Neville Chamberlain: Người nuôi lớn một con quái vật

Thứ Năm, 09/01/2020, 16:49
"Con quái vật" ấy là những tham vọng điên khùng và vô tận của Adolf Hitler - kẻ dẫn dắt nước Đức Quốc xã. Còn người nuôi lớn nó, không ai khác, chính là người mà lẽ ra phải khiến con quái vật đó sợ hãi nhất - Thủ tướng Đế quốc Anh.

Kẻ làm nền

Một cách khái quát, có lẽ đó chính là sứ mệnh mà lịch sử đặt lên vai Neville Chamberlain. Ông ta vừa là "hậu cảnh" tương phản hoàn hảo để hình ảnh kiên định của người kế nhiệm Winston Churchill thêm rực rỡ, vừa góp phần quan trọng xây đắp những bệ phóng vô giá cho những tham vọng của Adolf Hitler "thăng hoa", kéo cả nhân loại vào cái lò lửa địa ngục mang tên Đệ nhị Thế chiến.

Tất cả mọi nhà nghiên cứu cuộc chiến hủy diệt ấy, từ tác giả William L.Shirer của cuốn Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ ba - cuốn cẩm nang về Chiến tranh thế giới thứ hai - qua tác giả Raymond Cartier của cuốn Hitler và các danh tướng Đức Quốc xã đến giới khoa học lịch sử quân sự Liên Xô đều thống nhất: Nếu nước Anh và nước Pháp, đứng đầu là Chamberlain và Thủ tướng Pháp Edouard Daladier, tỏ ra đủ cứng rắn ngay từ đầu, nước Đức Quốc xã của Adolf Hitler sẽ không thể tiến xa đến vậy.

 Về Daladier, thì đây là một đoạn mà Raymon Cartier thuật lại lời Đại tướng tùy viên quân sự Afred Jodl của Hitler, khi lãnh tụ phát-xít ra lệnh xé bỏ các cam kết sau Đệ nhất Thế chiến, đưa quân vào vùng Rhineland, tháng 3-1935: "Chúng tôi ở trong hoàn cảnh của những tay cờ bạc đặt cả gia tài vào hạt xúc xắc. Quân đội Đức lúc ấy yếu kém hơn bao giờ hết, vì mấy trăm nghìn quân của Lực lượng Tự Vệ theo Hiệp ước Versailles đã được tung đi rải rác để huấn luyện, và không thể xem là một lực lượng có tổ chức được nữa". Còn Thống chế Von Blomberg khẳng định: "Chúng tôi (giới tướng lĩnh Đức) tin rằng người Pháp sẽ giáng trả". Nhưng rồi, "những mối lo âu của người Đức kéo dài một tuần lễ". Sau đó, Hitler có thể quay lại nhìn các tướng lĩnh và hỏi: "Ai có lý?".  Ông ta đã nhìn rõ là nước Pháp "sẽ không làm gì hết".

Một chính khách của hòa bình, nắm quyền vào thời tao loạn lửa binh.

Câu chuyện tái vũ trang vùng Rhineland đó là điểm khởi đầu cho một chuỗi những hành động mang tính xoa dịu mà Neville Chamberlain đưa nước Anh cùng nước Pháp tiếp tục duy trì về sau, khi ông trở thành Thủ tướng Anh (28-5-1937/ 10-5-1940). Trong đó, không gì khác, những quyết định của ông là thành tố then chốt của việc nước Đức Quốc xã "xé nát" Tiệp Khắc mà không tốn một viên đạn, mở đường thênh thang hướng về các lãnh thổ Đông Âu.

Tháng 9-1938, viện cớ bảo vệ những công dân Đức ở Tiệp Khắc, nhà độc tài phát-xít đòi hỏi quyền được sáp nhập vùng Sudetenland nói tiếng Đức (như đã từng sáp nhập cả nước Áo, trái với các điều khoản chấm dứt Đệ nhất Thế chiến). Neville Chamberlain ba lần công du sang Đức, nhất quyết "ngăn chặn chiến tranh bằng mọi phương thức cần thiết", cho dù là thỏa hiệp đến không còn mặt mũi nào, cho dù Anh và Pháp là những cường quốc từng đứng ra bảo đảm cho nền độc lập cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của Tiệp Khắc.

Ngày 28-9-1938, Chamberlain đăng đàn trên sóng phát thanh Anh quốc, để phát đi một thông điệp bị đánh giá là không tương xứng với vị thế quốc gia của mình: "Thật kinh khủng, thật kỳ quặc, và thật khó tin rằng chúng ta sẽ phải đào hầm hay mang mặt nạ vì một cuộc tranh chấp ở một đất nước xa xôi, giữa những con người mà chúng ta không hề quen biết". Ngày 29 và 30-9, Hội nghị Munich diễn ra, với sự tham gia của Hitler, Mussolini, Daladier và Chamberlain. Đại diện Liên Xô không được mời, trong khi nước Mỹ từ chối can dự vào chuyện của cựu lục địa từ trước, bằng lòng với "chủ nghĩa biệt lập" (hay đúng hơn là "tọa sơn quan hổ đấu". Còn đại diện Tiệp Khắc? Họ bị cảnh sát Gestapo bắt, và chỉ được thả ra vào lúc cuối cùng, để nghe những phán quyết về đất nước mình.

Quyết định cuối cùng là gì? Là quân đội Đức được phép chiếm giữ Sudetenland ngay từ đầu tháng 10-1938, và toàn bộ phần lãnh thổ đó sẽ được sáp nhập vào nước Đức Quốc xã. Những phần lãnh thổ còn lại "sẽ được bảo đảm", nhưng không ai nói rõ là bảo đảm như thế nào. Các nhà ngoại giao Tiệp Khắc trở về nước trong bi phẫn, như những người bị "bán đứng". Còn Chamberlain? Ông trở về Luân Đôn, tay cầm bản tuyên bố chung của Hội nghị Munich, và bảo: "Tôi tin rằng đây là hòa bình cho thời đại chúng ta. Giờ thì các bạn có thể trở về nhà và ngủ ngon giấc".

Nạn nhân của thời thế

Nhưng, thực tế là chẳng có nền hòa bình nào hết. Nước Đức Quốc xã không dừng lại, cũng như đã không dừng lại sau khi đưa quân vào Rhineland hay sáp nhập Áo, mà không phải nhận lại bất cứ phản ứng cứng rắn nào từ Anh hay Pháp. Giới tướng lĩnh Đức, một lần nữa, bị "việt vị" khi chờ đợi quân đội Anh - thiện chiến nhất hoàn cầu thời điểm đó - hành động, và do đó lại càng bị Hitler dễ dàng trấn áp. Còn tham vọng quyền lực và niềm tin chiến thắng của Hitler thì lại càng được củng cố.

Đem mối lợi về lãnh thổ ra dụ Hungary và Ba Lan, chỉ vài tháng sau, Đức Quốc xã "xâu xé" nốt Tiệp Khắc, qua đó thâu tóm hàng loạt khu mỏ - khu công nghiệp quan trọng; đồng thời giải giáp thành công 40 sư đoàn sơn cước tinh nhuệ của Tiệp Khắc - "chướng ngại vật" từng rất khó vượt qua nếu quân Đức muốn băng qua dãy Carpathe. Ba Lan, nói cho đúng, đến lúc đó cũng đã "nằm trong tầm pháo" Đức.

Và đó là dấu ấn ô nhục gắn với Chamberlain. Không chỉ thỏa hiệp bất chấp thể diện nước Anh với Đức, ngay từ tháng 4-1938, ông cũng đã thừa nhận quyền kiểm soát của nước Ý phát-xít dưới quyền Mussolini đối với Ethiopia, bất kể hoàng đế của Ethiopia khẩn thiết cầu cứu. Ông nhất quyết không muốn mình là người đưa nước Anh vào một cuộc chiến, để rồi chính Mussolini nhận xét: "Mới nhìn thấy ông lão này là Hitler đã biết mình sẽ thắng. Chamberlain không hiểu rằng tới gặp Hitler trong trang phục của một trưởng giả hiền hòa như vậy thì chẳng khác gì cho con ác thú nếm vị máu tươi" ( Alan Axelrod - Những quyết định sai lầm trong lịch sử/ Profiles in folly).

Vì sao Chamberlain lại lựa chọn kỳ lạ như vậy, để rồi cuối cùng vẫn phải đưa ra quyết định cứng rắn muộn màng khi bảo vệ Ba Lan, chính thức khơi màn Đại chiến thế giới lần thứ hai?

Có lẽ, đầu tiên, vị Thủ tướng Anh quốc ấy chịu ảnh hưởng từ quan điểm ngoại giao từ người tiền nhiệm Stanley Baldwin, tuyên bố năm 1936: "Nếu có chiến sự diễn ra ở châu Âu, tôi mong đó sẽ là cuộc chiến giữa Bolshevik với Đức Quốc xã". Việc "xua hổ nuốt sói", mong nước Đức xung đột với Liên Xô rõ ràng là một hướng đi chiến lược mà cả Anh và Pháp hướng tới.

Nhưng, sau đó, cũng như cuối cùng, Chamberlain vẫn có những quan điểm riêng và những lý do riêng. Ông, người trao lại chức vụ cho Winston Churchill ngày 10-5-1940, giữa giai đoạn đen tối nhất của cuộc chiến ở nước Anh, không phải ngẫu nhiên mà vẫn được Tổng thống Mỹ Roosevelt đánh giá là "người tốt" và "nhiều thiện chí". Dĩ nhiên, những mặt tích cực ấy không được thể hiện với Liên Xô hay Tiệp Khắc. Đó chỉ là cách đánh giá về những gì ông nghĩ cho đồng bào mình.

Hội nghị Munich - mối ô nhục mà Chamberlain phải mang trọn đời.

Tâm trạng chung của xã hội Anh sau Đệ nhất Thế chiến là chán ghét và sợ hãi chiến tranh. Song, thay vì xốc tâm trạng ấy dậy một cách mạnh mẽ hơn, như Churchill thực hiện sau này, Chamberlain lại chỉ gia tăng nhịp độ tái vũ trang một cách rời rạc, nương theo dư luận. Cũng chính bởi sự chậm trễ của tiến trình đó, ông luôn né tránh những cuộc đối đầu trực diện với Đức Quốc xã, và luôn tìm kiếm những điểm thỏa hiệp, dù là ở "cửa dưới", nhằm tranh thủ thêm thời gian. Thậm chí, ông sẵn sàng phản bội các cam kết của nước Anh với Tiệp Khắc.

Để rồi, chính Churchill kết tội ông ở Quốc hội: "Họ (nhân dân) nên biết rằng đã có sự khinh suất và yếu kém trong cách tự vệ của chúng ta. Họ nên biết rằng chúng ta đã ôm lấy thất bại khi cố gắng né tránh chiến tranh, và những hậu quả của điều này rồi sẽ đeo bám chúng ta mãi trên đường dài. Họ nên biết rằng chúng ta đã trải qua một cột mốc khủng khiếp trong lịch sử, khi sự cân bằng của châu Âu bị xáo trộn toàn bộ, và những lời ghê gớm chỉ trích các nền dân chủ châu Âu đang  cất lên: Các người đã được đặt lên bàn cân, và các người tỏ ra thật non kém!".

Quả vậy, con quái vật say máu, đã không tha chính kẻ mang thức ăn cho nó. Sau Tiệp Khắc là Ba Lan, nhưng sau Ba Lan, khi ký được một hiệp ước bất tương xâm với Liên Xô (tự tìm cách bảo vệ mình, sau khi mọi lời kêu gọi chống phát-xít của Stalin bị phương Tây phớt lờ), Đức Quốc xã quay lại phía Tây, nuốt chửng nước Pháp, và vùi nước Anh vào những cơn mưa bom bão đạn.

Vào lúc đó, hẳn Chamberlain đã hiểu được rằng: Cách tốt nhất để bảo vệ hòa bình, chính là chuẩn bị thật kỹ cho chiến tranh! Giá như, ngay từ khi quân Đức tiến vào Rhineland mà Anh và Pháp động binh, chưa chắc Hitler đã có thể tại vị trước sức phản kháng của giới tướng lĩnh…

* Sau Hiệp định Munich, Chamberlain viết trong một lá thư gửi Tổng giám mục Canteburry: "Tôi chắc chắn rằng một ngày nào đó người Séc sẽ thấy rằng những gì chúng tôi đã làm là nhằm bảo đảm cho họ một tương lai tốt đẹp hơn. Và tôi thực sự tin rằng những gì chúng tôi đã làm sẽ chứng minh rằng nhượng bộ là thứ duy nhất có thể cứu thế giới khỏi chiến tranh". Tuy nhiên, chỉ đến ngày 16-3-1939, Đức Quốc xã đã cùng Hungary và Ba Lan đã chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ, xóa sổ Tiệp Khắc.

* Ngày 1-9-1939, Đức Quốc xã tấn công Ba Lan, bất chấp cảnh báo từ Anh và Pháp rằng đó sẽ là "giới hạn cuối cùng". Chamberlain, lúc đó đã tỉnh ngộ, yêu cầu Quốc hội Anh tuyên chiến với Đức và mời vào nội các của mình… Winston Churchill.

Phi Hồ
.
.
.