Ứng dụng khoa học công nghệ trong cảnh báo thiên tai
Chiều 9/6, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phối hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Cục Biến đổi khí hậu tổ chức Hội thảo khoa học và công nghệ lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những vấn đề liên quan đến công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu Nguyễn Văn Thắng cho rằng, biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, làm thay đổi nhiều quy luật của tự nhiên, trầm trọng hơn là các biểu hiện cực đoan của thời tiết trên phạm vi toàn cầu, trong đó có nước ta. Việt Nam ngày càng ghi nhận thêm nhiều kỷ lục cực đoan mới của thời tiết như: Hạn hán gay gắt, kéo dài ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; xâm nhập mặn kỷ lục ở Đồng bằng sông Cửu Long; rét đậm, rét hại ở phía Bắc; bão mạnh đến siêu bão, mưa cường độ lớn ở nhiều nơi... Các biểu hiện thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản và tính mạng của nhân dân. Nhiều địa phương đã phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.
Trong khi đó, khoa học công nghệ đang phát triển rất nhanh, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại nhiều cơ hội thuận lợi cũng như đặt ra nhiều thách thức đối với nước ta, trong đó có ngành khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu. Đảng, Nhà nước luôn xác định khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là một khâu đột phá chiến lược của đất nước.
Trong giai đoạn 2011-2021, về lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Viện đã triển khai thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ, các nhiệm vụ, đề tài khoa học, công nghệ các cấp đã góp phần quan trọng phục vụ công tác quản lý, cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu. Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái cho biết, các hoạt động khoa học và công nghệ lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, sự phối hợp trong tác nghiệp, trong công tác đào tạo... còn nhiều hạn chế. Việc nghiên cứu kế thừa các thành tựu khoa học và công nghệ về lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu của thế giới cần được phát huy. Trong thời gian tới, các cơ quan liên quan cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác trên.
Đề cập tới kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ nổi bật về lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2021 và định hướng đến năm 2030, Tiến sĩ Trần Thanh Thủy, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, trong 10 năm qua, Viện đã thực hiện được 104 đề tài (20 đề tài cấp Nhà nước, 46 đề tài cấp bộ, 38 đề tài cấp cơ sở). Viện đã nghiên cứu xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo, hạn hán cho Việt Nam với thời hạn đến 3 tháng; hệ thống dự báo, cảnh báo và giám sát hạn hán thời gian thực bằng công nghệ viễn thám, đánh giá sự cực đoan của khí hậu và tác động đến môi trường vật lý tự nhiên ở Việt Nam...
Trong những năm tới, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu sẽ xây dựng chùm đề tài liên hoàn cấp quốc gia, cấp bộ; nghiên cứu nhu cầu của xã hội để đa dạng hoá sản phẩm dự báo, phát triển dịch vụ với tư nhân hoặc doanh nghiệp; tập trung củng cố nguồn nhân lực như: Thu hút nguồn nhân lực trẻ (thạc sĩ, tiến sĩ), tận dụng trợ giúp của các chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài (hợp tác nghiên cứu và đào tạo), hợp tác quốc tế với các nước Nhật, Australia, Anh...
Theo Tiến sĩ Đỗ Tiến Anh, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, từ năm 2010-2020, nhiều nguồn số liệu và mô hình dự báo khí tượng thủy văn đã được triển khai vào dự báo nghiệp vụ phục vụ cho nhiều mục đích dự báo và đối tượng dự báo. Hệ thống dự báo tổ hợp từ hạn ngắn, hạn vừa đến hạn mùa cho khu vực Việt Nam được xây dựng và đang được áp dụng vào nghiệp vụ tại Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Các công nghệ dự báo mưa lớn cho một số khu vực trên cơ sở ứng dụng các mô hình số trị và kết hợp đồng hoá số liệu vệ tinh, ra đa... đang được ứng dụng tại Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực...
Tuy nhiên, hoạt động và nghiên cứu khoa học tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn còn nhiều khó khăn như: Bài toán về dự báo cảnh báo thiên tai khó giải quyết hoặc chưa giải quyết triệt để được (mưa dông, định lượng mưa, đồng hoá số liệu, bão...), chất lượng dự báo định lượng mưa còn hạn chế dẫn tới dự bão lũ còn gặp khó khăn. Các hồ chứa mới hoạt động tác động tới chế độ thủy văn, thủy lực trên lưu vực sông cần có thêm chuỗi số liệu hoạt động từ 5-10 năm tới để làm cơ sở huấn luyện mô hình, tăng độ tin cậy trong dự báo dài hạn, tỷ lệ bài báo quốc tế và đăng ký sở hữu trí tuệ còn thấp.
Định hướng phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ của Tổng cục Khí tượng Thủy văn đến năm 2030 tập trung vào việc thực hiện tốt Chỉ thị 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổng cục thực hiện các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước như: Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 đến năm 2025.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh, Cục Biến đổi khí hậu chia sẻ, các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ trong quá khứ chưa đáp ứng được những yêu cầu về cơ chế chính sách phục vụ công tác quản lý, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ và về sự đồng lợi ích và hài hòa trong các hoạt động.
Định hướng trong thời gian tới đối với lĩnh vực biến đổi khí hậu cần tập trung vào những vấn đề ưu tiên như: Nghiên cứu cơ sở khoa học nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật và các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường. Ngành nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ và ứng dụng có hiệu quả các công nghệ, giải pháp hiện đại phục vụ công tác giám sát biến đổi khí hậu, điều tra, dự báo tài nguyên và môi trường, dự báo chất lượng không khí đô thị, vấn đề môi trường xuyên biên giới, chất lượng nước các lưu vực sông có rủi ro ô nhiễm cao, dự báo và cảnh báo thiên tai; tăng cường hiểu biết về tác động của biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường lên nền kinh tế để hỗ trợ xây dựng các chính sách, giải pháp phục vụ phát triển bền vững...