Quyết liệt ngăn chặn SIM rác, cuộc gọi rác
Chiều 13/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong tháng 4/2024 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, người phát ngôn của Bộ TT&TT chủ trì buổi họp.
Chuẩn hóa thông tin của 5,75 triệu thuê bao thuộc tập 4-9 SIM/1 giấy tờ
Trả lời câu hỏi của PV Báo CAND tại buổi họp báo về tình hình thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết triệt để vấn nạn SIM rác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đại diện Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết: Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông (DNVT) di động, trong thời gian qua các doanh nghiệp đã rà soát, bảo đảm tất cả các SIM đang tồn trên các kênh (các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp) đều tuân thủ theo đúng quy định (không có thông tin thuê bao), muốn phát triển mới phải đăng ký đầy đủ thông tin. Đồng thời các doanh nghiệp đã rà soát, làm rõ (chuẩn hóa lại thông tin, cam kết đang sử dụng đúng mục đích) của 5,75 triệu thuê bao thuộc tập 4-9 SIM/1 giấy tờ.
Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị gồm Thanh tra Bộ, Cục Viễn thông tổ chức khảo sát, kiểm tra, xác minh. Đến thời điểm hiện tại, kết quả xác minh sơ bộ cho thấy các trường hợp này đều có đầy đủ thông tin thuê bao, các đơn vị đang tiếp tục tổ chức khảo sát thực tế, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông làm rõ một số nội dung và sẽ cung cấp thông tin cụ thể cho các cơ quan báo chí.
Về các giải pháp để xử lý tình trạng DN sử dụng điện thoại cố định để phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác, Cục Viễn thông cho biết, đơn vị đã có các công văn số 776/CVT-CPTN ngày 24/10/2023, số 479/CVT-CPTN ngày 5/2/2024 chỉ đạo các DNVT thực hiện một số biện pháp để ngăn chặn các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ các số điện thoại cố định. Các DNVT hiện đang tích cực phối hợp triển khai.
Các cuộc gọi rác (tele sell, tele marketing), cuộc gọi lừa đảo (spam calls, fisshing call) là vấn nạn chung của các nước trên thế giới. Cơ quan quản lý Nhà nước tìm cách ngăn chặn (các biện pháp kỹ thuật, thuật toán để hạn chế) thì đối tượng cũng tìm cách để tránh khỏi các biện pháp kiểm soát này và tiếp tục thực hiện phát tán cuộc gọi. Vì vậy đây là cuộc chiến lâu dài giữa cơ quan chức năng và các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông để hưởng lợi, phạm tội, chỉ có thể thấy được các kết quả bước đầu chứ không thể có kết quả triệt để, chấm dứt hẳn vấn nạn này.
Tiếp tục phủ sóng vùng lõm, thúc đẩy tắt sóng 2G theo lộ trình
Theo thống kê của Bộ TT&TT, trong tháng 4/2024, số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Việt Nam là 370 cuộc, giảm 25,7% so với cùng kỳ tháng 4/2023. Số lượng địa chỉ IP botnet là 439.886 địa chỉ, giảm 12,5% so với cùng kỳ tháng 4/2023.
Cũng trong tháng 4/2024, Bộ TT&TT đã ban hành 26 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 818 triệu đồng.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ hồ sơ Luật Báo chí (sửa đổi); Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. Bộ TT&TT cũng sẽ tiếp tục triển khai phủ sóng vùng lõm, thúc đẩy tắt sóng 2G theo lộ trình; gắn trách nhiệm cho người đứng đầu doanh nghiệp viễn thông trong việc thực hiện nghiêm công tác quản lý, đăng ký thông tin thuê bao, phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp xử lý, thu hồi, ngăn chặn triệt để tình trạng SIM rác.