Có một nghĩa vụ thiêng liêng duy trì sự bất tử của tri thức

Chủ Nhật, 17/01/2021, 11:58
Trong tiếng Anh thế kỷ 15, dịch thuật - translation - mang một ý nghĩa thiêng liêng khác: sự di dời thánh thể hoặc thánh tích của một vị thánh đến một nơi khác. Các học giả Anh trước và trong giai đoạn Phục hưng đã coi dịch thuật từ tiếng Pháp và Latin sang tiếng Anh như một nghĩa vụ thiêng mà thông qua đó họ tác động thay đổi tới tư duy chính trị, hệ thống ngôn ngữ và tri thức xã hội.

Nước Anh không phải nơi duy nhất sớm nhận ra nghĩa vụ thiêng của dịch thuật, trong suốt lịch sử của nhân loại, không một nền văn hóa vĩ đại nào không chọn lựa dịch thuật như một phương pháp nhanh chóng để nâng tầm nhận thức của dân tộc.

Khi tri thức bị vùi lấp trong bóng tối vô minh

Khi một nền văn minh hay văn hóa bị thất bại bởi sự gián đoạn của tri thức, bạo quyền thống trị, con người nhanh chóng rơi vào sự suy đồi, tri thức bị vùi lấp hoặc tiêu hủy, thì đâu đó ở một vùng đất khác, một nhóm người đã ghi chép lại, dịch thuật tri thức ấy sang ngôn ngữ của họ. Để rồi, hết thế hệ này đến thế hệ nhân loại khác, tri thức vẫn còn tồn tại. Và đó là cách để tri thức bất tử: những người săn lùng sách và dịch sách.

Lịch sử đã chứng kiến vua Harun Al Rashid - vị hoàng đế nổi tiếng trong “Nghìn lẻ một đêm”, một trong các đại đế lớn nhất của Hồi giáo - cho xây dựng Nhà tri thức tại Baghdad và mời tất cả các học giả từ Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Do Thái, Ba Tư... kết hợp với những học giả Hồi giáo để dịch thuật các trước tác và công trình vĩ đại sang tiếng Islam. Đây là nền tảng để tạo nên một thế giới Hồi giáo phồn thịnh, huyền bí và say đắm mà chúng ta từng mường tượng khi đọc “Nghìn lẻ một đêm”. Với hoạt động dịch thuật quy mô quốc gia này, Harun Al Rashid đã đặt nền móng cho một nền văn minh Hồi giáo dựa trên tri thức chứ không phải đức tin Hồi giáo và chỉ đến thế kỷ 12 mới suy tàn bởi thánh chiến và tư tưởng cực đoan. Tại Nhà tri thức các trước tác của Xenophon, Plato, Aristotle, Kinh thánh Do Thái, Upanishad, kinh điển Phật giáo... nhờ được dịch sang tiếng Arab mà tránh được sự tàn phá của nhà thờ cực đoan trong Đêm trường Trung cổ tại châu Âu và những cuộc hỗn chiến tại Trung Quốc, Ấn Độ... Từ nền tảng tri thức ấy, các học giả phương Tây sau thế kỷ 14 mới chuyển dịch các tác phẩm lớn sang tiếng Latin, tiếng Pháp... để tạo nên một thời đại Phục hưng kì vĩ tại châu Âu - nền tảng cho văn minh phương Tây hiện nay.

Một lớp học ngày xưa. Ảnh: L.G.

Thời Pháp thuộc tại Việt Nam, khi chính quyền bảo hộ xóa bỏ chữ Nho để thay thế bằng chữ quốc ngữ, văn hóa nước Việt phải đối mặt với một nan đề: Những thế hệ học chữ quốc ngữ mới sẽ bị “bứng rễ” khỏi mảnh đất của nền Nho học với chữ Hán và chữ Nôm nhưng lại chưa có đủ nền tảng tri thức từ nền Tây học. Đây là một khoảng hẫng của văn hóa nhưng nhanh chóng được các học giả đầu thế kỷ 20 lấp đầy. Mở đầu bằng tạp chí Nam Phong do học giả Phạm Quỳnh làm chủ nhiệm và chủ bút. Ngay từ ngày đầu được thành lập, Nam Phong tạp chí đã đưa ra 3 tôn chỉ: Một là truyền bá tư tưởng, học thuật Đông - Tây, kim - cổ; hai là hoàn thiện nền quốc văn và làm phong phú tiếng Việt; ba là lấy đó để làm nền tảng để phát triển tinh thần dân tộc. Những nền tảng tri thức và ngôn ngữ mà tạp chí Nam Phong tạo ra vẫn là căn cốt của nền quốc văn Việt Nam, dù cho trải qua sự gián đoạn tri thức do chiến tranh.

Tổ chức dịch thuật một cách chủ định những tác phẩm kinh điển của nhiều nền văn hóa và các công trình khoa học quan trọng sang ngôn ngữ bản địa một cách có hệ thống là cách nhanh chóng để học tập kinh nghiệm từ các tiền nhân, rút ngắn thời gian tự nghiên cứu và tìm tòi, từ đó dễ dàng phát triển các nền tảng mới. Thiếu đi nền tảng học tập này, một ý tưởng hay một công trình được thực hiện sẽ mất nhiều thời gian hơn để thử nghiệm và hoàn thiện. Khi các nền tảng toán học, thiên văn học, y học... của Athens được dịch chuyển sang Hồi giáo thông qua dịch thuật của Nhà tri thức thì các học giả Hồi giáo đã nhanh chóng vân dụng trong xây dựng các cơ sở đo đạc, đài chiêm tinh, bệnh viện.. và phát triển thêm hệ thống lượng giác trong toán học. Khi các bài thơ lãng mạn của Pháp được dịch sang tiếng Việt thì các nhà thơ cũng nhanh chóng học tập được thủ pháp và tinh thần thơ Pháp, từ đó kết hợp với hồn cốt Á Đông để tạo ra một phong trào Thơ Mới xuất sắc cho nền thơ ca Việt.

Hơn nữa, việc dịch thuật giúp cho tri thức không chỉ giới hạn trong giới trí thức tinh hoa có thể đọc sách bằng nhiều ngoại ngữ mà khiến cho bất cứ người dân thường nào khao khát tri thức đều có thể tiếp cận. Hãy tưởng tượng một doanh nhân bận rộn có thể học được khả năng quản trị thông qua đọc các cuốn sách như “Binh pháp Tôn Tử” hay “Quân vương” của Machiavelli. Hãy hình dung một người nông dân có thể hoàn thiện kinh nghiệm trồng trọt của mình bằng việc đọc về những cuốn sách ghi chép thảo dược của Hồi giáo. Hay đơn giản, một học trò có thể tự xây dựng nền tảng đạo đức cá nhân cho mình thông qua đọc bản dịch “Luân lý học” của Aristotle... Đó là bước đầu để tri thức đi vào cuộc sống và tạo ra những công dân thông thái với trình độ chuyên môn cao.

Một thời kỳ dịch thuật mới đang mở ra tại Việt Nam

Đầu thế kỷ 20, dịch thuật gắn với Pháp ngữ; giữa và cuối thế kỷ 20, dịch thuật gắn với Nga ngữ tại miền Bắc, Anh ngữ và Pháp ngữ tại miền Nam, thì bước sang thế kỷ 21, dịch thuật đã nở rộ với sự đa dạng ngôn ngữ chưa từng có. Trên thị trường sách, tràn ngập các tác phẩm được dịch từ tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Hungary, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc - những hệ văn hóa vốn mới lạ... song song tồn tại cùng các tác phẩm dịch từ các ngôn ngữ có mối quan hệ gần gũi về lịch sử với văn hóa Việt. Sự nở rộ này tạo ra một loạt những câu hỏi lớn cho nền văn hóa Việt Nam:

Văn hóa Việt Nam sẽ ra sao khi tiếp nhân từ nhiều nền văn hóa khác thay vì tiếp nhân thụ động từ tri thức của Trung Quốc, Pháp, Nga như quá khứ đã từng. Sự chủ động này không đến từ choáng ngợp trước những ưu thế vượt trội của các nền văn hóa khác, mà đến từ sự đồng cảm trong cảm xúc và nhận thức từ người dịch với tri thức và bởi thế những luồng gió văn hóa mới liên tục ùa vào Việt Nam thế kỷ 21 tới mức những luồng gió văn hóa cũ bỗng rùng mình e sợ. Một sự xung đột giữa thói quen ngôn ngữ cũ vốn được hình thành từ quá trình dịch thuật từ tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, tiếng Nga với thói quen ngôn ngữ mới từ dịch thuật tiếng Anh, Nhật, Hàn, Đức... đang manh nha trong xã hội. Những cấu trúc ngữ pháp và lối dùng từ mới sẽ được hình thành dựa trên cấu trúc ngữ pháp của nhiều loại ngoại ngữ. Sẽ không lạ nếu những người viết ở thế hệ 9X trở về sau thường xuyên sử dụng các câu đảo ngữ hoặc bị động giống tiếng Anh hay dùng các từ ngữ như “si tâm”, “chấp niệm”... học từ tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc. Sự ảnh hưởng kỳ thú hơn đó là trong đời sống văn hóa Việt Nam đương đại, đó là sự xuất hiện của phù thủy áo đen cưỡi chổi, các vị thần Hy Lạp, những siêu anh hùng, thơ Haiku, tinh thần Thượng đế của Rumi... - những yếu tố hoàn toàn xa lạ với thế giới của những hình mẫu nghệ sĩ lịch lãm trong văn hóa Pháp, những người cần lao đấu tranh cho tự do trong văn học Nga, hay các mô thức Đường thi quen thuộc. Đi cùng với chúng là sự chuyển đổi hệ tư tưởng Trung - Nga - Pháp sang hệ tư tưởng đa chiều của thời đại công dân toàn cầu.

Chất lượng bản dịch cũng là một vấn đề lớn của dịch thuật Việt Nam. Một bản dịch có đem lại sức sống mới cho tri thức tại Việt Nam, hay sẽ cản trở độc giả tiếp nhân chính xác văn bản, đây là vấn đề gây tranh cãi trọng yếu; chứ không phải là sự bắt bẻ lối câu từ không hợp với văn phong tiếng Việt. Nếu đặt dịch thuật trong nhiệm vụ truyền bá tri thức thì tính chính xác được đề cao và người dịch đóng vai trò trung chuyển. Nhưng, quan điểm này mâu thuẫn với lối dịch phóng tác mà trong đó cá tính người dịch được thả sức thể hiện và đó là lý do gây ra cuộc tranh luận về dịch thuật sôi nổi trong giới tri thức những năm gần đây. May thay, sự tranh cãi này không mang đến sự cản trở hay thiệt thòi cho người đọc mà mang đến nhiều cơ hội lựa chọn hơn để phù hợp với nhu cầu của mỗi người đọc. Thật thú vị khi chúng ta có thể lựa chọn 4-5 bản dịch khác nhau của một cuốn sách, như trường hợp các cuốn như “Hoàng tử bé” của Antoine de Saint-Exupéry, hay “Bức họa Dorian Gray” của Oscar Wilde...

Nhưng, sau tất cả, những tri thức đã được dịch sang tiếng Việt ấy có được tận dụng trong quá trình kiến tạo xã hội tri thức không, hay chỉ trở thành một món hàng sưu tầm của dân chơi sách? Điều này phụ thuộc nhiều vào sự chủ động của dịch giả, đơn vị xuất bản, các đơn vị truyền thông sách và hệ thống giáo dục để tri thức không chỉ bất tử mà còn thật sự sống.

Hà Thủy Nguyên
.
.
.