Lo ngại chiến tranh vũ trụ: Bom treo đỉnh đầu

Thứ Ba, 10/03/2020, 14:10
Sự lớn mạnh về tham vọng bá chủ vũ trụ, đi kèm với những lỏng lẻo và thiếu rõ ràng của các điều luật về không gian, làm xuất hiện những lo ngại về sử dụng vũ lực trong vũ trụ, tiến tới bùng phát chiến tranh.

Ngày nay, không gian vũ trụ đã trở thành một phần mở rộng của Trái Đất, là “sàn đấu” giữa nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc hay Nga. Cùng với những tiến bộ khoa học công nghệ liên quan đến vũ khí chống vệ tinh, các cường quốc đang bước vào cuộc đua mới để có thể tung ra những chiến lược tấn công và phòng thủ chớp nhoáng từ không gian. 

Sự lớn mạnh về tham vọng bá chủ vũ trụ, đi kèm với những lỏng lẻo và thiếu rõ ràng của các điều luật về không gian, làm xuất hiện những lo ngại về sử dụng vũ lực trong vũ trụ, tiến tới bùng phát chiến tranh.

Đối thủ trong không gian

Mới đây, Trung tâm Tình báo Không gian và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASIC) công bố nhiều báo cáo, trong đó cáo buộc Nga và Trung Quốc đang âm thầm nghiên cứu phát triển một số nhóm công nghệ đặc biệt ứng dụng trong không gian. Washington nhấn mạnh, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu tập luyện với những loại tên lửa chống vệ tinh, còn Nga có thể đang phát triển nhiều loại tên lửa chống vệ tinh và vũ khí không gian thế hệ mới. 

Mỹ, Nga và Trung Quốc cạnh tranh gay gắt khi nghiên cứu phát triển vũ khí và chiến lược không gian.

Chưa hết, cả Nga và Trung Quốc đang để mắt đến những loại vũ khí trong không gian sử dụng năng lượng trực tiếp, được thiết kế nhằm tạo ra những hiệu ứng thuận nghịch hoặc không thuận nghịch đối với các hệ thống không gian, thông qua việc phát ra dải sóng tần hoặc năng lượng laser mức độ cao. Báo cáo khẳng định hai quốc gia này hướng đến mục tiêu tiến hành các chiến lược khơi mào chiến tranh để thách thức ưu thế vượt trội của Mỹ.

Mỹ đã để ý mọi động thái của Trung Quốc từ rất lâu, đặc biệt sau khi “tay chơi” này phóng thành công tàu thăm dò đầu tiên mang theo robot tự hành Thỏ Ngọc lên Mặt trăng khiến Washington khẳng định rằng Bắc Kinh đang âm thầm thể hiện tham vọng quân sự mới trên không gian. 

Có nguồn tin nhận định, động cơ thực sự của Trung Quốc là biến Mặt trăng thành một căn cứ quân sự khổng lồ để phóng tên lửa vào Trái Đất. 

Trong khi đó, đối thủ “lâu đời” Nga cũng tỏ ra không hề kém cạnh khi đã thành lập lực lượng phòng không vũ trụ nhằm dung hòa năng lực của phòng thủ không gian (theo dõi hoạt động các vệ tinh quay quanh Trái Đất, đồng thời kiểm soát không gian vũ trụ) và phòng không không quân. Moscow từng tuyên bố sẽ bảo vệ đất nước khỏi các cuộc tấn công bằng đường không từ ngoài vũ trụ, với hệ thống radar cảnh báo tên lửa tầm xa Don-2N và hệ thống phòng thủ tên lửa A-135.

Cùng với một lá chắn tên lửa tầm cao được dàn trận, Nga cho rằng hoàn toàn có thể đánh chặn được các mục tiêu ở các độ cao khác nhau, và đến từ bất cứ khu vực nào, cho dù đó là tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo hay máy bay không người lái. 

Thậm chí, Nga còn đang âm thầm phát triển chương trình vũ khí tấn công từ bên ngoài Trái Đất, khiến Mỹ cũng phải tỏ ra dè chừng. Một số nguồn tin tiết lộ, hiện Moscow đang phát triển mẫu máy bay ném bom chiến lược siêu thanh có khả năng tấn công mục tiêu từ tầng bình lưu của khí quyển, kể cả bằng vũ khí hạt nhân, có khả năng hoạt động cả trong môi trường không khí thông thường và môi trường vũ trụ.

Trước sức mạnh ngày càng gia tăng của “các đối thủ cạnh tranh nước ngoài”, Mỹ e sợ các cuộc tấn công phá hủy hệ thống không gian của quốc gia này trên quỹ đạo thấp của Trái Đất, làm suy yếu hoạt động các vệ tinh liên lạc - tình báo, từ đó cản trở các dịch vụ trong không gian. 

Trong bối cảnh này, Mỹ lập liên minh mới ở mặt trận vũ trụ, đồng thời tìm cách thắt chặt quan hệ với bốn quốc gia thuộc liên minh tình báo Five Eyes, bao gồm Anh, Australia, Canada và New Zealand. Bên cạnh đó, để đối phó với các công nghệ không gian của Nga và Trung Quốc, Washington cũng lên kế hoạch giúp bảo đảm an ninh cho hàng trăm vệ tinh cỡ nhỏ đang được phát triển, cũng như củng cố mạng lưới vệ tinh đang hoạt động nhằm chống lại các cuộc tấn công tiềm tàng ngoài không gian.

Vũ trụ từ lâu dường như đã là cuộc chơi giữa các chiến dịch không gian nhằm mục đích quân sự.

Trên thực tế, trong hàng chục năm qua, nước Mỹ đã nghiên cứu và phát triển nhiều loại vũ khí chống vệ tinh, cho phép hiện thực hoá giấc mơ bá chủ không gian. Ở vào thời điểm hiện tại, Không lực đã triển khai các vệ tinh có khả năng tiến hành chiến tranh điện tử chống lại quân đội bất kỳ nước nào.

Chưa dừng lại ở đó, tham vọng của Mỹ là phát triển vũ khí để ném bom bề mặt Trái Đất từ vũ trụ, với sức công phá tương đương một vụ nổ hạt nhân nhỏ.

Cho đến năm 2025, Washington đặt mục tiêu tăng tốc tiềm lực quân sự vũ trụ thông qua vũ khí năng lượng động lực chống vệ tinh của đối phương, hệ thống vệ tinh quân sự làm nhiệm vụ theo dõi và bảo vệ các mục tiêu quan trọng trong vũ trụ, hay các loại mìn bố trí trong vũ trụ có khả năng bắn hạ các vệ tinh của đối phương.

Cuộc chạy đua nguy hiểm

Nhiều chuyên gia tin rằng tham vọng chinh phục vũ trụ từ bấy lâu nay luôn song hành với mục đích quân sự, dù các cường quốc chưa công khai ý định biến những phát kiến liên quan đến không gian thành lợi thế chiến trường.

Từ đây, họ đã đề cập viễn cảnh các cuộc tấn công vũ trang có nguy cơ xảy ra trong không gian, bao gồm gây nhiễu vệ tinh liên lạc và vệ tinh điều hướng toàn cầu được sử dụng cho các hoạt động quân sự, sử dụng tên lửa chống vệ tinh để bắn hạ những vệ tinh ở quỹ đạo thấp của Trái Đất, hay tấn công vào những địa điểm và cơ sở hạ tầng dưới mặt đất đóng vai trò hỗ trợ cho các hoạt động trong không gian.

Hiệp ước Không gian năm 1967 tỏ ra lỗi thời, không còn đủ để áp dụng cho một thế giới ngày càng nhiều quốc gia tham gia vào không gian.

Nguy cơ quân sự hóa không gian càng trở nên rõ nét với quyết định thành lập Quân chủng Vũ trụ của Mỹ nhằm răn đe các đối thủ sau khi nhiều loại vũ khí chống vệ tinh xuất hiện, tạo nên mầm mống hủy diệt... bay lơ lửng trên đầu Mỹ.

Vướng mắc hiện nay là, chưa hề xuất hiện một hệ thống pháp luật đủ lớn và phù hợp để giúp vũ trụ được yên bình, hoặc chí ít đảm bảo duy trì ổn định trật tự ngoài không gian trước sự bành trướng của nhiều quốc gia.

Còn nhớ, Hiệp ước Không gian năm 1967 tuyên bố không gian là thuộc sở hữu của toàn nhân loại, ngăn cấm tất cả các hành động muốn sở hữu chủ quyền. Tuy nhiên những quan điểm này lại được đưa ra trong thời kì Chiến tranh Lạnh, không còn đủ để áp dụng cho một thế giới ngày càng nhiều quốc gia tham gia vào không gian.

Những công nghệ mà 50 năm trước tưởng chừng là điều hoang đường giờ đã là sự thực ngay trước mắt. Ngoài ra, còn nhiều điểm thiếu minh bạch liên quan đến cách thức kiểm soát những hoạt động quân sự trong không gian, cũng như các vũ khí chống vệ tinh và các công nghệ gây nhiễu liên lạc.

Quả thực, việc Mỹ công khai các kế hoạch phát triển lực lượng không gian và các nguồn tin rò rỉ về chiến lược vũ khí bí mật của những siêu cường như Nga và Trung Quốc đang trở thành chỉ dấu mới về cuộc đọ sức quân sự dần tăng tốc trên không gian vũ trụ.

Trung Quốc cho rằng, hành động của Mỹ là độc nhất vô nhị, phản ánh dã tâm thâu tóm toàn bộ không gian bên ngoài Trái Đất, để từ đó tạo bàn đạp xâm chiếm các quốc gia khác.

Từ đây, Bắc Kinh chủ trương nghiên cứu về mối nguy hại mà hành động của Mỹ gây ra, kiên quyết phát triển năng lực đáp trả. Trước tình hình này, Liên Hợp Quốc kiên quyết phản đối quân sự hóa không gian và các động thái khiêu chiến, cho rằng việc đưa vũ khí lên vũ trụ không chỉ khiến loài người lo ngại về “bom treo trên đầu”, mà còn dẫn đến dấu chấm hết cho giấc mơ thám hiểm không gian bên ngoài Trái Đất.

Rõ ràng, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, một điều chắc chắn là vũ trụ sẽ trở thành vị trí trung tâm trong lĩnh vực đảm bảo an ninh quốc gia. Khi một quốc gia nào đó áp dụng các bước đi mới để mở rộng các khả năng của mình trên vũ trụ, các đối thủ sẽ phải tìm cách chạy đua nhằm thúc đẩy chương trình vũ trụ riêng.

Nguy hiểm hơn, nếu các đội quân triển khai vũ khí hạt nhân trên vũ trụ, nhân loại có thể đối mặt thảm họa diệt vong. Đây thực sự là một trong những vấn đề địa chính trị cấp bách toàn cầu của thế kỷ 21, đặt nhân loại trước ván cược về trận chiến không gian thời đại công nghệ số, nhiều khả năng biến vũ trụ trở thành “đấu trường sinh tử” như nhiều khu vực dưới mặt đất hiện giờ.

Nam Hồng
.
.
.