Làm thế nào để ứng dụng AI hiệu quả trong lĩnh vực báo chí – truyền thông?

Chủ Nhật, 18/08/2024, 15:06

Từ khi Chat GPT ra đời, trí tuệ nhân tạo đã trở thành một từ khoá được tìm kiếm hàng đầu trên mạng Internet. Các công cụ trí tuệ nhân tạo đã và đang hoàn thiện với những khả năng gây bất ngờ cho ngay cả những người tạo ra chúng. Từng có ý kiến cho rằng, trí tuệ nhân tạo rồi sẽ thay thế con người trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống bao gồm cả báo chí - truyền thông. Vậy thực tế ra sao?

Công cụ đắc lực nếu biết cách sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) - Đó là kết luận của anh Nguyễn Công Cường, thành viên của dự án Lietsi.com (dự án phục dựng ảnh liệt sĩ bằng công nghệ AI). Là người thường xuyên sử dụng công nghệ AI trong công việc cũng như tham gia giảng dạy về công nghệ này cho nhiều cơ quan, doanh nghiệp, anh Cường cho biết, hiện nay người sử dụng đang dùng chủ yếu là công nghệ AI tạo sinh (Generative AI).

6.jpg -0
Tác phẩm phục dựng chân dung các nữ thanh niên xung phong hy sinh anh dũng tại Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) là một trong số nhiều tác phẩm của anh Nguyễn Công Cường và nhóm tác giả dự án phục dựng chân dung liệt sĩ bằng công nghệ AI.

Loại công nghệ AI này cho phép người sử dụng tạo nội dung mới dựa trên nhiều loại dữ liệu đầu vào khác nhau. Các dữ liệu đầu vào và đầu ra của mô hình có thể bao gồm văn bản, hình ảnh, âm thanh, mô hình 3D... Để phát triển một công cụ AI tạo sinh, nhà phát triển có thể sử dụng nhiều loại mô hình đào tạo khác nhau. Dẫu vậy theo anh Cường, dù là mô hình nào, thì một công cụ AI cũng sẽ gồm 2 thành phần chính là thuật toán và dữ liệu. Tương tự như các chương trình máy tính khác, thuật toán xử lý của AI càng tối ưu thì tốc độ, chất lượng sản phẩm đầu ra càng nhanh và hoàn thiện. Thuật toán của công cụ AI cũng không phải là bất biến, nó có thể được nhà phát triển hoàn thiện dần dần hoặc thay mới nếu xây dựng được một thuật toán tối ưu hơn. Và cũng như con người, một công cụ AI muốn trở nên "thông thái" hơn thì phải học. Một công cụ AI “học” bằng cách thu nạp và xử lý dữ liệu. Dữ liệu càng phong phú và chính xác thì công cụ AI sẽ học càng nhanh và phát triển năng lực tốt hơn. Quá trình "học" của AI cũng chia làm hai loại là học máy (Machine Learning) và học sâu (Deep Learning).

Với quá trình học máy, AI sẽ có một số năng lực đơn giản như nhận biết một số thói quen cơ bản của người sử dụng, từ đó đưa ra các đề xuất phù hợp. Riêng với học sâu, AI sẽ tiếp nhận nhiều dữ liệu hơn, từ đó phân loại, khi cần có thể tổng hợp và xử lý rồi tạo ra sản phẩm theo yêu cầu người sử dụng. Trong quá trình học sâu, AI cũng tự hoàn thiện hơn sau mỗi lần tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của người sử dụng. Sau một thời gian công cụ AI hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm tương đương con người.

Dẫn chứng cho điều này là vào năm 2022, bức tranh Théâtre D'opéra Spatial (tạm dịch: Không gian Nhà hát Thính phòng) được tạo ra nhờ công cụ AI có tên Midjourney đã giúp tác giả Jason Allen đoạt giải nhất hạng mục tranh kỹ thuật số tại triển lãm bang Colorado (Mỹ). Ban giám khảo với nhiều chuyên gia hàng đầu về hội hoạ đã không phát hiện bức tranh được thực hiện nhờ công cụ AI.

Với lĩnh vực báo chí và truyền thông, không ít chuyên gia khẳng định rằng, trái với lo lắng của nhiều người, công nghệ AI chẳng những không "cướp đi" việc làm của nhà báo mà ngược lại đang dần trở thành trợ thủ đắc lực. Mattia Peretti, cựu Giám đốc chương trình JournalismAI của Đại học Khoa học chính trị và Kinh tế London (Anh) từng khẳng định rằng dù AI dần tiến bộ nhưng sẽ không đánh cắp công việc của các nhà báo. Trong bài phân tích cho Mạng lưới báo chí điều tra toàn cầu, ông Mattia Peretti cho rằng: “AI chưa đủ thông minh để thay thế nhà báo. Công cụ này sẽ đóng nhiều vai trò khác nhau để hỗ trợ một nhà báo song còn lâu nữa mới có khả năng thay thế họ”.

Thực tiễn hiện nay cũng chứng minh nhận định này của ông Mattia Peretti. Với một hoặc một vài công cụ AI, một phóng viên có thể tạo ra lượng sản phẩm báo chí tương đương với một nhóm người nếu thực hiện theo quy trình truyền thống. Không những thế, các công cụ AI còn giúp phân tích nhu cầu người dùng thông qua xu hướng tìm kiếm thông tin hoặc lượng người đọc trên các sản phẩm báo chí. Kết quả phân tích này đã và đang được nhiều cơ quan báo chí trên thế giới sử dụng để từ đó định hướng nội dung nhằm thu hút và phục vụ độc giả tốt hơn.

Trong buổi tọa đàm mang tên “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong truyền thông" do Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức vào tháng 6/2024, Phó Tổng biên tập Báo Điện tử VietnamPlus - ông Nguyễn Hoàng Nhật chia sẻ rằng, báo chí hiện nay cũng đang lấy độc giả làm trung tâm, do vậy, đích đến cuối cùng của báo chí là hiểu độc giả muốn gì. Trước đây, muốn làm điều này thì rất khó, tuy nhiên nhờ công cụ AI phân tích dữ liệu độc giả, chúng ta có thể biết được nhu cầu thực sự của độc giả là gì để xác định đề tài mình cần làm.

Ông Nguyễn Hoàng Nhật cho rằng, việc các phóng viên nhà báo biết sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ thì sẽ thực hiện tác nghiệp thuận lợi hơn, tiết kiệm được nguồn lực, thời gian. Đối với các cơ quan báo chí, tuy không thể dự báo xa nhưng trong ngắn hạn, AI không lấy đi công việc mà thậm chí còn giúp ích cho các nhà báo. Chính vì thế, ông Nhật khẳng định rằng, các nhà báo nên tìm cách sử dụng thay vì chối bỏ công nghệ AI.

DB40- Làm thế nào để ứng dụng AI hiệu quả trong lĩnh vực báo chí – truyền thông? -0
Anh Nguyễn Công Cường trong một buổi chia sẻ về AI tại Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội).

Dẫu vậy sử dụng công nghệ AI cũng đòi hỏi người dùng phải có một số kỹ năng và kiến thức nhất định. Bởi tuy là một công cụ hữu ích và có khả năng hoàn thiện theo thời gian nhưng các sản phẩm do AI tạo ra vẫn cần sự kiểm soát của con người. Giải thích về điều này, Giảng viên cao cấp tại Đại học RMIT Việt Nam - ông Đặng Phạm Thiên Duy cho hay, hiện nay nhiều nội dung AI cung cấp không chính xác, người sử dụng cần phải kiểm chứng lại để đảm bảo tính chính xác của thông tin. Ngoài ra, những bài viết do AI tạo ra thường không được Google thu thập, dẫn đến hạn chế lượng truy cập của sản phẩm.

Một số chuyên gia cũng khẳng định, hiện chưa phổ biến các công cụ kiểm chứng tính xác thực thông tin AI đưa ra. Trong khi đó, cũng không có nhiều công cụ phân biệt đâu là nội dung do con người làm, đâu là do AI tạo ra. Điều này đặt ra vấn đề quy tắc minh bạch trong báo chí và truyền thông về các sản phẩm do AI sáng tạo. Không chỉ có vậy, do chưa hoàn thiện, nhiều công cụ AI khi không hay biết về sự vật sự việc được hỏi có xu hướng bịa đặt ra kết quả sai lệch tới người dùng. Minh chứng cho nhận định này là việc vào năm 2023, Công ty OpenAI- đơn vị tạo ra công cụ AI nổi tiếng ChatGPT cũng từng cảnh báo về khả năng sản phẩm này đưa ra những thông tin sai lệch tới người sử dụng. "Các câu trả lời bạn nhận được nghe hợp lý và thậm chí có căn cứ, nhưng chúng có thể hoàn toàn sai", Công ty OpenAI viết trong thông báo về ChatGPT. Do vậy, nhiều chuyên gia khẳng định, các nhà báo cần trau dồi kỹ năng để có thể kiểm soát các sản phẩm do công cụ AI tạo ra nếu sử dụng chúng trong quá trình tác nghiệp.

Một điểm khác cũng cần lưu ý rằng, hiện Việt Nam chưa có công cụ pháp lý cụ thể trong việc sử dụng AI. Hầu hết bộ quy tắc sử dụng công cụ AI của các cơ quan báo chí Việt Nam đều là tham khảo báo chí nước ngoài. Thậm chí, nhiều cơ quan báo chí chưa có bộ quy tắc sử dụng AI chi tiết. Do đó khi sử dụng các sản phẩm do AI tạo ra trong sản phẩm báo chí thì tác giả sẽ là người chịu trách nhiệm chính trước pháp luật về nội dung.

Từ những điều trên có thể khẳng định AI là một công cụ giúp giải phóng sức lao động của con người trong thời đại 4.0 tương tự như máy móc đã làm cách đây vài trăm năm với thời đại cách mạng công nghiệp. Sử dụng AI đang dần trở thành một xu hướng trong nhiều lĩnh vực của đời sống và báo chí-truyền thông cũng không phải là ngoại lệ. Dẫu vậy cũng như nhiều công cụ khác, AI cũng đòi hỏi người sử dụng có kiến thức và kỹ năng nhất định nếu muốn phát huy hết khả năng của nó. Dù AI đã và đang dần có những khả năng vượt trội, nhưng con người và đặc biệt là các nhà báo không nên “sợ hãi” và cũng không nên chối bỏ hay thần thánh hoá công nghệ này.

Minh Anh – Phong Sơn
.
.
.