Con sói đầu đàn

Thứ Bảy, 11/07/2020, 10:38
Có lẽ trong các loài vật hoang dã, không thủ lĩnh nào quan trọng và nguy hiểm hơn con sói đầu đàn. Loài sói, tự bản thân nó đã rất đáng sợ, khi bầy đàn ấy được dẫn dắt bởi sói đầu đàn, sự đáng sợ của bầy sói tăng lên gấp bội. Sói đầu đàn từ lâu đã trở thành biểu tượng của quyền uy, trí tuệ và năng lực vượt trội.


Trong các cuốn sách viết về sói, Tô tem sói của Khương Nhung là một cuốn kì thư. Rất nhiều những câu chuyện ly kì và chân thực về loài sói được mô tả. Tác giả đã có một thời gian dài sống ở vùng Nội Mông, nơi từng có những đàn sói rất hùng mạnh. Người Mông Cổ sở dĩ thiện chiến, tinh nhuệ, từng chinh phục cả thể giới vì họ đã học được rất nhiều phẩm chất và cách thức của loài sói.

Nếu sói chúa có vai trò rất quan trọng trong việc chỉ huy bầy đàn của mình trong các trận chiến thì Thành Cát Tư Hãn cũng là một nhân vật gần giống như vậy. Thành Cát Tư Hãn giống như một con sói chúa của thảo nguyên Mông Cổ. Nhờ sức mạnh của đồng loại và sự tài năng của thủ lĩnh, đội quân Mông Cổ đã tạo ra một uy thế lừng lẫy đến mức ngày nay người ta vẫn còn phải kinh ngạc.

Sói, bản chất là loài vật rất tinh khôn trong thiên nhiên, hầu như hiếm có loài nào có thể sánh nổi về trí thông minh và mưu mẹo. Chẳng thế mà sói đã trở thành một biểu tượng của cơ mưu, xảo trí. "Anh ta là một con sói thực sự." "Hắn 'sói' lắm, không lừa gạt được đâu".

Thực ra, loài sói thường bị gắn cho những tính xấu bởi sự lanh lợi của nó vượt xa các loài động vật khác. Câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ điển hình cho những suy nghĩ này. Nhưng thực  tế, sống trong một môi trường hoang dã cạnh tranh cao độ, loài sói buộc phải thích nghi để tồn tại và phát triển.

Con sói đầu đàn dẫn bầy vượt qua băng tuyết

Có những dân tộc căm ghét sói thì cũng có những dân tộc tôn sùng loài sói, coi sói là động vật linh thiêng, bảo trợ cho mình. Trên thảo nguyên bao la, sói gần như chiến binh bất bại bởi lòng quả cảm, mưu trí, sự nhanh nhạy và khả năng chịu đựng đói, rét.

Một con sói đơn độc đã nguy hiểm, khi chúng đứng trong một bầy đàn được chỉ huy, ưu thế của giống loài được phát huy gấp bội. Vị thủ lĩnh chính là con sói khoẻ mạnh, mưu trí và đảm lược nhất. Sói đầu đàn có thể đóng vai trò là người cha, người chồng, người anh trong gia đình sói hoặc quần thể sói được tập hợp.

Là thủ lĩnh, sói đầu đàn đóng vai trò chỉ huy trong các cuộc tấn công hoặc di chuyển. Một cuộc tấn công của bầy sói có sự điều khiển của  sói chúa sẽ vô cùng nguy hiểm. Sẽ có những con sói chặn đường, sói đột kích và rình phục, mỗi con sói trong đàn sẽ được thủ lĩnh giao cho những nhiệm vụ phù hợp với sở trường và khả năng của mình. Những cuộc tấn công của bầy sói hiếm khi thất bại vì sói đầu đàn mưu tính kĩ lưỡng, nếu nó sơ sẩy, có thể phải trả giá bằng mạng sống của cả bầy đàn.

Người ta đã phân tích sự di chuyển của một bầy sói điển hình. Trong một địa hình thông thường đi đầu là những con sói tuổi cao nhưng còn minh mẫn để xác định phương hướng, ngay sau đó là những con sói gộc khoẻ mạnh, tiếp theo nữa là sói con, sói già, sói yếu, đoạn hậu tiếp tục là những con sói khoẻ mạnh giữ vai trò bảo vệ, khoá đuôi là sói đầu đàn để bao quát tình hình và đảm bảo rằng không con nào bị tụt hậu hay bỏ lại.

Ở những cuộc di chuyển khó khăn hơn, đòi hỏi bản lĩnh hoặc sức khoẻ hơn vì chỉ cần một sai sót nhỏ có thể dẫn đến thảm họa, ví dụ băng qua những khu rừng tuyết phủ, sói đầu đàn sẽ nhận nhiệm vụ đi đầu. Nó tìm đường và vạch ra một lối đi khả dĩ nhất, cả đàn sói theo đúng cái vết thủ lĩnh di duyển để giảm bớt khó khăn càn lướt mặt tuyết. Nếu sói đầu đàn mắc một sai lầm, cả bầy đàn sẽ phải lãnh hậu quả!

Đến đây, tôi lại nghĩ đến những con sói đầu đàn trong thị trường sách văn học một lĩnh vực mà tôi khá quen thuộc. Một người bạn của tôi mới gây dựng một công ty sách khoảng chừng 5 năm. Cả giám đốc, nhân viên chỉ vẻn vẹn 4 người. Thế mà trong một thời gian ngắn, công ty ấy đã trở thành một thương hiệu rất uy tín trên thị trường sách, bạn đọc chỉ cần nhìn lô gô của công ty là đã tin tưởng và chọn mua, và rất nhiều bản thảo tốt được gửi đến. Đó là một thương hiệu sách có lối đi riêng và có chỗ đứng vững chắc.

Vì sao có thể thành công trên một địa hạt khá khó khăn như vậy? Vì người thủ lĩnh của công ty ấy là một con "sói chúa" thực sự. Người bạn của tôi rất am hiểu về sách, đam mê sách, có thẩm mĩ tốt và đặc biệt có chiến lược kinh doanh độc đáo lâu dài. Người ấy có thể vừa làm biên tập viên, dịch giả, kế toán, nhân viên Pr, người thẩm định...

Một thủ lĩnh đa tài và sắc sảo. Với một cá tính sắc sảo, người ấy cũng chọn những nhân vật xuất sắc nhất về làm cho mình. Một đàn sói khôn ngoan lại được dẫn dắt bởi một sói chúa cực kì mưu lược, sự thành công là đương nhiên.

Tôi cũng quan sát một người bạn khác làm về sách để so sánh. Thời gian khởi nghiệp của anh ta ngang công ty kia nhưng số nhân viên thì đông hơn gấp 5 lần. Nhưng số lượng nhân viên không nói lên công ty lớn hay nhỏ, uy tín hay không.

Những sách anh ta làm ra không mấy được bạn đọc đón đợi hoặc để lại dấu ấn. Điều đáng nói nhất là người ấy chưa tạo dựng được thương hiệu của mình. Người ta không quan tâm sách của đơn vị nào vì không để lại mấy ấn tượng. Vấn đề nằm ở người thủ lĩnh. Một người thiếu cá tính, năng lực trung bình và tầm nhìn hạn chế lại được dẫn dắt người khác thì đã nhìn thấy trước sự thất bại.

Vấn đề đặt ra là rất nhiều người không xứng đáng làm thủ lĩnh nhưng họ tìm mọi cách tranh đoạt lấy việc ấy. Sự tham lam, ích kỉ sẽ dẫn đến thất bại cho chính mình và người khác. Chúng ta nhìn thấy vô số trường hợp này trong lịch sử và cuộc sống hiện tại.

Loài sói thì không thế, sự chọn lọc tự nhiên để bầu chọn ra con vật đứng đầu cho ta những bài học lớn. Sói đầu đàn phải là con sói khỏe mạnh và mưu lược nhất. Cả đàn sẽ không coi nó là đầu đàn nếu không chứng minh được năng lực của mình.

Để trở thành thủ lĩnh, con sói đôi khi phải trải qua những cuộc chiến cam go để nhận được sự công nhận của đồng loại. Và một điều nữa tôi rất thích ở loài sói là khi con đầu đàn già yếu, không đảm đương vị trí thủ lĩnh được nữa, sẽ có một cuộc bầu chọn khác để tìm ra kẻ kế vị xứng đáng. Sói chúa không giữ lấy vị trí đó đến chết nếu không còn đủ sức chỉ huy; và cả bầy đàn, vì sự tồn vong của chính mình, chúng cũng không chấp nhận những con sói không đủ năng lực làm thủ lĩnh.

Loài sói, với những phẩm chất vượt trội luôn được người dân trên thảo nguyên bao la sùng kính. Ngày xưa, người Mông Cổ có một tục lệ rất đặc biệt là thiên táng. Khi có người chết, họ liền mang thi thể người chết ra một bãi hoang giữa thiên nhiên nơi có sói, kền kền và các loài thú khác. Người chết sẽ được rũ bỏ mọi quần áo trên người để dọn bữa cho loài sói, kền kền và các loài thú ăn thịt.

Nếu người chết nhanh chóng bị thiên táng kiểu ấy thì người ta tin rằng họ sẽ sớm được tái sinh. Ưa thích nhất là được loài sói hóa kiếp, điều ấy không phải không có những lí lẽ nhất định vì những ưu việt của giống loài.

Các chuyện kể về sói cũng rất nhiều. Có lẽ trong các loài vật sống trong thiên nhiên hoang dã, sói là con vật được quan tâm nhất. Loài người vừa kính trọng vừa sợ hãi chúng. Đã có hàng chục bộ phim về loài sói rất hấp dẫn; còn các truyện ngắn, tiểu thuyết thì không thể kể hết.

Tô tem sói của Khương Nhung như tôi đã nói ở trên là một cuốn rất kì thú. Trong cuộc đấu tranh giữa người và sói, giữa sói với các sinh vật khác luôn có một hàm lượng trí tuệ cùng những chiến thuật rất bài bản. Sói là loài vật khi săn mồi luôn có một chiến thuật tỉ mỉ và kĩ càng. Và sói cũng là một trong những loài thú hoang mà loài người khó bắt nhất.

Đam mê sức mạnh và bản tính của loài sói, nhà văn người Đức Herman Hess đã viết cuốn Sói thảo nguyên, miêu tả tinh thần loài sói ẩn trong loài người, đó cũng là một trong những cuốn sách chủ chốt và nổi tiếng nhất giúp ông đoạt giải Nobel văn học.

Câu chuyện về sói vẫn còn hấp dẫn và tiếp tục. Càng sống trong xã hội hiện đại, cạnh tranh và áp lực, người ta càng nhớ đến những phẩm chất của loài sói và con sói đầu đàn.  Con người lâu nay vẫn nghĩ rằng mình là giống loài tinh khôn nhất trên trái đất nhưng thực tế những phẩm chất ấy cơ bản được học phần nhiều từ thiên nhiên và ở những đối thủ đáng gờm nhất, trong đó có loài sói!

Uông Triều
.
.
.