“Hô biến” rác thải vì một trái đất... khỏe mạnh hơn

Thứ Tư, 16/05/2018, 09:22
Rác thải - những thứ con người “thải ra” mỗi ngày - tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại tiềm ẩn vô vàn nguy cơ với môi trường sống. 

Hiện nay, không nhiều người có kiến thức về rác, không nhiều các gia đình thực hiện phân loại rác, và đa số người dân cũng chưa nhận thức đủ những mối nguy tiềm ẩn khi để rác thải “trôi nổi” ở môi trường sống.

Trong bối cảnh này, các sáng kiến tái chế hay quy đổi rác thải cũng như các vật dụng bỏ đi ngày càng được khuyến khích để tiết kiệm nguồn nguyên liệu và hạn chế ô nhiễm môi trường. 

Những ý tưởng độc đáo xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, phải kể đến như thanh toán bằng rác, đổi rác lấy đồ ăn, tái chế rác thải thành phân bón hay “hô biến” rác thành nguyên vật liệu xây dựng. 

Đây chính là nhân tố quan trọng góp phần làm môi trường sống trở nên “sạch hơn”, đồng thời cũng trở thành bài học cho nhiều quốc gia hay tổ chức nhằm hướng tới mục tiêu cắt giảm lượng rác thải trên toàn thế giới vì một trái đất “xanh và khỏe mạnh hơn”.

Thanh toán bằng… rác

Ý tưởng rất độc đáo “thanh toán bằng rác” được cặp vợ chồng người Indonesia Sarimin và Suyatmi hiện thực hóa bằng nhà hàng Methane Gas ở Semarang. 

Theo đó, thay vì trả tiền mặt cho đồ ăn, thực khách đến đây sẽ trả bằng rác – một chính sách khó tin, độc nhất vô nhị và gây sốc trong dư luận. Thông thường khi bước vào một nhà hàng ăn uống, thực khách sẽ cần kiểm tra ví tiền. Tuy nhiên, đến với nhà hàng Methane Gas, tiền mặt hay thẻ thanh toán đều trở thành thứ vô giá trị vì ở đây chỉ nhận thanh toán đồ ăn bằng rác. 

Khác với nhiều nhà hàng khác phải chọn vị trí bắt mắt, hút khách, trang trí tinh tế, Methane Gas có vị trí “đắc địa” ngay cạnh bãi rác Jatibarang - nơi những người dân sống trong vùng thường đến để nhặt rác bằng nhựa hoặc kính để đem bán lấy tiền kiếm sống.

Cặp vợ chồng chủ nhà hàng kỳ lạ này có “thâm niên” 40 năm nhặt rác nên họ hiểu được nỗi vất vả của những người đi thu gom rác kiếm tiền khi mỗi ngày chỉ kiếm được chưa đến 25USD nhưng phải trang trải rất nhiều chi phí cho cuộc sống. 

Sarimin và Suyatmi đã quyết định mở ra nhà hàng với mong muốn giúp đỡ phần nào cho người nghèo. Đây là nơi những người dân sống trong vùng thường đến để nhặt rác bằng nhựa hoặc kính để đem bán lấy tiền. 

Những ý tưởng “hô biến” rác thải độc đáo giúp thế giới hướng đến mục tiêu vì một trái đất “xanh và khỏe mạnh hơn”.

Nhà hàng sẽ hoạt động giống như nơi thu gom rác khi thực khách không cần mang tiền mặt đến ăn mà sẽ dùng chính chất thải tái chế họ vừa nhặt được để trao đổi. Nhà hàng sẽ cân rác, tính giá trị rồi trừ vào tiền ăn và trả lại tiền thừa (nếu có).

Việc làm này không chỉ góp phần giảm thiểu rác thải và hỗ trợ được cho những người nghèo mà thu nhập của hai vợ chồng cũng tăng lên. Rõ ràng, đây là một ý tưởng sáng tạo, gắn với vấn đề thực tiễn, mà có lợi cho cả người cho và người nhận, tạo nên một “cơn địa chấn” nhỏ ở xã hội Indonesia.

Đổi rác lấy thực phẩm

Nhiều người cho rằng “đối rác lấy thực phẩm” là một ý tưởng điên rồ, nhưng trên thực tế đã tồn tại một số mô hình hiện thực hóa ý tưởng này. 

Tại Kenya, nhà bếp cộng đồng đang dần trở nên phổ biến với công thức hoạt động khá “dị”: người dân mang rác tới nhà bếp, sử dụng rác làm chất liệu đun nấu và sau đó... thưởng thức các món ăn. 

Ý tưởng do Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) tài trợ trị giá 10.000USD. Khoảng 50 bạn trẻ thất nghiệp trong khu vực được chọn đi thu gom rác hai lần mỗi tuần, sau đó họ phân loại rác để chia ra những thứ bán được và những thứ sẽ dùng phơi khô để làm chất đốt cho nhà bếp cộng đồng. Nhà bếp cộng đồng có thể tiêu thụ 500kg rác mỗi ngày. 

Số rác nhiên liệu này có thể đun nấu nước nóng pha trà, nấu thức ăn, nước nóng để bán. Những người đi nhặt rác như thế không chỉ làm sạch môi trường sống trong khu vực mà còn kiếm thu nhập đủ sống, đồng thời cũng có ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường. Chương trình này sắp tới sẽ được áp dụng ở nhiều khu đô thị ổ chuột tại Kenya.

Trong khi đó, tại Mexico xuất hiện những phiên chợ đổi rác lấy đồ ăn. Chợ Mercado de Trueque là một trong những “sáng kiến xanh” được chính quyền thành phố Mexico khởi xướng vài năm trở lại đây với mục đích dọn sạch thành phố. Với khoảng 12.000 tấn rác được thải ra mỗi ngày, thành phố Mexico được coi là khu vực ô nhiễm bậc nhất thế giới. 

Trong nhiều cách làm sạch thành phố, thủ đô Mexico đã tìm ra một phương án khá hay: đổi rác lấy một loại “tiền” để mua lương thực hay vật dụng cần thiết nào đó. Biện pháp có vẻ khá hữu hiệu và gợi lên được ý thức bảo vệ môi sinh ở từng người dân Mexico. 

Nhà hàng Methane Gas hoạt động với chính sách độc đáo “thanh toán bằng rác”.

Phiên chợ Mercado de Trueque bắt đầu hoạt động từ năm 2012 và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của dân chúng. Ngay trong ngày đầu tiên “khai trương”, họ đã bán rác và mang về được gần ba tấn nông sản. 

Dần dần, những phiên chợ như thế được tổ chức định kỳ hàng tháng. Một “khu chợ trao đổi”, gần như là một loại chợ “đồng nát”, được hình thành. Mỗi người đến đây đều mang theo rác có thể tái chế được, xếp hàng dài để đến lượt mình “bán” rác.

Xin rác về ủ phân

Sáng kiến La Tricyclerie do Coline Billon và một nhóm bạn ở Nantes (Pháp) khởi động. Theo đó, La Tricyclerie là từ viết tắt của các từ “phân loại rác”, “tái chế” và “đạp xe”, nói về các công đoạn trong quá trình thu gom các chất thải hữu cơ để xử lý thành phân bón sinh học. 

Khi đó, Coline Billon đã tự đạp xe tới khắp các nhà hàng trong thành phố để “xin” rác thải thực phẩm về ủ phân hữu cơ. Khi mới thành lập, chỉ có 8 nhà hàng tham gia sáng kiến La Tricyclerie.

Đến nay, đã có 23 nhà hàng và 9 doanh nghiệp ở Nantes đồng ý trở thành đối tác của nhóm. La Tricyclerie hiện có 2 nhân viên được trả lương và hoạt động của nhóm dựa chủ yếu vào 10 tình nguyện viên. 

Mỗi tuần 2 lần, những người này đạp xe tới các nhà hàng đối tác để thu gom rác mang về ủ. Sau đó, phân hữu cơ sẽ được phân phối miễn phí cho nhà vườn của các khu dân cư. Mỗi tháng, nhóm thu gom được khoảng 1,5 tấn chất thải và đang đặt mục tiêu giảm 40% lượng chất thải thực phẩm trong thành phố.

Ở Pháp, các loại chất thải có thể phân hủy sinh học vốn chiếm đến 1/3 lượng rác thải trong các hộ gia đình lại thường bị vứt bỏ. Nhiều người ví chất thải này như “vàng đen” bởi nó có thể sử dụng làm phân bón sau khi được ủ kỹ. Với ý nghĩa đó, tác động của sáng kiến đã vượt khỏi phạm vi Nantes. 

Một số cá nhân ở Perpignan (thành phố miền nam nước Pháp), thủ đô Brussels (Bỉ), hay đảo La Reunion ở Ấn Độ Dương… đã liên hệ với La Tricyclerie để học hỏi về mô hình. 

Bên cạnh đó, La Tricyclerie đã nhận được giải thưởng trị giá 15.000USD tại lễ trao giải “Những nhà vô địch trẻ trái đất” nhằm vinh danh các sáng kiến bảo vệ môi trường – một nguồn kinh phí lớn để giúp nhóm tiếp tục thực hiện và phát triển sáng kiến.

La Tricyclerie bao gồm “đạp xe”, “phân loại rác”, và “tái chế” thành phân bón sinh học.

Xây dựng nhờ rác

Rác có mặt ở khắp nơi, thế nên giới khoa học đang tìm cách để “hô biến” rác thành những nguyên vật liệu phục vụ cho đời sống của con người. 

Một công ty Ấn Độ sản xuất Modroof - một loại mái lợp được làm từ rác thải tái chế - để giúp đỡ người nghèo sinh sống trong các khu nhà ổ chuột. Mái lợp được làm từ hỗn hợp bìa cứng, bao bì và rác thải nông nghiệp tái chế được nén chặt, có độ bền lên tới 20 năm và có khả năng chống chịu tốt. Mái lợp không cháy và chống nước, đồng thời có chi phí chỉ bằng 1/10 so với mái nhà đổ bê tông. 

Một phiên bản cao cấp hơn được tích hợp các tế bào quang điện, giúp chuyển năng lượng mặt trời thành điện năng, đủ để thắp sáng đèn LED và sạc điện thoại.

Tại Anh, các kỹ sư đã tạo ra một loại chất liệu thảm đường bằng nhựa phế thải tái chế có chất lượng tốt hơn đến 60% và tuổi thọ kéo dài hơn 10 lần so với những tuyến đường nhựa thông thường. Sản phẩm này sử dụng hỗn hợp nhựa phế thải, chất thải nông nghiệp và chất thải thương mại, tạo ra chất liệu MR6 thay thế phần lớn nhựa bitum để thảm đường thông thường. 

Theo đó, các con đường được xây dựng với MR6 có khả năng bị nứt thấp hơn đường nhựa thường. Ngoài ra, nó còn giúp duy trì độ bền của lốp xe, điều này có thể giúp tiết kiệm nhiên liệu cho bất kỳ loại xe đi trên đường này.

Lĩnh vực xây dựng tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ tái chế rác thải khi ximăng được tạo ra từ vụn thủy tinh và rác. Các nhà khoa học Mexico đã sản xuất thành công một loại ximăng bằng cách “tái sinh” thủy tinh và rác thải đô thị. 

Ưu điểm của loại ximăng “sinh thái” mới phát minh là có thể tận dụng mọi loại thủy tinh rác thải được thu gom. Cách làm nghe có vẻ đơn giản: rửa sạch thủy tinh, sau đó sấy khô, nghiền nhỏ, cán thành bột và trộn với đá vôi. 

Hỗn hợp này sau đó được kích hoạt hóa tính bằng các hợp chất của kim loại kiềm, để biến thành một dạng hợp chất dẻo giống như ximăng thông thường trộn với nước, trước khi hóa cứng. Sau khi hóa cứng, loại ximăng này có đặc điểm cơ học ưu việt tương tự loại ximăng chuyên dụng để sản xuất bêtông.

Anh Lâm
.
.
.