Cuộc chiến nha phiến nỗi ô nhục của người Trung Hoa
Thời Càn Long (1711 – 1799) đã ghi dấu sự thịnh trị cuối cùng của triều đại phong kiến Trung Hoa. Trên thực tế, ngay chính khi Càn Long trị vì, phía bên trong cũng đã tồn tại quá nhiều bất lợi, quan lại tham nhũng, quốc khố trống rỗng, bạo loạn kéo dài… Năm 1795, Càn Long nhường ngôi cho con trai thứ là Vĩnh Diễm, lui về làm Thái thượng hoàng. Vĩnh Diễm lấy hiệu là Gia Khánh. Những năm đầu làm vua, khi mà Càn Long còn tại thế, Gia Khánh gần như không có nhiều quyền lực.
Gần 4 năm sau khi nhường ngôi, Càn Long băng hà. Ngay khi Thái thượng hoàng mất, Gia Khánh đã thể hiện quyết tâm chấn chỉnh lại triều ca, trừ bỏ gian thần, tuyên chiến với tệ nạn thuốc phiện. Tuy nhiên, những người phương Tây mang thuốc phiện đến Trung Hoa mạnh hơn Gia Khánh tưởng… Kết cục, Gia Khánh và sau này là vua Đạo Quang (con trai của Gia Khánh), rồi Hàm Phong (con trai của Đạo Quang)… phải chịu mối nhục xâu xé từ các nước phương Tây kéo dài gần một thế kỷ, từ 1821 cho đến tận năm 1911.
Thế kỷ XVII đầu XVIII, người Anh tỏ ra lấn lướt phần còn lại của Châu Âu nhờ vào sự phát triển thần kỳ về hải quân. Để minh chính cho sự phát triển này thì Trung Hoa là cái đích họ nhắm tới tại Châu Á sau khi đã bài được người Pháp ở Ấn Độ. Năm 1792, người Anh phái sứ thần Mac Cartrey đến Bắc Kinh xin được thông thương, nhưng Càn Long từ chối. Năm 1816, họ tiếp tục phái sứ thần đến Bắc Kinh, xin thông thương thêm lần nữa nhưng lại tiếp tục thất bại. Triều đình nhà Thanh muốn họ phải chọn cách thông thương như người Bồ Đào Nha, Hà Lan hay Ả Rập, tức là chỉ được giao thương với số ít người Hoa làm trung gian. Những người Hoa làm trung gian này, sẽ có trách nhiệm nộp thuế cho triều đình, người phương Tây không được tự do đi lại trên đất Trung Hoa. Thời điểm này, người phương Tây thu mua của Trung Hoa nhiều nhất là trà và tơ lụa. Họ bán lại, vải dệt, đồ nỉ, đồng hồ, vài loại máy móc… Và thứ quan trọng nhất mà họ buôn bán cho Trung Hoa chính là thuốc phiện.
Theo nghiên cứu của cố học giả Nguyễn Hiến Lê, thuốc phiện được người Ả Rập đem vào Trung Hoa từ thế kỷ thứ VII, thời nhà Đường. Người Bồ Đào Nha mang thuốc phiện vào Trung Hoa giữa thế kỷ thứ XIII, thời nhà Minh. Ban đầu, thuốc phiện vào Trung Hoa rất ít, giới đại phu của Trung Hoa xem nó là một vị thuốc với tên gọi rất mỹ từ là “Phúc thọ cao”, với tác dụng dùng làm thuốc ngủ, dịu cơn đau.
Từ thế kỷ thứ XVI, người Trung Hoa bắt đầu dùng tẩu để hút thuốc phiện như là cách giải trí của phường nhà giàu, quan lại. Thuốc phiện, được xem như là một thứ để thể hiện đẳng cấp. Về sau, giàu nghèo gì cũng hút thuốc phiện cả. Trải qua thêm một thế kỷ nữa, thế kỷ thứ XVII, công ty Đông Ấn của Anh bắt đầu sản xuất và nhập vào Trung Hoa lượng thuốc phiện cực lớn. Đỉnh điểm có năm, người Anh mang vào Trung Hoa đến 40 nghìn thùng nha phiến, mỗi thùng có khối lượng 70 kg, nhẩm tính, chỉ riêng người Anh họ đã mang vào Trung Hoa 2.800 tấn thuốc phiện/năm. Hàng chục triệu người Trung Hoa mê muội trong ảo giác do thuốc phiện mang lại.
Để chống lại sự suy đồi của người dân Trung Hoa trong ngầy ngụa khói thuốc phiện, Gia Khánh và cả Đạo Quang (về sau) liên tiếp ban nhiều sắc lệnh cấm thuốc phiện, nhưng bất thành. Chỉ tính riêng Quảng Châu trong một năm, số tiền mà người Trung Hoa phải trả cho lượng thuốc phiện nhập cảng là 30 triệu lạng bạc. (Con số để so sánh - năm 1685 đời Khang Hy, quốc khố chỉ thu được gần 25 triệu lạng bạc. Năm 1770 đời Càn Long thu được 29 triệu lạng bạc. Số liệu này đủ cho thấy, người Trung Hoa đốt bạc vào thuốc phiện nhiều như thế nào).
Tuy nhiên, triều đình càng ngăn cấm, người dân hút càng nhiều. Đám thương nhân mang thuốc phiện vào Trung Hoa ngày càng dày đặc với sự tiếp tay của bọn quan lại biến chất. Thuốc phiện được đưa vào Trung Hoa theo kiểu, tàu buôn Anh neo ở ngoài khơi, xa bờ một quãng, khỏi hải phận Trung Hoa, bọn buôn lậu chèo thuyền nhỏ ra chở thuốc phiện vào bờ để phân phối lại cho đầu nậu, đầu nậu cung cấp cho con nghiện.
Năm 1820, Gia Khánh băng hà, con trai thứ của Gia Khánh là Mân Ninh nối ngôi, hiệu Đạo Quang. Giới sử Trung Hoa không đánh giá cao về năng lực của Đạo Quang. Tuy nhiên, thừa hưởng đường lối bài trừ thuốc phiện từ Gia Khánh, Đạo Quang đã có những động thái quyết liệt trong việc dẫn đến cuộc chiến nha phiến tại Trung Hoa.
Năm 1830, Đạo Quang ban bố thánh chỉ, yêu cầu các tỉnh thi hành việc cấm thuốc phiện. Đạo Quang xuống chỉ, lệnh cho những người nghiện trong vòng một năm phải tự cai, đoạn tuyệt với thuốc phiện. Nếu như hết thời hạn một năm ấy, người nghiện vẫn còn tái nghiện sẽ bị xử tử. Đồng thời, ban tiếp sắc lệnh “lập bảo”, theo cách: cứ mười người thì cơ cấu thành một “bảo”. Người trong “bảo” có trách nhiệm khuyên răn lẫn nhau để cùng bỏ thuốc phiện, nếu có một người hút thì chín người kia đều bị tội, người hút, người bán đều bị xử tử; quan lại biết mà không báo thì bị cách chức.
Tiếp đến, Đạo Quang điều Lâm Tắc Từ, quan nhân nổi tiếng cứng rắn và thanh liêm, từ Hồ Quảng về Bắc Kinh, trong 8 ngày liên tục 8 lần nghe kế sách của Lâm Tắc Từ trong việc bài trừ thuốc phiện. Sau, Đạo Quang phong cho Lâm Tắc Từ Khâm sai Đại thần kiêm Tiết chế Thủy sư Quảng Đông để thi hành việc cấm tuyệt đối buôn bán thuốc phiện. Họ Lâm đến Quảng Châu (tỉnh lị của Quảng Đông), ngay lập tức điều quân tịch thu hơn 3.500 tẩu dùng để hút thuốc phiện cùng 1 vạn 2 nghìn lạng thuốc phiện để tiêu hủy. Lâm chỉ đạo quân lính xây những công trình phòng thủ tại bờ biển, đem quân đến đóng với mục đích xua đuổi thuyền chở thuốc phiện của người Anh.
Tiếp, Lâm viết thư cho Lãnh sự Anh, yêu cầu nội trong 3 ngày, toàn bộ thương nhân Anh phải giao nộp cho triều đình số thuốc phiện mà họ đã tích trữ. Thương nhân Anh từ chối, Lâm đem quân đến tận nhà truy bức. Hoảng sợ, thương nhân Anh miễn cưỡng giao nộp 1 nghìn 3 trăm thùng thuốc phiện.
Lâm gạt, cho rằng người Anh vẫn còn trữ thuốc phiện. Lâm mang quân bao vây Lãnh sự Anh, khí thế như sắp sửa tấn công. Lãnh sự Anh đành phải khuyên thương nhân giao nộp thuốc phiện. Lần này, thương nhân Anh phải giao toàn bộ cho họ Lâm, tổng cộng là hơn 2 vạn thùng. Lâm tự tay xem xét, kiểm tra rồi hạ lệnh cho quân đổ toàn bộ số thuốc phiện ấy xuống biển. Lâm ra nghiêm lệnh, biết nếu về sau thuyền buôn nào vào bến mà chở thuốc phiện thì hàng hóa bị sung công, người bị tội chết.
Đạo Quang, vị hoàng đế thứ 8 của nhà Thanh. |
Người Anh rất khó chịu với Lâm, nhưng vì Lâm thực thi lệnh của Đạo Quang nên họ chưa có cái cớ hợp lý. Trong lúc mối quan hệ giữa họ Lâm và người Anh hết sức căng thẳng thì bất ngờ, một chiếc tàu của Anh ghé lại Hương Cảng để mua bán. Trong lúc chờ hàng, thủy thủ người Anh lên bờ uống rượu say và ẩu đả, đánh chết một người Trung Hoa rồi bỏ trốn.
Họ Lâm yêu cầu Lãnh sự Anh giao kẻ sát nhân để trừng thị theo luật pháp Trung Hoa, “Sát nhân thường mạng, người Trung Hoa hay người nước khác đều phải xử lý như nhau”. Lãnh sự Anh từ chối yêu cầu này của Lâm, họ bảo “Luật Anh quy định, say rượu ẩu đả lỡ tay đánh chết người, nặng lắm thì bị xử phạt 20 bảng và chịu giam cầm nửa năm”. Lâm tức giận, hạ lệnh cấm người Trung Hoa buôn bán với người Anh. Lần này, người Anh đã phản ứng. Đầu mùa hạ năm 1840, 15 nghìn quân Anh đến Ma Cao (Áo Môn) trên 15 chiếc thuyền chiến. Cuộc chiến nha phiến lần thứ nhất chính thức bùng nổ.
Quân Anh khai hỏa, nổ súng tấn công Quảng Châu. Vì đã lường trước người Anh sẽ tấn công, nên họ Lâm đã có sự chuẩn bị rất kỹ. Quân Thanh chống trả, quân Anh không đổ bộ vào Quảng Châu được.
Tránh Quảng Châu, quân Anh tiến lên phương Bắc, bắn phá điên loạn vào các quân doanh của nhà Thanh, chiếm được nhiều đảo và nhiều thị trấn một cách dễ dàng vì khí giới của Thanh đã kém xa, mà quân Thanh cũng thiếu tinh thần, quan tướng Thanh rất tồi tệ: lính của họ là lính ma, chỉ có trên giấy tờ. Quan tướng ghi tên đầy tớ, bà con vào sổ lính để nhận lương, chứ đám quân ma này không biết cách chiến đấu, không biết cách sử dụng súng. Khi được tin quân Anh vào Chiết Giang, vây hãm Định Hải rồi vào hải khẩu Thiên Tân, triều đình nhà Thanh vô cùng hoảng hốt. Họ cuống cuồng tìm cách thương lượng với quân Anh thông qua Lãnh sự Anh.
Lãnh sự Anh trao cho họ thư của Thủ tướng Anh bao gồm 6 điều khoản quan trọng, như: bồi thường hàng hóa đã bị thiêu hủy; mở Quảng Châu, Hạ Môn, Phúc Châu, Định Hải, Thượng Hải làm thương phủ (bến cho các tàu buôn) để cho thuyền Anh chở nha phiến vào, bồi thường quân phí… Nhà Thanh không nói không rằng về điều khoản trên, chỉ âm thầm lấy lòng người Anh bằng cách cắt chức Lâm Tắc Từ, điều Tổng đốc Kì Thiện về Quảng Châu thay thế. Kì Thiện, bản chất nhút nhát, ngu xuẩn, luôn cho rằng chỉ cần người Anh hài lòng, Thanh triều sẽ yên ổn. Thế nên, vừa đến Quảng Châu, Kì Thiện hạ lệnh cho phá tan các điểm phòng thủ trên bờ biển mà họ Lâm đã dày công xây dựng nhằm minh chứng “một tấm lòng thành” cho người Anh vừa ý. Chưa kể, Kì Thiện còn luôn tỏ ra khúm núm, bợ đỡ Lãnh sự Anh và Hải quân Đô đốc George Elliot.
Thế nhưng, Kì Thiện càng tỏ ra thuần phục, người Anh càng lấn tới. George Elliot yêu cầu Kì Thiện phải nhường Hương Cảng cho Anh, bồi thường 62 triệu lạng bạc cho số nha phiến mà họ Lâm đã tiêu hủy trước đó, thêm 6 triệu lạng bạc tiền quân phí… Vượt quyền Thanh Triều, Kì Thiện nhanh chóng đồng ý. Đến khi Đạo Quang nhận được tin báo thì đã muộn, Đạo Quang rất giận dữ, kiên quyết không phê chuẩn sự chấp nhận của Kì Thiện với người Anh. Quân Anh tiếp tục bắn phá.
Kì Thiện đã phá hủy hoàn toàn các điểm phòng thủ nên Quảng Châu nhanh chóng thất thủ, quân Anh dễ dàng chiếm được đến 500 khẩu đại bác của quân Thanh. Thừa thắng, quân Anh theo bờ biển ngược lên chiếm Hạ Môn, Thượng Hải, rồi ngược dòng sông Dương Tử, nã đại bác vào Nam Kinh. Thanh triều khiếp nhược, đành phải chấp nhận ký Điều ước Nam Kinh (1842 - Trung Hoa thường gọi đây là Ngũ khẩu thông thương điều ước), điều ước đầu tiên Trung Hoa bỏ cái huy hiệu Thiên triều mà đứng vào địa vị bình đẳng ký với nước khác.
Điều ước gồm 12 khoản mà những khoản trọng yếu như sau: Cắt nhường Hương Cảng cho Anh; Khai phóng năm hải khẩu Quảng Châu, Hạ Môn, Phúc Châu, Ninh Ba, Thượng Hải làm thương phụ cho người Anh buôn bán, cùng với vợ con cư trú; Bồi thường cho Anh 21 triệu đồng bạc Mễ Tây Cơ, hàng hóa nhập khẩu chịu một thứ thuế công bình do Trung Hoa công bố, khi thương nhân Trung Hoa chuyển vào nội địa, không phải chịu thêm thuế nào nữa, công văn hai nước trao đổi với nhau sẽ theo hình thức bình đẳng.
Việc ký điều ước này, nhà Thanh đã vô hình trung thừa nhận sự yếu kém của mình trước người Anh, họ hoàn toàn tỏ ra thuần phục những người da trắng đến từ phương Tây ngay thời điểm này. Đó là nỗi nhục mà bất cứ người Trung Hoa nào đều cảm nhận được nhưng bất lực