Nga muốn xây trạm điện hạt nhân trên Mặt trăng
Lãnh đạo cơ quan vũ trụ Nga cho biết, nước này và Trung Quốc đang "xem xét nghiêm túc" việc xây dựng một trạm phát điện hạt nhân trên bề mặt Mặt trăng vào năm 2035.
Reuters ngày 5/3 dẫn lời Tổng Giám đốc cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos Yuri Borisov khẳng định, nước này và Trung Quốc đang tiếp tục thúc đẩy chương trình chinh phục Mặt trăng chung, trong đó Moscow có thể đóng góp chuyên môn cao của mình về lĩnh vực năng lượng hạt nhân vũ trụ phục vụ nỗ lực đó.
"Chúng tôi đang xem xét nghiêm túc một dự án nhằm chế tạo và lắp đặt một trạm phát điện trên bề mặt Mặt trăng cùng các đồng nghiệp Trung Quốc vào khoảng năm 2033-2035", ông Borisov nêu.
Theo ông Borisov, một ngày trên Mặt trăng dài bằng 27 ngày so với trên Trái Đất. Bởi vậy, trạm nghiên cứu của con người trên Mặt trăng sẽ đối mặt hơn 13 ngày liên tục không có ánh sáng Mặt trời, nên các tấm pin năng lượng Mặt trời không thể phát huy tác dụng như một trạm phát điện hạt nhân.
"Đó là một thử thách rất đáng kể", ông Borisov nói, cho biết thêm, việc lắp đặt nhà máy điện hạt nhân trên Mặt trăng sẽ cần được thực hiện một cách tự động mà không có sự can thiệp của con người.
Tờ Rossiyskaya Gazeta dẫn lời ông Borisov, người từng là Thứ trưởng Quốc phòng Nga, khẳng định Nga đã có các giải pháp công nghệ cần thiết để thực hiện dự án.
Moscow những năm qua giới thiệu một số thiết bị độc đáo, bao gồm một tàu kéo không gian mang tên Zeus, sử dụng một lò phản ứng hạt nhân công suất khoảng 500 kilowwatt, chuyên dùng để vận chuyển phi hành gia và thiết bị trên không gian. Ông Borisov nói tàu Zeus sẽ phục vụ chương trình Mặt trăng.
Nga đang nỗ lực cải thiện ngành công nghiệp vũ trụ và đặt nhiều mục tiêu trong nỗ lực khám phá Mặt trăng, nhưng gặp nhiều khó khăn. Năm ngoái, tàu đổ bộ Mặt trăng đầu tiên của Nga sau 47 năm mang tên Luna-25 đã thất bại vì mất kiểm soát và đâm xuống bề mặt cực Nam Mặt trăng.