Thời đại công nghệ VR “sống ảo” lên ngôi?

Thứ Sáu, 02/06/2017, 13:50
Khi Facebook mua lại Oculus Rift (một công ty non trẻ sản xuất thiết bị thực tế ảo) vào năm 2014 với giá 2 tỷ USD, CEO Mark Zuckerberg đã đưa ra một dự đoán khá táo bạo rằng thực tế ảo (VR) sẽ nhanh chóng trở thành một phần trong cuộc sống của loài người. 

Công nghệ thực tế ảo được kỳ vọng đem đến một trải nghiệm hoàn toàn khác bởi "thế giới mới" này không bị hạn chế bởi các quy luật vật lý như thế giới thực, cũng như bị bó hẹp trong khuôn khổ luật lệ hay quy tắc xã hội hiện có. Trên lý thuyết, mọi quy tắc có thể được sáng tạo lại bởi các công ty phần mềm.

Thế nhưng, VR có vẻ như đang "giậm chân tại chỗ", và bắt đầu bộc lộ mặt trái đầy rủi ro. Giới quan sát nói rằng, với đặc thù của mình, VR đang dần thay đổi cách con người tương tác với nhau, làm cho lối "sống ảo" thêm trầm trọng hơn. Giờ đây, con người không chỉ nhìn thấy những gì trên màn hình mà còn như hóa thân vào ngay trong môi trường ảo đó, thậm chí có thể tương tác như một nhân vật thật sự. 

Rõ ràng, sự tiến bộ của công nghệ là đáng mừng khi mà khoảng cách giữa thực tế và thế giới ảo dần được xóa nhòa. Nhưng nếu quá đắm chìm vào VR, và để VR kiểm soát cuộc sống thực, thì lại là một thảm họa.

Ảo như thật

Thực tế ảo là môi trường 3D được mô phỏng bởi máy tính mà không cần dựa vào thế giới thật xung quanh. Thực tế ảo không phải là câu chuyện mới khi ngay từ cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, người ta có những thiết bị cụ thể với công nghệ VR và 3D. 

Cho đến đầu những năm 90, báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực cho chủ đề này. Kì vọng được đẩy lên cao, nhưng do những khó khăn về mặt công nghệ, kết quả thực tế đã không tương xứng. Vì thế, VR dần bị lãng quên, nhường chỗ cho “ngôi sao mới” thời đó là mạng Internet.

Sự tiến bộ của công nghệ là đáng mừng khi mà khoảng cách giữa thực tế và thế giới ảo dần được xóa nhòa.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây VR mới được ứng dụng rộng rãi nhờ những tiến bộ trong phần cứng và phần mềm. Chính vì yếu tố này mà công nghệ thực tế ảo rất phù hợp đối với ngành công nghiệp game. 

Bên cạnh đó, khi VR được khai thác ngày càng sâu rộng thì nó dần trở thành một xu hướng và trào lưu, đến mức các nhà sản xuất thiết bị di động bắt đầu tích hợp VR với thiết bị để con người có thể "sống ảo" mọi lúc mọi nơi.

Mười năm trước, không ai hình dung được điện thoại thông minh sẽ thay đổi thế giới như thế nào. Thực tế ảo cũng đang đứng trước cơ hội như vậy, dù không ai nói trước được tương lai.

Thực tế ảo hồi sinh và bắt đầu gây được sự chú ý của dư luận vào năm 2014 khi Facebook mua lại Oculus Rift. Các ông lớn khác (như Google, Microsoft, Apple hay Samsung và HTC) cũng không chịu đứng ngoài cuộc khi đua nhau mua lại các công ty thực tế ảo hoặc trình diễn các công nghệ liên quan.

Họ nhấn mạnh, tiềm năng của VR thực sự rất lớn, có thể được ứng dụng cho nhiều lĩnh vực, từ việc huấn luyện (lái máy bay ảo, nhảy dù, chiến đấu), hội họp từ xa, giáo dục, y học (tập luyện phẫu thuật trên bệnh nhân ảo, tham gia chỉ đạo phẫu thuật từ xa, và chữa trị bệnh tâm lý) hay điện ảnh.

Thời gian gần đây, VR còn tạo nên những hiệu quả bất ngờ trong kinh doanh bất động sản khi mô phỏng nhà mẫu tương lai đang là phương thức phổ biến trong chiến dịch bán nhà ở cao cấp trên toàn cầu. Công cụ VR có thể giúp khách mua nhà tiết kiệm thời gian và tiền bạc bằng việc giảm số lần di chuyển đến dự án. 

Các nhà môi giới cũng tránh được thời gian di chuyển dài và tăng lượt khách ghé thăm trong một ngày, cũng như kết nối với người mua tiềm năng từ những nơi xa. Khách mua có thể khám phá mọi góc cạnh 360 độ của dự án và "nhập vai" vào môi trường thực. Trong khi đó, nhà môi giới cũng có thể đeo kính thực tế ảo và tham quan dự án cùng lúc với khách ở bất cứ nơi đâu, từ đó cung cấp thông tin chi tiết cho khách hàng.

Sự bùng nổ của VR còn mang đến khái niệm mới là "du lịch ảo", cho phép người dùng trải nghiệm điểm đến trước khi quyết định “rút hầu bao". Nhiều công ty du lịch trên thế giới đã nhanh chân khai thác thị trường du lịch ảo bằng cách xây dựng một ứng dụng cho người đam mê cả thực tế ảo và du lịch. Một trong những yếu tố khác biệt giữa du lịch ảo và du lịch thật là chi phí sẽ chỉ tốn khoảng 10% mức phí so với tour du lịch thông thường. 

Ngoài vấn đề chi phí, du khách cũng không phải chịu cảnh chen chúc, chờ đợi ở sân bay hoặc tránh nguy cơ gặp phải những rủi ro trên đường đi. An toàn, tiết kiệm nhưng vẫn mang đến những trải nghiệm độc đáo, mới lạ là những ưu điểm nổi bật của du lịch thực tế ảo.

"Ác mộng" tương lai?

Nhiều bằng chứng cho thấy VR đã không trở thành một công nghệ "nóng" như mọi người nghĩ. Nó đang đi theo con đường của đồng hồ thông minh: khi ra mắt thì rất hứa hẹn, nhưng càng ngày càng nhàm chán. Theo thống kê, số lượng các thiết bị VR tiêu thụ trên toàn cầu trong năm 2016 ở mức rất thấp. 

Sau thời điểm ra mắt của kính Oculus Rift, giới quan sát vẫn chưa thấy có một trò chơi hay ứng dụng đột phá nào dành cho VR. Hơn nữa, giá thành của các thiết bị VR cũng là rào cản cho phần lớn người dùng. Thậm chí, nếu muốn điều khiển được chuyển động trong thế giới ảo thay vì đứng yên một chỗ, người dùng sẽ phải bỏ thêm tiền cho các thiết bị phụ trợ.

Theo CEO Mark Zuckerberg, sẽ phải mất ít nhất 10 năm nữa để VR có thể ra thị trường rộng rãi. VR có thể rất phù hợp để chơi game, nhưng rõ ràng nó không phải là một công nghệ điện toán mới. VR chỉ là bước đệm cho công nghệ AR (thực tế tăng cường), nơi mà các hình ảnh số do máy tính tạo ra sẽ được lồng vào thế giới thực. 

Cả Google và Facebook từng nhận định rằng con người đang ở giai đoạn đầu của công nghệ VR, và tất cả mọi thứ mà các công ty công nghệ đang xây dựng ngày nay sẽ là tiền đề cho những dự án AR trong tương lai. Vì thế, trong khi chờ đợi, VR sẽ chỉ là một sản phẩm "lấp chỗ trống" trên thị trường.

Du lịch thực tế ảo cho phép người dùng trải nghiệm điểm đến trước khi quyết định "rút hầu bao".

Khi mà công nghệ thực tế ảo trở nên phổ biến rộng rãi, con người có thể xây dựng được một xã hội ảo đạt mức độ hoàn thiện nhất định và có số lượng người tham gia đông đảo. Khi yếu tố nhập tâm và tương tác của thực tế ảo kết hợp với nhu cầu giao lưu chia sẻ và thể hiện của mạng xã hội, sẽ chẳng còn gì có thể khiến loài người say đắm hơn.

Nếu chất lượng của thế giới ảo đạt mức bằng hoặc cao hơn thế giới thực thì liệu còn ai muốn sống trong thế giới thực? Nhiều người sẽ "nghiện" thực tế ảo, dành phần lớn thời gian sống cuộc sống ảo, và thậm chí kiếm tiền từ đó. Vì thế mà sự lấn lướt của cái ảo trước cái thật sẽ trở thành điều không tránh khỏi trong tương lai.

Chưa hết, công nghệ dù siêu đẳng tới đâu cũng chỉ là công cụ phục vụ con người. Nó có mặt trái và thường gây ra lợi bất cập hại nếu như bị lạm dụng. Đơn cử như việc sử dụng kính VR thường xuyên không có lợi cho mắt và não, đặc biệt là ở trẻ em đang trong quá trình hoàn thiện các cơ quan chức năng này. 

Hãng Samsung đã cho in trên hộp đựng và trong sách hướng dẫn sử dụng chiếc kính Gear VR với lưu ý rằng không dùng thiết bị này cho trẻ em dưới 13 tuổi và cứ xem chừng 30 phút nên nghỉ mắt 10 đến 15 phút. 

Còn về tác động lên tâm sinh lý con người và xã hội, công nghệ VR có những nguy cơ chẳng nhẹ nhàng chút nào. Trước giờ, các nhà khoa học đã cảnh báo ảnh hưởng của game tới những người chơi, tỷ lệ thuận theo độ nghiện game. Bây giờ, với thiết bị chơi game VR, người chơi càng bị ảnh hưởng nặng nề, nhanh hơn và sâu hơn.

Đã có tiền lệ một số người đã thiệt mạng trong vài năm qua vì những thế giới ảo, nhất là khi thế giới ảo ấy thâm nhập vào các trò chơi trực tuyến thi thố thành tích. Vài trường hợp "gục" trên bàn phím vì kiệt sức, do không đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của đời sống thực như ăn uống, ngủ nghỉ hay tập thể dục. 

Nghiêm trọng hơn, nhiều nạn nhân phải trải qua giai đoạn "quá tải liên tục" về thể chất lẫn tinh thần, dẫn đến tử vong. Khi mà công nghệ càng ngày càng thấm sâu vào đời sống thì các nhà thiết kế tạo ra game và các thế giới ảo không hề có phân biệt nào với thế giới thực, và có lẽ sắp tới, những cái chết trong thực tại ảo sẽ xuất hiện thường xuyên hơn.

Dĩ nhiên công nghệ thực tế ảo sẽ chưa phát triển nhanh đến độ xây dựng được ngay những thế giới ảo phức tạp, tinh tế, và hoàn chỉnh. Trong những năm tới, chắc chắn việc ứng dụng thực tế ảo vào đời sống sẽ có nhiều bước tiến, tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo. 

Có thể, VR sẽ không "đe dọa tính mạng" con người nhưng nó sẽ ngày càng thực hơn và thấm sâu vào đời sống, khiến cả xã hội rơi vào những thế giới ảo đầy cám dỗ. Thời đại của thực tế ảo đã tới và ngày càng phát triển, nhưng nếu đắm chìm vào loại công nghệ này thì con người sẽ đi về đâu?

Anh Doãn
.
.
.