

Điểm nổi bật trong hành trình nghệ thuật sôi động của Claude Bourrin, đó là ông đã khánh thành Nhà hát thành phố Hà Nội vào tháng 12/1911 vì lợi ích của Hội Bảo vệ trẻ em lai bị bỏ rơi. Gala với sự hợp tác cùng các nghệ sĩ và nhạc sĩ nghiệp dư của Hội Âm nhạc Hà Nội, qua hai vở trong chương trình: Hai người lính dự bị, kịch một màn của Ernest Vois, Chuyến du hành của ông Perrichon của Labiche.

Rồi Bourrin về Pháp mùa xuân 1913, do Thế chiến 1 điều động, ông ở chiến tuyến đến năm 1924 mới quay lại Đông Dương. Năm 1926 - 1927 ông tổ chức buổi diễn thành công, bước vào chuyên nghiệp, trở thành Giám đốc Nhà hát Đông Dương. Bourrin đã tạo nên mùa diễn tấp nập, thành công này giúp ông được bổ nhiệm Giám đốc NHL Hà Nội.

Ông truyền bá các tiết mục của Copeau, đạo diễn - nhà kịch học - diễn viên, người bạn, người thầy của ông, chủ trương canh tân sân khấu. Tờ Tương lai của Bắc Kỳ 27/11/1926 đăng bài phỏng vấn hé mở về đời sống sân khấu Bắc Kỳ có vẻ như phụ thuộc vào Bourrin nhiều hơn là vào mùa diễn chính thức:

“Chúng tôi đã gặp ông Bourrin ở bưu điện khi ông vừa gửi đi một bức thư lớn. Tôi gửi tới giới nghệ sĩ ở Pháp, ông nói, các chương trình chúng tôi vừa trình diễn tại Bắc Kỳ. Người ta sẽ không thể đánh giá chúng tôi dựa trên kết quả, nhưng tôi nghĩ rằng ý tưởng chúng tôi cho công chúng tiếp cận các tiết mục cổ điển sẽ được trân trọng...”.

Claude Bourrin mang tới sân khấu tiết mục đã được trình diễn tại Paris mùa diễn trước của Nhà hát Vieux - Colombier năm 1913, những tác phẩm của Molière cách dựng cảnh lột tả (“sân khấu trần”), thành công nhờ phối cảnh hiện đại của Coupeau.

Sự kiện đáng nhớ, kịch Molière được diễn lần đầu tiên tại Bắc Kỳ bằng tiếng Pháp. Nhân dịp ra mắt Lòng đố kỵ của kẻ lấm lem, tờ Tương lai Bắc Kỳ 24/7/1926 nhắc lại: sân khấu cổ điển có những yêu cầu về dựng cảnh và biên kịch phức tạp, điều này giải thích tại sao người ta lại lưỡng lự khi chọn diễn Moliere hay Racine: “Đây một buổi tối tuyệt vời cho người Hà Nội. Kịch Moliere chưa bao giờ được giới thiệu bằng tiếng Pháp ở Bắc Kỳ”.

Bourrin thường xuyên viết trên Tương lai Bắc Kỳ về quan điểm, mục tiêu, dự định nghệ thuật tại đây trên sân khấu Nhà hát thành phố. Điểm tương đồng tuyệt vời là chủ bút tờ báo này chính là người đầu tiên cải biên kịch Pháp sang tiếng Việt - Nguyễn Văn Vĩnh: Người bệnh tưởng (công diễn 25/4/1920); Trưởng giả học làm sang (1923); Vũ Đình Long (chủ NXB Tân Dân) cải biên Servir (Thờ nước, 1947), của Henri Lavedan; L’Aventurière (Công tôn nữ Ngọc Dung, 1947 của Emile Augier; Horace (Tổ quốc trên hết, 1949) của Corneille, Le Légataire universel (Gia tài, năm 1958) của Régnard.

Theo cách đó, một cách tự nhiên, sân khấu cổ điển đã tìm thấy con đường tới với công chúng Việt Nam, họ tiếp nhận văn hóa thực dân thông qua những lời thoại của kịch Pháp.

Vai trò của công chúng VN cũng quan trọng khi tiếp nhận mô hình sân khấu phương Tây và những người viết kịch VN sau này đã tiếp thu những quy tắc viết kịch khi sáng tác kịch nói, viết cho kịch hát truyền thống của Việt Nam, dẫn tới sự ra đời của kịch nói VN, loại hình nghệ thuật có một sức sống đáng chú ý.

Kịch nói VN góp phần vào sự xuất hiện của một nền văn học quốc gia bằng tiếng Việt; qua đó, giúp sự ra đời của một nhà nước hiện đại và độc lập. Đó chính là câu trả lời tích cực nhất với những nỗ lực hoạt động nghệ thuật của Claude Bourrin.

Hàng triệu khán giả các thế hệ đã ngồi trong khán phòng NHL, số ghế đôi lúc thay đổi, nay vào khoảng trên 580, với 3 tầng khán phòng và những lô ghế ngồi cho các cặp đôi lãng mạn. Tôi đã có một dấu mốc kỉ niệm cuộc đời quan trọng đó, đêm diễn Bay cùng ViLi (1/12/2012) tại đây.

Mỗi khi nghĩ đến, nhìn thấy, công trình kiến trúc nghệ thuật này luôn cho tôi cảm giác về một phần hình ảnh hào hoa, lộng lẫy của Paris ánh sáng. NHL Hà Nội, những đêm diễn đỉnh cao là giấc mơ từ bao tâm sức, từ bao trí tuệ, mồ hôi nước mắt, hồng cầu của kẻ sáng tạo. Trong Nhà hát không phải có “những bóng ma” như tên một vở nhạc kịch mà đầy những linh hồn, trong đó có Bourrin, truyền tiếp và nâng cánh những ước mơ.

Vi Thùy Linh
.
.
.