Cuộc Thập tự chinh đầu tiên, nỗi kinh hoàng của Byzance

Thứ Ba, 22/10/2019, 15:09
Không, không như nhiều người nghĩ, nỗi kinh hoàng lớn nhất của đế quốc Đông La Mã (Byzance) trong cuộc Thập tự chinh thứ nhất lại không phải là các đoàn quân Hồi giáo. Cũng không phải là sự tàn bạo và tham lam của những người anh em Thiên Chúa giáo đến từ Tây Âu…

Bắt đầu là một lời kêu cứu

Đó là năm 1095, khi những bộ lạc Seljuk gốc Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tràn ngập bán đảo Tiểu Á, và liên tục uy hiếp an ninh cũng như sự tôn nghiêm của đế quyền Byzance. Hoàng đế Alexis I phái một sứ giả vượt biển Adriatic sang Vatican, yết kiến Giáo hoàng, đệ trình một bức thư.

Trong thư, Alexis I cầu viện Giáo hoàng giúp đỡ đánh đuổi những người Seljuk ngoại đạo. Bức thư, và cả vị sứ giả, nhấn mạnh đến những nỗi khổ sở của các tín đồ Thiên Chúa giáo ở phía Đông, trước hiểm họa Hồi giáo, và cũng bày tỏ lòng tin tưởng rằng khối Thiên Chúa giáo có thể cùng nhau đánh bại địch thủ đó.

Bản đồ chiến dịch Thập tự chinh lần thứ nhất.

Tám tháng sau, tại giáo hội Clermont, Giáo hoàng Urbain II tuyên bố phát động cuộc Thập tự chinh đầu tiên. Đứng trước cử tọa và đông đảo dân chúng, Giáo hoàng nhấn mạnh đến những sự thống khổ của các tín hữu ở khu vực Hy Lạp, và những khó khăn trắc trở đã hiện hữu trên con đường hành hương về Đất Thánh Jerusalem.

Ông không quên nhắc đến những của cải vật chất có thể chiếm được. Ông cũng hứa rằng những kẻ có tội bỏ mình trong cuộc Thánh chiến này sẽ được tha thứ, được cứu rỗi và vẫn có thể được lên Nước Trời.

Như nhóm tác giả cuốn Văn minh phương Tây mô tả theo các thư tịch cổ, đám đông thét lên: "Chúa muốn điều đó!". Hàng nghìn người, ngay lập tức, tuyên thệ lên đường. Hàng nghìn dấu thập giá lập tức được thêu lên vai áo.

Đó là điểm khởi đầu của một kỷ nguyên mà những cuộc chuyển quân về Trung Cận Đông liên tục diễn ra, kéo dài trong gần hai thế kỷ. Thập tự quân, kể từ đó, giao chiến với các binh sĩ Hồi giáo tại Palestine, tại Syria, tại Ai Cập, trên suốt dải Bắc Phi, sang cả bán đảo Iberia. 

Những đợt tăng cường quân đội sang Trung Đông sau này được gọi là các cuộc Thập tự chinh theo thứ tự, từ thứ hai cho đến thứ tám. Chúng rất khác nhau về quy mô, về diễn biến và có khi cả về mục đích đích thực.

Nhưng tất cả đều bắt đầu từ bức thư mà Alexis gửi đến Vatican, và từ Clermont, nơi niềm tin tôn giáo được khơi dậy, bén vào những ham muốn vật chất trong một cơn say sưa tập thể. Đến cả các vua chúa công hầu của cựu lục địa cũng không thể cưỡng lại được thứ hỗn hợp quá mức quyến rũ đó.

Giáo sĩ Pierre và đoàn quân tội nghiệp của mình

Những phác thảo sơ sài

Thực tế, ý niệm về một cuộc chiến tranh nhằm giành giật quyền kiểm soát Đất Thánh (hay đúng hơn là giành giật những mối lợi chung quanh Đất Thánh) đã được phác họa từ trước đó bởi Byzance. Các bậc hoàng đế Đông La Mã vẫn luôn coi trọng công cuộc ngăn cản những bước quật khởi của Hồi giáo, và vẫn luôn ôm mộng chiếm lại Jerusalem từ tay các hậu duệ của Nhà tiên tri Mohammed.

Sự xung đột giữa hai tôn giáo lớn nhất thế giới đã diễn ra căng thẳng ngay từ năm 711, khi quân Hồi tràn vào Tây Ban Nha. Các tiểu quốc Thiên Chúa giáo ở Iberia, dù vô vọng, vẫn gắng gượng chống đỡ để tồn tại, trước khi bị thôn tính. Năm 1000, chính quyền Hồi giáo ở Cordova suy yếu.

Giáo hội Thiên Chúa giáo kêu gọi quý tộc Pháp đưa quân vượt dãy Pyrenee xuống đó, liên hợp với những tín đồ Ki-tô. Giáo hoàng lúc đó cũng tuyên bố ban phước lành cho bất cứ ai tham gia cuộc chiến đấu này. Và rồi, quân Thiên Chúa giáo chiếm lại được một vùng khá rộng lớn ở miền trung Tây Ban Nha. Gần như song song, những đoàn quân Normandie dòng dõi Viking đụng độ với hải quân Hồi giáo ở đảo Sicily.

Có điều, sự chia rẽ và những quá trình phân rã liên tục các thiết chế quyền lực tại châu Âu ngăn cản một kế hoạch hành động chung quy mô và thống nhất. Từng có lúc, Charlemagne Đại đế giữ được mối quan hệ khá hữu hảo với Hồi vương Harun al Rashid (một cái tên cực kỳ quen thuộc trong Nghìn lẻ một đêm nổi tiếng), để thậm chí các đoàn hành hương do Đại đế bảo trợ và tổ chức còn được phép xây cất những chốn nghỉ ngơi ngay ở Đất Thánh. Và Harun al Rashid cũng từng tặng Charlemagne một món quà độc nhất vô nhị: Một con voi.

Ở cuối sự yên bình đó, lợi ích lên tiếng. Nhà Chung giành quyền bảo trợ các cuộc hành hương, Nhà Chung thu lợi từ những đoàn hành hương đó, Nhà Chung làm cho mọi tín hữu tin rằng đi hành hương là cách tốt nhất để được Chúa tha thứ cho những tội lỗi đã phạm phải.

Thế rồi, trong lãnh thổ Byzance nổ ra những cuộc nội chiến, kéo theo tình trạng bất ổn và cả những khoảng trống quyền lực. Thế rồi, những bộ tộc du mục mới xuất hiện, như người Seljuk (nói một cách công bằng, người Normandie khi đặt chân lên duyên hải Dalmatie - Croatia ngày nay - cũng gây ra nhiều sự vụ như người Seljuk).

Cướp đường chực chờ từng bước chân hành hương, và thế giới Chính Thống giáo Byzance cảm thấy cần phải xích lại gần những người anh em thuộc hệ thống Vatican, bất chấp những khúc mắc đã từng xảy ra trong cuộc phân ly trước đó.

Lá thư của Alexis I đã dẫn đến Clermont, và tạo nên cuộc Thập tự chinh thứ nhất trong bối cảnh như thế.

Tiến chiếm Jerusalem.

Người thắng, và kẻ thua

Người thắng trong cuộc Thập tự chinh đầu tiên dĩ nhiên là Giáo hội Vatican, cùng khá nhiều bậc đại công hầu Âu lục.

Ta có thể kể tới quận công Godefroy de Boulonge (hay như cách viết trong Hai mươi năm sau của Alexander Dumas cha: Bouillon) và em trai ông - Baudoiun; bá tước Raymond de Toulouse; hay Bohemond - một lãnh chúa ở Nam Ý.

Họ thống lĩnh những đạo quân bao gồm các hiệp sĩ chuyên nghiệp, trang bị đầy đủ và có kỷ luật quân sự. Họ được Alexis chấp thuận cho chiếm bất cứ mảnh đất nào từ tay người Seljuk Hồi giáo làm lãnh địa riêng - điều sau này khiến rất nhiều vương bá châu Âu thèm thuồng mà nối gót họ, với điều kiện tuyên thệ trung thành với Alexis I. Nước Pháp được mệnh danh là "Trưởng nữ của Giáo hội", có lẽ cũng là vì vai trò tiên phong này.

Thập tự quân chiếm được Nicea - kinh đô của người Seljuk ở Tiểu Á năm 1099. Baudouin, em trai của Godefroy, tiến quân đến tận Edesse, "một thành phố cổ kính và huy hoàng bên sông Euphrates", ép những trưởng bối người Armenie tôn mình làm bá tước của thị quốc. Đó chính là tiểu quốc đầu tiên do Thập tự quân thiết lập trong lịch sử. Bohemond thì mang quân vây thành Antioche, rồi chiếm được để tự mình trở thành lãnh chúa.

Đến tháng 7-1099, Jerusalem thất thủ. Thập tự quân tràn vào, cướp bóc và tàn sát cả người Hồi giáo lẫn người Do Thái bản xứ. Có những bức thư được gửi về Tây Âu còn được lưu giữ khiến người ta kinh khiếp, khi nhấn mạnh rằng "ngựa của Thập tự quân lội bì bõm trong máu của bọn ngoại đạo"…

Song, Thập tự quân dù sao cũng vẫn cống hiến cho Byzance những giá trị mà Alexis I hướng tới. Hoàng đế Đông La Mã chỉ thực sự "hết hồn" bởi một lực lượng khác, những kẻ thua cuộc tội nghiệp ở bên phe chiến thắng.

Đó chính là những người nông dân sùng tín đã từ Clermont ra đi, dưới sự dẫn dắt của giáo sĩ Pierre, những người thêu thập giá lên tay áo vải đầu tiên. Càng đi càng đông, họ đến Constantinople như một đàn châu chấu. Người dân Byzance, vốn đang chờ đợi các hiệp sĩ được huấn luyện kỹ càng, hoảng hồn khi thấy đám ô hợp ấy.

Thập tự quân tiền phong (nếu có thể gọi họ như vậy) đốt nhà và cướp của ở chính kinh đô Đông La Mã, đập phá tất cả những gì có thể (bởi kiến trúc và tạo hình nhà thờ Chính Thống quá khác biệt so với hình dung của họ).

Bằng mọi giá, Alexis I nhồi nhét họ lên tàu, tống khứ thật nhanh qua eo biển, sang bên kia Vịnh Sừng Vàng, đến Tiểu Á. Và không có chút kinh nghiệm chiến trận nào, họ bị tàn sát sạch sẽ bởi người Seljuk. Không còn một ai trở về được làng quê của mình…

* Alexis I nguyên là một tướng lĩnh, một đại điền chủ của Byzance, thâu tóm quyền lực khi đế quốc Đông La Mã trở nên hỗn loạn bởi quá nhiều nguyên nhân. Ông sẵn sàng mời những đại biểu của cộng hòa Venice từ Ý sang đánh đuổi những người Normandie, nhưng quân đội chuyên nghiệp (gồm toàn lính đánh thuê) của cộng hòa Venice cũng không thể giúp quân đội hoàng gia Byzance dẹp yên được các bộ tộc du mục nhằm vãn hồi trật tự.

* Cuối thế kỷ XI, các Giáo hoàng ở miền Tây đều thể hiện nỗ lực tái hợp nhất với Giáo hội Chính Thống miền Đông La Mã. Từ năm 1073, Giáo hoàng Gregoire VII đã sửa soạn quân đội đến giúp Byzance chống lại quân Seljuk, đồng thời sẵn sàng đích thân chỉ huy nhằm tiến tới thống nhất hai giáo hội. Tuy nhiên, sự bất hợp tác của các vương hầu Đức khiến ông không thể thực thi ý tưởng này.  

Đông Quân
.
.
.