Chuyện những người béo phì được đổi đời nhờ phẫu thuật

Thứ Tư, 12/09/2018, 09:27
Hơn 20 năm qua, tỷ lệ béo phì ở nước ta tăng tới 27,5% ở người lớn và 47,1% ở trẻ em. Việt Nam đang phải đối với mặt tỷ lệ người thừa cân, béo phì chiếm tới 25% dân số. 

Béo phì không chỉ khiến người bệnh khó khăn trong đi lại, sinh hoạt, mà đáng lo ngại khi bệnh béo phì luôn đi kèm các bệnh tiểu đường, huyết áp, trầm cảm, vô sinh, thoái hóa khớp, cột sống… tác động xấu tới sức khỏe người bệnh, thậm chí, gây tử vong. 

Rất nhiều người đã áp dụng đủ phương pháp, từ thể dục tới giảm ăn, rồi dùng thuốc giảm cân nhưng đều vô vọng. May mắn là những năm gần đây, Bệnh viện Việt Đức là đơn vị duy nhất ở Việt Nam đã nghiên cứu và áp dụng thành công phương pháp can thiệp vào đường tiêu hóa, để “đổi đời” cho nhiều nạn nhân của căn bệnh khó chịu này. 

Khát vọng được là người bình thường…

Tôi ghé thăm chị Phạm Nhàn (49 tuổi, quốc tịch Đức) ở Bệnh viện Việt Đức trước ngày chị lên bàn mổ. Người phụ nữ này lặn lội từ một thành phố biển xinh đẹp của Đức về Việt Nam để phẫu thuật điều trị béo phì. 

Gương mặt xinh đẹp, hoàn toàn đối lập với thân hình nặng nề và những bước đi khó khăn trông thật tội nghiệp. Bằng thứ giọng lai nhẹ nhàng của người đã gần cả cuộc đời sống ở xứ khác, chị kể cho tôi nghe nỗi khổ của căn bệnh béo phì mà chị phải gánh chịu hơn 10 năm qua.

Năm 1988, Phạm Nhàn chỉ nặng 44kg, nhưng sau khi sinh đứa con thứ 2, chị bị mắc bệnh béo phì và tăng cân không kiểm soát được. Giờ thì chị đã xấp xỉ 100kg trong khi chiều cao chỉ khoảng 1,5m. 

Bệnh béo phì làm rối loạn chuyển hóa toàn bộ cơ thể, khiến chị bị tăng huyết áp, máu nhiễm mỡ, suy giáp, viêm khớp và tiểu đường cùng lúc. Chị đã tham gia 3 khóa học dành cho bệnh nhân tiểu đường nhưng vẫn không kiểm soát được tiểu đường. 

Bác sĩ cho biết chị còn có nguy cơ phải cưa chân do tiểu đường. Bệnh viêm khớp khiến chị không thể đứng lâu, đi lại khó khăn và phải đặt đóng loại giày riêng biệt mới đi được. Bệnh chồng lên bệnh khiến chị bị stress nặng.

Bác sĩ Bùi Thanh Phúc tư vấn cho bệnh nhân Phạm Nhàn trước ca mổ.

“Chỉ riêng chế độ ăn kiêng đã khiến tôi vô cùng khổ sở. Mỗi bữa, tôi phải tính toán từng gam tinh bột, từng miếng hoa quả để áng chừng lượng calo rồi tiêm insulin trước khi ăn. Có khi ăn nửa quả sầu riêng, hay uống một ly trà sữa là đổ bệnh liền. Trước, ngủ một giấc thức dậy thì khỏe, nay thức dậy luôn thấy người mệt mỏi, mà uống nước tăng lực thì lại bị tăng lượng đường trong máu” – Chị Phạm Nhàn mệt mỏi kể lại.

Đến lúc không thể chịu nổi những bệnh tật do căn bệnh béo phì mang đến, chị tìm đến bác sĩ xin được phẫu thuật điều trị giảm béo, nhưng ở Đức, trọng lượng của chị chưa được phép phẫu thuật. 

Chị lên mạng tìm thông tin và biết ở Việt Nam, Bệnh viện Việt Đức đã phẫu thuật điều trị thành công căn bệnh này, nên nhờ người thân ở Việt Nam liên lạc với bác sĩ Bùi Thanh Phúc, một bác sĩ của Khoa Phẫu thuật tiêu hóa đang tiến hành nhiều nghiên cứu sâu các kỹ thuật can thiệp vào đường tiêu hóa để điều trị béo phì.

Phạm Nhàn cho biết, chị lựa chọn Bệnh viện Việt Đức vì đây là nơi từng hợp tác với Đức và được Đức hỗ trợ nhiều, nên chắc chắn, cả tay nghề bác sĩ lẫn trang thiết bị đều không thua kém bệnh viện ở Đức.

Ngày hôm sau, trước khi ca mổ nội soi tạo hình dạ dày ống đứng cho chị Phạm Nhàn diễn ra, tôi đã có mặt, chứng kiến hơn chục nhân viên y tế chuẩn bị cho ca mổ trước cả tiếng đồng hồ. Kíp gây mê, kíp vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân, kíp chuẩn bị máy móc v.v… 

Việc gây mê cho bệnh nhân béo phì mất nhiều thời gian vì đòi hỏi sự cẩn trọng đặc biệt, do người béo phì cổ ngắn, nhiều mỡ nên lấy ven khó, hơn nữa, nguy cơ tai biến cao hơn vì người béo phì thường có nhiều bệnh đi kèm. Những nguy cơ sau mổ của người béo phì cũng luôn rình rập, đòi hỏi các thầy thuốc phải chính xác trong từng chi tiết nhỏ nhất.

Do trường hợp của chị Phạm Nhàn có nhiều bệnh khá phức tạp, nhiều nguy cơ, nên Giáo sư (GS) Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã phải bỏ dở một cuộc họp quan trọng để trực tiếp thực hiện ca mổ, với sự phụ trợ của Thạc sĩ (Ths) Bùi Thanh Phúc. 

Với tay nghề của một trong các giáo sư ngoại khoa hàng đầu Việt Nam cùng hệ thống máy móc, thiết bị y tế của một phòng mổ hiện đại nhất nước, ca phẫu thuật đã diễn ra hoàn hảo. Vết mổ nhỏ, thời gian tiến hành nhanh, vết cắt dạ dày liền ngay, không chảy máu, không biến chứng, nên bệnh nhân hồi phục rất nhanh. 

Chỉ sau một tuần, chị Nhàn đã được ra viện. Trọng lượng đã giảm được gần 10kg là khởi đầu để bệnh tiểu đường, viêm khớp, huyết áp của chị chấm dứt.

Khi ca mổ của chị Phạm Nhàn hoàn tất, tôi gọi điện cho anh Nguyễn Tuấn Điệp (40 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) để hỏi kết quả ca phẫu thuật nội soi tạo hình dạ dày ống đứng của anh cách đây 2 tháng. Anh Điệp rất cởi mở cho biết đã giảm được 20kg. 

Với anh Điệp, đây là một niềm vui khó tả sau nhiều năm anh bị bệnh béo phì, kéo theo hàng loạt bệnh phát sinh cùng những điều phiền phức khó nói trong cuộc sống...

Anh Điệp mắc bệnh béo phì từ khi còn rất trẻ và cân nặng tới 130kg. Trọng lượng tăng bao nhiêu, cuộc sống của anh gặp nhiều khó khăn bấy nhiêu. Bệnh béo phì không chỉ khiến anh đi lại khó khăn, nhất là phải leo cầu thang, đối với anh là một cực hình, mà anh còn bị tiểu đường týp 2, huyết áp cao và luôn mệt mỏi. Lo cho mình còn khó, nên anh không thể giúp gia đình được nhiều như trước.

Bác sĩ Bùi Thanh Phúc kiểm tra sức khỏe cho chị Vũ Thu P. (Từ Liêm, Hà Nội) nặng 150kg.

Anh Điệp kể, mỗi lần đi ra ngoài, anh luôn phải đối diện với những ánh mắt nhìn đầy “kỳ thị” về hình dạng “quá khổ” của anh, khiến anh rất ngại, đến mức chỉ muốn ở nhà. Khổ người quá cỡ nên mặc cái gì cũng không thể đẹp, khiến anh tự ti trong giao tiếp. 

Đặc biệt, có một điều mà những người mắc bệnh béo phì như anh Điệp rất khó nói, là “đời sống tình cảm” vợ chồng cũng bị ảnh hưởng.

“Vì thế, năm 2010, tôi đã đến Bệnh viện Việt Đức, trình bày nỗi khổ của mình và được GS. Trần Bình Giang khám rồi tư vấn nên phẫu thuật nội soi đặt vòng thắt dạ dày để điều trị. Sau khi phẫu thuật, tôi đã giảm được tới 60kg. Nhưng rồi, do hội chứng trào ngược nên tôi nhiều lần phải nới đai giảm béo. Sau vài năm, tôi phải tháo đai và căn bệnh béo phì quay trở lại cùng với những bệnh tật vốn đi liền với bệnh béo phì hành hạ. 

Một lần nữa, tôi lại tìm đến GS. Trần Bình Giang và lần này, GS. Giang lựa chọn cho tôi phương pháp điều trị khác là phẫu thuật nội soi tạo hình dạ dày ống đứng. Chỉ sau 2 tháng, tôi đã giảm được 22kg” – anh Điệp chia sẻ.

Cũng thời điểm này, Ths. Bùi Thanh Phúc nhận được cuộc gọi từ anh Nguyễn Văn Hùng (Gia Lâm, Hà Nội) phấn khởi thông báo sự tiến triển sau ca phẫu thuật nội soi tạo hình dạ dày ống đứng. Thật khó hình dung một người nặng tới 180kg, chỉ sau 4 tháng đã giảm được tới 40kg. 

Nửa năm trước, đây là điều trong mơ anh Hùng cũng không dám nghĩ có được, khi những điều bình thường với mọi người thì với anh lại là một khát khao cháy bỏng. 

Nhưng giờ đây, khát khao đó đã thành sự thật: “Tôi đã tự mình đi vệ sinh, tự đi lại mà không cần sự hỗ trợ của vợ như trước nữa! Bệnh tiểu đường, huyết áp đang dần “biến” mất”. Giọng anh hồ hởi trong điện thoại.

Điều trị béo phì… chữa vô sinh

Không chỉ giảm cân, nhiều ca phẫu thuật can thiệp đường tiêu hóa còn mang đến những hiệu ứng kép: Điều trị được các bệnh tiểu đường, huyết áp, viêm khớp, trầm cảm, đặc biệt là cả… vô sinh.

Một phụ nữ cao 1.5m nặng 120kg, mắc các bệnh đi kèm của béo phì như tiểu đường, cao huyết áp. Chị lấy chồng đã 5 năm vẫn không có con. Vợ chồng chị đi chạy chữa khắp nơi, kể cả thụ tinh trong ống nghiệm vẫn không có kết quả. Một bác sĩ nam học đã tư vấn có thể chị bị hiếm muộn là do mập quá.

Tuy nhiên, người phụ nữ không tin có chuyện béo dẫn đến vô sinh, nên rất buồn. Rồi chị lên mạng tìm hiểu những người đã mổ nội soi chữa béo phì trước đây và thấy họ đều có cuộc sống rất ổn. Chị quyết định đến BS. Bùi Thanh Phúc để phẫu thuật giảm béo chứ hoàn toàn không hy vọng ca mổ sẽ giúp chị được làm mẹ. 

Vì thế, không thể tả hết niềm vui của vợ chồng chị khi chỉ sau ca phẫu thuật nội soi tạo hình dạ dày được 6 tháng, chị không chỉ giảm cân, giảm các bệnh tật đi kèm mà còn có tin vui. Và rồi, giấc mơ làm mẹ của vợ chồng chị đã trở thành hiện thực khi đón đứa con đầu lòng chào đời.

Việc điều trị giảm béo liên quan đến “chữa” vô sinh thực ra không có gì lạ. Vì theo các chuyên gia, béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường - những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tình dục của người bệnh. Khi khả năng chuyển hóa kém, ham muốn tình dục cũng giảm đi đáng kể. Béo phì cũng làm cho hormone sinh dục rối loạn khiến khả năng phóng noãn của buồng trứng kém, làm cho khả năng mang thai kém.

Một trường hợp khác là cô gái ở Bắc Giang khá xinh đẹp, có công việc ổn định và vốn rất tự tin. Nhưng từ khi bị béo phì, nặng 120kg, cô tự ti và mặc cảm đến mức né tránh mọi cuộc gặp gỡ với người khác, để tránh bị xì xào bình phẩm về sự thừa cân và dĩ nhiên, cô cũng mặc cảm đến mức không đủ can đảm để yêu ai… 

Sau những ngày suy nghĩ, cô muốn thoát khỏi tình trạng hiện tại bằng quyết định đến Bệnh viện Việt Đức để điều trị giảm béo. Các bác sĩ đã chọn phương pháp phẫu thuật nội soi tạo hình dạ dày ống đứng cho cô và chỉ sau 6 tháng, khi cô trở lại tái khám, chính các bác sĩ cũng ngỡ ngàng trước vóc dáng thon gọn và sức khỏe ổn định của cô. Sự tự tin vốn có trở lại để rồi cô đã tìm được một nửa của mình và lập gia đình, sinh con.

Những “đôi tay vàng”

Những người kể trên chỉ là một vài nhân vật trong số 200 bệnh nhân béo phì đã được điều trị thành công ở Bệnh viện Việt Đức. Với họ, sự thay đổi cuộc đời như những trang cổ tích.

Gần 20 năm trước, trong giai đoạn kinh tế chưa thực sự phát triển, thiếu dinh dưỡng vẫn là mối lo của xã hội, thì chả ai nghĩ tới việc điều trị thừa cân béo phì. 

Nhưng GS. Trần Bình Giang đã tiên lượng căn bệnh này sẽ gia tăng ở Việt Nam, mà thuốc điều trị nội khoa không thể giải quyết triệt để được, trong khi đó, béo phì luôn song hành với hàng loạt bệnh: tiểu đường, huyết áp, trầm cảm, vô sinh, thoái hóa khớp, cột sống v.v…

GS. Trần Bình Giang cho biết, trước đây mọi người thường không nghĩ béo phì là bệnh, song thực sự đây lại là một bệnh lý cần phải điều trị. Có nhiều phương pháp chữa bệnh béo phì như chế độ ăn, tập luyện cường độ cao, dùng thuốc v.v… song các phương pháp này không có tác dụng lâu dài. 

Béo phì có thể giảm xuống trong một vài tháng đến 1-2 năm nhưng sau 5 năm có tới 95% các trường hợp quay trở lại cân nặng lúc ban đầu, thậm chí tăng hơn. Mà người bị béo phì thường có rất nhiều rối loạn chuyển hóa, trong đó tỉ lệ bị đái tháo đường rất cao và nặng. 

Chính vì vậy điều trị ngoại khoa có kết quả lâu dài rất khả quan.

Những năm gần đây, thế giới có một xu hướng rất mới là phẫu thuật nội soi để điều trị các bệnh chuyển hoá, đặc biệt là bệnh đái tháo đường. 

Hiện kỹ thuật này được chỉ định cho những trường hợp thừa cân kèm theo đái đường chứ không đơn thuần là béo phì. Và, Bệnh viện Việt Đức đã mang phương pháp này về Việt Nam và trở thành cơ sở y tế duy nhất trong cả nước điều trị béo phì bằng kỹ thuật hiện đại thành công. 

Dĩ nhiên, phương pháp giảm béo này chỉ dành cho những bệnh nhân béo phì đã thất bại với các phương pháp điều trị khác hoặc kèm theo một bệnh lý khác.

Vì thế, GS. Trần Bình Giang hiểu rằng, điều trị thành công bệnh béo phì không chỉ là giảm cân, mang lại thẩm mỹ cho người bệnh, mà chính là biện pháp chữa trị các bệnh đi kèm một cách hiệu quả. 

Vì thế, ông đã tiến hành nghiên cứu hàng loạt kỹ thuật can thiệp vào đường tiêu hóa điều trị giảm béo tại Bệnh viện Việt Đức và những kết quả này đã được công bố quốc tế trên nhiều tạp chí uy tín của thế giới từ hơn 10 năm trước.

Tháng 5-2007, kỹ thuật đặt vòng thắt dạ dày chính thức được triển khai tại Bệnh viện Việt Đức. Từ đó đến nay, GS. Giang và Ths. Bùi Thanh Phúc không ngừng nghiên cứu và phát triển các phương pháp can thiệp vào đường tiêu hóa để chữa bệnh béo phì và các bệnh rối loạn chuyển hóa. Tháng 10-2011, kỹ thuật mổ nội soi tạo hình dạ dày ống đứng tiếp tục được triển khai tại Bệnh viện Việt Đức.

Giáo sư Trần Bình Giang phẫu thuật cắt dạ dày cho chị Phạm Nhàn.

Theo BS. Bùi Thanh Phúc, những năm gần đây, bệnh nhân béo phì thừa cân đến Bệnh viện Việt Đức tăng gấp đôi. 30% người béo phì có các bệnh khác đi kèm. 

Và những bệnh đi kèm béo phì gây tử vong cao gấp 3 lần tử vong do ung thư vú và đại tràng, mà dự báo tỉ lệ này còn tiếp tục tăng. Vì vậy phẫu thuật chữa bệnh béo phì nhằm điều trị các bệnh đi kèm được tính là một phương pháp chữa bệnh hiệu quả.

Ths. Bùi Thanh Phúc cho biết có khoảng 10 phương pháp phẫu thuật điều trị béo phì, nhưng ở Việt Nam, Bệnh viện Việt Đức chủ yếu sử dụng kỹ thuật đặt vòng thắt dạ dày giảm béo và kỹ thuật cắt tạo hình dạ dày hình ống đứng. Việc phẫu thuật nhằm 2 mục tiêu là điều trị giảm béo cho bệnh nhân và thay đổi chất lượng sống bằng việc chấm dứt bệnh đi kèm béo phì như tiểu đường, cao huyết áp… 

Mỗi ca mổ kéo dài 2 tiếng, 5-7 ngày là ra viện và sau 10 ngày là người bệnh có thể làm việc bình thường. Cho đến nay, Bệnh viện Việt Đức là nơi duy nhất ở Việt Nam phẫu thuật điều trị giảm béo hiệu quả cho người bệnh.

GS. Trần Bình Giang cho biết kết quả nghiên cứu cho thấy, sau mổ điều trị giảm béo, 40% khỏi bệnh tiểu đường khi không cần dùng thuốc điều trị tiểu đường, hoặc có dùng thì liều rất thấp. Còn 60% thì sau khi dùng thuốc, đường  huyết trở lại bình thường. Với bệnh cao huyết áp thì sau mổ, tỉ lệ khỏi bệnh chiếm tới 80-90% và bệnh đau khớp cũng khỏi khi cân nặng giảm xuống. 

Bên cạnh đó, kết quả điều trị còn tác động đến tâm lý, chất lượng sống của người bệnh khi họ đi lại không còn khó khăn, tập thể dục, tự tin giao tiếp khi có cơ thể đẹp…

Phẫu thuật nội soi đặt vòng thắt dạ dày điều trị bệnh béo phì đã được thực hiện có hiệu quả tại Bệnh viện Việt Đức với hiệu quả giảm cân nặng sau mổ 1 năm từ béo phì độ 3 xuống còn tương ứng thừa cân. 

Sau mổ 1 năm có tới 77% bệnh nhân không còn đái tháo đường hoặc chỉ cần điều trị bằng chế độ ăn. Phẫu thuật nội soi đặt vòng thắt dạ dày không chỉ làm giảm cân nặng mà còn giảm tỷ lệ đái đường ở các bệnh nhân béo phì.

Trong khi trên thế giới, việc phẫu thuật còn có tỉ lệ biến chứng gần 10%, thì ở Bệnh viện Việt Đức, tỉ lệ này là 0%, khi không có thủng dạ dày hay chuyển mổ mở, không có tử vong, không bị nhiễm trùng vết mổ và suy hô hấp sau mổ, đã khẳng định trình độ tay nghề và kinh nghiệm của phẫu thuật viên Việt Nam. 

Đặc biệt, nghiên cứu ở Bệnh viện Việt Đức cho thấy, sau 1 năm, trên 80% bệnh nhân sau mổ được cải thiện cả 5 vấn đề là tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống gồm: vẻ đẹp, tự tin, hoạt động thể lực, giao tiếp xã hội và quan hệ tình dục. 


Khalid Bin Shaari Mohsen, Carol Yager và Jon Brower Minnoch.

Những người béo nhất hành tinh

Jon Brower Minnoch là người đàn ông nặng nhất trong lịch sử nhân loại khi có trọng lượng tới 635 kg. Minnoch bị bệnh tim và suy hô hấp đến mức phải nhập viện. Để đưa được người đàn ông này đến bệnh viện, cần hàng chục người cùng các máy móc hỗ trợ đặc biệt. 

Minnoch mất vào tháng 9-1983, ở tuổi 41 vì bị phù nề nan y sau thời gian dài cố gắng giảm cân và điều trị bệnh. Khi mất, Minnoch nặng 362kg.

Khalid Bin Shaari Mohsen người  Ả Rập Saudi, nặng 610,1kg và được ghi nhận là người nặng thứ hai trong lịch sử. Nhà vua phải chỉ huy đội cứu hộ đưa ông đến thủ đô Riyadh để điều trị bệnh béo phì. Sau 6 tháng điều trị ông đã giảm được 320kg.

Juan Pedro Franco, một người đàn ông Mexico 32 tuổi, có cân nặng 595kg, từng được Tổ chức Kỷ lục Guinness công nhận là "Người béo nhất thế giới" vào tháng 10-2016. Mắc chứng tiểu đường, huyết áp cao và tắc nghẽn phổi nghiêm trọng, bác sĩ cảnh báo Franco sẽ gặp nguy hiểm nếu anh không giảm cân. 

Sau đó, Franco phải trải qua 2 ca phẫu thuật để giảm 80% thể tích dạ dày, nhưng vẫn còn nặng 345kg và chưa thể tự đi lại được. Bác sĩ hy vọng anh sẽ giảm được 100kg nữa sau khi tập trung điều trị hơn một năm nữa.

Francis John Lang sống tại Gibsonton (Mỹ) nặng 538,4kg. Vì thế, mọi sinh hoạt của ông đều phải do người khác giúp đỡ. Bệnh béo phì đã khiến ông mắc thêm các bệnh tim mạch, viêm túi mật v.v… và ông đã không qua khỏi.

Nặng tới 486,3kg, Patrick Deuel (người Mỹ) đã không thể rời khỏi nhà suốt 7 năm vì không lọt qua được cánh cửa. Về sau Patrick Deuel phẫu thuật để giảm cân và đã giảm được 206kg sau 12 tháng phẫu thuật. Patrick Deuel qua đời năm 2016, ở tuổi 54.

Paul Mason, 55 tuổi, người Anh, từng nặng tới 444,5kg. Sau khi phẫu thuật cắt bớt dạ dày, cân nặng của ông vẫn là 292kg và phải cắt bỏ 20kg da thừa sau khi giảm béo.

Phụ nữ cũng không chịu kém cạnh đàn ông về kỷ lục trọng lượng 

Carol Yager từng là người phụ nữ nặng nhất thế giới với 544,3kg. Carol không thể tự đi đứng và về sau đã mất do suy tạng.

Mayra Rosales, một phụ nữ Mỹ từng nặng tới 470kg. Cô đã phải trải qua 11 cuộc phẫu thuật cùng với chế độ ăn uống, luyện tập nghiêm ngặt để xuống 91kg.

Monica Riley (ở Texas, Mỹ) nặng hơn 317kg. Mới đây, khi có con, chị mới dự định sẽ phẫu thuật giảm cân để đảm bảo sức khỏe.

Thanh Hằng
.
.
.