Phủ sóng 5G toàn quốc vào năm 2030: Cơ hội đi cùng thách thức
Tại tọa đàm “Thương mại hóa 5G, ứng dụng vào ngành công nghiệp thông minh” do CLB Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 26/12, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là phải phủ sóng 5G toàn quốc vào năm 2030. Điều này mở ra nhiều cơ hội lớn cho các nhà mạng song những thách thức đi kèm là không nhỏ.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định quan trọng để thúc đẩy phát triển hạ tầng mạng di động 5G, coi đây là nền tảng cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Bộ TT&TT đã đưa ra chiến lược hạ tầng số của Việt Nam đặt mục tiêu đưa đất nước tiến nhanh trong công cuộc chuyển đổi số, tập trung vào các định hướng quan trọng. Trong đó, phổ cập cáp quang tốc độ cao và phủ sóng 5G trên toàn quốc là những ưu tiên hàng đầu. Cho đến thời điểm này, các nhà mạng Việt Nam đã thương mại hóa 5G và đang nỗ lực triển khai 5G phục vụ cho người dân và ứng dụng vào các ngành kinh tế với kỳ vọng ứng dụng công nghệ 5G sẽ giúp Việt Nam có thể bắt kịp với thế giới trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, cảng biển, khai khoáng, giao thông thông minh...
Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone cho rằng, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ số song thách thức cũng không nhỏ.
"Thách thức đầu tiên là khung pháp lý. Hiện Việt Nam chưa có đầu đủ các cơ sở pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết bị. Thứ 2 là cơ sở hạ tầng chưa theo kịp công nghệ 5G. "Drone làm sao bay được khi dây diện chằng chịt trên trời? Đường Hà Nội làm sao đi được xe tự lái khi suốt ngày tắc? Vấn đề thứ 3, là bài toán đầu tư. Muốn phủ sóng 5G thì số lượng trạm là rất lớn, phải vài trăm nghìn trạm mới phủ sóng 5G hết Việt Nam. Trong khi đó, mức độ hiểu biết, chấp nhận 5G ở xã hội Việt Nam đang thấp. Thách thức cuối cùng là vấn đề an ninh mạng. Số lượng kết nối IoT lớn như vậy, nếu bị tấn công DdoS thì hậu quả sẽ rất lớn"- ông Huy chia sẻ.
Ông Hồ Anh Thắng, Giám đốc Giải pháp Tự động hóa Công ty cổ phần TNtech chia sẻ: Quá trình triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ cho các khu công nghiệp (KCN) cho thấy, nhu cầu ứng dụng 5G vào nhà máy, KCN thông minh tại Việt Nam hiện nay là rất lớn. Bên cạnh đó, xu thế chia sẻ dữ liệu liên tục giữa các hệ thống sản xuất trong nhà máy rất cấp thiết. Việc ứng dụng 5G sẽ tối ưu quy trình sản xuất, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp; đưa ra quyết định chính xác hơn trong quản lý điều hành của nhà máy trong KCN.
Tuy vậy, ông Thắng cũng nhấn mạnh 2 vấn đề lớn nhất khi triển khai giải pháp liên quan băng thông rộng, 5G, đó là: Chi phí và bảo mật. Về chi phí, việc triển khai hạ tầng 5G tại các KCN với chi phí lớn sẽ đội chi phí sản xuất lên cao hơn nữa. Do đó, nhà mạng nên cân nhắc gói thuê bao 5G hợp lý, thậm chí cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu. Về vấn đề bảo mật, theo ông Thắng, các giải pháp mà công ty triển khai đều áp dụng tiêu chuẩn bảo mật của hệ thống nhưng vẫn lo ngại tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) hoặc tấn công vào thiết bị IoT. Khi kết nối các hệ thống vận hành thực tế sẽ nhiều rủi ro...
Từ góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã gợi mở một số nội dung cho các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội kinh doanh trong ngành công nghiệp thông minh.
Theo ông Nhã, các nhà mạng như MobiFone, VinaPhone, Viettel… đều đang dựa trên hạ tầng mình đã đầu tư để tìm cơ hội tiếp cận, triển khai dịch vụ mới; đã nhắm đến thị trường ngách, học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài để đưa về triển khai tại Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà mạng từ trước đến nay mới chủ yếu cung cấp dịch vụ kết nối, truy cập cho thị trường toàn quốc, công cộng. Nhưng khi triển khai ứng dụng mạng 5G, đặt ra yêu cầu cao về cá thể hóa dịch vụ cho từng đối tượng trong các thành phần kinh tế đặt ra cho nhà mạng rất nhiều việc phải làm nếu muốn nắm bắt cơ hội...