Báu vật “xanh” của quá khứ

Chủ Nhật, 22/11/2020, 09:27
Cố Thủ tướng Anh William Gladstone từng nói, sắc xanh dương hẳn có một lai lịch rất khác thường trong lịch sử phát triển của nhân loại. Xuyên suốt thời cổ đại, những bản thảo của Hy Lạp, kho tàng văn học hay kinh thánh từ Trung Quốc đến Do Thái đều chưa từng đề cập đến từ chỉ màu này. Vài bản chép tay gọi tên sắc xanh dương chỉ được tìm thấy trong những tàn tích của nền văn minh Ai Cập cổ đại, để rồi từ đó hé mở vô số những bí ẩn về màu xanh đầy quyến rũ, trở thành cảm hứng nghiên cứu của khoa học hiện đại.


Sắc xanh độc đáo

Màu xanh Ai Cập được coi như một trong những màu nhân tạo đầu tiên, được phát hiện trên các bức họa trong một ngôi mộ thuộc thời kỳ trị vì của Ka-Sen - vị Pharaoh cuối cùng của Vương triều Thứ Nhất Ai Cập. Đến thời kỳ Tân Vương quốc, màu xanh này trở nên cực kỳ phổ biến, không chỉ là “tấm áo quý tộc” của các tạo hình tượng, bích họa trong lăng mộ và quan tài, mà còn cực kỳ được ưa chuộng trong những sản phẩm gốm sứ bấy giờ. 

Vượt ra khỏi biên giới Ai Cập, công thức bí truyền của sắc xanh “du lịch” đến Hi Lạp và Rome, lưu lại dấu ấn trên các bức tượng trong đền Parthenon ở Athens. Khoa học tin rằng, Ai Cập cổ đại là nền văn minh duy nhất gọi tên, hiểu sự sang trọng và tính thẩm mỹ cao của màu sắc này.

Người Ai Cập bị quyến rũ bởi màu xanh từ đá Lapis Lazuli, dùng chất liệu này để tạo “điểm nhấn vĩ đại” cho lễ đăng quang của Nữ hoàng Nefertiti bằng những món trang sức cầu kỳ, đậm chất hoàng gia. Họ đã bí mật tạo nên công thức chế phẩm màu xanh từ khoảng năm 200 trước công nguyên, ánh lên sắc màu từ đậm cho đến hơi nhạt tuỳ thuộc vào công đoạn nghiền và pha trộn nguyên liệu. 

Nhiều quan điểm tin rằng người Trung Cổ đã tận dụng từ lá, vỏ ngoài đến quả của loại cây chrozophora tinctoria để tách được một dung dịch có màu xanh tía độc đáo.

Họ chủ yếu tận dụng khoáng vật hiếm chứa đồng như cuprite, azurite và malachite, tập trung ở Sinai, để tạo ra sắc tố màu xanh dương và xanh lục. Các khoáng vật này được trộn với hỗn hợp calcium (CaCO3), cát cùng khoáng vật chứa potassium (K) trước khi làm nóng chảy ở nhiệt độ gần 950oC. Ngoài ra, họ cũng trộn thêm đồng vào mực carbon, để lại dấu ấn mực xanh trên nhiều bản thảo giấy cói ở thành phố Pathyris và thư viện đền thờ Tebtunis.

Tuy nhiên, cho dù lan toả ảnh hưởng đến tận Địa Trung Hải, phẩm xanh độc đáo này cũng dần biến mất khỏi đời sống sau khi đế quốc La Mã sụp đổ. Bước vào thời kỳ Trung Cổ, xanh dương vẫn tiếp tục được săn lùng, đặc biệt là ở châu Âu, trong bối cảnh các bản thảo viết tay đang rất thịnh hành. 

Lúc này, cái tên nổi bật nhất thuộc về tornasol, nhờ sắc xanh khác lạ, cùng khả năng lưu màu cực kỳ lâu. Màu xanh tía có nguồn gốc từ cây cỏ đem lại nét đặc trưng cho bất cứ thứ gì chúng nhuộm màu, thường được các nghệ nhân Trung Cổ sử dụng cho trang trí các bản thảo cùng bức họa tôn giáo. Nhờ sự lành tính, nên tornasol còn được tận dụng để làm đậm màu lớp vỏ ngoài phô mai xứ sở Hà Lan hay pha chế một số loại rượu mạnh.

Màu xanh sau khi được chiết xuất thành công sẽ ở dạng lỏng, rồi được ngâm với vải lanh để trở thành những “cỗ xe vải” vận chuyển đến các xưởng thủ công trên khắp châu Âu. Thế nhưng, sau khi “ông tổ nghề in” Johannes Gutenberg sáng chế ra kỹ thuật in ấn bằng chữ kim loại có thể dịch chuyển cùng đế chế sách in, các bản thảo dần mất đi vị thế trong xã hội, khiến màu xanh tornasol dần dần biến mất. Ngoài ra, phong cách trang trí Trung Cổ trở nên lỗi thời, màu xanh chàm lên ngôi trở thành nguồn nguyên liệu mực in chính. Sự xuất hiện của màu nhân tạo đã chính thức chấm hết cho kỷ nguyên xanh tornasol, khiến toàn bộ công thức liên quan đến nguyên liệu và kỹ thuật tách màu chìm vào quên lãng từ thế kỷ 19.

Báu vật thời Trung Cổ

Suốt hơn một thế kỷ, nhiều thế hệ nhà khoa học đã tham gia vào hành trình “hồi sinh” màu tornasol đã chết. Họ tìm cách giải mã những bản thảo có niên đại từ khoảng thế kỷ 15, đối diện với thách thức lớn khi ngôn ngữ Judeao-Portugeuse trong các bản chép tay còn sót lại (thuộc ngữ hệ vùng Lusitania, phổ biến trong cộng đồng người Do Thái ở Bồ Đào Nha thời Trung Cổ) đã biến mất từ lâu. 

Xanh Ai Cập hay tornasol rất được ưa chuộng cho công đoạn “trang điểm” các bản thảo.

Thậm chí, quá trình chuyển ngữ một số tên nguyên liệu hay hướng dẫn tinh chế còn gặp nhiều bất đồng bởi chưa có sự thống nhất trong các nhóm nghiên cứu, hay tồn tại nhiều dị bản về loài thực vật đứng phía sau sắc xanh tía dị thường. Sự thật chỉ được hé lộ bởi một vài linh mục sinh sống ở vùng Gallargues-le-Montueux (Pháp).

Công thức tạo nên xanh tornasol liên quan đến một loại thực vật có tên gọi chrozophora tinctoria (thuộc họ thầu dầu). Chrozophora tinctoria được cho chỉ tồn tại ở vùng Monsaraz thuộc phía Nam Bồ Đào Nha, mọc dại ven đường với những quả mọng nhỏ cỡ hạt lạc. Nhiều quan điểm tin rằng người Trung Cổ đã tận dụng từ lá, vỏ ngoài đến quả của loại cây này để tách được một dung dịch có màu xanh tía độc đáo. Các thành phần này sẽ được thu hoạch trong tháng 8 hoặc 9 hàng năm, riêng vỏ quả sau khi tách sẽ được phơi khô hoàn toàn trong những ngày nắng lớn. Những quan sát ban đầu cho thấy thịt quả có màu xanh lạ mắt, đem ép kiệt tạo nên một dung dịch xanh tím bám rất chắc trên bề mặt giấy hoặc vải.

Dựa vào hướng dẫn chi tiết trong bản thảo cổ, người Trung Cổ cho thấy sự khéo léo khi tách thịt quả sạch sẽ và không làm vỡ các hạt nhỏ để tránh làm loãng chất màu. Kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm cho biết một trong những thành phần chính của màu xanh tornasol là anthocyanins, thường xuất hiện trong các nhóm quả mọng. Tuy nhiên, hạt của loại quả chrozophora tinctoria chứa một lượng lớn polysaccharides, có thể làm giảm độ tinh khiết của anthocyanins khi phản ứng với anthocyanins để tạo nên một số chất với độ nhớt dính cao. Điều này lý giải nhiều biểu tượng “cẩn thận”, hay “giữ nguyên hạt” xuất hiện trong công thức xanh tornasol của người cổ đại.

Chưa hết, nhiều bản thảo còn hướng dẫn cách “vắt” màu xanh từ lớp vỏ quả được phơi khô, mà nhờ đó cho sắc tornasol “không thể sao chép”. Vì thế, nhóm nghiên cứu nghi ngờ màu xanh còn được tạo nên nhờ sự sản sinh chrozophoridin, nhóm chất mang màu đặc trưng của cây chrozophora tinctoria. Họ cũng tiếp tục khám phá ra sự cầu kỳ trong bảo quản màu được chính những thợ thủ công lành nghề nhất thời Trung Cổ sáng tạo và lưu truyền suốt nhiều thế kỷ. Người xưa thường dùng vải thấm đẫm phẩm xanh, phơi khô để giữ màu, và sẽ “kích hoạt” sắc màu tươi tắn cho các lần sử dụng sau bằng cách làm ướt lại tấm vải.

Giấc mơ hồi sinh

Khám phá thành công những bí mật của người xưa, khoa học tin rằng hoàn toàn có thể tạo nên tornasol 2.0 thời hiện đại với công thức màu chính xác nhất, có đầy đủ đặc tính như thời Trung Cổ. Nguồn gốc hữu cơ đến từ một loài cây độc nhất vô nhị sẽ tạo nên chất liệu bảo vệ những sắc màu đẹp đẽ của quá khứ, gìn giữ tác phẩm nghệ thuật và sự sáng tạo của người xưa, để cho thế hệ tương lai chiêm ngưỡng. Bên cạnh đó, việc khám phá thành công đặc tính của màu xanh Ai Cập cổ cho thấy tiềm năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, như kỹ thuật quang phổ hấp phụ cận hồng ngoại để xác định thành phần hóa học trong các mẫu sinh hoá, dược phẩm và thực phẩm.

Người Ai Cập bị quyến rũ bởi màu xanh từ đá Lapis Lazuli, dùng chất liệu này để tạo nên “tấm áo quý tộc”

Trên thực tế, mãi cho tới cuối thế kỷ 19, khoa học mới nhận thấy màu xanh do người Ai Cập cổ đại tạo nên phát ra tia hồng ngoại khi được chiếu ánh sáng đỏ trong một khoảng thời gian dài, hoàn toàn không thể quan sát bằng mắt thường nhưng sở hữu nhiều khả năng thú vị. 

Một trong số đó chính là quá trình hình thành những cấu trúc nano siêu nhỏ, với độ dày khoảng 1 đến 100nm khi màu xanh này tan hoàn toàn trong nước ấm và để lắng trong vài ngày. Khi ấy, màu xanh cổ đại trở thành “miền đất hứa” tạo nên chất nhuộm sinh học trong vi sinh học và mô học, cho phép các nhà khoa học giám sát sự di chuyển của các cấu trúc nano được thêm vào mô thực - động vật để phỏng đoán cơ chế phát triển của nhiều sinh vật sống.

Các bức xạ tương tự hồng ngoại từ màu xanh Ai Cập có thể xuyên qua các mô tốt hơn nhiều dạng sóng khác, kích thích các hợp chất nhạy sáng sản sinh fluorophore (hợp chất hóa học huỳnh quang có thể phát lại ánh sáng khi bị kích thích do nguồn sáng), nhờ vậy gia tăng khả năng quan sát các cấu trúc siêu nhỏ. Đây là cơ hội lý tưởng thúc đẩy công nghệ chẩn đoán hình ảnh cho nghiên cứu y sinh của tương lai. 

Độc đáo hơn, xuất hiện ý tưởng táo bạo “phủ xanh” nhà bằng màu xanh Ai Cập, bởi nó mang theo đặc tính giúp các khối kiến trúc giảm hấp thu năng lượng, đồng thời tăng cường hoạt động một số loại tế bào quang điện trong pin mặt trời nhờ khả năng phát tán hồng ngoại cực mạnh. Giấc mơ này cuốn hút giới nghệ sĩ và kiến trúc sư, đến mức họ phải thừa nhận rằng màu xanh dương dường như đã vượt qua giới hạn chỉ gói gọn trên giấy - điều mà ít có màu sắc nào làm được...

Lê Nam
.
.
.