Rào cản nào khiến Khoa học công nghệ Việt chưa thể "cất cánh"?

Thứ Sáu, 06/10/2023, 07:47

Với nguồn kinh phí không nhỏ được dành cho khoa học công nghệ thông qua ngân sách phân bổ, song hiệu quả của các nghiên cứu, ứng dụng vào thực tế không cao và tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn. Điều này thể hiện rõ qua kết quả kiểm toán, kết quả giám sát vừa qua cần được chấn chỉnh kịp thời, qua đó có cảnh báo từ sớm đối với một lĩnh vực được coi là quốc sách.

Hàng loạt tồn tại và hạn chế

Vào cuối tháng 9/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Tại báo cáo này, hàng loạt bất cập, tồn tại đã được chỉ rõ.

Theo lãnh đạo Bộ KH&CN, bất cập đầu tiên được nhắc tới là vấn đề chính sách, pháp luật. Cụ thể, một số quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ chưa rõ ràng, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn phát triển nhưng còn chậm được sửa đổi; quy định về thực hiện khoán chi trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) đã được ban hành nhưng không được triển khai trong thực tế; chưa có quy định cụ thể phù hợp cho việc mua sắm trong nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt là mua sắm cho các khoản kinh phí khoán chi.

Rào cản nào khiến Khoa học công nghệ Việt chưa thể
Hàng năm doanh nghiệp nhà nước bắt buộc trích lập từ 3% - 10% thu nhập trước thuế để hình thành "Quỹ phát triển khoa học và công nghệ".

Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN có rất nhiều vướng mắc (tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ KH&CN và tài sản hình thành là kết quả của nhiệm vụ KH&CN): Khó khăn trong xác định phạm vi tài sản trang bị cần xử lý, cơ chế tính hao mòn /khấu hao của tài sản trang bị, quy trình và thủ tục giao tài sản trang bị không bồi hoàn, trình tự và thủ tục thành lập Hội đồng thẩm định bán tài sản trang bị…

Đặc biệt, trong bối cảnh việc "định giá tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ " và việc thương mại hoá kết quả này hiện nay còn nhiều vướng mắc và nội dung không rõ ràng có thể dẫn đến những tiềm ẩn "rủi ro" khi thương mại hoá sẽ dẫn đến "nghịch cảnh" là sản phẩm thương mại hoá thành công thì có thể có quy kết trách nhiệm trong công tác định giá. Đây sẽ là rào cản lớn để đưa các sản phẩm là kết quả của nhiệm vụ KH&CN vào thị trường và giảm khả năng phát huy tác dụng của các công trình nghiên cứu KH&CN.

Liên quan đến vấn đề thương mại hoá các kết quả nghiên cứu, Bộ KH&CN cũng thừa nhận có vướng mắc về giao quyền sử dụng hoặc sở hữu tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; vướng mắc trong việc định giá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; vướng mắc về phần chia lợi nhuận thu được từ thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; vướng mắc về thành lập doanh nghiệp khởi nguồn trên cơ sở nghiên cứu của đơn vị sự nghiệp công lập; vướng mắc trong cơ chế góp vốn và tổ chức hoạt động của doanh nghiệp đang khởi nguồn công nghệ từ viện nghiên cứu, trường đại học.

Chính sách ưu đãi về thuế đối với chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao còn chưa thực sự hiệu quả, chưa được sửa đổi bổ sung để đồng bộ với quy định của Luật chuyển giao công nghệ về đối tượng được ưu đãi thuế…

Bất cập trong quản lý sử dụng kinh phí đầu tư cho KH&CN

Vào tháng 11/2022, tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, các đại biểu cũng đã thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Long An) bày tỏ, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, song Nhà nước vẫn luôn quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ. Tuy nhiên, cử tri phản ánh là có dấu hiệu thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Cụ thể là việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ tại doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc dẫn đến tiền trong Quỹ còn nghẽn, là một sự lãng phí rất lớn về nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Vấn đề đặt ra tại sao những vướng mắc trong quản lý sử dụng Quỹ tồn tại suốt trong 5 đến 6 năm qua mà vẫn không thể giải quyết triệt để và sẽ còn kéo dài đến khi nào?

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đã kiến nghị cần rà soát tổng thể để đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định về quản lý, sử dụng Quỹ khoa học công nghệ tại doanh nghiệp. Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về khoa học công nghệ. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong phê duyệt, cấp kinh phí và triển khai thực hiện tất cả các nhiệm vụ khoa học công nghệ bị dừng thực hiện và thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước nếu có.

Sau gần 1 năm, vào tháng 9/2023, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có báo cáo công tác năm 2023. Với chuyên đề quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực KH&CN giai đoạn 2020-2022, KTNN đã thẳng thắn "chỉ mặt, điểm tên" một số địa phương bố trí chưa đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách hằng năm theo quy định như tỉnh Hưng Yên, Nghệ An, Thanh Hoá; hai tỉnh có tỷ lệ thực hiện dự toán thấp là Bình Dương và Đồng Nai; giao dự toán khi chưa phê duyệt nhiệm vụ KHCN là tỉnh Hưng Yên, Quảng Ngãi, Thanh Hoá; sử dụng kinh phí bố trí cho dự án đầu tư không đúng quy định là tỉnh Đồng Nai.

Nhắc đến tiến độ thực hiện một số đề tài chậm, chưa kịp thời xử lý tài sản hình thành trong quá trình thực hiện dự án KHCN, KTNN lại điểm tên tỉnh Thanh Hoá, Quảng Ngãi, Nghệ An. Chưa dừng lại, tỉnh Thanh Hoá tiếp tục được nhắc đến do chưa kịp thời có báo cáo về ứng dụng kết quả nghiên cứu, trong đó có 49 nhiệm vụ đã quá 12 tháng từ ngày nghiệm thu...

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: "Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại…".

Điều này cho thấy tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với vai trò của KH &CN trong tiến trình phát triển đất nước. Theo số liệu của Bộ Tài chính, chi sự nghiệp KHCN giai đoạn 2016-2020 đều có xu hướng tăng so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, tổng chi của ngân sách Trung ương trung bình chiếm 76,9%; ngân sách địa phương chiếm 23,1%. Tỷ lệ chi sự nghiệp KHCN/tổng dự toán chi NSNN trung bình đạt 0,79%...

Năm 2024, Bộ KH&CN cũng dự kiến đề xuất tăng kinh phí cho sự nghiệp KH&CN từ 12.091 tỷ (năm 2023) lên 12.253 tỷ. Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu: Đến năm 2025, đầu tư cho KHCN đạt 1,2-1,5% GDP; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu không ngừng đươc cải thiện, thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới; nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (quy đổi toàn thời gian) đạt 10 người/10.000 dân; có 25-30 tổ chức KH&CN được xếp hạng khu vực và thế giới. Để KH&CN Việt Nam sớm "cất cánh" vươn xa, thiết nghĩ các cơ quan chức năng, địa phương cần sớm có những đổi mới nhằm khắc phục các bất cập, vướng mắc nói trên.

Theo báo cáo của Bộ KH&CN, đến nay, cả nước hiện có khoảng 184.430 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển, số lượng cán bộ nghiên cứu toàn thời gian/1 vạn dân là 7,6. "Bộ cũng đang xây dựng đề án nhằm thu hút được nhà khoa học trong và ngoài nước về làm việc, cống hiến hiệu quả nhất cho KH&CN nước nhà", Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết.

Đặng Nhật
.
.
.