Sát ngày "chốt sổ", vẫn còn gần 2,3 triệu thuê bao "chui"
Theo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), sau gần 2 tuần triển khai đã có gần 1,7 triệu/4 triệu thuê bao đã thực hiện việc chuẩn hóa thông tin sau khi nhận được thông báo của các nhà mạng. Như vậy, vẫn khoảng 2,3 triệu thuê bao mà các doanh nghiệp đã xác định cần thực hiện chuẩn hóa sau đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ nay đến hết ngày 31/3, thuê bao chưa chuẩn hoá thông tin sẽ bị khoá chiều gọi đi và sau 60 ngày, nếu thuê bao không có thông tin chính xác sẽ bị cắt dịch vụ hoàn toàn.
Mới có gần 1,7 triệu thuê bao di động đã chuẩn hoá
Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết: Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai những biện pháp kết nối, cung cấp dữ liệu, đối soát trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của doanh nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đối chiếu, rà soát cho thấy, cả nước vẫn còn khoảng 4 triệu thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc không đúng quy định.
Theo lãnh đạo Cục Viễn thông, việc rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao của người sử dụng dịch vụ viễn thông di động để đảm bảo trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hoạt động cần thiết, phải có sự tham gia, phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng SIM điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hoá, trái với thuần phong mỹ tục.
Từ ngày 15/3, Cục Viễn thông đã yêu cầu các nhà mạng thông báo, hướng dẫn khách hàng cách thức chuẩn hoá thông tin thuê bao. Để đẩy nhanh tiến độ chuẩn hoá thông tin thuê bao theo đúng kế hoạch của Bộ TT&TT, các nhà mạng đều cho biết đang liên tục khuyến nghị tất cả các khách hàng đã nhận được thông báo qua các kênh chính thức của nhà mạng cần sớm thực hiện chuẩn hóa để đảm bảo quyền lợi, tránh bị gián đoạn liên lạc một chiều. Tuy nhiên, số liệu thống kê từ Cục Viễn thông tính đến chiều 27/3 cho thấy, mới có gần 1,7 triệu/4 triệu thuê bao đến chuẩn hoá sau khi nhận được thông báo của các doanh nghiệp viễn thông. Như vậy, vẫn còn gần 2,3 triệu thuê bao cần phải chuẩn hoá thông tin.
"Để đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông và đáp ứng tiến độ đã được đề ra, Cục Viễn thông đề nghị các doanh nghiệp tăng cường trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất, đảm bảo quyền lợi của người dùng trong việc phối hợp chuẩn hóa thông tin thuê bao. Đặc biệt, nhà mạng phải có kế hoạch truyền thông đến từng nhóm khách hàng như nhóm khách hàng đi công tác ở nước ngoài, nhóm khách hàng ở vùng sâu, vùng xa không thuận lợi trong tiếp cận thông tin, nhóm người cao tuổi hạn chế về công nghệ để hướng dẫn giúp đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Về phía người dùng, cũng cần chủ động kiểm tra thông tin thuê bao bằng cách nhắn tin miễn phí đến đầu số 1414 với cú pháp TTTB để biết được thuê bao của mình đã có thông tin đúng và đầy đủ hay chưa. Khi thực hiện chuẩn hoá thông tin thuê bao, người dùng cần làm theo đúng hướng dẫn trên các kênh chính thức của nhà mạng để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo", ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông lưu ý.
Sau 31/3, thuê bao chưa chuẩn hoá thông tin sẽ bị khoá 1 chiều
Theo quy định của Bộ TT&TT, đến hết ngày 31/3, các nhà mạng bắt đầu khóa 1 chiều (chỉ nhận được cuộc gọi đến) với những thuê bao có thông tin không trùng khớp với thông tin đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau đó sẽ khóa thông tin 2 chiều với những thuê bao này và sau 2 tháng sẽ chấm dứt hợp đồng nếu thuê bao không đăng ký chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định.
Đại diện nhà mạng Viettel cho biết: Chỉ những thuê bao nhận được tin nhắn của Viettel hoặc cuộc gọi từ tổng đài mới cần đến các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của Viettel để chuẩn hóa, cập nhật thông tin trước ngày 31/3. Những khách hàng không nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi từ các nguồn trên yên tâm sử dụng dịch vụ và cần cảnh giác khi có người gọi thông báo chặn hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Trường hợp khách hàng không nhận được tin nhắn nhưng cần thay đổi các thông tin khác hoặc cập nhật thuê bao chính chủ có thể thực hiện sau ngày 31/3 để được hỗ trợ nhanh chóng và không phải chờ đợi.
Còn theo đại diện VinaPhone, hiện nhà mạng chỉ thực hiện thông báo đến các khách hàng nằm trong diện cần phải kiểm tra, chuẩn hóa thông tin thuê bao thông qua tin nhắn và các cuộc gọi tự động hiển thị tên định danh "VinaPhone". Sau khi nhận được thông báo, khách hàng hoàn toàn có thể tự thực hiện chuẩn hóa thông tin qua ứng dụng và website chính thức của VinaPhone, tại các điểm giao dịch VinaPhone trên toàn quốc hoặc liên hệ Tổng đài chăm sóc khách hàng để được hướng dẫn.
Đại diện MobiFone cũng lưu ý: Quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao đều hoàn toàn miễn phí, khách hàng chỉ tiếp nhận thông tin và làm theo hướng dẫn khi nhận được tin nhắn chính thức từ brand name của nhà mạng. "Có 4 cách để khách hàng MobiFone chuẩn hoá thông tin thuê bao. Cách thứ nhất là đến cửa hàng nơi gần nhất. Cách 2 là thực hiện qua website https://tttb.mobifone.vn/. Cách 3 là thực hiện qua app My MobiFone. Và cách cuối cùng, đối với khách hàng là người đặc thù, người cao tuổi, nhà mạng sẽ cho nhân viên đến hỗ trợ tại nhà", đại diện nhà mạng MobiFone cho biết.
Trước băn khoăn của người sử dụng về việc người dân chưa làm căn cước công dân gắn chíp có phải chuẩn hoá thông tin thuê bao không? Trả lời câu hỏi này, Cục Viễn thông cho biết: "Khách hàng chưa có căn cước công dân nhưng nhận được tin nhắn của nhà mạng thì vẫn phải chuẩn hóa thông tin cá nhân". Đối với trường hợp chuyển SIM cho người thân trong gia đình như bố mẹ hoặc con cái thì có cần phải chuẩn hoá thông tin không?
Về vấn đề này, Cục Viễn thông giải thích rằng: "Theo quy định tại NĐ 49/2017/NĐ-CP, đối với người dưới 14 tuổi hoặc người được giám hộ theo quy định của Bộ Luật Dân sự, việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung phải do cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện. Tuy nhiên, khi con bạn đã có căn cước công dân, bạn nên cập nhật thông tin cho con để có thể sử dụng thuận lợi trên điện thoại thông minh hoặc các ứng dụng tài chính, ngân hàng...".
Tương tự, đối với trường hợp người dùng sử dụng cùng một lúc nhiều SIM của các nhà mạng khác nhau; tất cả các SIM đều đăng ký chính chủ với nhà mạng nhưng chỉ có 1 SIM gắn với căn cước công dân thì các SIM kia sẽ thế nào? Về vấn đề này, Cục Viễn thông hướng dẫn khách hàng có thể nhắn tin miễn phí đến tổng đài 1414 với cú pháp TTTB để kiểm tra thông tin và gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng để được hướng dẫn chi tiết.