Nông dân chuyển đổi số giúp giảm trung gian

Chủ Nhật, 15/10/2023, 05:59

Thay vì phải đến ngân hàng để giao dịch, thay vì tìm bạn hàng theo cách truyền thống, những người nông dân chuyển đổi số đã giải quyết được bài toán về thanh toán, quan hệ đối tác, đặc biệt là giúp giảm bớt khâu trung gian khi đưa nông sản đến với người tiêu dùng.

Nông dân chuyển đổi số: Nhiều lợi ích nhưng cũng lắm băn khoăn

Chia sẻ tại hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì và giao cho Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt điện tử trực tiếp thực hiện, nông dân Việt Nam xuất sắc Đặng Dương Minh Hoàng (Bình Phước), là du học sinh ở Pháp, đi làm nông nghiệp mở hợp tác xã dịch vụ số, thương hiệu bơ ông Hoàng, cho biết sản phẩm số đã giúp người nông dân tiết kiệm thời gian, không phải đi lại, giao dịch an toàn chính xác.

cds nd.jpg -0
Chuyển đổi số giúp nông nghiệp, nông dân thuận lợi, tiết kiệm chi phí.

"Chúng tôi chủ động giao dịch với các đối tác ngay tại cơ sở sản xuất, có thể thanh toán bằng các hình thức như chuyển khoản, quét mã QR,… 24/7 mà không phải đi ra quầy giao dịch; cũng như có dịch vụ chuyển tiền với hạn mức lớn. Bên cạnh đó, giúp tiết kiệm chi phí vì gần như là miễn phí khi sử dụng trên app ngân hàng số; trong khi rút tiền để xài bị thu phí", ông Hoàng cho biết.

Cũng chia sẻ sự thuận tiện khi chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân Phạm Văn Quyên, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nam Việt bổ sung lợi ích tăng tính kết nối và mở rộng thị trường. "Trước đây khi sử dụng tiền mặt thì rất khó để mua bán giao dịch hàng hóa với các đối tác xa, nay điều đó trở nên đơn giản hơn rất nhiều bằng thao tác thanh toán điện tử, các đối tác có thể mở rộng phạm vi cả nước thậm chí là nước ngoài", ông Quyên nói.

Tuy nhiên, ông Quyên cũng bày tỏ băn khoăn vì cùng với chuyển đổi số, những người nông dân, nhất là nông dân ở vùng sâu vùng xa, trình độ hiểu biết có hạn, đang gặp khá nhiều rắc rối trong việc bị lừa đảo mất tiền trong tài khoản. Vì vậy, vị này đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp giải quyết vấn nạn này, để người nông dân yên tâm sử dụng dịch vụ.           

Chia sẻ thêm những khó khăn khi chuyển đổi số, nông dân Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ Mỳ Chũ Nam cũng băn khoăn về việc mạng bị treo khi thanh toán điện tử. Ngoài ra, câu chuyện bảo mật thông tin cũng khiến nông dân này lo lắng. Trong khi đó, quan tâm tới vấn đề kỹ thuật, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch CTCP Đầu tư BAGICO nhận định chuyển đổi số liên quan tới câu chuyện mã vùng nông sản.

"Ví dụ như vừa rồi, sầu riêng là cơn sốt cực mạnh, người được hưởng lợi nhất là người nông dân, thu nhập có thể gấp đôi gấp ba bình thường. Vậy làm thế nào để người nông dân bảo vệ mình trong giai đoạn vừa rồi, khi nhức nhối nhất là vấn đề liên quan đến giả mạo mã số vùng trồng?

Câu chuyện này tưởng độc lập, nhưng nó có liên quan tới cả chuyển đổi số của cả 3 bên: Chính quyền, ngân hàng và cơ quan thuế. Nếu chúng ta tích hợp 3 bên như mong muốn của chúng tôi, tức là khi xác thực giao dịch mua bán, liên quan đến truy xuất nguồn gốc rất đơn giản, câu chuyện giả mạo mã số vùng trồng của người nông dân được giảm thiểu tối đa. Bởi vậy, theo tôi, công nghệ số để phù hợp với từng đối tượng mới là công nghệ quan trọng nhất. Cho nên, đứng dưới góc độ của hiệp hội doanh nghiệp làm trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi thấy nếu như chúng ta đi theo cách hiện tại, mạnh ngành nào ngành đó làm, nó không có sự phối hợp thì chưa hỗ trợ được cho người nông dân", bà Thực phân tích.

Chuyển đổi số cho nông dân là mục tiêu quan trọng

Ghi nhận những khó khăn của nông dân khi chuyển đổi số, theo Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, kế hoạch chuyển đổi số các ngành đều có. Trên bình diện quốc gia, chúng ta có kế hoạch chuyển đổi số quốc gia. Nhưng nhìn nhận thẳng thắn cơ chế còn thiếu, yếu, nhiều đại diện doanh nghiệp, ngân hàng đều đưa ra những vấn đề liên quan đến an toàn, bảo mật, ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển nông nghiệp. Đại diện Ban Kinh tế Trung ương trích dẫn một sự việc ở Đồng Nai, khi bắt đầu thực hiện truy suất nguồn gốc chăn nuôi, mới đầu rất hào hứng 85% trang trại đăng ký hết. Nhưng sau 1 năm, chỉ 18% có báo cáo định kỳ.

"Lúc đầu rất hăm hở, đăng nhập, nhưng không có cơ chế pháp lý, sau một năm thì không ai muốn thực hiện. Quá trình chuyển đổi số liên tục, xuyên suốt không đạt yêu cầu. Cần liên thông dữ liệu, trường dữ liệu khác nhau. Cơ chế pháp lý khai thác, sử dụng và phối hợp chính sách cần bổ sung thêm. Cơ chế chính sách thực sự hiện nay phải nhìn nhận chúng ta có, nhưng chính sách cho nông thôn, nông dân về chuyển đổi số là rất ít", ông Hiển nói.

Tại Việt Nam, hiện 65,4% số dân đang ở khu vực nông thôn. Lao động lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn năm 2022 chiếm 27,6% tổng lao động, xuất khẩu nông nghiệp đạt 23,5 tỷ USD năm 2022. 3 năm qua, nông nghiệp vẫn là bệ đỡ, điểm tựa quan trọng của nền kinh tế khi đại dịch diễn ra, dù cho lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chững lại. Nông nghiệp tiếp tục có lợi thế, trở thành trụ đỡ, song theo TS Nguyễn Đức Hiển, chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, khâu trung gian vẫn có tỷ lệ lớn. Vì vậy, người nông dân cần chuyển đổi số, bán hàng trên môi trường điện tử nhằm rút ngắn khâu trung gian, gia tăng giá trị nông sản của chính mình, đa dạng khách hàng…

Chia sẻ với những băn khoăn về nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các ứng dụng tài khoản ngân hàng, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cho biết Bộ Công an đang phối hợp với NHNN triển khai rất nhiều biện pháp ngăn chặn lừa đảo, tình trạng lừa đảo đã giảm đi nhiều. Sắp tới, ngân hàng sử dụng ứng dụng nhận diện qua khuôn mặt sẽ hạn chế được việc sử dụng tài khoản của người khác để thực hiện giao dịch. Người nông dân, người ở vùng sâu, vùng xa là những người yếu thế có thể bị các đối tượng lừa đảo nhắm tới để chiếm dụng tài sản. Vì thế, Trung tá Tùng cũng khuyến cáo mọi người cần nâng cao ý thức cảnh giác để tự bảo vệ bản thân mình.

Hà An
.
.
.