Thế giới thu gọn trong một… con chip
Thế giới vẫn vậy, luôn biến động và hàm chứa đầy bất ổn. Cuộc chiến Nga-Ukraine hay mới đây là cuộc xung đột tại Trung Đông, cùng những bất ổn dai dẳng ở nhiều khu vực khác, như Biển Đông, khiến vấn đề đảm bảo an ninh, trong đó có an ninh công nghệ càng được chú trọng.
Bước vào kỷ nguyên số, nếu không có chip đủ tiêu chuẩn thì các nền tảng số sẽ không thể bền vững, từ đó không thể tạo cơ sở cho an ninh về kinh tế, công nghệ, hay quốc phòng... Và đây chính là khởi nguồn của cuộc chạy đua công nghệ, bất chấp những nghịch lý và cả những ảo tưởng…
Cuộc chiến đầy nghịch lý…
Trong một thế giới khó lường, có vẻ như chiến lược “vừa hợp tác vừa đấu tranh” đang được nhiều nước áp dụng. Có thể thấy điều này trong cuộc chiến công nghệ giữa Trung Quốc và phương Tây, trong đó có Mỹ. Báo cáo của Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI) mới đây cho biết Trung Quốc đang đánh bại Mỹ ở 37 trong số 44 công nghệ có khả năng thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng và sức mạnh quân sự trong những thập kỷ tới. Dù một số quốc gia "xếp hàng thứ hai", như Ấn Độ, Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Đức và Australia cũng đã phát triển năng lực nghiên cứu tiên tiến, song vẫn còn kém xa so với hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc.
Theo giới phân tích, Bắc Kinh đã xây dựng nền tảng để định vị mình là cường quốc khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới. Ví dụ, Trung Quốc đã tạo ra gần một nửa số tài liệu nghiên cứu hàng đầu về động cơ máy bay tiên tiến và động cơ siêu thanh, đồng thời là nơi sản sinh ra hầu hết các tổ chức dẫn đầu về phát triển công nghệ. Năm ngoái, Trung Quốc đã khiến các cơ quan tình báo của Mỹ ngạc nhiên khi thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bay vòng quanh thế giới, hay mới đây đã thể hiện tiến bộ trong công nghệ phát hiện tàu ngầm hạt nhân... Các tổ chức của Trung Quốc cũng thống trị nghiên cứu về máy bay không người lái, hệ thống tự hành, hệ thống quang học tiên tiến, công nghệ nhân tạo và học máy.
Tuy nhiên, giới nghiên cứu Mỹ lại cho rằng không có cơ sở khi phần lớn các bài viết và nghiên cứu tại Mỹ từ đầu năm 2023 đến nay đều cho rằng Trung Quốc đang dẫn đầu về các công nghệ hiện đại và thiết yếu trên toàn cầu. Các bài viết này không nêu lên những bằng chứng cụ thể và chính xác, nhất là khi chưa đánh giá hết về tác động toàn cầu về công nghệ của các công ty hàng đầu của Mỹ như Amazon, Apple, OpenAI, Boeing, Moderna, Microsoft và Google. Với ảnh hưởng rộng lớn của các hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ, khó có thể cho rằng Mỹ tụt hậu so với Trung Quốc trong lĩnh vực đổi mới công nghệ.
Trên thực tế, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định tăng mạnh chi tiêu cho lĩnh vực sản xuất tiên tiến, và năm ngoái đã thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học nhằm đầu tư hơn 200 tỷ USD để cố gắng đảm bảo Mỹ giành lại vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn.
Theo giới phân tích, Mỹ đã trợ cấp tài chính cho các nhà sản xuất chip của Mỹ và ngăn cản xuất khẩu sang Trung Quốc, khuyến khích các nhà máy sản xuất chip Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đặt nhà máy tại Mỹ, vận động một số nước như Hà Lan, Nhật Bản hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn sang Trung Quốc.
Những động thái này về khách quan đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho chuỗi công nghiệp bán dẫn quốc tế và chuỗi cung ứng linh kiện bán dẫn dựa trên lợi thế so sánh cũng chịu tổn hại nghiêm trọng. Sản xuất, trao đổi, phân phối và tiêu dùng là một hệ thống hoàn chỉnh. Nếu chỉ có sản xuất mà không có tiêu dùng, nếu cấm xuất khẩu chip sang Trung Quốc và không có biện pháp hữu hiệu để mở ra thị trường, khách hàng mới, thì chính sách này của Mỹ có thể khiến ngày càng nhiều công ty bán dẫn của Mỹ, và nhiều nước khác thua lỗ.
Hiện tại, thương mại của Mỹ đã dịch chuyển “tách rời” khỏi Trung Quốc do các chính sách được chính quyền Biden và Trump ban hành, song sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung có liên kết với Trung Quốc không giảm đi mà người tiêu dùng lại phải chịu chi phí cao hơn. Đó chính là nghịch lý.
…giữa ảo tưởng và thực tế
Tháng 3/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra ý tưởng xây dựng “Liên minh Chip 4” với Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) nhằm lôi kéo các nhà sản xuất chip của những nền kinh tế này liên kết để đảm bảo nguồn cung chip không bị đứt gãy. Ngay đầu năm nay, Mỹ đã đạt được một thỏa thuận với Hà Lan và Nhật Bản về hạn chế xuất khẩu một số máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc.
Có ý kiến cho rằng thực trạng trên sẽ khiến ngành công nghiệp chip của Trung Quốc ngày càng tách rời thế giới, khoảng cách công nghệ của Trung Quốc với nước ngoài chắc chắn ngày sẽ càng lớn. Trong tương lai, Trung Quốc chỉ có thể mua chip cao cấp từ thị trường quốc tế, tiến trình phát triển quân sự công nghệ cao sẽ gặp những trở ngại tương ứng.
Nói đi cũng phải nói lại, mặc dù Mỹ đầu tư nhiều vào ngành sản xuất chip, nhưng chưa chắc có thể thực hiện được mục tiêu tự cung tự cấp. Chris Miller là tác giả của cuốn sách “Cuộc chiến chip: Cuộc chiến công nghệ then chốt nhất toàn cầu”, khi trả lời phỏng vấn Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR), đã giải thích rằng Đài Loan và Trung Quốc lần lượt cung cấp 31% và 23% lượng chip được sử dụng rộng rãi trong ôtô và đồ diện gia dụng, nhưng không phải tất cả chip đều có thể dễ dàng được thay thế bằng một sản phẩm khác. Nếu rơi vào khủng hoảng địa chính trị, Đài Loan phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục năng lực sản xuất ở bên ngoài, do thiết bị sản xuất chip là thiết bị chính xác, hơn nữa bản thân thiết bị cũng phải dựa vào chip để vận hành. Ước tính thiệt hại của ngành sản xuất toàn cầu lên đến hàng nghìn tỷ USD.
Do đó, việc loại trừ Trung Quốc chỉ có thể là cục diện cùng thua. Ngoài góc độ hiệu quả kinh tế, một cái giá khác của việc loại trừ Trung Quốc là cản trở sự chia sẻ tri thức và thành tựu nghiên cứu khoa học trên toàn cầu. Việc tách khỏi Trung Quốc không chỉ cắt đứt thị trường khổng lồ, mà còn loại bỏ nhiều tài năng nghiên cứu khoa học xuất sắc của Trung Quốc. Thực tế, các ông lớn trong ngành sản xuất chip của Trung Quốc là Công ty sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC) ở Thượng Hải đã có thể sản xuất chip 7nm, và các nhà cung ứng thiết bị trong nước của Trung Quốc đang chế tạo thiết bị sản xuất chip 5nm để bán cho các công ty chip nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Ireland, Đức, Israel và Hàn Quốc cũng đã triển khai một số biện pháp bảo hộ để hỗ trợ ngành sản xuất chất bán dẫn trong nước, dù chưa có các biện pháp địa chính trị nào như các lệnh cấm và trừng phạt. Liên minh châu Âu (EU) đã có phiên bản riêng của Đạo luật CHIPS và Khoa học để chống lại sự gián đoạn nguồn cung, thúc đẩy sản xuất và đổi mới.
Tìm lối đi riêng
Cuộc chiến công nghệ hiện nay cho thấy hệ sinh thái sẽ bị tách rời, một phần tập trung vào Trung Quốc và một phần tập trung vào phần còn lại của thế giới.
Ở tầm vĩ mô, có thể nói đây là khởi đầu của một cuộc đua toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến một số quốc gia ASEAN như Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - những quốc gia đang tham gia điều hướng cuộc cạnh tranh bán dẫn phức tạp này. Trong cuộc đua này, ASEAN cần giữ quan điểm trung lập, không chỉ trong ngành bán dẫn mà còn trên các lĩnh vực khác. ASEAN cần ưu tiên đầu tư hơn nữa vào nghiên cứu và phát triển, năng lực sản xuất và kỹ năng để nâng cao tiềm năng đổi mới và sản xuất chất bán dẫn.
Tuy nhiên, để ASEAN nắm bắt được một phần của chuỗi cung ứng và thiết bị công nghệ cao, các động thái chiến lược tập trung vào nền tảng của khối này cũng rất quan trọng. Thứ nhất, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là nghiên cứu AI, có thể hỗ trợ năng lực và năng lực sản xuất chất bán dẫn của ASEAN. Thứ hai, ASEAN cần cải thiện và hợp lý hóa các quy định và tiêu chuẩn của mình với tư cách là một khu vực để thiết lập các khuôn khổ pháp lý rõ ràng và tạo thuận lợi cho thương mại. Cuối cùng, với lợi thế dân số của ASEAN, đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo là chiến lược quan trọng để khối phát triển lực lượng lao động có tay nghề nhằm phát huy tiềm năng phát triển lâu dài của ngành bán dẫn trong khu vực.
Cuộc chạy đua công nghệ, đặc biệt trong ngành công nghiệp chip, đã cho thấy hợp tác toàn cầu là cùng có lợi, ngược lại, đối đầu gây tổn hại cho tất cả. Vì vậy, mỗi quốc gia cần nỗ lực tự điều chỉnh, thúc đẩy phân công lao động, hợp tác trong chuỗi sản xuất toàn cầu, vì mục đích thịnh vượng và phát triển chung cho nhân loại.